Các tỉ phú của Việt Nam.
Tỉ phú USD thứ 10 là ai?
Số tỉ phú USD Việt Nam tiếp tục gia tăng phản ánh sự thành công của khối kinh tế tư nhân, đồng thời cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ trong các mô hình kinh doanh, gia tăng tài sản.
THĂNG HOA CÙNG THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
Theo số liệu cập nhật của Forbes tại ngày 27/10, Việt Nam có 6 đại diện trong danh sách những tỉ phú giàu nhất hành tinh. Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam hiện có tới 9 tỉ phú USD.
Với khối tài sản trị giá 7,4 tỉ USD, tỉ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vingroup (mã VIC), là người đầu tiên được nhắc tới. Tỉ phú Phạm Nhật Vượng là người đàn ông giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam và cũng là một trong những nhân vật kỳ cựu đại diện của Việt Nam trong danh sách xếp hạng tỉ phú toàn cầu.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Anh của Thủ tướng Chính phủ, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Sovico, ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Trường Đại học Linacre, Viện Đại học Oxford. |
Bên cạnh ông Vượng, người phụ nữ giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, “nữ tướng” của Vietjet Air (mã VJC), cũng là nhân vật kỳ cựu trên bảng xếp hạng những tỉ phú giàu nhất thế giới. Tại thời điểm ngày 27/10, bà Thảo sở hữu khối tài sản trị giá 2,8 tỉ USD, là người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán Việt Nam.
So với khoảng thời gian trước đó, vị trí của bà Thảo trên bảng xếp hạng có thay đổi do sự gia tăng mạnh mẽ về giá trị tài sản của tỉ phú Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG). Giá trị tài sản của tỉ phú Trần Đình Long tăng mạnh mẽ trong bối cảnh cổ phiếu HPG liên tục có những bứt phá. Từ đầu tháng 4/2021, ông Long đã lọt vào top 2 những tỉ phú giàu nhất Việt Nam, chỉ đứng sau tỉ phú Phạm Nhật Vượng. Tại thời điểm ngày 27/10, giá trị tài sản của ông Long là 3,9 tỉ USD, tăng 600 triệu USD so với đầu tháng 9.
Ở vị trí số 4 trên bảng xếp hạng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Techcombank (mã TCB), ông Hồ Hùng Anh. Tại thời điểm ngày 27/10, ông Hùng Anh sở hữu khối tài sản trị giá 2,4 tỉ USD, tăng 200 triệu USD so với đầu tháng 9. Trên thực tế, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã vào nhịp điều chỉnh từ đầu tháng 6/2021 khi nhà đầu tư cho rằng kết quả kinh doanh của nhóm này đã được phản ánh vào giá.
Cùng với đó là rủi ro nợ xấu ngày càng hiện rõ khi tình hình dịch bệnh kéo dài, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phải ngừng trệ. Tuy nhiên, nhóm ngành ngân hàng vẫn được giới phân tích đánh giá tích cực với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cao cùng định giá đang ở vùng hợp lý.
Việc tài sản của nhiều người giàu tại Việt Nam gia tăng mạnh trong bối cảnh dịch bệnh không gây ngạc nhiên khi thị trường chứng khoán khắp nơi liên tục đi lên. Kết thúc tháng 10/2021, VN-Index diễn biến đầy khởi sắc khi lập đỉnh 1.444,27 điểm. Đáng chú ý, đà tăng 30,84% so với đầu năm đưa VN-Index lọt vào top những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới từ đầu năm đến nay.
Thị trường chứng khoán thăng hoa, giá trị tài sản ròng của các tỉ phú theo đó cũng bứt phá. Bắt đầu từ nửa cuối tháng 9/2020, Việt Nam có thêm 1 đại diện trong danh sách tỉ phú, đó là ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Masan (mã MSN). Tại thời điểm hiện tại, ông Quang sở hữu khối tài sản trị giá 1,9 tỉ USD, tăng 200 triệu USD so với đầu tháng 9/2021.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Masan, hiện sở hữu khối tài sản 1,9 tỉ USD. |
Là một trong những tỉ phú giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), cũng đang sở hữu khối tài sản trị giá 1,6 tỉ USD. Sàn chứng khoán Việt Nam còn ghi nhận 3 tỉ phú USD khác. Đầu tiên là ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NovaLand, mã NVL). Theo thống kê, ông Nhơn đang sở hữu hơn 317,3 triệu cổ phiếu NVL. Với thị giá hiện tại của cổ phiếu NVL, ông Nhơn sở hữu khối tài sản trị giá hơn 32.900 tỉ đồng, tương đương 1,4 tỉ USD.
Cũng sở hữu khối tài sản tỉ USD là ông Đỗ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc KienLongBank và đồng thời là Chủ tịch tại nhiều công ty. Theo số liệu được NCĐT thống kê, ông Anh Tuấn đang sở hữu lượng lớn cổ phiếu của KienLongBank (mã KLB), KSFinance (mã KSF), Xây dựng SCG (mã SCG) và Sunshine Homes (mã SSH). Theo mức giá đóng cửa phiên giao dịch 27/10 của các cổ phiếu, ông Anh Tuấn đang sở hữu khối tài sản hơn 31.900 tỉ đồng, tương đương 1,38 tỉ USD.
Ngoài ra, sự dậy sóng của cổ phiếu PDR cũng đưa ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã PDR), vào danh sách tỉ phú USD của sàn chứng khoán Việt Nam. Lũy kế từ đầu năm 2021 đến hết phiên 27/10, cổ phiếu PDR đã tăng hơn 131%. Với gần 298 triệu cổ phiếu PDR mà ông Đạt đang sở hữu, ước tính khối tài sản trên sàn của tỉ phú này lên tới 28.900 tỉ đồng, tương đương 1,25 tỉ USD.
MONG CHỜ TỪ VƯỜNG ƯƠM KỲ LÂN
Bên cạnh 9 tỉ phú USD hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng dần lộ diện những tỉ phú USD tương lai khi khối tài sản của các vị tỉ phú này đã tiệm cận tỉ USD.
Phải kể đến đầu tiên là ông Nguyễn Đức Thụy, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank (mã LPB). Giới kinh doanh thường gọi ông là “bầu Thụy”, là cổ đông sáng lập của Công ty Cổ phần Thaiholdings (mã THD). Ông đã rời vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thaiholdings vào cuối tháng 2/2020 và trở thành Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank từ tháng 5/2021.
Được biết, để có chân trong Hội đồng Quản trị LienVietPostBank, ông Thụy đã phải rời ghế Chủ tịch Hội đồng Quản trị cũng như ghế điều hành một số công ty do yêu cầu của Luật Các tổ chức tín dụng.
Do đó, năm 2020 ông Thụy đã thôi chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị tại Thaigroup, Thaiholdings, Công ty Cổ phần Du lịch Kim Liên và Công ty Cổ phần Enclave Phú Quốc. Tại thời điểm hiện tại, với lượng lớn cổ phiếu TDH và LPB, bầu Thụy đang sở hữu khối tài sản hơn 20.300 tỉ đồng.
Ngoài bầu Thụy, bà Vũ Thị Hiền, vợ của ông Trần Đình Long và ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vicostone (mã VCS), cũng đang sở hữu khối tài sản lần lượt là 18.000 tỉ đồng và hơn 16.000 tỉ đồng. Liệu rằng trong thời gian tới, ai trong số này sẽ trở thành tỉ phú USD thứ 10 của thị trường chứng khoán Việt Nam?
Có thể thấy, hầu hết các tỉ phú của Việt Nam phải mất tới hàng chục năm để có được 1 tỉ USD đầu tiên. Bên cạnh đó, nhiều doanh nhân đã lọt vào danh sách tỉ phú với bàn đạp từ bất động sản. Trên thực tế, theo số liệu thống kê 20 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, có 7 doanh nhân đến từ lĩnh vực bất động sản, chiếm đến 35%.
Tuy nhiên, các tỉ phú tỉ USD của Việt Nam đang mở rộng hoạt động ra nhiều lĩnh vực. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo thành công với ngành hàng không, đưa Vietjet Air bay cao với giấc mơ bay của người Việt. Ông Trần Đình Long trở thành “vua thép” trong cơn sốt xây dựng đang diễn ra khắp Việt Nam. Ông Hồ Hùng Anh đưa Ngân hàng Techcombank có mức vốn hóa tương lai có thể còn cao hơn con số 20 tỉ USD nếu duy trì tốc độ tăng trưởng 25% mỗi năm.
Ông Trần Bá Dương đang đưa Thaco Trường Hải, Thaco Chu Lai trở thành trung tâm công nghiệp ô tô và logistics tập trung có quy mô lớn nhất cả nước và thuộc top đầu khu vực Đông Nam Á. Ông Nguyễn Đăng Quang đang đưa Masan trở thành doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực xuất sản phẩm tiêu dùng nhanh, thay đổi lối sống của hàng triệu người tiêu dùng.
Sự thành công của các tỉ phú này phản ánh nền kinh tế tư nhân của Việt Nam sau 30 năm đổi mới thành công với ngành sản xuất và dịch vụ. Từ nền tảng ban đầu, các tỉ phú của Việt Nam đang mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác để duy trì tăng trưởng cao và gia tăng tài sản. Hòa Phát từ mảng thép cũng phát triển mảng nông nghiệp (sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi heo, bò, gia cầm) và bất động sản.
Vingroup đã thoái vốn ở nhiều mảng kinh doanh và đang tập trung cho lĩnh vực công nghệ với động lực chính là xe VinFast. Thaco tái cấu trúc theo mô hình “tập đoàn trong tập đoàn” mở rộng sang nông nghiệp, dịch vụ, bán lẻ... “Thaco là tập đoàn công nghiệp đa ngành, trong đó các ngành bổ trợ cho nhau và có tính tích hợp cao, phát triển bền vững theo xu thế số hóa trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới”, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thaco, cho biết.
Khu vực kinh tế tư nhân thời gian qua đã tạo ra khoảng 40% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Khu vực này chính là mảnh đất tạo nên những tỉ phú USD của Việt Nam nhưng so với tiềm lực thì còn rất nhiều hạn chế về không gian chính sách hỗ trợ. “Khu vực kinh tế nhà nước chiếm 32% GDP trong khi nắm giữ gần 50% giá trị đầu tư của doanh nghiệp. Nghĩa là, lực lượng chính của hội nhập kinh tế quốc tế là các hộ cá thể và doanh nghiệp nhà nước, vẫn như hàng chục năm trước”, Tiến sĩ Trần Đình Thiên từng trăn trở về cái khó của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Sự ẩn mình hay e ngại với danh xưng tỉ phú của nhiều người cũng cho thấy những bất hợp lý trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Ở đó, không ít doanh nghiệp, cá nhân giàu lên nhờ kinh doanh chụp giật, lợi ích nhóm, khai thác kiệt quệ tài nguyên... Chính phủ Việt Nam đặt nhiều quyết tâm trong đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, chống tham nhũng, tiêu cực. Nỗ lực này sẽ giúp các tỉ phú của Việt Nam bước ra sân khấu kinh tế đàng hoàng và tự tin hơn bằng chính khả năng cạnh tranh và sáng tạo của họ.
Báo cáo Nghiên cứu đánh giá khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam (CPSD), do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và World Bank thực hiện, chỉ ra khu vực kinh tế tư nhân đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Việt Nam đã gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu trong các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động, trở thành nhà xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới và có khu vực kinh tế tư nhân trong nước sôi động với ngày càng nhiều tập đoàn mới nổi mở rộng hoạt động trên khắp khu vực Đông Á.
Đội ngũ phát triển Sky Mavis. |
Knight Frank nhận định Việt Nam sẽ là quốc gia có số người siêu giàu tăng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2014-2024. “Là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất châu Á, lượng người siêu giàu của Việt Nam có thể tăng tới 430% trong giai đoạn 2014-2024 này”, báo cáo của Knight Frank nhấn mạnh. Con số tăng trưởng này cũng cao hơn hẳn so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan (100%), Indonesia (114%), Malaysia (67%).
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, nhìn danh sách tỉ phú Việt Nam có thể thấy các công ty có lợi thế vẫn là những doanh nghiệp lớn và đã quá quen thuộc được niêm yết trên sàn. Trong khi đó, vẫn chưa có những công ty startup đủ lớn hay có sản phẩm đột phá mạnh để thu hút được các nhà đầu tư lớn hoặc đưa cổ phiếu niêm yết, nên vẫn chưa có những tỉ phú USD mới trong danh sách tỉ phú thế giới.
Vì vậy, Việt Nam đang mong chờ có thêm nhiều tỉ phú đến từ công nghệ với sự đột phá về chất xám, trí tuệ của người Việt. Tính đến hiện tại, 2 doanh nghiệp được gọi là kỳ lân công nghệ tại Việt Nam hiện nay là VNG và VNPay - là các doanh nghiệp có giá trị từ 1 tỉ USD trở lên và hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, hoặc sản phẩm và dịch vụ họ cung cấp thuộc lĩnh vực công nghệ.
Việt Nam cần có thêm nhiều kỳ lân công nghệ mới để mở đường cho những tỉ phú mới xuất thân từ lĩnh vực công nghệ. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam đặt ra nhiều mục tiêu cho nền kinh tế số tới năm 2030. Đáng chú ý, sự tăng trưởng tài sản của giới công nghệ diễn ra nhanh chóng trên khắp thế giới, tạo nguồn cảm hứng lớn cho giới startup.
Chẳng hạn, sự chú ý đang đổ dồn vào một startup Việt Nam là Sky Mavis khi công ty này đạt giá trị vốn hóa lên 2,4 tỉ USD sau 3 năm ra đời. Startup này có tựa game Axie Infinity trên nền tảng blockchain đã tạo ra kỷ lục trong giới công nghệ châu Á. Là một trong những nhà sáng lập, CEO Sky Mavis Nguyễn Thành Trung có thể trở thành tỉ phú USD công nghệ đầu tiên của Việt Nam khi mới 29 tuổi.