Tiền trong nghịch cảnh
Chưa bao giờ dòng tiền đầu tư, nhất là dòng tiền của cá nhân lại sôi động như hiện nay. Chỉ tính riêng trên thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index công phá ngưỡng 1.500 điểm và đạt mức cao nhất mọi thời đại. Cùng đó, những kỷ lục về giá trị giao dịch liên tục bị phá vỡ. Gần đây nhất, trong phiên 19/11, thị trường đã chạm đến mức giao dịch gần 56.000 tỉ đồng, tức gần 2,5 tỉ USD.
Tính trung bình, thị trường đang giao dịch ở mức trên 40.000 tỉ đồng/phiên. Chỉ trong 10 tháng năm 2021, hơn 1 triệu tài khoản mở mới. Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), con số này bùng nổ và cao hơn tổng tài khoản cá nhân mở mới trong 4 năm trước cộng lại. Đây là những con số mà từ năm ngoái, dù lạc quan đến đâu, các chuyên gia cũng khó dự đoán chính xác. Thậm chí, trong bối cảnh nền kinh tế đang phải chống chọi với dịch bệnh thì sự sôi động này tạo nên “nghịch cảnh”.
Đáng chú ý, như ông Trần Vinh Quang, Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Thiên Việt (TVAM), quan sát thấy, nhiều tài khoản được mở ở các tỉnh, thành xa. Báo cáo của các công ty chứng khoán còn chỉ ra, 2/3 tài khoản F0 (nhà đầu tư mới tham gia lần đầu) là từ giới trẻ, những người trong độ tuổi 20-30, có thu nhập ổn định, có nền tảng kiến thức và đang tìm cách kiếm lời từ thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, chính sức nóng của thị trường chứng khoán và bất động sản trong phân khúc đất nền, căn hộ… đã làm cho việc đầu tư dễ gặp rủi ro hơn. Có cách nào để nhà đầu tư kiểm soát rủi ro, tìm được danh mục phù hợp và chiến thắng thị trường? Các chuyên gia trong Hội thảo Đầu tư và Tài chính với chủ đề “Tiền trong nghịch cảnh” do Tạp chí NCĐT tổ chức ngày 25/11 đã gợi ý nhiều thông tin cho câu trả lời này.
Chứng khoán: Cơ hội chưa bao giờ hết
Trước hết, như khẳng định của các chuyên gia tại Hội thảo, dù có thể có những điều chỉnh lên xuống nhưng xu hướng đầu tư chứng khoán là không thể đi ngược. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Dragon Capital, tin rằng, nếu không hứng chịu những cú sốc vĩ mô lớn, số lượng mở mới tài khoản có thể duy trì trên mức 80.000-100.000 tài khoản/ tháng trong 5 năm tới.
Cơ sở để ông Lê Anh Tuấn đưa ra nhận định này là nhà đầu tư hiện nay đã có thể tiếp cận và mở tài khoản dễ dàng nhờ eKYC (định danh khách hàng điện tử). Quan trọng hơn, với sự tăng trưởng thu nhập của người dân đã vào khoảng 5.200 USD/năm thì nhu cầu đầu tư chứng khoán sẽ càng tăng. Ở các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông, Nhật, Hàn Quốc, khi GDP bình quân đầu người đạt trên mức 5.000-6.000 USD/năm, nhu cầu về đầu tư tài chính đã tăng lên rất nhiều. “Về phía cung, số lượng các công ty niêm yết có chất lượng tốt là không hiếm, lượng hàng hóa cho nhà đầu tư lựa chọn hiện tại đã dồi dào và chất lượng hơn. Đây là yếu tố thu hút dòng tiền ở lại với thị trường”, ông Tuấn nhận định.
Đại diện của Dragon Capital cũng tin tưởng, khi tăng trưởng GDP và lạm phát Việt Nam ở mức trung bình 10%/năm, chứng khoán là kênh sinh lợi tốt nhất.
Bởi thị trường chứng khoán là nơi đại diện cho những doanh nghiệp tốt nhất của nền kinh tế và hoàn toàn có thể tăng trưởng lợi nhuận 13-15%/năm. Vì vậy, nếu nhà đầu tư có thể nắm giữ trong 10 năm, thì hiệu suất đầu tư kỳ vọng tương ứng có thể ở mức 13-15%/năm.
Tuy nhiên, cho dù thị trường chứng khoán có tăng trưởng tốt, theo thống kê chung, đa phần nhà đầu tư đều thua lỗ hoặc có mức sinh lợi kém. Để đầu tư có kết quả tốt, ông Trần Vinh Quang cho rằng, quan trọng là giữ sự bình thản. “Dù chúng ta có thông minh tới đâu, khi ra quyết định, cảm xúc cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn. Do đó, thay vì cố gắng thông minh, chúng ta nên cố gắng bình thản”, ông Quang nói.
Chỉ số VN-Index đang thử thách ngưỡng 1.500 điểm, giúp giới đầu tư tự tin hơn. Ảnh: Quý Hoà |
Đầu tư bình thản là nỗ lực ra quyết định vào thời điểm cảm xúc của nhà đầu tư đạt trạng thái bình ổn nhất. Sau khi quan sát và đợi cảm xúc qua đi, đó chính là thời điểm tuyệt vời để nhà đầu tư ra các quyết định quan trọng. “Trong trạng thái bình thản, nhà đầu tư nên dành khoảng 5-10 tiếng suy nghĩ trước khi ra quyết định đầu tư. Nếu chưa bình thản, tốt nhất nhà đầu tư nên tạm dừng các suy nghĩ”, ông Quang lưu ý.
Dưới một lăng kính khác, ông Tuấn cho rằng đầu tư thông minh nên là việc hiểu rõ bản thân và cá tính của bản thân trước, sau đó đi tìm phương pháp đầu tư phù hợp nhất với cá tính đó. Ông Tuấn cũng đưa ra 4 tiêu chí để lựa chọn cổ phiếu tiềm năng bao gồm: (1) Quản trị công ty (Corporate Governance) minh bạch, hiệu quả; (2) Khả năng tăng trưởng của công ty; (3) Dấu hiệu dòng tiền chảy vào cổ phiếu và (4) Định giá hấp dẫn.
Các nhà đầu tư cá nhân cũng có thể tham khảo danh sách cổ phiếu được công ty chứng khoán hoặc quỹ đầu tư khuyến nghị vì các tổ chức này chuyên nghiệp và có nghiên cứu phân tích kỹ lưỡng. Trong trường hợp nhà đầu tư không có thời gian cho nghiên cứu, tìm hiểu về thị trường chứng khoán mà vẫn muốn kiếm tiền từ chứng khoán thì đầu tư vào chứng chỉ quỹ là một lựa chọn. Nếu nhà đầu tư muốn tăng hiệu quả hơn nữa, theo ông Quang, “nhà đầu tư có thể đầu tư chậm lại ở thời điểm thị trường tăng nóng và đầu tư nhiều tiền hơn lúc thị trường giảm. Đây là lợi thế đặc biệt của nhà đầu tư cá nhân so với các quỹ lớn khi hầu hết các quỹ đầu tư đều bị áp lực giải ngân toàn bộ vốn”.
Đồng quan điểm, ông Tuấn cho rằng hiện nay việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ đã trở nên vô cùng dễ dàng với sự phát triển của ứng dụng công nghệ. Nhà đầu tư cũng nên cân nhắc đầu tư vào các quỹ trái phiếu thay cho gửi tiết kiệm, bởi hiệu suất trung bình có thể đạt 8-9%/năm, ngoài ra còn có thể linh hoạt rút tiền bất cứ lúc nào.
Nhìn về năm 2022, trong kịch bản cơ sở, đại diện của Dragon Capital cho rằng khủng hoảng sẽ khó xảy ra trong năm sau. Theo ước tính của Dragon Capital, 60 doanh nghiệp hàng đầu có thể tăng trưởng 20-25% trong năm 2022, giúp đẩy định giá P/E xuống 13,5 lần, thấp hơn mức bình quân 6 năm vừa qua là 16 lần.
Đối với lạm phát, vị chuyên gia này cho rằng chúng ta đã vượt qua thời điểm tệ nhất của lạm phát. Nhưng nếu chẳng may lạm phát xảy ra, tất cả các kênh tài sản như chứng khoán, bất động sản... đều sẽ gặp nguy hiểm.
Tuy vậy, ông Tuấn cho rằng nhà đầu tư cá nhân không nên quá tập trung vào chu kỳ kinh tế, mà nên tập trung lựa chọn các doanh nghiệp có ROE 20-30%, định giá P/E 8-10 lần, ban quản trị minh bạch. Sau đó thiết lập kế hoạch tích sản đều đặn vào các cổ phiếu đó.
Các chuyên gia không đưa ra khuyến nghị một cổ phiếu nào cụ thể cho đầu tư năm 2022 nhưng nhận định, công nghệ, bán lẻ và những ngành hưởng lợi từ đầu tư công… sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Cuối cùng, đại diện của TVAM cho rằng việc quản trị rủi ro là vô cùng quan trọng cho nhà đầu tư: “Thị trường chứng khoán là mãi mãi, cơ hội là mãi mãi, chỉ có hết tiền chứ chưa bao giờ hết cơ hội. Nếu bạn vượt qua 5 năm đầu, bạn sẽ hình thành được phong cách đầu tư, không cần chuyên gia tư vấn. Vượt qua 10 năm, chứng khoán sẽ là nghề kiếm tiền rất khá cho bạn. Còn nếu vượt qua 15 năm, khả năng cao bạn đã đạt được tự do tài chính”.
Bất động sản: tầm nhìn dài hạn
Trong chia sẻ của mình, ông Lâm Minh Chánh, Chủ tịch Trường Quản trị Kinh doanh BizUni, chuyên gia tài chính kinh tế, cho rằng, để đạt tự do tài chính, tức không còn phải làm việc vì lương, mỗi người khi còn trẻ, còn sức lực và trí tuệ cần nỗ lực kiếm tiền chân chính với công suất cao nhất. Ông Chánh cũng nhấn mạnh: “Theo thời gian và lãi suất, tiền của chúng ta sẽ sinh sôi nảy nở theo tốc độ đáng kinh ngạc”.
Tuy nhiên, để đầu tư, chúng ta cần nắm vững pháp lý, hiểu rõ rủi ro, hiểu được công cụ mà mình đang đầu tư và nguyên tắc tạo ra lợi nhuận đối với mô hình mà bạn đang “xuống tiền”. Trước khi đầu tư, nhà đầu tư cũng cần nghĩ đến rủi ro trước khi nghĩ đến lợi nhuận. Đó có thể là rủi ro mất vốn, rủi ro không đạt tỉ suất lợi nhuận kỳ vọng hay rủi ro thanh khoản để có thể chuyển thành tiền mặt khi cần. Một khi đã kiếm được tiền, tiết kiệm được tiền, sử dụng tiền khôn ngoan và để đầu tư được tiền thì mỗi người sẽ đạt đến những mục tiêu tài chính trong đời. Theo ông Chánh, bất động sản là một kênh đầu tư hiệu quả để đạt được mục tiêu tài chính.
Với tư cách một người nghiên cứu sâu và dấn bước lâu năm trong thị trường bất động sản, chuyên gia tài chính - Tiến sĩ Đinh Thế Hiển nhận định, người dân Việt Nam vẫn đang đầu tư nhiều vào bất động sản, rõ nét nhất là phân khúc đất nền. Trong 10 năm qua, đất nền là kênh đầu tư có tỉ suất sinh lời cao nhất, tăng trung bình hơn 600%, vượt trên cả chứng khoán.
Sang năm 2022 và các năm tiếp theo, các chuyên gia đều vẫn nhìn thấy triển vọng tăng trưởng cho thị trường bất động sản, tăng thêm giá trị cho đất đai khi đối chiếu với tình hình dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn đổ vào Việt Nam, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa được đẩy mạnh với hoạt động đầu tư hạ tầng, xuất khẩu của Việt Nam gia tăng và các hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh thương mại đang dần phục hồi sau dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong ngắn hạn từ đây đến quý II/2022, ông Hiển cho rằng: “Nhà đầu tư có thể đứng ngoài quan sát để chọn lựa các cơ hội tốt nhất”.
Theo các chuyên gia trong Hội thảo, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản ở một số phân khúc hiện đã tăng khá nóng. Theo quy luật, những gì tăng nóng sẽ phải điều chỉnh và quá trình điều chỉnh có thể sẽ xảy ra ngay trong 6 tháng tới. Tuy nhiên, tất cả chuyên gia đều tin rằng, kể cả khi điều chỉnh thì đó là mức điều chỉnh hợp lý, trong khả năng chấp nhận của nhà đầu tư chứ không phải là một sự đổ vỡ khủng hoảng.
Sau giãn cách, thị trường bất động sản đang có nhiều dấu hiệu phục hồi. Ảnh: Quý Hoà |
Sự điều chỉnh giảm trong bất động sản được dự đoán sẽ diễn ra chủ yếu ở các tài sản giá trị lớn (trên 10 tỉ đồng) và nhà đầu tư phải săn lùng, trực tiếp gặp gỡ thương lượng mới có thể đạt được những mức giảm đủ hấp dẫn. Còn với các sản phẩm đầu tư dưới 3 tỉ đồng, ông Hiển cho rằng sẽ khó đạt mức giảm giá đáng kể. Dù điều chỉnh như thế nào thì ngắn hạn sắp tới, các chuyên gia khuyến nghị, một sự thận trọng trong đầu tư chứng khoán và chờ đợi trong đầu tư bất động sản là cần thiết. Trong quá trình này, nhà đầu tư nên duy trì lượng tiền mặt nhất định để khi cần thì nắm lấy thời cơ.
Những nhà đầu tư khôn ngoan, chuyên nghiệp còn biết sử dụng đòn bẩy tài chính để gia tăng hiệu quả đầu tư. Đặc biệt trong đầu tư bất động sản, số đông nhà đầu tư thường đi vay đầu tư. Bởi đợi dành dụm đủ tiền thường rất lâu và khi đó, giá trị tài sản thường cũng đã tăng vọt lên mức cao hơn khả năng. Chưa kể, khi có vay nợ, nhà đầu tư thêm động lực tích lũy, phấn đấu làm để trả nợ.
Trả xong nợ, nhà đầu tư có tài sản trong tay thay vì giữ tiền rất dễ tiêu xài thâm hụt. Vấn đề của nhà đầu tư là làm sao quản trị được rủi ro khi vay nợ. “Muốn vậy, nhà đầu tư cần xem xét tình trạng tài chính, khả năng trả lãi vay trong suốt quá trình vay vốn và cần tính đến yếu tố biến động rủi ro có thể xảy ra. Một mức vay chấp nhận được là khi lãi và nợ vay chiếm dưới 40% thu nhập mỗi tháng”, ông Chánh tư vấn.
Đối với những sản phẩm như “Nhà đổi nhà” với chính sách hỗ trợ cho vay 100% giá trị tài sản, theo ông Hiển, cũng không có gì nghi ngại nếu xét thấy pháp lý dự án rõ ràng. Bởi dù ngân hàng chỉ được phép cho vay tối đa 70% nhưng các chủ đầu tư có thể tham gia như một sự hỗ trợ kích cầu. Tuy nhiên, ông Hiển lưu ý, nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ bởi “cái gì thuận lợi, hấp dẫn quá đều cần cẩn thận”.
Liên quan đến những lo ngại về tính chu kỳ đi xuống của bất động sản khi luật sửa đổi theo hướng kiềm lại tín dụng bất động sản, ông Hiển cho rằng, đây là hoạt động cần thiết để giữ cho bất động sản không bị nguy hiểm từ nợ xấu, giúp lành mạnh và tăng tính an toàn cho bất động sản. Tuy nhiên, trong 2 năm tới, theo ông Hiển, nếu bất động sản áp thuế như các kiến nghị thì có thể gây ra xáo trộn tương đối lớn mà chúng ta chưa thể biết.
Đó là lý do, trong các đầu tư, dù là bất động sản hay chứng khoán, giới chuyên gia đều khuyên nhà đầu tư cá nhân cần tập trung, kiên trì, đầu tư dài hạn (từ 3-5 năm trở lên) hơn là lướt sóng và chỉ nên đầu tư vào những gì bản thân thích, am hiểu, nắm rõ. Theo quan sát của các chuyên gia, những người liên tục nhảy ra nhảy vào, chụp giựt trên thị trường tài chính thì thường không thể kiếm tiền khá giả từ đây.