Những thay đổi ở Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên cho thấy bước chuyển biến trong đầu tư bệnh viện.
Tiền vẫn đổ vào bệnh viện tư
Ngày 6.1.2021, 41,5 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đã chính thức giao dịch trên sàn TP.HCM (HOSE) với mã TNH. Đây là sự kiện đáng chú ý vì lần đầu tiên, một bệnh viện tham gia niêm yết trên sàn. Trước đó, Bệnh viện Giao Thông Vận Tải, Bệnh viện Tim Tâm Đức cũng đã lên sàn, nhưng chỉ mới dừng ở giao dịch tại UPCoM và OTC. Những thay đổi ở Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên cho thấy bước chuyển biến trong đầu tư bệnh viện.
Những bệnh viện 5 sao ngàn tỉ
Bệnh viện FV do bác sĩ Jean-Marcel Guillon và nhóm bác sĩ người Pháp lập năm 2003 tiên phong mang dịch vụ y tế chuẩn quốc tế vào Việt Nam và trở thành nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn diện. Dịch vụ tại FV cũng đặt ra tiêu chuẩn mới cho dịch vụ 5 sao tại bệnh viện ở Việt Nam. Với sự hợp tác cùng nhà đầu tư Quadria Capital, hai bên bỏ ra khoảng 10 triệu USD xây phòng khám đa khoa mới, nâng cấp trang thiết bị, mời bác sĩ, chuyên gia đầu ngành về làm việc.
FV theo đuổi khoản đầu tư hàng chục triệu USD khi nhìn thấy xu hướng người dân Việt Nam chi tiêu ngày càng nhiều hơn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Thực tế cho thấy tầm nhìn của FV rất rõ ràng và mở ra cuộc đua đầu tư lớn trong hệ thống bệnh viện tư. Việt Nam là quốc gia đông dân, xấp xỉ 98 triệu dân và sẽ tiến đến mốc 100 triệu trong vài năm tới. Đến nay, ước tính cả nước có tổng cộng 1.531 bệnh viện. Trong đó, hơn 80% là bệnh viện công, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.
Đáng chú ý, theo Bộ Y tế, có 231 bệnh viện tư nhân với khoảng 16.000 giường bệnh và trên 35.000 phòng khám tư nhân xuất hiện khắp cả nước. Các bệnh viện tư nhân đã và đang đầu tư nguồn lực rất lớn, từ gia tăng quy mô, đầu tư trang thiết bị, máy móc kỹ thuật hiện đại cho đến thu hút nhân lực chất lượng cao. Đơn cử, sau khi nhận vốn ngoại, đến nay Bệnh viện Hoàn Mỹ, bệnh viện tư nhân lâu đời nhất Việt Nam (từ năm 1999), đã phát triển thành 15 bệnh viện và 7 phòng khám. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec của Vingroup hiện là bệnh viện khách sạn 5 sao quốc tế hàng đầu tại Việt Nam. Ngoài ra, một loạt bệnh viện tư nhân khác cũng tạo được tiếng tăm như Bệnh viện Hồng Ngọc, Bệnh viện Tim Tâm Đức, Hòa Hảo Medic, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc…
Tuy nhiên, với thực tiễn dân số Việt Nam ngày càng đông và già hóa, đây là những con số khiêm tốn. Theo Bộ Y tế, tình trạng thiếu hụt về các dịch vụ chăm sóc y tế vẫn diễn ra. Số giường bệnh/dân số của Việt Nam năm 2019 chỉ vào khoảng 31,2 giường/10.000 dân, còn rất thấp so với các nước phát triển trong khu vực như Hàn Quốc 103 giường/10.000 dân, Trung Quốc 42 giường/10.000 dân. Vì thế, bất chấp sự hiện diện của nhiều tên tuổi lớn, dòng vốn đầu tư vẫn tiếp tục đổ vào lĩnh vực bệnh viện.
Theo các chuyên gia y tế, có 5 yếu tố quan trọng khiến ngành y tế Việt Nam thu hút các nhà đầu tư. Đó là câu chuyện nhân khẩu, tăng trưởng kinh tế, lối sống thay đổi, mô hình chăm sóc sức khỏe và nhu cầu bảo hiểm y tế. Năm 2020 thị trường ghi nhận những thương vụ đầu tư bệnh viện mới. Tháng 7.2020 Bệnh viện Sản Nhi TWG Long An quy mô 500 giường do Tập đoàn Thế Giới Kỹ Thuật (TWG) đầu tư đã đi vào hoạt động.
Dự án Bệnh viện Vạn Phúc - Sài Gòn (quận Thủ Đức), Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Phía Tây (quận Tân Phú) cũng đã khởi công vào cuối tháng 5.2020. “Sức ép bệnh nhân đổ về các thành phố lớn khiến hệ thống y tế luôn trong tình trạng quá tải. Đây là nguyên nhân đầu tiên khiến tôi quyết định tham gia vào xây dựng, đầu tư những công trình y tế chất lượng”, ông Lê Cao Minh, Tổng Giám đốc Tập đoàn TWG, cho biết lý do lấn sân sang mảng y tế.
Năm 2019 hệ thống Vinmec ghi nhận tăng 22% số lượt bệnh nhân khám nội trú và ngoại trú. |
Đáng chú ý, tháng 8.2020 Quỹ đầu tư Vietnam Opportunity (VOF), một liên doanh do VinaCapital là nhà đầu tư chính, đã chính thức đầu tư 26,7 triệu USD vào Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc. Đây không phải là lần đầu tiên quỹ này rót vốn vào lĩnh vực dịch vụ y tế. Năm 2016 VOF cũng đã đầu tư vào bệnh viện Thái Hòa và Y khoa Tâm Trí (có các bệnh viện ở miền Trung) sau khi rút vốn khỏi Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ. “Khi tầng lớp trung lưu tại Việt Nam mở rộng, người dân càng có nhu cầu tìm kiếm các dịch vụ y tế tư nhân để giảm tải cho dịch vụ y tế công”, ông Andy Ho, Trưởng Bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital, cho biết.
VinaCapital đã thoái vốn ra khỏi vài dự án để tập trung vào các khoản đầu tư tiềm năng hơn, nhất là những dự án đầu tư bệnh viện khi các cơ sở y tế tư nhân ngày càng phát triển.
Chẳng hạn, năm ngoái Hoàn Mỹ đã khám chữa bệnh ngoại trú cho hơn 3,8 triệu lượt bệnh nhân. Hệ thống bệnh viện này được định giá khoảng 300 triệu USD, tăng mạnh so với mức 100 triệu USD vào thời điểm VinaCapital và nhà sáng lập chuyển nhượng vốn cho Fortis Healthcare (2011).
Riêng Vinmec hiện phát triển lên 7 bệnh viện đa khoa quốc tế, 6 phòng khám quốc tế. Vinmec cũng đang triển khai 3 dự án mới là Vinmec Cần Thơ, Vinmec Ocean Park và Vinmec Smart City (Hà Nội). Còn Y khoa Tâm Trí đã mở rộng thành chuỗi 4 bệnh viện tư nhân tại Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM và Đồng Tháp. Công ty đạt tăng trưởng trên 30%/năm và trở thành một lựa chọn tốt ngoài hệ thống y tế công, có thể thay thế cho việc khám chữa bệnh ở nước ngoài.
Theo Bộ Y tế, hằng năm người Việt chi trên 2 tỉ USD cho việc khám chữa bệnh ở nước ngoài. Đây chính là cơ hội lớn cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao ở Việt Nam và cũng là động lực khiến các quỹ đầu tư tìm cách rót vốn vào y tế. Trong tương lai, Công ty Nghiên cứu thị trường Fitch Solutions, tiềm năng y tế Việt Nam còn được nhìn thấy qua dự báo chi tiêu cho y tế vào năm 2022 sẽ đạt 23 tỉ USD, tương đương mức tăng trưởng kép (CAGR) hằng năm khoảng 10,7%. Còn theo Business Monitor International, tiền chi cho sức khỏe tại Việt Nam ước tăng lên khoảng 22,7 tỉ USD năm 2021, khi người dân ý thức hơn về chăm sóc sức khoẻ.
Việt Nam cũng có những cách thức để khuyến khích đầu tư y tế, thông qua các dự án hợp tác công tư (PPP). Hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ mở thêm cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là châu Âu tham gia vào thị trường y tế Việt Nam.
Bài toán đầu tư đặc thù
Dù có nhiều triển vọng nhưng bệnh viện là lĩnh vực rất đặc thù và không phải luôn mật ngọt. Sau hơn 2 năm hoạt động, Bệnh viện Quốc tế Ipak (quận 2) chính thức đóng cửa. Ở thời điểm đó, bác sĩ Mai Tiến Dũng, Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Ipak thừa nhận việc đóng cửa bệnh viện là do không đảm bảo được tiềm lực tài chính. “Có 2 tập đoàn được mời vào đầu tư tiếp nhưng mọi chuyện diễn ra không như mong đợi”. Trước đó, tại TP.HCM, hàng loạt bệnh viện tư khác như Bệnh viện Phúc An Khang cũng đóng cửa hay Bệnh viện Phú Thọ, Bệnh viện Vũ Anh (sau đổi tên thành Anh Minh) đã phải rao bán hoặc cầm cự qua ngày với lý do tương tự.
“Bệnh viện Hoàn Mỹ cũng có thời kỳ suýt phá sản do xung khắc về tài chính”, ông Nguyễn Hữu Tùng, nhà sáng lập chuỗi Hoàn Mỹ và Tâm Trí, từng thổ lộ. Hoàn Mỹ từng đứng trước bài toán, hoặc là để ngân hàng quản lý tài sản và trở thành người làm thuê, hai là nhượng quyền thương hiệu cho đối tác khác khi phải đối mặt với khoản lãi suất cao ngất ngưởng (trên 22%/năm). Hoàn Mỹ đã chọn cách thứ 2 với kỳ vọng tìm được nhà đầu tư có tiềm lực và tâm đắc với thị trường để cùng mở chuỗi y tế điều trị.
Tuy nhiên, đầu tư mở chuỗi bệnh viện đòi hỏi vốn lớn, cần những cái bắt tay hợp tác. Điển hình, trong dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức, thời gian xây dựng gần 2 năm và cần vốn đầu tư lên tới 1.200 tỉ đồng. Phú Thọ Group đã kết hợp với Hoàn Mỹ để cùng triển khai dự án này. Trước đó, Phú Thọ Group cũng tham gia mở chuỗi bệnh viện y tế tư nhân như Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinh, Bệnh viện Mắt Quốc tế Hoàn Mỹ Sài Gòn.
Mở chuỗi là một cách để các bệnh viện tư nhân có được nhiều khách hàng hơn. Theo các chuyên gia, so với phòng khám, mô hình bệnh viện cũng tạo nhiều cơ hội do có nhiều dịch vụ, vừa khám bệnh, vừa điều trị nội trú và có thể phục vụ được nhiều người nhất. Cách thức này giúp quản lý chi phí tốt hơn, nhất là khấu hao máy móc. Theo tính toán của Đại học New Odense (Đan Mạch), hệ thống bệnh viện theo mô hình chuỗi cung ứng hàng hóa trong bệnh viện “Hospital Logistics” cũng có thể tiết kiệm đến 40% kinh phí hoạt động của bệnh viện.
Kết quả, các bệnh viện đều đã ghi nhận tăng trưởng dương trong những năm gần đây. Chẳng hạn, năm 2019 hệ thống Vinmec ghi nhận tăng 22% số lượt bệnh nhân khám nội trú và ngoại trú, đưa tổng doanh thu của Vinmec lên mức 3.025 tỉ đồng, tăng 15% so với năm 2018.
Kết quả kinh doanh của Bệnh viện Thu Cúc cũng đã gấp đôi chỉ sau 2 năm, đạt 660 tỉ đồng doanh thu và 60 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Về phía Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên, dù mới rục rịch lên sàn nhưng sau hơn 6 năm thành lập, đã đạt quy mô gần 2.000 giường và trong tình trạng quá tải. Bởi Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đã ký hợp đồng với Sam Sung Thái Nguyên, nhà máy lớn nhất châu Á của Tập đoàn Samsung có quy mô hơn 180.000 công nhân và cán bộ trong khu công nghiệp. Đây được xem là nguồn thu lớn cho Bệnh viện.
Các công trình nghiên cứu trên thế giới cho thấy, y tế tư nhân đang thu hút một lượng đáng kể người dân đến khám chữa bệnh. Chẳng hạn, theo khảo sát của World Bank, thực hiện ở 22 quốc gia thu nhập thấp và trung bình, tại 19 quốc gia, cả gia đình giàu và nghèo đều nhận được sự chăm sóc y tế từ khu vực tư nhân nhiều hơn khu vực công. Tại Việt Nam, khu vực tư nhân cung cấp 43% lượt khám và chữa bệnh ngoại trú.
Người dân bắt đầu thích đến các cơ sở y tế tư nhân vì chất lượng dịch vụ tốt hơn. Đến khám ở bệnh viên tư nhân thường đỡ mất thời gian chờ đợi, giờ mở cửa dài hơn hoặc linh hoạt hơn. Nhân viên tiếp đón niềm nở, sốt sắng hơn. Đây cũng là những lợi thế cạnh tranh của bệnh viện tư nhân. Chưa kể, ông Lê Cao Minh, Tập đoàn TWG, cho biết: “Ngay từ giai đoạn đầu dự án, chúng tôi chú trọng hợp tác với các tổ chức y tế quốc tế uy tín như AP-HP (Pháp, tư vấn thiết kế,) Oncocare (Singapore, quản lý vận hành bệnh viện), Metran (Nhật, điều trị ung thư) và ông Trần Ngọc Phúc, chuyên sản xuất máy trợ thở, nhằm tối ưu hệ thống trang thiết bị trong chẩn đoán và điều trị”.
Số hóa cũng đang là xu hướng ở các bệnh viện tư nhân. Sau khi đón nhận các chủ mới (Fortis, sau đó là Richard Chandler từ năm 2013), cùng với mở rộng quy mô, tháng 8.2020 chuỗi bệnh viện Hoàn Mỹ còn tiến tới mô hình bệnh viện thông minh không giấy tờ khi bắt tay với FPT để chuyển đổi số, triển khai Hệ thống quản lý bệnh viện thông minh (ứng dụng phần mềm FPT.eHospital 2.0), Hệ thống bệnh án điện tử thông minh (ứng dụng FPT.EMR) và lưu trữ dữ liệu trên nền tảng FPT Hi Gio Cloud.
Thiết bị chụp cắt lớp vi tính (CT) Ingenuity Elite 128 lát cắt của hãng Philips tại Bệnh viện Sản Nhi TWG Long An. |
Theo một báo cáo của YCP Solidiance, các bệnh viện tư nhân hiện có hệ thống quản lý y tế tương đối tiên tiến, hiện đại so với các bệnh viện công. Sắp tới, cơ hội để các bệnh viện đẩy mạnh số hóa còn rộng mở khi Bộ Y tế cũng đã ban hành quyết định phê duyệt đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025. Theo Đề án, trước mắt sẽ có 24 bệnh viện tuyến trên tham gia vào mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa. Rõ ràng, đã có những dịch chuyển theo xu hướng thị trường của khu vực y tế tư nhân. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến nghị các quốc gia nên tăng phạm vi cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của khu vực tư nhân. Hiện tại, ở châu Mỹ Latinh và châu Á, y tế tư nhân chiếm khoảng 20-30%. Tỉ lệ này ở Anh là 10%, Thái Lan 24%, Ấn Độ 93%. Ở Việt Nam thì rất khiêm tốn, chỉ 5,4%.
Theo khảo sát của Đại học Y khoa Anh và Mỹ, về mặt chuyên môn, y tế công có tỉ lệ điều trị bệnh thành công cao hơn khu vực tư nhân. Ví dụ ở Pakistan, người đến bệnh viện công chữa bệnh lao thành công cao hơn 85% so với đến khu vực tư nhân. Ông Dilshaad Ali, cố vấn cao cấp của Công ty DG Medical Việt Nam, cho rằng, dù khu vực y tế tư nhân chịu áp lực về doanh số nhưng chất lượng khám chữa bệnh phải luôn là yếu tố hàng đầu trong mọi tình huống.
Nhận thấy mô hình 5S (theo tiếng Việt được hiểu là Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ, Săn sóc, Sẵn sàng) được triển khai tại nhiều doanh nghiệp thế giới, đem lại hiệu quả lớn, nhiều bệnh viện như Bệnh viện FV, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu và ngay cả bệnh viện công như Từ Dũ, Trưng Vương... đã áp dụng mô hình này.
Các bệnh viện tư nhân cũng ý thức được rằng, muốn phát triển bền vững, chuyên môn tốt là chìa khóa quan trọng. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất cho các bệnh viện tư nhân là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Báo cáo của Bộ Y tế từng xác nhận, chất lượng đào tạo nhân lực ngành y Việt Nam còn nhiều hạn chế. Các bệnh viện tư đã tìm cách thu hút nhân tài bằng chính sách đãi ngộ lương thưởng hấp dẫn. Chính điều này dễ đẩy chi phí ở các bệnh viện tư lên cao, làm giảm sức cạnh tranh trước bệnh viện công. Bệnh viện tư cũng gặp các khó khăn về giá thuốc biến động. Theo World Bank, ở một số quốc gia, mức chênh lệch có khi lên tới 200%.
Với những thách thức này, lĩnh vực bệnh viện tư nhân luôn được giới đầu tư nhìn nhận là khó khăn. Dù vậy, ông Dilshaad Ali tin tưởng: “Khi chuyên môn tốt đồng nghĩa bệnh nhân đến đông, kết quả kinh doanh vẫn đảm bảo”.