Thời cơ của vốn tư nhân
Dịch bệnh không ngăn các quỹ đầu tư tư nhân (Private Equity - PE Fund) tìm đến các doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tiềm năng nhưng cần gỡ được nhiều bài toán về vốn, hỗ trợ quản trị, thúc đẩy tăng trưởng, mở rộng thị trường.
Quỹ mới vẫn mở trong mùa dịch
Dịch bệnh COVID-19 không chỉ gây sức ép lên thị trường chứng khoán mà còn trở thành rào cản lớn đối với dòng vốn tư nhân cũng như vốn mạo hiểm. Tuy nhiên, ngay trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, Quỹ Excelsior Capital Việt Nam Partners đã ra đời. Đây là quỹ PE Fund thứ 6 của Excelsior Asia Capital (Thụy Sĩ), được thành lập cho mục đích đầu tư vào Việt Nam.
Ông Hoàng Xuân Chính, thành viên sáng lập cũng là Tổng Giám đốc Excelsior Capital ở Việt Nam, xác nhận, Quỹ đã hoàn thành vòng gọi vốn đầu tiên với số vốn cam kết ban đầu 62 triệu USD. Excelsior Việt Nam đặt mục tiêu hướng tới huy động vốn cam kết 200 triệu USD, thời gian hoạt động là 10 năm.
Riêng về tiêu chí đầu tư, ông Chính cho biết, Excelsior sẽ rót vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) của Việt Nam, hoạt động trong những ngành có nhiều tiềm năng tăng trưởng và còn cơ hội phát triển như chăm sóc sức khỏe, dược, y tế, giáo dục, các ngành phục vụ người tiêu dùng (sản xuất, phân phối, bán lẻ, logistics...).
Mỗi thương vụ, Quỹ Excelsior dự kiến rót từ 6 triệu USD trở lên và đầu tư dài hạn (từ 4-7 năm), qua nhiều hình thức cấu trúc đầu tư đa dạng. Để lọt vào mắt xanh của Excelsior, các doanh nghiệp phải có mô hình kinh doanh đã kiểm chứng thành công và đạt doanh thu khoảng 10 triệu USD trở lên, hoặc đó là các doanh nghiệp có triển vọng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo ông Chính, một trong những tiêu chí quan trọng nhất mà Quỹ sẽ nhắm tới là chất lượng đội ngũ nhân sự (tầm nhìn, tính chính trực, năng lực thực thi...), được thể hiện qua những bằng chứng cụ thể trong quá khứ.
Tiêu chí đầu tư của Excelsior có một số nét tương đồng với các quỹ đầu tư PE của Mekong Capital, VI Group..., nhưng mỗi quỹ có những nét riêng. Ông David Đỗ, Giám đốc Điều hành VI Group, từng cho biết, VI Group chủ yếu đầu tư vào các doanh nghiệp đang tăng trưởng cao và quỹ này thường bắt đầu hỗ trợ các công ty ngay từ giai đoạn đầu để giúp gia tăng giá trị trong dài hạn. VI Group hiện đã thiết lập, quản lý được 3 quỹ đầu tư với tổng vốn đầu tư 400 triệu USD và đã đầu tư mạnh mẽ vào nhiều doanh nghiệp như Thiên Minh, QSR Vietnam, AMA, Nam Long, Gemadept, Vinafco, VNF, VNDirect, HiPT, Khải Toàn Group...
Sau 19 năm hoạt động, Mekong Capital đã trở thành một trong những công ty tư vấn quản lý quỹ đầu tư tư nhân thành công nhất trên thị trường Việt Nam. Bằng chứng là Quỹ Mekong Enterprise Fund II (MEF II) đạt được tỉ lệ hoàn vốn 4,6 lần và tỉ suất hoàn vốn nội bộ 22,7%. Một vài khoản đầu tư mới sau này của Mekong Capital, do Quỹ MEF III quản lý cũng tăng trưởng tốt. Chẳng hạn, trong quý I/2020, F88 khai trương thêm 39 chi nhánh cho vay mới. Con số này ở Pharmacity là 40. Nhất Tín vẫn tăng trưởng doanh thu quý I/2020 là 30%, còn ABA Cooltrans ghi nhận doanh thu tiếp tục tăng xấp xỉ 40% so với cùng kỳ.
Bàn đạp bước ra thế giới
Có thể thấy, sự hiện diện của các quỹ đầu tư đã giúp không ít doanh nghiệp lột xác, tiến lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo ông Chính, “môi trường kinh doanh đã khác 10 năm trước, khi Việt Nam ngày càng trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng của thế giới”. Vì thế, doanh nghiệp muốn bứt phá phải có đủ năng lực cạnh tranh ở khu vực và thế giới.
Trong bối cảnh ấy, cách thức tiếp cận và tạo giá trị cho doanh nghiệp của các quỹ cũng phải thay đổi theo. Điều các công ty Việt Nam, đặc biệt là SME, còn thiếu và cần hỗ trợ nhiều hơn là những kết nối mang tính chiến lược với đối tác cùng ngành nghề hoặc trong cùng chuỗi cung ứng, để tạo hệ sinh thái rộng lớn, giúp doanh nghiệp nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh, bứt phá và vươn ra quốc tế.
Đây có lẽ là lý do để Excelsior Capital Việt Nam Partners, với sự hậu thuẫn từ Excelsior Capital Asia cam kết sẽ tạo được những giá trị mới và khác biệt cho doanh nghiệp bằng những kết nối với các nguồn lực hỗ trợ bên ngoài. Từ đây, doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác quốc tế, nhất là ở thị trường Bắc Á (Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan...).
Cũng cần nói thêm Excelsior Capital do đội ngũ các cựu giám đốc điều hành của Goldman Sachs, Tiger Management, Lehman Brothers thành lập từ năm 1998, có quy mô hơn 1 tỉ USD, huy động và quản lý 5 quỹ đầu tư PE chuyên đầu tư vào thị trường Bắc Á.
Trong khi đó, VI Group kỳ vọng có thể hỗ trợ các công ty mở rộng thị trường, tiếp cận kinh nghiệm quản lý, vận hành, bán hàng tiên tiến trên thế giới. VI Group cũng làm việc cùng các doanh nghiệp để thúc đẩy hình thành các nhóm đàm phán mua nguyên liệu hoặc dịch vụ giá rẻ, các dự án M&A và tìm kiếm đối tác quốc tế. Đối với Mekong Capital, ông Chris Freund, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Mekong Capital, chia sẻ, Mekong Capital thành công nhờ mô hình “lấy tầm nhìn làm định hướng”. Mekong Capital đã và sẽ tiếp tục duy trì mô hình này nhưng cách thức để Mekong Capital chọn lọc đầu tư và tạo giá trị công ty đã ít nhiều có sự đổi khác.
Thực tế, đa số các SME Việt Nam hiện nay có tầm nhìn còn ngắn hạn hoặc tuy có tầm nhìn khát vọng nhưng chưa dám mạnh dạn đầu tư. Mô hình hoạt động vẫn chủ yếu ở quy mô gia đình, lệ thuộc nhiều vào các mối quan hệ sẵn có; hoặc đầu tư dàn trải, ưu tiên tư lợi ích cá nhân... Do đó, quy mô và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp không thể vươn lên được.
Ông Chính nhấn mạnh: “Các SME cần thay đổi tư duy, chuyển đổi mô hình kinh doanh. Một trong những giải pháp có thể tính đến là mạnh dạn mở rộng hợp tác, có thể phải chấp nhận đánh đổi một số lợi ích ngắn hạn trước mắt. Bù lại, các công ty có cơ hội gia tăng năng lực cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ trong khu vực và đạt tầm cao mới”.
Liên quan đến vốn, theo khảo sát từ Công ty Tư vấn McKinsey, các SME có nhu cầu vay vốn lên tới 21 tỉ USD. Tuy nhiên, đa phần doanh nghiệp đã không thể tiếp cận được nguồn vốn vay, đặc biệt là vốn dài hạn, bởi không đủ “sáng giá” trong mắt các ngân hàng hoặc không đủ điều kiện về tài sản thế chấp. Nếu các công ty có mô hình, chiến lược hoạt động, năng lực thực thi đủ thuyết phục quỹ đầu tư, câu chuyện sẽ khác. Lúc này, yếu tố có quỹ đầu tư tham gia trở thành một điểm cộng giá trị để các ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ.
Ông Nguyễn Hữu Long, chủ thương hiệu Shin Cà Phê, chia sẻ, khi một doanh nghiệp tự tin về mô hình và sản phẩm, vốn không phải là khó tìm. Nhiều nhà đầu tư đã chủ động tìm đến Shin Cà Phê đặt vấn đề rót vốn. Tuy nhiên, điều Shin Cà Phê trăn trở là làm sao tìm được đối tác phù hợp, có thể giúp Công ty vươn xa, đạt đến mục tiêu mở rộng của mình. Shin Cà Phê đã không chọn quỹ đầu tư mà bắt tay với PAN với kỳ vọng nhận được sự hỗ trợ về marketing, bán hàng, tài chính...
Ở các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, với sự hậu thuẫn từ nhà đầu tư, với những mối quan hệ thiết lập và danh mục đầu tư đa dạng, vẫn hoàn toàn có thể kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết nhu cầu. Thậm chí, các quỹ còn giúp doanh nghiệp thiết kế mục tiêu, đề xuất lộ trình, xây dựng năng lực cạnh tranh thực sự...
Câu chuyện thành công vượt bậc ở Thế Giới Di Động, Golden Gate... là những ví dụ điển hình. Tuy nhiên, lâu nay, cách nhìn của doanh nghiệp với quỹ đầu tư vẫn ít nhiều mang tính định kiến. Thêm vào đó, những đổ vỡ, thất bại ở một số thương vụ như VinaCapital - Ba Huân, The Kafe và các quỹ đầu tư, Indochina Capital - Vinamit... đã khiến các doanh nghiệp càng thêm dè dặt, sợ quỹ đầu tư chỉ chờ kẽ hở để nhảy vào thâu tóm.
Theo xác nhận của những người trong cuộc, nếu là quỹ đầu tư chuyên nghiệp, tức do những nhóm định chế tài chính hoặc các tổ chức/cá nhân cam kết rót vốn, không phải là sân sau của ai, không thuộc ông trùm ẩn danh nào đó, thì mục tiêu của các quỹ đầu tư chỉ đơn thuần là đầu tư sinh lợi. Nếu phải ra điều kiện có tính chất như chuyển giao vai trò điều hành hoặc trở thành cổ đông lớn..., thì đó chẳng qua chỉ là vấn đề bất đắc dĩ hoặc như một cách thức, điều khoản kỹ thuật để gia tăng khả năng bảo vệ quyền lợi cho quỹ đầu tư.
Đã có khá nhiều thương vụ đầu tư không thành công, mà nguyên nhân đến từ sự bất đồng quan điểm trong quá trình hợp tác, không tìm được tiếng nói chung hoặc một số chủ doanh nghiệp cố tình làm sai, vi phạm, không tôn trọng các điều khoản cam kết đã ký trước đó.
Ông Chris Freund cũng cho rằng: “Không phải quỹ đầu tư nào cũng giống nhau. Tốt nhất là doanh nghiệp nên trao đổi với các lãnh đạo công ty thuộc danh mục đầu tư của quỹ đó, để hiểu rõ cách thức làm việc, khả năng đóng góp giá trị cho doanh nghiệp, khả năng tham gia, giao tiếp, xử lý những bất đồng của quỹ đầu tư”.
Thực tế, các quỹ đầu tư thường chịu áp lực lớn về mức sinh lời. 20-30% là tỉ suất lợi nhuận mà phần lớn các nhà đầu tư yêu cầu, theo báo cáo từ Grant Thornton. Đạt mức này thì các lần gọi vốn sau, quỹ đầu tư mới có thể tạo được tiếng vang. Sự nghiệp của đội ngũ tham gia lập quỹ đầu tư cũng phụ thuộc vào đây. Chỉ cần một lần thất bại hoặc gặp trục trặc trong thương vụ, cá nhân/tổ chức đó sẽ khó thuyết phục ai bỏ tiền tiếp.
Vốn lớn trong thị trường cận biên
Đây cũng là lý do để các quỹ đầu tư phải chặt chẽ, ngặt nghèo trong đề ra các điều khoản ký kết, khâu thẩm định, phê duyệt đầu tư cũng như bám sát khoản đầu tư. Ông Chính xác nhận: “Các quỹ PE hễ đầu tư sai lầm là hiếm có cơ hội sửa sai. Bởi vì không còn thời gian và rất khó có thể kỳ vọng vào nguồn lợi nhuận ở các khoản đầu tư khác đủ bù đắp, góp vào thành tích chung cho quỹ”. Câu chuyện MEF II của Mekong Capital, với khoản lãi đột biến từ đầu tư vào Thế Giới Di Động có thể xem là trường hợp hiếm có. Tính ra, trong số các quỹ đã rút hết vốn của Mekong Capital, cũng chỉ có MEF II đạt thành tích đáng kể.
Quỹ đầu tư khi rót vốn vào một doanh nghiệp thường chủ yếu dựa vào niềm tin và khả năng thẩm định. Chỉ cần thiếu kỹ lưỡng, chủ quan, thiếu kinh nghiệm và nhất là thiếu trách nhiệm, các quỹ đầu tư rất dễ bị qua mặt, phù phép, bị hớ. Trường hợp ở Món Huế thực sự là vố đau cho các quỹ lỡ rót vốn vào đây.
Xét theo tiêu chí này, ngành quản lý quỹ PE ở Việt Nam vẫn còn tương đối non trẻ khi chưa nhiều công ty quản lý quỹ nào thành công trọn vẹn ở 2 vòng quản lý (tức huy động, đầu tư, thoái vốn đạt mức lợi nhuận tốt cho 2 quỹ liên tiếp nhau). Chưa kể, theo các chuyên gia, những lùm xùm xung quanh các thương vụ “cơm không lành, canh không ngọt” hoặc những nghi ngờ về sự chính trực và thiếu uy tín của một số nhà quản lý quỹ cũng gây bất lợi cho thị trường.Việc lập quỹ và huy động vốn thành công cho riêng thị trường Việt Nam cũng rất gian nan. Theo phân tích của ông Chính, nhà đầu tư quốc tế, khi rót vốn cho một quỹ nào đó, đều xem xét đến câu chuyện thị trường, kế đó mới xét đến bề dày thành tích của đội ngũ quản lý quỹ cũng như thành tích của các quỹ đã đầu tư trước đây. Bởi thế, để có được người quan tâm, chịu chi tiền cho quỹ đầu tư, các công ty quản lý quỹ thường phải đau đầu nghiên cứu, tìm và “bán” câu chuyện sao cho thuyết phục, đủ hấp dẫn.
Ở góc độ vĩ mô, Việt Nam tuy phát triển nhanh và được ví như ngôi sao đang lên trong khu vực nhưng vẫn là thị trường cận biên, với quy mô thị trường còn khá nhỏ. Hiện tại, trừ một số quỹ đầu tư PE lớn của khu vực như Warburg Pincus, KKR rót hàng trăm triệu USD vào doanh nghiệp hạ tầng, bất động sản, ngân hàng..., còn các quỹ PE khác thường có quy mô vừa và nhỏ, đa số chỉ giải ngân ở mức 5-15 triệu USD cho mỗi thương vụ. Đặc biệt, năm 2018, 71% thương vụ đầu tư tư nhân trong tổng giá trị 1,6 tỉ USD đều rót vào các công ty khởi nghiệp, theo Grant Thornton.
Các quỹ đầu tư vào Việt Nam cũng dễ gặp rủi ro từ thị trường chưa có sự đa dạng cho chiến lược đầu tư và nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến tính minh bạch, chính trực trong hoạt động. Đây có lẽ là lý do để những nhà đầu tư lớn vẫn còn e dè, cần thêm thời gian quan sát.
Trong khi đó, như đã đề cập, nhu cầu vốn dài hạn cho các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn mà hầu hết các ngân hàng Việt Nam thường không thể đáp ứng. Do đó, theo đánh giá của những người trong ngành, để thị trường phát triển và doanh nghiệp có điều kiện lớn mạnh hơn nữa, rất cần có thêm sự tham gia tích cực, trách nhiệm, với chiến lược đầu tư đa dạng, khác nhau của các quỹ đầu tư và cần phía doanh nghiệp cởi mở hơn trong nhìn nhận lại vai trò của các quỹ.
Dòng vốn từ nhà đầu tư cá nhân vẫn trong trạng thái chờ những thông tin tích cực như việc nâng hạng thị trường, các chính sách bảo vệ và hỗ trợ nhà đầu tư, giao dịch T+0, mở room nước ngoài cho các ngành nghề hạn chế.