Ảnh: Axios.com
Tỉ phú Masayoshi Son nạp bao nhiêu vào ví VNPAY?
Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNPAY Trần Trí Mạnh xác nhận đã nhận được gói tài trợ từ Quỹ Vision Fund của SoftBank và Quỹ Đầu tư Quốc gia GIC của Singapore. DealStreetAsia cho biết khoản đầu tư đề nghị lên tới 300 triệu USD vào VNPAY. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Nhịp Cầu Đầu Tư, số tiền đầu tư mà VNPAY nhận được là khoảng 150 triệu USD.
VNPAY được xem là khoản đầu tư đầu tiên vào Việt Nam của Vision Fund, quỹ đầu tư thuộc sở hữu của tỉ phú Nhật Masayoshi Son. Thương vụ lớn này đánh dấu sự gia nhập mạnh mẽ của các công ty nước ngoài vào thị trường ví điện tử đầy tiềm năng của Việt Nam.
Cuộc đổ bộ của quỹ ngoại
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong quý II/2019, tốc độ tăng trưởng thanh toán dịch vụ mobile banking đạt trên 160%. Giao dịch mỗi năm qua ví điện tử tại Việt Nam đạt 60 triệu lượt với giá trị bình quân 200.000 đồng/giao dịch và có mức tăng trưởng cao nhất thế giới với tốc độ khoảng 35%/năm. Phần lớn những người được hỏi cũng đánh giá trong vòng 10-15 năm tới mô hình ngân hàng truyền thống sẽ bị thay thế bởi mô hình hợp tác giữa các ngân hàng và các công ty công nghệ tài chính (fintech).
Cũng theo báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 do Google, Temasek và Bain & Company công bố vào đầu tháng 10 vừa qua, nền kinh tế số tại Việt Nam sẽ đạt 12 tỉ USD năm 2019 và sẽ bứt phá lên 43 tỉ USD vào năm 2025. Thị trường fintech của Việt Nam cán mốc 4,4 tỉ USD trong năm 2017 và sẽ tăng lên mức 7,8 tỉ USD vào năm 2020, theo nghiên cứu của Công ty Tư vấn Solidiance. Cũng theo thống kê này, Việt Nam hiện có khoảng 70 fintech đang hoạt động, với 30 trung gian thanh toán đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng ví điện tử.
Do đó, sự hiện diện của Vision Fund ở VNPAY sẽ không quá bất ngờ khi các nhà đầu tư ngày càng chứng tỏ mối quan tâm đến thị trường Việt Nam. Đây là quỹ đầu tư khởi nghiệp quy mô nhất thế giới với nhiều thương vụ đình đám như đầu tư vào Uber, Grab, Loggi... VNPAY là thương vụ đầu tiên quỹ của SoftBank rót vốn tại Việt Nam.
VNPAY thành lập hồi tháng 3.2007 do ông Trần Trí Mạnh làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị và ông Mai Thanh Bình đồng sáng lập. Ông Bình cũng đồng sáng lập Garena Việt Nam. Ngoài ra, ông thành lập công ty đầu tư mạo hiểm Teko Ventures, hiện đầu tư vào 10 startup, trong đó có VNPAY. VNPAY đã liên kết với hơn 40 ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam, 5 công ty viễn thông. Hiện tại đã có hơn 23.000 điểm chấp nhận thanh toán mã VNPAYQR trên toàn quốc, trong số đó có thể kể tới hàng loạt thương hiệu lớn như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Mobifone, FPT, chuỗi nhà hàng Redsun-ITI, chuỗi cửa hàng thời trang Canifa, GenViet, Eva de Eva...
Khoản tài trợ lớn của SoftBank, nếu thành công, có thể đưa VNPAY vào nhóm các kỳ lân, tức các công ty khởi nghiệp tư nhân được định giá từ 1 tỉ USD trở lên. VNPAY huy động vốn khủng từ một “ông trùm” đầu tư lớn trên thế giới đã phần nào phản ánh đúng sức hấp dẫn của thị trường fintech Việt Nam hiện tại. Đây không đơn thuần là cuộc đua giữa các fintech, mà còn có sự tham gia của các công ty công nghệ và các doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng và cả các quỹ của nước ngoài.
Một trong những đối thủ hàng đầu của VNPAY là MoMo, trước đó đã khép lại vòng gọi vốn Series C do Warburg Pincus dẫn đầu vào tháng 1. Theo nguồn tin từ DealStreetAsia, thương vụ này có giá trị lên tới 153 triệu USD, khiến nó trở thành một trong những vòng có giá trị gọi vốn lớn nhất dành cho một ví điện tử tại Việt Nam. Các khoản đầu tư vào các công ty thanh toán như VNPAY và MoMo cũng cho thấy các công ty đầu tư và đầu tư mạo hiểm của nước ngoài đang ngày càng thâm nhập sâu vào thị trường ví điện tử tại Việt Nam.
Softbank lớn cỡ nào?
SoftBank luôn nổi tiếng trong việc thâu tóm thị trường qua việc bỏ ra rất nhiều tiền cho một công ty. Bài học của Uber tại Việt Nam là một ví dụ điển hình. Quỹ đầu tư Vision Fund của Masayoshi Son đã rót hơn 70 tỉ USD để “nuôi lớn” hàng chục công ty. Trong những thông cáo báo chí đầu tiên của Quỹ, SoftBank đã giải thích rằng mục đích của chiến lược đầu tư này là giúp đẩy nhanh quá trình phát triển của các doanh nghiệp sẽ là nền tảng cho cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo và đó là những khoản đầu tư dài hạn có quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử. Vài năm gần đây, Masayoshi Son, ông chủ SoftBank, nổi lên như một nhân vật lớn trong giới đầu tư, thậm chí được gọi là “Warren Buffett của giới công nghệ”. Son đầu tư mạnh vào các startup công nghệ còn non trẻ khắp nơi trên thế giới. Ông ủng hộ quan điểm cho rằng máy học (machine learning) đang ngày càng thông minh hơn não bộ của con người - được gọi với thuật ngữ “singularity” và dự báo điều này sẽ xảy ra trong 30 năm tới. Trong cuộc họp cổ đông thường niên gần đây nhất, Son có bài trình bày nói về mục tiêu tăng trưởng vốn hóa gấp 20 lần hiện tại lên 20.000 tỉ yen (1.850 tỉ USD) vào năm 2040.
Các thương vụ đầu tư từ Quỹ Vision Fund của SoftBank đa phần khởi điểm với 100 triệu USD, có các tên tuổi nổi tiếng như Uber, WeWork, ứng dụng làm việc nhóm Slack, công ty cho vay online Sofi, startup giao thức ăn DoorDash, startup thương mại điện tử Brandless, startup nông nghiệp Plenty và startup làm pizza từ robot Zume.
Với quan điểm “kẻ nhỏ bé sẽ trở thành gã khổng lồ”, số tiền 150 triệu USD cho ví điện tử VNPAY đã trở thành thương vụ đầu tư lớn thứ 2 cho ví điện tử tại Việt Nam. Hơn nữa, một trong những ví điện tử mới nổi hiện nay tại Việt Nam là Moca của Grab cũng không nằm ngoài vòng tay của SoftBank khi họ đang chiếm cổ phần lớn nhất tại công ty gọi xe này.
Có thể thấy, một lần nữa SoftBank muốn định hình lại thị trường ví điện tử tại Việt Nam như đã làm với Uber và Grab đầu năm 2018 bởi khả năng chiếm lĩnh thị phần của các ví điện tử gần như không phụ thuộc vào việc ra đời sớm hay muộn, mà dựa vào độ đầu tư của ví điện tử đó. Điều này có thể sẽ dẫn tới một cuộc chiến khốc liệt trong thị trường ví điện tử đầy tiềm năng tại Việt Nam.
Bởi vì, ví điện tử không chỉ có tiềm năng trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến, mà hiện đã lấn sang khoản thanh toán trực tiếp tại quầy hàng, điểm bán vé... Bên cạnh đó, ví điện tử cũng trở thành kênh khai thác dữ liệu (big data) để trở thành đầu vào quan trọng cho các mảng kinh doanh khác trong tương lai.
Cuộc chiến giành vị trí số 1
Thủ tướng đã phê duyệt đề án phát triển không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020. Nhằm xây dựng nền kinh tế không sử dụng tiền mặt, Chính phủ đã yêu cầu 100% trường học, bệnh viện trên địa bàn đô thị phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thiết bị chấp nhận thẻ. Có thể thấy, các ví đang nhận được sự hậu thuẫn rất lớn trong chính sách này, đồng thời tạo sức hút hấp dẫn cho các khoản đầu tư ngày càng lớn trong thị trường fintech.
Trong cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh thị phần ở giai đoạn này, hầu hết các ví chưa đặt vấn đề lợi nhuận lên hàng đầu, mà chủ yếu là chiếm lĩnh thị phần, nên đưa ra chiến lược khuyến mãi hậu hĩnh cho khách hàng, chiết khấu cao, phụ phí thấp... lên tới hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm, không kém gì cuộc đua “đốt tiền” của thương mại điện tử. Tính đến cuối năm 2018, cả nước mới có hơn 4 triệu tài khoản ví điện tử liên kết với ngân hàng, với số lượng giao dịch 60 triệu lượt giao dịch/năm. Giá trị giao dịch cũng rất nhỏ, bình quân 200.000 đồng/giao dịch. Lượng khách chưa nhiều, giá trị giao dịch nhỏ, chi phí khuyến mãi quá lớn... đã lý giải vì sao hầu hết ví điện tử đều đang lỗ.
Để theo đuổi cuộc chạy đua tốn kém này, các ví điện tử phải có đủ tiềm lực tài chính và hiện nay, 90% thị phần của ví điện tử, cả giá trị và số lượng giao dịch tại Việt Nam thuộc về 5 công ty trung gian thanh toán, đặc biệt, cả 5 doanh nghiệp này đều có sở hữu vốn nước ngoài từ 30% cho đến trên 90%. Tại thời điểm tháng 11.2018, vốn điều lệ của MoMo là 112,2 tỉ đồng, trong đó, E-Mobile VN Investments SIBV nắm 25,51% vốn và là nhà đầu tư nước ngoài sở hữu nhiều cổ phần nhất tại fintech này, Standard Chartered Private Equity sở hữu 17,9%. Trước đó, hàng loạt nhà đầu tư cũng rót tiền sắm ví điện tử như VNG đầu tư vào ZaloPay, Grab mua cổ phần Moca, AirPay có sự tham gia của Internet Sea (Singapore), 1Pay có sự đầu tư của TrueMoney...
Ngoài MoMo, ZaloPay cũng được đánh giá là ví điện tử có tiềm lực. ZaloPay được cho là đã sở hữu 16% thị phần ví điện tử tính đến cuối năm 2018. Hầu hết, ví điện tử này đều trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua công ty mẹ) đều có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Trong cuộc chiến này, ví MoMo có lợi thế hơn với hệ sinh thái trên 12 triệu người dùng, 12.000 đối tác, 100.000 điểm chấp nhận thanh toán, liên kết trực tiếp với 22 ngân hàng thương mại. Lãnh đạo ví MoMo cho biết luôn tìm kiếm và mở rộng kết nối điểm chấp nhận thanh toán từ các dịch vụ thu hộ, là đối tác của những tên tuổi lớn như Apple, Google hay đơn giản chỉ là ly nước ở vỉa hè.
Mới đây, MoMo đã triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc (Hà Nội), Da liễu, Nhi đồng 1 và Đại học Y Dược TP.HCM. Đầu tháng 9 vừa qua, đơn vị và Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược đưa tiện ích thanh toán điện tử ví MoMo vào hệ thống quản lý bệnh viện FPT.eHospital trên toàn quốc. Với hợp tác này, hàng trăm bệnh viện trên cả nước có thể ứng dụng công nghệ thanh toán hiện đại và tiện lợi của ví điện tử MoMo.
Trong khi đó, bước đi mới nhất của ZaloPay là hợp tác với Bamboo Airways cho phép khách hàng đặt vé máy bay và thanh toán trực tiếp trên ứng dụng ví này. ZaloPay có lợi thế là được thừa hưởng nền tảng công nghệ và hệ sinh thái vững chắc của Tập đoàn VNG. Đặc biệt, ZaloPay cho phép người dùng chuyển tiền liên ngân hàng, chuyển tiền qua số điện thoại, chuyển tiền qua khung trò chuyện Zalo... Tất cả đều miễn phí, điều mà rất nhiều ví cũng như ứng dụng ngân hàng chưa làm được.
Mặc dù các ví điện tử sẽ kết hợp với quỹ ngoại để tăng tiềm lực tài chính thu hút khách hàng nhưng thực tế cho thấy, người dùng ít khi lưu quá 3 ứng dụng thanh toán trong điện thoại. Muốn khách hàng chuyển sang sử dụng ví của mình, ngoài việc cần thiết một chuẩn chung, thị trường cần giảm bớt số lượng ví. Điều này đồng nghĩa, cuộc chiến thu hút người dùng của các ví điện tử thời gian tới sẽ rất khốc liệt. Tổng quan thị trường ví điện tử hiện nay có khoảng 30 đơn vị, nhưng chỉ có 2-4 đơn vị có khách hàng, có thị trường. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, dự đoán trong vài năm tới, thị trường này sẽ tinh giảm dần.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Liên danh NextPay (liên danh ví điện tử VIMO và mPOS vừa sáp nhập tháng trước) trả lời báo chí cho hay, thị trường ví điện tử đại đa số mang tính chất đầu cơ với mục đích gọi vốn, bán cho nhà đầu tư ngoại, nhiều công ty không có hướng đi rõ ràng và bền vững, chủ yếu chạy theo cơn sốt ví, sốt trung gian thanh toán. Thị trường này cạnh tranh vô cùng khốc liệt vì lợi nhuận biên chỉ 0,2-0,5%. Ông Bình dự báo trong vài năm tới, sẽ chỉ còn khoảng 5 ví điện tử tồn tại trên thị trường, đó là các ví có sản phẩm khác biệt, tạo được lưu lượng giao dịch lớn hoặc có hệ sinh thái lớn hỗ trợ.
Tiềm năng ví điện tử có thể thấy rõ nhưng thách thức cũng lớn không kém. “Khó nhất là người tiêu dùng chưa tin tưởng thanh toán điện tử và thận trọng khi sử dụng dịch vụ”, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch M_Service, đơn vị sở hữu MoMo, cho biết. Vì vậy, sự xuất hiện của các ví điện tử có quy mô lớn, chuyên nghiệp sẽ giúp thị trường này trưởng thành nhanh chóng hơn.
Trước mắt, các ví điện tử vẫn đang phải dốc tiền cho khuyến mãi, marketing... nên cuộc chiến vẫn chưa có điểm dừng. Tuy nhiên, theo ông Diệp, về lâu dài, thị trường sẽ tự điều chỉnh vì khách hàng không thể lựa chọn quá nhiều ví. Họ sẽ chọn những sản phẩm tốt và phù hợp với trải nghiệm của họ. Trong đó, họ sẽ có xu hướng chọn những đơn vị đáp ứng đầy đủ các ứng dụng về mua sắm, ăn uống, đi lại..