Ảnh: shutterstock.com
Tham vọng xuất khẩu cầu thủ triệu đô
Với các nền bóng đá nhỏ như Việt Nam, xuất khẩu cầu thủ dường như là lựa chọn nhanh nhất và đơn giản nhất để thu hẹp khoảng cách trình độ với các nền bóng đá lớn của châu lục. Không chỉ gây dấu ấn với hàng loạt thành tích khá cao tại các giải đấu tầm châu lục, bóng đá Việt còn gây chú ý cho thế giới với việc ngày càng nhiều cầu thủ nhận được sự săn đón của các câu lạc bộ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật, thậm chí còn vươn tới thị trường châu Âu như Bỉ và Hà Lan.
Làn sóng đó dự kiến sẽ tạo nên động lực mới cho môn thể thao, lôi kéo khá nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính tham gia với tham vọng biến môn chơi này trở thành một ngành kinh doanh chuyên nghiệp, mang lại lợi nhuận bền vững.
Hợp đồng triệu USD đầu tiên?
Chưa bao giờ mà bóng đá Việt chứng kiến làn sóng xuất ngoại ồ ạt như thể hiện từ đầu năm 2019 đến nay. Hàng loạt danh thủ hàng đầu đã được nước ngoài săn đón, đi kèm với đó là giá trị mỗi cầu thủ tăng chóng mặt. Điển hình là thủ thành Đặng Văn Lâm chuyển nhượng đến Muangthong United (Thái Lan) với giá trị 500.000USD, Lương Xuân Trường đến chơi cho Buriram United (Thái Lan). Sau đợt sát hạch ở giải đấu hàng đầu khu vực J-League, ngôi sao Công Phượng đã chuyển tới chơi ở cấp độ cao hơn là giải Vô địch Quốc gia Bỉ cho Sint-Truidense.
Đặc biệt hơn cả là sự kiện hậu vệ 20 tuổi Đoàn Văn Hậu lọt vào mắt xanh các tuyển trạch viên của câu lạc bộ đang chơi tại giải vô địch Hà Lan: Heerenveen. Đó còn là thương vụ chuyển nhượng vượt mốc triệu USD đầu tiên của bóng đá Việt, khi Heerenveen mượn hậu vệ cánh trái tuyển quốc gia Việt Nam trong vòng 1 năm, kèm điều khoản mua đứt trị giá 1,4 triệu USD.
Làn sóng xuất khẩu cầu thủ dự kiến sẽ tiếp tục sôi động sau màn thể hiện ấn tượng của bóng đá Việt trong khuôn khổ vòng loại World Cup khu vực châu Á gần đây. “Nếu có thể, chúng tôi muốn sở hữu Công Phượng hay Văn Toàn. Hai cầu thủ này có thể hình khiêm tốn, nhưng lại nhanh nhẹn. Lối đá của họ phù hợp với Bangkok United”, lãnh đạo Câu Lạc bộ BangKok United chia sẻ.
Ngoài ra, các ngôi sao khác như Quang Hải, Tuấn Anh... cũng có thể ra nước ngoài thi đấu. Họ sẽ có cơ hội cọ xát tại các giải đấu chuyên nghiệp và cạnh tranh hơn để từ đó, bổ sung một chất xúc tác nâng tầm chất lượng bóng đá Việt.
Yếu tố thương mại nên được tính đến trong các thương vụ chuyển nhượng. Bởi không chỉ có giá trị ngày càng tăng mang lại lợi ích cho các câu lạc bộ, thu nhập của bản thân các cầu thủ cũng gia tăng nhanh chóng. Mức lương của Văn Lâm tại Muangthong là 10.000 USD/tháng, Công Phượng nhận khoảng 20.000 USD/tháng.
Đặc biệt Văn Hậu, với mức lương 22.000USD đã trở thành cầu thủ Việt Nam được nước ngoài trả lương cao nhất từ trước tới nay. Các cầu thủ xuất ngoại còn có cơ hội nhận được hợp đồng quảng cáo, bản quyền truyền hình với con số không hề nhỏ.
Sức hấp dẫn của các khoản chuyển nhượng khiến chủ tịch các câu lạc bộ không giấu tham vọng đẩy mạnh xuất khẩu cầu thủ, bất chấp giải vô địch trong nước đang bước vào vòng đấu cuối cùng cực kỳ căng thẳng. “Câu Lạc bộ Hà Nội đã nhận được rất nhiều lời mời, nhưng đây chính là đội bóng rất phù hợp để Văn Hậu phát triển tài năng. Tất nhiên, việc để Văn Hậu đi ở thời điểm này khiến Hà Nội rất khó khăn vì đang phải tham dự nhiều giải đấu quan trọng”, lãnh đạo Câu Lạc bộ Hà Nội cho hay.
Hiện theo đánh giá của Công ty Nghiên cứu thị trường chuyển nhượng Transfermarkt, thủ môn Đặng Văn Lâm đang có giá cao nhất cả nước (trị giá 270.000 bảng Anh), Đoàn Văn Hậu đứng thứ 2 (135.000 bảng), rồi đến Lương Xuân Trường (180.000 bảng), Công Phượng (180.000 bảng), Nguyễn Trọng Hoàng (113.000 bảng), Đỗ Duy Mạnh (68.000 bảng). Tất nhiên nếu so với đối thủ chính trong khu vực là Thái Lan, Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa. Đơn cử như chủ công số 10 Chanathip Songkrasin đang được định giá 1,95 triệu bảng Anh, tiền đạo Teerasil Dangda có mức giá 810.000 bảng Anh... Nhưng nếu tiếp tục giữ đà tăng trưởng như các năm gần đây, đi kèm theo các chiến dịch marketing hiệu quả, nhiều chuyên gia cho rằng giá trị các cầu thủ Việt sẽ ngày càng xích lại gần người Thái.
12 năm sau ngày dốc tiền thành lập Học viện HAGL JMG, đã có cầu thủ Gia Lai tới châu Âu thi đấu như giấc mơ ngày xưa bầu Đức từng ấp ủ. Theo chia sẻ của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức của Câu Lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai), bên cạnh Bỉ thì có tới 4 câu lạc bộ quan tâm đến Công Phượng đến từ Pháp, Nhật và Thái Lan. “Môi trường nào tốt nhất cho Công Phượng thì cho đi và tiền lương mà Phượng nhận được 1 tháng bằng lương cầu thủ Việt có được trong 1 năm”, bầu Đức chia sẻ.
Thậm chí, bầu Đức chấp nhận trường hợp Công Phượng có thể phải ngồi dự bị tại câu lạc bộ hàng đầu như Sint-Truidense, nhưng đổi lại chỉ việc tập luyện chung với các ngôi sao châu Âu cũng sẽ giúp cầu thủ này tiến bộ hơn, tự tin hơn. Đó là cơ hội mà nhiều cầu thủ trong nước ấp ủ nhưng không có được. “HAGL tự hào đã mở rộng quan hệ quốc tế có được cách đây 10 năm. Ban đầu là Arsenal, đến Nhật, Hàn Quốc, Hà Lan, Bỉ rồi tới Pháp. Có câu lạc bộ nào lấy được tiền như HAGL?”, bầu Đức khẳng định.
Hấp dẫn giới đầu tư
Những trái ngọt của bầu Đức được ươm giống từ năm 2007 khi doanh nhân mê bóng đá này thành lập Học viện HAGL JMG tại Hàm Rồng. Năm 2012, lứa trẻ của bầu Đức tham dự giải đấu quốc tế đầu tiên (Sanix Cup ở Nhật) và gây được tiếng vang lớn khi đối đầu các lò đào tạo danh tiếng khắp thế giới. Từ mô hình của HAGL JMG, việc tìm kiếm các tài năng trẻ tuổi, đào tạo họ và chuyển nhượng ra nước ngoài đang trở thành trào lưu lôi kéo được nhiều nhà đầu tư chiến lược tham gia. Kết quả là hàng loạt trung tâm đào tạo theo chuẩn quốc tế đã mọc ra như nấm như NutiFood JMG, Viettel, Hà Nội FC. Gần đây cái tên nổi bật lên là Trung tâm Đào tạo PVF khi chi ra số tiền lớn để xây dựng trung tâm đào tạo, mời các danh thủ và huấn luyện viên hàng đầu thế giới như Ryan Giggs, Paul Scholes, cựu huấn luyện viên đội tuyển Nhật Bản, ông Philippe Troussier.
Nhưng không phải mô hình hoạt động của các trung tâm đều giống nhau. Đơn cử như Học viện HAGL JMG theo đuổi mô hình tự đào tạo để cung cấp nhân sự cho đội là chủ yếu, đi kèm đẩy mạnh khâu truyền thông nâng cao giá trị cầu thủ để chuyển nhượng (như trường hợp của Công Phượng, Xuân Trường). Ngược lại, PVF lựa chọn rút ngắn khung thời gian đầu tư: bán trực tiếp cầu thủ cho các câu lạc bộ khác ngay sau khi hoàn thành khóa huấn luyện đào tạo trẻ vào năm 18 tuổi, đơn cử như trường hợp của Bùi Tiến Dụng, Hà Đức Chinh, Thái Quý... Không dừng lại ở đó, một số nhà đầu tư còn suy nghĩ xa hơn khi đẩy mạnh thâu tóm các câu lạc bộ châu Âu, tạo bước đệm đưa cầu thủ Việt đến cọ xát tại châu Âu trong các năm tới. Đó là trường hợp của PVF mua lại Sarajevo: câu lạc bộ đang thi đấu ở giải vô địch quốc gia Bosnia và UEFA Champions League danh giá.
Các câu lạc bộ danh tiếng nước ngoài cũng nhắm đến Việt Nam như một thị trường tiềm năng để xuất khẩu mô hình đào tạo trẻ. Đơn cử như AC Milan (Ý) đã mở học viện bóng đá tại Việt Nam, dự kiến sẽ khai giảng vào tháng 11 tới. Trường cho biết sẽ sử dụng chương trình đào tạo độc quyền của AC Milan dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên người Ý có kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy của tổ chức đào tạo huấn luyện viên Milan Academy. Học viên sẽ được đào tạo bằng Milan Method - phương pháp đào tạo có truyền thống hơn 100 năm của AC Milan và được ứng dụng trong việc đào tạo các tuyển thủ thuộc câu lạc bộ.
Hiện tại, giải bóng đá danh tiếng Tây Ban Nha La Liga đã triển khai và đưa vào hoạt động Học viện Bóng đá La Liga ở một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia. La Liga đã có sự hiện diện của các ngôi sao hàng đầu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật. Trong xu hướng này, ông Ivan Codina, Giám đốc Điều hành La Liga khu vực Đông Nam Á, đã cho báo chí Việt Nam biết, Việt Nam, Thái Lan hay Indonesia cũng có cơ hội xuất khẩu cầu thủ sang La Liga sau ngôi sao Dangda của Thái Lan vào năm 2014. Theo ông Codina, Việt Nam là một thị trường cực kỳ quan trọng, tương tự các thị trường khác ở Đông Nam Á. Điều đó thể hiện qua việc giải bóng đá hấp dẫn này đã có đại diện của La Liga ở riêng Việt Nam trong 2 năm qua.
Tất nhiên, con đường xuất ngoại vẫn còn lắm chông gai khi số lượng tuyển thủ thành công ở nước ngoài vẫn còn khiêm tốn. Nhưng đó là con đường phải đi để giúp bóng đá Việt trưởng thành hơn, vươn tầm khu vực, thậm chí đạt được giấc mơ World Cup. “10-15 năm sau, bóng đá Việt Nam sẽ nhìn lại con đường đi nước ngoài, trong đó HAGL đóng vai trò đặt nền móng mở đường. Nhờ đó, bóng đá Việt sẽ từng bước rút ngắn khoảng cách với nền bóng đá Thái Lan hay cả Nhật”, bầu Đức khẳng định.
Ngoài nỗ lực và sự chịu chi của các ông bầu “máu” với bóng đá, muốn thành công, Việt Nam có thể cần học hỏi thêm kinh nghiệm của các quốc gia khác trong nỗ lực đưa bóng đá trở thành ngành kinh tế chuyên nghiệp. Chẳng hạn, chiến lược dùng tiền bạc để rút ngắn thời gian đầu tư không phát huy được hiệu quả đối với bóng đá Trung Quốc. Lý giải nguyên nhân thất bại của bóng đá Trung Quốc, nghiên cứu của Đại học Nottingham cho rằng sự can dự quá nhiều của chính phủ khiến cho bóng đá không phát triển một cách tự nhiên. “Đơn cử như bóng đá trong trường học, với mục tiêu phổ biến bóng đá, đã không thể kết nối với hệ thống ưu tú do Tổng cục Thể thao soạn thảo. Huấn luyện nhân viên ở cấp địa phương không được đào tạo đúng chuẩn. Cuối cùng, đã có những xung đột về lợi ích giữa chủ sở hữu và liên đoàn bóng đá Trung Quốc”, nghiên cứu của Đại học Nottingham nhận định.
Trong khi đó, hiện hàng chục cầu thủ Thái Lan đã gia nhập giải đấu hạng cao nhất của Nhật J-League với những cái tên nổi bật như Theerathon Bunmathan, Thitipan Puangchan, Chanathip Songkrasin và Teerasil Dangda... Bóng đá Thái lúc này chỉ nhắm tới mục tiêu là thị trường bóng đá Nhật. Chơi bóng tại giải đấu hàng đầu của Nhật giúp cho các cầu thủ Thái Lan học hỏi được nhiều điều, đồng thời quảng bá hình ảnh của bóng đá Thái Lan đến khắp châu Á và thế giới. Về cơ bản, bóng đá Thái Lan đang đi theo mô hình của nguời Nhật, xây dựng giải quốc nội là bước 1, xuất khẩu cầu thủ là bước 2. Từ khi cầu thủ người Nhật đầu tiên là Okudera bước ra thế giới, Nhật đã mất 20 năm để tới World Cup. Trong khi đó, Teerasil Dangda tới Liga cách đây 5 năm.