Bảng xếp hạng 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam (Top 50) năm 2022 đánh dấu sự tăng trưởng vượt trội của những doanh nghiệp hàng đầu. Ảnh: Ảnh: Quý Hòa

 
Nguyễn Sơn Thứ Ba | 06/12/2022 09:00

Top 50 2022: Những kỷ lục bất ngờ

Bảng Xếp hạng 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam (Top 50) năm 2022 chứng kiến sự phân hóa rõ nét.

Bảng Xếp hạng 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam (Top 50) năm 2022 chứng kiến sự phân hóa rõ nét, trong đó ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội của những doanh nghiệp hàng đầu với những kết quả bất ngờ.

Đối diện cơn bão thách thức đến từ chuỗi cung ứng bị đứt đoạn, lạm phát trỗi dậy, tín dụng siết chặt..., nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn thích ứng và giảm kỳ vọng tăng trưởng. Tuy nhiên, số khác lại lựa chọn lội ngược dòng, kiên định với kế hoạch tăng trưởng quyết liệt. Bảng xếp hạng 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam (Top 50) năm 2022 đánh dấu sự tăng trưởng vượt trội của những doanh nghiệp hàng đầu, nhất là trên các lĩnh vực tiềm năng như bán lẻ, tài chính, bất động sản.

Ngôi sao sáng nhất Top 50 thuộc về lĩnh vực bán lẻ khi 2 thương hiệu nổi tiếng là Digiworld và Thế Giới Di Động xuất hiện trong Top 50. Ảnh: TL
Ngôi sao sáng nhất Top 50 thuộc về lĩnh vực bán lẻ khi 2 thương hiệu nổi tiếng là Digiworld và Thế Giới Di Động xuất hiện trong Top 50. Ảnh: TL

Bán lẻ, tài chính ghi dấu ấn

Ngôi sao sáng nhất năm qua thuộc về lĩnh vực bán lẻ khi 2 thương hiệu nổi tiếng là Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld) và Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động xuất hiện trong Top 50. Thậm chí, Digiworld còn đứng đầu bảng xếp hạng với sự xuất sắc từ tốc độ tăng trưởng doanh thu, hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu (ROE) đến dải tăng giá ấn tượng của cổ phiếu giao dịch trên thị trường.

 

Hãng bán lẻ theo mô hình B2B này hưởng lợi nhờ nhu cầu điện thoại thông minh và máy tính xách tay tăng mạnh khi nhu cầu làm việc từ xa và học tập tại nhà bùng nổ trong đại dịch. Hơn nữa, dù tình trạng thiếu chip trầm trọng nhưng Digiworld đã chủ động sớm có phương án đối phó khi đẩy thời gian đặt hàng trước 6 tháng.

Ngoài ra, bức tranh kinh tế đang dần tốt lên, người Việt không chỉ có nhu cầu sở hữu các sản phẩm công nghệ mới mà còn mong muốn nâng cấp thiết bị. Người tiêu dùng cũng sẵn lòng chi trả cao hơn để tận hưởng các sản phẩm có chất lượng tốt hơn. Những thương hiệu do công ty phân phối như Xiaomi, Huawei và Apple còn giành thêm thị phần tại Việt Nam. Năm 2021, Digiworld đạt doanh thu thuần hơn 20.900 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 655 tỉ đồng.

Trong khi đó, tại Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động,  dù gần 2.000 cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh phải tạm dừng hoạt động trong giai đoạn giãn cách, chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, nhân viên bị F0... nhưng lãnh đạo của Công ty đã nhanh nhạy đề ra các biện pháp thích ứng kịp thời.

  VIB tiến lên vị trí thứ 3 của Top 50 nhờ đẩy mạnh mảng bán lẻ. Ảnh: Quý Hòa.
VIB tiến lên vị trí thứ 3 của Top 50 nhờ đẩy mạnh mảng bán lẻ. Ảnh: Quý Hòa.

Kết quả là chuỗi Bách Hóa Xanh vẫn đảm bảo nguồn cung. Cao điểm tháng 7/2021 chứng kiến chuỗi phục vụ kỷ lục hơn 31.000 tấn hàng tươi sống cho người tiêu dùng, phục vụ hơn 72 triệu lượt khách trong bối cảnh đội ngũ nhân viên chỉ còn dưới 50%. Dự đoán đúng nhu cầu bật tăng khi kinh tế - xã hội dần mở cửa, Thế Giới Di Động đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp để tăng sản lượng nhập hàng. Nhờ đó, Công ty đã tạo ra kết quả kinh doanh kỷ lục trong quý IV, giúp gần như hoàn thành toàn bộ mục tiêu hoạt động cả năm.

 

Đặc biệt, sự ra đời của chuỗi TopZone là dấu mốc lớn trong bối cảnh mảng điện thoại đang dần bị bão hòa. TopZone là chuỗi cửa hàng ủy quyền của Apple cao cấp tại Việt Nam, được Công ty triển khai ngay trong tháng 10. Chuỗi cửa hàng này tập trung toàn bộ vào nhóm sản phẩm Apple, từ điện thoại iPhone cho đến Macbook cùng các phụ kiện chính hãng. Ngay từ khi hoạt động, chuỗi TopZone ghi nhận kết quả khá tích cực và kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng mới ở mảng công nghệ, bên cạnh mảng dược phẩm và thời trang mẹ bầu và em bé.

Tưởng chừng năm 2021 là vô cùng khó khăn cho ngành tài chính nhưng ngược lại, đây lại là năm thăng hoa hiếm thấy của cổ phiếu ngân hàng và nhất là chứng khoán khi hàng loạt kỷ lục được xác lập. Chỉ số VN-Index đạt mức cao kỷ lục khi vượt 1.500 điểm vào ngày 25/11/2021. Chứng khoán Việt Nam nằm trong nhóm thị trường mang lại suất sinh lời cao nhất trên thế giới (35,73%), theo sau là S&P 500 (24%) và chỉ số Sensex của Ấn Độ (19,5%). Giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 26.400 tỉ đồng/phiên, tăng 250% so với bình quân năm 2020. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới cũng đạt con số kỷ lục 1,5 triệu, tương ứng tăng 285%.

Hưởng lợi từ thị trường, các công ty chứng khoán trải qua một năm bùng nổ khi có tới 5 gương mặt lọt vào Top 50 lần này. Với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình 3 năm lên tới 61,3% và ROE trung bình 22,3%, VNDirect thậm chí leo lên giữ vị trí thứ 2 bảng xếp hạng. Đây cũng là công ty chứng khoán thứ 2 sau SSI đạt được giá trị vốn hóa tỉ USD.

Ngoài các gương mặt quen thuộc như Công ty Chứng khoán SSI, Bản Việt, HSC, bảng xếp hạng lần này còn ghi nhận sự xuất hiện lần đầu tiên của Công ty Chứng khoán Thiên Việt. Nhờ lợi nhuận năm đạt 517 tỉ đồng, giá cổ phiếu tăng gần 5x chỉ trong vòng một năm, Thiên Việt không những lọt vào Top 50 mà còn nắm giữ vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng. Các mảng kinh doanh nòng cốt mang lại lợi nhuận lớn gồm hoạt ngân hàng đầu tư, quản lý tài sản, kinh doanh nguồn vốn và khách hàng tổ chức.

 

Nhóm “cổ phiếu vua” tiếp tục có một năm khởi sắc và chiếm lĩnh bảng xếp hạng khi có tới 8 gương mặt gồm VIB, TPBank, MB, ACB, SHB, VPBank, Techcombank, Vietcombank. Tất cả đều là các doanh nghiệp tỉ USD, thậm chí Vietcombank là gương mặt giá trị nhất thị trường chứng khoán với quy mô vốn hóa 391.800 tỉ đồng.

Không thể không nhắc đến câu chuyện tăng trưởng thần kỳ của Techcombank khi là ngân hàng tư nhân đầu tiên chạm tới 23.200 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế và hơn 176.000 tỉ đồng giá trị vốn hóa. Chính sách lấy khách hàng là trọng tâm, hướng tới chuyển đổi kỹ thuật số, dữ liệu, đi cùng khung quản trị rủi ro chặt chẽ đã hậu thuẫn Techcombank trở thành ngân hàng có lợi nhuận, hiệu quả hoạt động hàng đầu ngành.

Trong khi đó, VIB nhảy lên vị trí thứ 3 của Top 50 nhờ đẩy mạnh mảng bán lẻ. Sau 5 năm thực hiện lộ trình chuyển đổi, ngân hàng này có tỉ trọng mảng bán lẻ lớn nhất hệ thống: gần 90% so với mức trung bình ngành là 40%. Nhờ đó, VIB chứng kiến lợi nhuận tăng trưởng gấp 30 lần trong giai đoạn này, quy mô tổng tài sản mở rộng gấp 11 lần. Nhiều năm liên tiếp, VIB chiếm vị trí số 1 thị phần trong các lĩnh vực kinh doanh trọng yếu như cho vay mua ô tô, bảo hiểm nhân thọ và thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất về cho vay mua nhà. Năm 2021, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 8.000 tỉ đồng, hệ số ROE hơn 30% và là mức cao nhất ngành.

Bất động sản là gương mặt nổi trội khác trong Top 50 kỳ này. Với chiến lược phát triển quyết liệt và bán sỉ dự án nhanh chóng để xoay dòng vốn hiệu quả, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt ghi nhận một năm kinh doanh hiệu quả với lợi nhuận trước thuế vượt kế hoạch năm, đạt 2.344 tỉ đồng. Giá trị vốn hóa thị trường liên tục vượt mốc 1 tỉ USD rồi 2 tỉ USD, đưa mã cổ phiếu PDR vào Top 3 công ty phát triển bất động sản có giá trị vốn hóa lớn nhất.

Là thương hiệu địa ốc lớn nhất Việt Nam, Vinhomes (mã VHM) là doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất họ bất động sản với giá trị 331.800 tỉ đồng. Năm 2021, Vinhomes đạt 85.000 tỉ đồng doanh thu thuần và 39.000 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 19% và 38% so với năm 2020 nhờ bàn giao phần lớn sản phẩm tại 3 đại dự án Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Grand Park.

Vinhomes đã ghi nhận hơn 6.000 nhân viên kinh doanh đăng ký sử dụng từ khi đi vào thử nghiệm vào tháng 5/2021. Ảnh: Quý Hòa
Vinhomes đã ghi nhận hơn 6.000 nhân viên kinh doanh đăng ký sử dụng từ khi đi vào thử nghiệm vào tháng 5/2021. Ảnh: Quý Hòa

Vinhomes còn là chủ đầu tư tiên phong trong phát triển mô hình kinh doanh O2O (Online-to-Offline). Hệ sinh thái mới hướng tới xây dựng bán mới - cho thuê - chuyển nhượng bất động sản khép kín, gồm có sàn thương mại điện tử Vinhomes Online, sàn thương mại điện tử chuyên cho thuê Vinhomes Leasing. Bên cạnh đó, ứng dụng trên điện thoại thông minh Vinhomes Sales Agent dành cho các đại lý phân phối của Vinhomes đã ghi nhận hơn 6.000 nhân viên kinh doanh đăng ký sử dụng từ khi đi vào thử nghiệm vào tháng 5/2021.

Trong năm vừa qua, Vingroup đã chào bán thành công 500 triệu USD trái phiếu có quyền chọn nhận cổ phiếu VHM: sự kiện khẳng định tiềm lực huy động vốn và uy tín trên thị trường tài chính quốc tế.

Từ bước chuyển đổi từ thương hiệu phát triển nhà ở có giá vừa túi tiền (affordable houses) lên trở thành tập đoàn bất động sản tích hợp, Nam Long chứng kiến tầm vóc và giá trị vốn hóa đạt cột mốc lịch sử. Doanh thu cả năm 2021 đạt gần 5.206 tỉ đồng, gấp 2,3 lần so với năm trước đó. Đây cũng là năm đầu tiên Nam Long đạt lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ hơn 1.000 tỉ đồng. Đặc biệt, cổ phiếu NLG của Nam Long cũng chính thức bước chân vào nhóm vốn hóa tỉ USD trên sàn chứng khoán với giá cổ phiếu tăng gấp đôi từ vùng giá hơn 30.000 lên đỉnh lịch sử 65.200 đồng vào tháng 12.

Dựa trên nền tảng đầu tư và kinh doanh được tích lũy phong phú nhiều năm qua, Nam Long đang tập trung vào mục tiêu trở thành nhà phát triển khu đô thị tích hợp phục vụ nhu cầu “sống - làm việc - vui chơi - mua sắm - giáo dục” thông qua triển khai đồng loạt các khu đô thị lớn Southgate, Mizuki, Izumi City, Akari, Nam Long - Cần Thơ, Nam Long Đại Phước. Tổng mục tiêu tổng doanh số trong 3 năm tới sẽ là 2 tỉ USD.

Bên cạnh các gương mặt mới mẻ, Top 50 lần này tiếp tục chứng kiến sự hiện diện của những cái tên kỳ cựu, là những người dẫn dầu trên sân chơi mà mình tham gia như Vinamilk ở mảng sữa, PNJ ở mảng bán lẻ vàng trang sức, Vicostone ở ngành vật liệu xây dựng, FPT ở mảng công nghệ, Masan ở thị trường thực phẩm và đồ uống. Danh sách những doanh nghiệp hàng đầu còn có: Thép Hòa Phát, Traphaco, Dược Hậu Giang, Thiên Long, Nhựa Bình Minh, Cáp điện Cadivi, Thủy sản Vĩnh Hoàn, Cơ điện lạnh REE...

Thận trọng con đường phía trước

Danh sách Top 50 năm nay ghi nhận số lượng trong Câu lạc bộ vốn hóa tỉ USD đạt kỷ lục: 22/50 doanh nghiệp. Vươn tới giá trị tỉ USD không chỉ là dấu son, niềm vui lớn cho các cổ đông mà còn chứng tỏ doanh nghiệp có sức đề kháng mạnh mẽ, sở hữu tiềm lực vững vàng để tiếp tục vị thế dẫn đầu trong một tương lai cạnh tranh và biến động. Đáng chú ý, nhiều gương mặt trong số này không có xuất thân từ doanh nghiệp nhà nước, chứng tỏ tiềm năng to lớn của khu vực tư nhân nếu được khai phá đúng mức.

Ngoài ra, Top 50 kỳ này cũng vinh danh 9 doanh nghiệp liên tục lọt vào bảng xếp hạng trong 10 năm và 11 năm, gồm FPT, Dược Hậu Giang, Vinamilk, Thép Hòa Phát, Nhựa Bình Minh, Thiên Long, Cơ điện lạnh REE, Viconship và Vingroup. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, việc liên tiếp lọt vào Top các công ty kinh doanh hiệu quả nhất hơn một thập kỷ là một kỳ tích, là thành tựu kết tinh từ cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, không ngừng đổi mới. Hầu hết trong số này đều là các gương mặt tiêu biểu, nắm giữ vị trí thống lĩnh trên lĩnh vực cốt lõi mà mình tham gia.

Bức tranh năm 2021 khép lại khá tươi sáng nhờ các quyết sách hỗ trợ của Chính phủ và khả năng lãnh đạo tài tình của các CEO. Nhưng bước sang năm 2022, câu chuyện lại diễn biến hoàn toàn khác. Hàng loạt sự kiện ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và Việt Nam, như xung đột ở Đông Âu, lạm phát trỗi dậy, thiếu hụt xăng dầu, chính sách điều hành tiền tệ có tính diều hâu tại Mỹ, các thành phố lớn ở Trung Quốc tiếp tục phong tỏa vì dịch bệnh... Trong nước, xu hướng Ngân hàng Nhà nước siết chặt tăng trưởng tín dụng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng băng càng gây sức ép cho doanh nghiệp.

 

Hầu hết các ngành nghề đều đối mặt với nguy cơ khốn khó, từ bất động sản, chứng khoán đến thép, da giày, dệt may. Chỉ số VN-Index giảm hơn 30% từ đầu năm đến nay là một tín hiệu cảnh báo về triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp trong các năm tới. Ví dụ, các công ty sản xuất thép niêm yết đã ghi nhận khoản lỗ xấp xỉ 4.500 tỉ đồng trong quý III do chi phí hàng tồn kho cao, giá bán thấp và lỗ tỉ giá tăng. Hay lợi nhuận ròng các công ty chứng khoán đã sụt giảm mạnh 68,1% do thanh khoản thị trường chứng khoán giảm sâu. Suy giảm kinh tế, lạm phát tăng cao tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam khiến các doanh nghiệp xuất khẩu khó khăn trong việc lập kế hoạch kinh doanh cho năm 2023.

Theo đó, kết quả kinh doanh trong nhiều lĩnh vực cũng được dự báo có xáo trộn. Chẳng hạn, năm 2023 sẽ là giai đoạn rất chật vật và lợi nhuận của ngành bất động sản có thể sẽ chạm đáy vì danh mục dự án không còn dồi dào và lượng bán hàng sụt giảm liên tiếp trong 2 năm qua. Trong khi đó, 3 công ty lớn trong ngành thép gồm Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG) và Thép Nam Kim (NKG) được SSI Research dự phóng lợi nhuận hồi phục trong năm 2023. Các ngân hàng có thể ghi nhận lợi nhuận trước thuế là 231.000 tỉ đồng (tăng 10% so với năm 2022, thấp hơn mức dự báo tăng 17% so với báo cáo trước của SSI Research). Các ngân hàng được dự báo có tăng trưởng lợi nhuận cao nhất bao gồm 3 ngân hàng quốc doanh, Sacombank và ACB...

Trong điều kiện kinh doanh khắc nghiệt đó, bảng xếp hạng Top 50 năm sau có thể sẽ chứng kiến nhiều thay đổi đáng kể. Các doanh nghiệp đứng trước áp lực tái cấu trúc mạnh mẽ, thậm chí có phần đau đớn. Tinh giản bộ máy, cải thiện năng lực thích ứng với biến động ngày càng khó lường, nâng cấp bộ đệm tài chính và áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản trị điều hành sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp vượt bão thành công. Bên cạnh đó, đây là cũng là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp đầu tư sản xuất theo mô hình xanh hóa, ESG, đón đầu thị trường trong và ngoài nước ngày càng chú trọng các tiêu chuẩn phát triển bền vững.

Các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức khoảng 2% trong năm 2023, giảm đáng kể so với năm nay và thấp hơn nhiều với mức bình quân 3,3% của thập kỷ trước đại dịch. Tuy nhiên, vượt qua các thách thức ngắn hạn, Việt Nam trong tương lai được đánh giá vẫn là điểm nóng tăng trưởng tại châu Á. Theo dự báo của World Bank, Việt Nam được dự đoán sẽ dẫn đầu ASEAN-5 với mức tăng trưởng năm nay là 7,2% và 6,7% năm 2023. Động lực cho tăng trưởng này là nhờ thương mại tiếp tục mở rộng, sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của lĩnh vực sản xuất chế tạo, nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ, giao thương trong nước sôi động trở lại và giải ngân vốn đầu tư công.