Việt Dũng- Ngọc Sơn Thứ Ba | 14/08/2018 16:00

Thaco tháo ngòi bom nợ tỉ USD cho HAGL

Hai tỉ phú Việt Nam gặp nhau trong một thương vụ có quá nhiều kịch tính và cả sự hấp dẫn của một tiềm năng mới.

Hai tỉ phú gánh vác những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, nay chọn cách đi chung, thực hiện giấc mơ vực dậy nông nghiệp Việt có quỹ đất ở ngã ba Đông Dương, cùng dự án bất động sản đầu tiên của Việt Nam ở Myanmar. Đây cũng được xem là một cái kết đẹp cho bầu Đức, vị đại gia đã đi sai chu kỳ kinh tế trong 10 năm trở lại đây, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho vị tỉ phú đô la thứ 4 của Việt Nam.

Tháo ngòi bom nợ của HAGL
Cuối cùng, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cũng có thể ăn ngon ngủ yên, không còn bị ngân hàng réo gọi đòi nợ nữa. Bởi vì, vị tỉ phú đô la Trần Bá Dương chính thức chìa tay về phía ông tại sự kiện công bố hợp tác chiến lược giữa hai bên được tổ chức tại TP.HCM.

Chứng kiến niềm vui của hai tập đoàn lớn ở Việt Nam còn có rất nhiều đại gia khác, như bầu Thắng của Tập đoàn Đồng Tâm, hay ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank. Ở cấp độ chính khách, không chỉ có những vị quan chức cấp cao của Việt Nam, mà còn có cả hai nước Lào và Campuchia. Cũng trong căn phòng này, người cười nhiều không chỉ có bầu Đức, mà còn cả giới ngân hàng và chứng khoán. Họ hiểu “quả bom nợ” đã được tháo ngòi, đó còn là lối ra cho hơn 30.000 người lao động của tập đoàn này, trải rộng khắp 4 nước. 

Thaco thao ngoi bom no ti USD cho HAGL
 


Để có ngày hội tụ vui vẻ ấy, ông Trần Bá Dương bộc bạch, từ đầu năm nay, bầu Đức đã tìm đến ông để nhờ giúp đỡ. Các khó khăn mà bầu Đức chia sẻ là thiếu vốn để gia tăng diện tích cây ăn trái, các khoản nợ đến hạn và sự mong mỏi hoàn thành dự án bất động sản ở Myanmar. Trong khi đó, bầu Đức cũng trải lòng về tình hình HAGL trong thời gian qua. Bầu Đức nói rằng, ông vẫn còn khoản nợ 23.000 tỉ đồng ngày ngày đỏ mắt kiếm tiền trả lãi, dù Chính phủ và các ngân hàng đã thực hiện nhiều biện pháp tái cấu trúc nợ.
Khoản nợ này, từ nay ông Dương sẽ là người gánh vác thay. Không chỉ thế, ông còn gánh luôn nghiệp làm nông và xây nhà của bầu Đức. “Cá nhân tôi sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc tái cấu trúc toàn diện công ty, trong đó có cơ cấu nợ và thu xếp vốn để thực hiện chiến lược phát triển bền vững”, ông Dương phát biểu. Trong nông nghiệp, ông Dương dự kiến đầu tư khoảng 12.000 tỉ đồng trong giai đoạn tiếp theo để ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, bao gồm số hóa và cơ giới hóa các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp (gồm canh tác, thu hoạch, vận chuyển, lưu kho, chế biến).

Còn trong lĩnh vực bất động sản, Thaco và Đại Quang Minh sẽ đầu tư tiếp giai đoạn 2 của dự án HAGL Myanmar Center, với số vốn dự kiến là 320 triệu USD, tương đương hơn 7.400 tỉ đồng và sẽ hoàn thành vào năm 2020.

Thực tế, trước cuộc hội ngộ này, Thaco và nhóm cổ đông liên quan của Thaco đã chi 7.800 tỉ đồng để sở hữu 35% Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế HAGL (HNG) và 65% cổ phần HAGL Land (sở hữu dự án bất động sản ở Myanmar). Trước đó, từ hồi tháng 3, Thaco đã rót 1.577 tỉ đồng cho bầu Đức tiếp tục mở rộng diện tích cây ăn trái và thanh toán các khoản nợ đến hạn, cũng đồng thời chính thức tiến hành nghiên cứu khả thi cho hợp tác đầu tư có được ngày hôm nay.

Ông Đức thả, ông Dương nắm
Sự hội ngộ giữa hai tỉ phú nhưng ở vai trò khác nhau ngày hôm nay đã nói lên rằng các doanh nghiệp khó có thể lờ đi chu kỳ kinh tế. “Là một doanh nhân nên tôi hiểu việc đối mặt với những rủi ro trong kinh doanh do biến động khôn lường của nền kinh tế thị trường là điều khó tránh khỏi”, ông Dương nói về tình cảnh của bầu Đức. Bầu Đức, vị đại gia từng vang danh là người giàu nhất sàn chứng khoán, mở màn mua máy báy riêng, nhưng lại sai lầm nối tiếp sai lầm trong bước đi chiến lược.

Trong khi đó, khởi nghiệp từ cơ sở sản xuất lắp ráp ở Chu Lai, Trần Bá Dương ngày nay là tỉ phú đô la thứ tư, bên cạnh các tỉ phú Phạm Nhật Vượng của Vingroup, Nguyễn Thị Phương Thảo của Vietjet Air, Trần Đình Long của Hòa Phát. Xuất phát từ công ty bất động sản, HAGL chọn cách trồng cây cao su để ứng phó với chu kỳ bất động sản đi xuống, khi đó lãi suất được giữ ở mức cao để chống lạm phát.

Tuy nhiên, bầu Đức cũng gặp vận đen khi việc trồng cao su cũng không gặp thời. Thị giá cao su trên thị trường quốc tế đi xuống, càng lấy mủ lại càng lỗ. Mất đi dòng tiền thu về, HAGL lâm vào cuộc khủng hoảng. Túi nợ ngày càng dày thêm, không đủ trả nợ gốc, thậm chí là lãi vay khi đến hạn.

Thaco thao ngoi bom no ti USD cho HAGL
 


Từng là một đại gia “hét ra lửa”, cổ phiếu vào loại “hái ra tiền” rồi cũng bị các công ty chứng khoán “hắt hủi”, buộc phải bán giải chấp. Các ngân hàng thì cũng có nỗi khổ riêng khi nợ xấu tăng cao, càng réo gọi đòi nợ HAGL. Cứ thế, cổ phiếu HAGL đi xuống không phanh. 

Trước tình hình khó khăn, HAGL thêm lần nữa chuyển hướng, lần này là trồng cây ăn trái. Các sản phẩm chủ lực được xác định là chuối, thanh long, chanh dây, bưởi da xanh, mít và hơn mười loại cây ăn trái khác. HAGL cho biết các loại trái cây này đã bắt đầu thu hoạch và xuất khẩu sang các thị trường lớn. “Thuộc lòng” bài học trước đây, tài sản của HAGL lần này xác định là lấy ngắn, nuôi dài. Dù kinh doanh khả quan hơn nhưng HAGL vẫn gặp khó khăn về thanh khoản, giá cổ phiếu giảm sâu, đối diện với nguy cơ bị bán giải chấp để trả nợ cho các khoản vay đến hạn phải giải quyết ngay.

Thaco thao ngoi bom no ti USD cho HAGL
Trái cây đang là mặt hàng mang lại nguồn thu chủ lực cho HAGL


Ở hướng ngược lại, tỉ phú đô là Trần Bá Dương lại độc bá trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp xe ô tô. Sản lượng bán xe trong 6 tháng đầu năm nay đạt 50.397 xe (trong đó 64% là xe xu lịch, còn lại là xe thương mại), chiếm 41% thị phần Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA). Doanh số dự kiến năm 2018 đạt 75.000 tỉ đồng, lợi nhuận khoảng 6.500 tỉ đồng. Hưởng lợi từ một nền kinh tế đang tăng trưởng nhu cầu sử dụng ô tô, Thaco còn lấn sân vào mảng bất động sản và đóng góp của Đại Quang Minh vào sự thành công và thương hiệu của Thaco là không nhỏ. 

Bất động sản cũng là điểm khác biệt của hai đại gia này. Khi bầu Đức buông, ông Dương lại nắm. Và rồi đến nay, khi không còn “lực” để giữ biểu tượng Việt Nam ở Myanmar, bầu Đức cũng đành chuyển nhượng cho tỉ phú đô la đang muốn chuyển hướng sang bất động sản. Như ông Dương chia sẻ, Thaco đã có thêm một ngành nghề kinh doanh thứ hai là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông và đô thị, bất động sản. 

Thaco thao ngoi bom no ti USD cho HAGL
Nhà máy xe bus của Thaco


Thực tế Thaco bắt đầu thực hiện dự án ở Thủ Thiêm trong bối cảnh năm 2012 khi ngành bất động sản đóng băng, hạ tầng ở đây chưa có gì. Tương tự, năm 2003, ông Dương cũng đã biến Chu Lai từ bãi cát trắng trở thành “thành phố thu nhỏ” trong lĩnh vực công nghiệp ô tô. Thaco có thế mạnh mà HAGL còn thiếu, bầu Đức nhấn mạnh, đó là khả năng tài chính, cơ khí, tự động hóa,  kỹ năng quản trị doanh nghiệp và quản lý sản xuất trên quy mô lớn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi tham dự sự kiện này, ví von Thaco là chàng rể có tài kỹ trị, trong khi cô dâu HAGL có tình yêu với lĩnh vực nông nghiệp. “Đây là cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối”, Thủ tướng phát biểu và chúc mừng hai doanh nghiệp.
Lựa chọn ngày đẹp 8.8.2018 để công bố, nhưng mối lương duyên có lẽ được giới thạo tin nắm bắt từ lâu. Cổ phiếu HNG của Công ty nông nghiệp HAGL liên tục tăng từ đầu tháng 6 vừa qua, từ mức 7.500 đồng/cổ phiếu lên đến hơn 17.250 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 8. So với thời điểm đầu năm, cổ phiếu HNG đã tăng hơn 71%. Trong lễ ký kết, người ta thấy ông Đức cười rất tươi là vậy.

Ai cũng có tiền
Trả lời báo chí, ông Đức cho rằng “chỉ cần 3 năm thôi, sự hợp tác này sẽ đứng đầu bảng và không ai học, làm theo được nữa, mà muốn học cũng không được”.
Thực sự, tham vọng lớn của bầu Đức đặt ra khi cùng đối tác Thaco là rất lớn. Theo đó, tầm nhìn của cả hai là biến công ty nông nghiệp của HAGL thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Việt Nam và tiến đến là cả Đông Nam Á. Quỹ đất phát triển khoảng 80.000ha, nằm tại khu tam giác gồm khu vực Tây Nguyên Việt Nam, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. 

Trồng cao su lẫn nuôi bò đều không giúp HAGL đổi vận, nhưng trái cây từ năm 2017 bắt đầu mang lại doanh thu lớn cho HAGL. Quy mô cây ăn trái dự kiến tăng diện tích từ 12.000 ha lên 30.000ha trong năm 2020. Trong đó, chuối chiếm khoảng 33% diện tích, thanh long 10%, bưởi 10%, xoài 15%…

Cao su tuy đã gây thất vọng với ông chủ HAGL với quy mô diện tích lên đến 40.000ha nhưng vẫn kỳ vọng về doanh thu mang lại trong dài hạn khi giá cao su thế giới phục hồi, và việc bán gỗ lấy tiền. Đáng kể hơn, trong kế hoạch phát triển sắp tới, HAGL còn dự tính phát triển 5.000 ha cây dược liệu, cung cấp cho các công ty dược để sản xuất thực phẩm chức năng và thức uống.
Kế hoạch lớn là như vậy nhưng HAGL vấp phải một rào cản quan trọng là thị trường đầu ra. Hiện tại, HAGL lấy thị trường Trung Quốc làm nền tảng. “Công ty sẽ giữ vị trí nhà cung cấp các loại trái cây nhiệt đới lớn nhất tại thị trường Trung Quốc, nhưng cũng chú trọng phát triển thị trường nội địa, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc,… để giảm thiểu rủi ro kinh doanh”, ông Đức chia sẻ.
Vì vậy, bước phát triển tiếp theo vì thế phải là làm sao để trái cây được thị trường nước ngoài thừa nhận. Khâu chế biến sau thu hoạch vì thế cũng được ưu tiên nghiên cứu.
Nhưng đó chỉ là kế hoạch. Câu chuyện nông nghiệp là câu chuyện khó chung. Ai cũng hiểu và đôi khi không phải chỉ có tiền là giải quyết được. Nhưng nếu chỉ cần tiền, có lẽ bầu Đức đã sớm bán tài sản cho các ông lớn trong lĩnh vực tài chính trong tổng tài sản lên tới 53.000 tỉ đồng. Bầu Đức đã từng bán hết mảng mía đường, nay cũng là bất động sản. Bầu Đức cũng cho rằng câu chuyện nông nghiệp thì không phải ai cũng có thể làm được.

Chọn đối tác có khả năng cơ giới hóa nền nông nghiệp, quản trị mới là nhân tố quan trọng, mà Thaco là một đáp số quan trọng. Như ông Đức trả lời báo chí: “Chúng tôi có nhiều thứ, có hàng ngàn cán bộ kỹ sư, có quỹ đất rất lớn, có một cơ sở hạ tầng đã hình thành nhưng lại thiếu quản trị và tài chính. Nếu có thêm hai yếu tố này thì phát triển thành doanh nghiệp lớn thật sự không khó nữa”. Điều này thì ông Đức có thể tin cậy được tiềm lực của ông Dương.

Thaco thao ngoi bom no ti USD cho HAGL
 


Năm 2017, nhờ trái cây, HAGL đã vực dậy được một chút. Doanh thu ghi nhập từ mảng này lên đến 1.612 tỉ đồng, chiếm 33% cơ cấu doanh thu. Lợi nhuận sau thuế đạt 372 tỉ đồng so với múc lỗ 2.183 tỉ đồng trong năm trước đó. Còn báo cáo hợp nhất trong 6 tháng dầu năm, doanh thu đạt hơn 2.921 tỉ đồng, tăng 18% và khoản lỗ ròng hơn 11 tỉ đồng.
Đối với giới quan sát, thương vụ M&A và trở thành đối tác chiến lược giữa HAGL và Thaco rõ ràng là khá thú vị, nhưng cũng bắt đầu có những câu hỏi về mục đích thật sự về khoản tiền tỉ đô mà ông Dương đã bỏ ra trong thương vụ này.

Thời gian gần đây, Thaco có nhiều khoản đầu tư trong mảng nông nghiệp. Năm 2018, Thaco đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất máy móc, thiết bị nông nghiệp tại Chu Lai cùng với việc thiết lập hệ thống phân phối và bán lẻ trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Thaco cũng đã liên kết với Tập đoàn Lộc Trời xây dựng đề án sản xuất lúa theo hướng công nghiệp tại tỉnh Thái Bình bao gồm: Khu công nghiệp có chức năng về giống, vật tư nông nghiệp hữu cơ; kho chứa và chế biến thực phẩm từ lúa, trung tâm nghiên cứu và đào tạo...
Thực tế, tỉ suất sinh lợi của ngành nông nghiệp là không mấy hấp dẫn khi đối mặt với nhiều rủi ro về giá cả và hàng rào kỹ thuật của các thi trường trọng điểm. Hơn nữa, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sắp sửa có hiệu lực sẽ mang đến những thách thức mới cho ngành nông nghiệp khi khá nhiều quốc gia trong khối như Úc, New Zealand từ lâu đã là các cường quốc xuất khẩu nông nghiệp nổi tiếng.

Tuy mảng nông nghiệp của HAGL đang khởi sắc hơn nhờ xuất khẩu trái cây, quy mô trang trại hàng chục ngàn ha, Thaco có ưu thế về máy móc, công nghệ nhưng có thể thấy, việc tham gia vào mảng nông nghiệp nhiều khả năng chưa phải đích ngắm thực sự của tỉ phú Trần Bá Dương, mà là hướng tới đẩy nhanh hơn nữa mảng bất động sản thâu qua công cụ mua bán và sáp nhập (M&A).


Giấc mơ lấn sân sang mảng bất động sản của Chủ tịch Trần Bá Dương là có thật, thậm chí có thể trở thành động lực tăng trưởng mới trong các năm tới. Lý do là mảng chủ lực ô tô đang dần trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn. Trong nước, Vingroup đang chuẩn bị ráo riết cho các sản phảm ô tô đầu tiên mang thương hiệu Vinfast, còn tại quốc gia đối thủ chính là Thái Lan, 5 nhà sản xuất xe hơi hàng đầu (trong đó có Honda và Nissan) vừa được chính phủ chấp nhận mở rộng quy mô đầu tư với tổng vốn lên đến 900 triệu USD, mang đến nguy cơ mới cho Thaco trong cuộc chiến giữ thị phần trong nước khi hàng rào thuế quan trong khối ASEAN đang dần dỡ bỏ.

Nhưng trên mảng bất động sản, thương hiệu của Trường Hải vẫn chưa được nhiều người biết đến khi mới trải qua một dự án khá nổi là Khu đô thị Sala tại Thủ Thiêm. Quỹ đất phát triển cho thành viên Đại Quang Minh tại các thành phố lớn cho các năm tới vẫn còn là câu hỏi khi Bộ Tài chính mới đây, đã yêu cầu các tỉnh thành phố tam dừng các dự án đổi đất lấy hạ tầng (BT) sau hàng loạt các sai sót vừa qua.

Trước mắt, Trường Hải sẽ thâu tóm 51% cổ phần HAGL Myanmar và dự kiến sẽ tiếp tục nâng tỉ lệ sở hữu lên 65%. Nếu thương vụ lần này được triển khai thành công, không loại trừ trong các năm tới, Trường Hải sẽ tiếp tục thâu tóm thêm nhiều dự án còn dồi dào của bầu Đức, nhất là ở các đô thị lớn.
Hiện tại, ngoài dự án tại Myanmar, mảng bất động sản của bầu Đức còn nằm rải rác tại khá nhiều các doanh nghiệp khác có liên quan. Nên nhớ là tính đến cuối quý II/2018, HAGL vẫn ghi nhận khoản cho vay tại Công ty Đầu tư bất động sản An Phú lên đến 1.526 tỉ đồng, cũng như tiếp tục cho vay một số doanh nghiệp xây dựng và bất động sản có liên quan khác.

Đặt trong bối cảnh có nhiều thách thức mới bất ngờ trỗi dậy, việc hợp tác chiến lược trên cả hai mảng nông nghiệp và bất động sản với bầu Đức xem ra là toan tính khá khôn ngoan của tỉ phú Trần Bá Dương. Về phần mình, có lẽ bầu Đức cũng cảm thấy vui khi trao lại “ấn kiếm” cho Trường Hải, nhất là sau giai đoạn cực kỳ khó khăn vừa qua. “Tôi vẫn là người chi phối. Tôi đã nói từ đầu rồi, người ta sở hữu 35% thì sao tôi mất quyền được?”, ông Đức vui vẻ trả lời.