Kim Dung Thứ Tư | 29/05/2024 07:00

Tay mơ tìm lãi kép thần kỳ

Thông qua đầu tư vào sản phẩm của những nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư không chuyên có thể tận dụng lợi thế để gia tăng giá trị tài sản.

Xuất thân từ sinh viên ngành tài chính của một trường đại học danh tiếng ở TP.HCM, Thùy Linh đã dấn thân vào thị trường chứng khoán hơn 7 năm với tràn đầy sự tự tin và rồi những thăng trầm của thị trường lại khiến cô gái này hoàn toàn thay đổi.

Sàng lọc khắc nghiệt 

Chia sẻ với NCĐT, Thùy Linh cho hay hành trình đầu tư của mình đầy ắp sắc màu, đưa bản thân từ cảm xúc hưng phấn nhất tới hoang mang tột cùng. “Giai đoạn 2020-2021 tài khoản đã tăng bằng lần nhờ thị trường thuận lợi, nhưng chỉ trong năm 2022 mình đã gần như mất trắng”, Thùy Linh ngậm ngùi chia sẻ.

Thùy Linh không phải là trường hợp hiếm gặp bởi trong năm 2022 nhiều nhà đầu tư cũng gần như mất trắng vì sử dụng đòn bẩy cao. Thử tưởng tượng khoảng cách từ đỉnh đến đáy năm 2022 của VN-Index là hơn 43%, nhiều cổ phiếu thời điểm đó đã chia đôi, thậm chí chia 3 thị giá, cũng đồng nghĩa với việc nếu không bán nhanh và dứt khoát, giá trị tài sản của nhà đầu tư cũng bốc hơi hàng chục phần trăm chưa kể margin. 

Năm 2020, khi chỉ số VN-Index lùi về mốc 65x điểm, cùng với “kỷ nguyên tiền rẻ” đã thúc đẩy lượng lớn nhà đầu tư F0 tham gia vào thị trường chứng khoán với hàng trăm ngàn tài khoản được mở mới mỗi tháng, thanh khoản thị trường cũng liên tục ở mức tỉ USD.

“Mãi sau này tôi mới biết, số lãi đó không thuộc về tôi, chẳng qua là tôi đã đi qua đúng mùa thị trường sôi động nhất”, câu nói tưởng chừng vu vơ của cộng đồng chứng sĩ trên các diễn đàn lại phơi bày một thực trạng rất phũ phàng rằng thị trường chứng khoán “lên thang bộ, xuống thang máy”, có thể khiến khoản lợi nhuận, thậm chí là khoản đầu tư của nhà đầu tư bốc hơi nhanh chóng nếu không kiểm soát tốt rủi ro.

Số liệu thống kê tại ngày 21/5/2024 của hệ thống TCBS (công ty chứng khoán Top 3 thị phần môi giới quý I/2024) cho thấy, tỉ suất lợi nhuận bình quân của những nhà đầu tư tại TCBS trong 12 tháng gần nhất đạt 14,2%/năm, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 17,3%/năm của chỉ số VN-Index.

Nhà đầu tư cá nhân liệu có đang đầu tư hiệu quả hơn thị trường?

Không thể phủ nhận ở những giai đoạn thị trường tăng trưởng, việc tìm kiếm lợi nhuận là điều không khó, người ta khi đó sẽ chỉ nhắc với nhau về những “chiến thần” nhân đôi, nhân ba tài khoản, thay vì cách đầu tư bền vững và an toàn. Tuy nhiên, đi qua thời hoàng kim, khi thị trường trở về với bản chất bập bềnh lên xuống lại là lúc nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán được phân tầng rõ ràng. Những nhà đầu tư chuyên nghiệp với đầy đủ công cụ, thời gian, kiến thức và sự đầu tư sẽ là những người có được tỉ suất lợi nhuận bền vững và quản trị rủi ro ở mức an toàn. Thay vào đó, các nhà đầu tư không chuyên lại dễ dàng đánh mất lợi nhuận, thậm chí là phần nhiều vốn đầu tư ở những giai đoạn thị trường khó khăn.

Ông Benjamin Graham, “cha đẻ” của đầu tư giá trị, đã chỉ ra phương pháp rất nổi tiếng trong giới tài chính đó là DCA (trung bình chi phí bằng USD), được hiểu là chiến lược bình quân giá hoặc trung bình giá. Phương pháp này chỉ ra rằng nhà đầu tư có thể đầu tư đều đặn các khoản tiền vào tài sản bất chấp giá của tài sản vào thời điểm đó.

Phương pháp này chỉ đơn giản là nhà đầu tư có thể mua được nhiều hơn khi tài sản giảm giá và mua được ít hơn khi tài sản tăng giá. Bằng cách đầu tư đều đặn, nhà đầu tư không phải lo lắng về việc chọn đúng thời điểm để đầu tư toàn bộ số tiền, từ đó giảm thiểu rủi ro đầu tư một lần. DCA còn giúp nhà đầu tư duy trì kỷ luật và kiên định với chiến lược dài hạn mà không bị ảnh hưởng bởi biến động ngắn hạn của thị trường.

Tuy nhiên, khi thực tế những đợt sụt giảm của thị trường xảy ra, việc mua bình quân và dám mua bình quân lại là điều không hề dễ dàng. Chỉ riêng năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm mạnh từ đỉnh 1.536  điểm và từng chạm vùng giá 873 điểm (tháng 11/2022) với nhiều cổ phiếu chia đôi thị giá. Khi nhìn lại, ít ai có thể hình dung cổ phiếu FPT trước khi đạt mức giá 138.000 đồng/cổ phiếu (kết thúc phiên ngày 22/5) đã từng giảm về dưới mức 60.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 11/2022. Hay những cổ phiếu đang ở vùng giá cao nhất thời đại như DGC, FRT cũng từng giảm hơn 50% trong đợt sụt giảm của năm 2022 và có mức giá lần lượt 43.000 đồng/cổ phiếu và 48.070 đồng/cổ phiếu.

Hay những cổ phiếu tên tuổi như HPG từng giảm từ đỉnh 44.200 đồng/cổ phiếu về 11.800 đồng/cổ phiếu hồi năm 2022, TCB cũng từng giảm hơn 50% khi lao dốc từ mức 53.240 đồng/cổ phiếu về 18.700 đồng/cổ phiếu. Hiện tại, cả HPG và TCB vẫn chưa quay lại vùng đỉnh của năm 2022, dù đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ sau cú “wash out” (một phiên giao dịch xuất hiện sự giảm điểm mạnh của thị trường chung) năm 2022. Câu hỏi đặt ra rằng, bao nhiêu phần trăm nhà đầu tư đã can đảm mua vào khi những cổ phiếu lớn cũng giảm hơn 50%?

Tối ưu bằng tích sản

Trải nghiệm của nhiều nhà đầu tư cá nhân cho thấy tầm quan trọng của việc điều chỉnh chiến lược đầu tư phù hợp với thực tế thị trường. Trong bối cảnh biến động không ngừng, tích sản trên thị trường tài chính ngày càng được nhiều chuyên gia khuyến nghị như một phương pháp đầu tư an toàn và hiệu quả.

Chia sẻ với NCĐT, bà Đặng Thị Lan Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Rồng Việt (VDAM), cho rằng đầu tư tích sản là đầu tư tích lũy tài sản có tăng trưởng từ số vốn nhỏ trong dài hạn. Có 2 ý trong đây, một là tăng trưởng và hai là dài hạn. Để đầu tư có sự gia tăng giá trị trong dài hạn, có thể bỏ qua các biến động lớn của vĩ mô thế giới và trong nước, đòi hỏi nhà đầu tư cần có sự hiểu biết nhất định về mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp, dự đoán được những bước phát triển trong tương lai của lĩnh vực đầu tư, để từ đó chọn được doanh nghiệp mà nhà đầu tư có thể an tâm bỏ tiền vào định kỳ.

 

“Trên thực tế, khó đòi hỏi những nhà đầu tư cá nhân có chuyên môn cao tại các lĩnh vực khác dành đủ thời gian và tâm sức học hỏi về lĩnh vực kinh doanh hay đầu tư, chưa nói đến việc đủ trải nghiệm trên thị trường chứng khoán Việt Nam để hiểu những bối cảnh đặc thù của thị trường, yêu cầu nhà đầu tư phải ghi nhận và lưu ý”, bà Lan Hương chia sẻ.

Theo đại diện của VDAM, đầu tư tích sản, khác với mua một khoản đầu tư và để dài hạn. Nhà đầu tư cá nhân theo chiến lược này cần có sự cam kết để luôn có một khoản tiền nhàn rỗi, định kỳ (tốt nhất là hằng tháng) để đầu tư. Việc đầu tư định kỳ vào một doanh nghiệp tốt trong dài hạn sẽ luôn là liều thuốc an thần hiệu quả và giúp danh mục của nhà đầu tư luôn đạt được mức sinh lời bình quân của thị trường.

Ngoài ra, để tích sản hiệu quả ở thị trường tài chính, nhà đầu tư có thể tham khảo kinh nghiệm của người đi trước. Họ cũng nên nhìn lại hằng năm các khoản đầu tư của bản thân, đặc biệt là tình hình kinh doanh, bối cảnh vĩ mô... để đánh giá những nhận định của cá nhân về các khoản đầu tư còn hợp lý hay không.

 

Chia sẻ về tiềm năng tích sản trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Eric Levinson, Phó Tổng Giám đốc Điều hành Phát triển Kinh doanh Quỹ mở, VinaCapital, cho biết Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP ổn định và cao, là cơ sở thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp niêm yết. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực hưởng lợi từ sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn như công nghệ, tài chính, công nghiệp. Thêm vào đó, thị trường chứng khoán thường có mức biến động lớn ở một số thời điểm. Điều này tạo ra cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn có thể mua cổ phiếu tốt ở mức giá hấp dẫn.

Theo ông Eric Levinson, phương pháp tích sản chứng khoán trở nên hấp dẫn ở Việt Nam nhờ tận dụng sự tăng trưởng dài hạn. Cụ thể, đầu tư dài hạn vào các doanh nghiệp có nền tảng vững chắc và tiềm năng tăng trưởng sẽ mang lại lợi nhuận bền vững. Ngoài ra, tích sản đều đặn giúp giảm thiểu rủi ro từ biến động ngắn hạn của thị trường.

Tuy nhiên, việc tích sản ở một thị trường biến động cũng không phải là điều dễ dàng khi thị trường có thể trải qua những giai đoạn điều chỉnh mạnh, gây ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư vẫn mua bán cổ phiếu theo tin đồn. Quan trọng nhất là cần đầu tư dựa trên kiến thức và hiểu biết về doanh nghiệp.

Thực tế cũng chỉ ra rằng, ở thị trường chứng khoán Việt Nam có những cổ phiếu vẫn đạt mức tăng trưởng bình quân hấp dẫn. Lấy ví dụ những cái tên quen thuộc, bỏ qua sự biến động trong ngắn hạn, mức sinh lời bình quân giai đoạn 2019-2023 của FPT, DGC, BMP hay VCB lên tới 30%, 40%, thậm chí là 80%/năm (đối với DGC). Hay REE, “đứa con đầu lòng” của thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng cho tỉ suất sinh lời bình quân 23,7%/năm trong 5 năm qua. Tuy nhiên, đó là kịch bản tích cực khi nhà đầu tư nắm giữ các cổ phiếu này trong thời gian dài, bỏ qua những giai đoạn giảm hơn 30%/năm hoặc diễn biến kém tích cực hơn so với chỉ số chung.

Dành lời khuyên cho những nhà đầu tư theo chiến lược tích sản, đại diện của VinaCapital cho rằng cổ phiếu doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực hưởng lợi từ sự phát triển của nền kinh tế trong dài hạn như công nghệ, tài chính, công nghiệp có thể phù hợp cho chiến lược tích sản.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần lựa chọn doanh nghiệp có nền tảng vững chắc, tài chính mạnh, quản trị tốt và triển vọng tăng trưởng bền vững. Cùng với đó là sử dụng các công cụ phân tích, theo dõi thị trường và dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp để đưa ra quyết định đầu tư chính xác. Không bàn đến những nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, sản phẩm của các quỹ đầu tư có thể là lựa chọn phù hợp đối với các nhà đầu tư không chuyên đang tìm kiếm những cơ hội đầu tư khác ngoài gửi tiết kiệm. Đây cũng là cơ hội để nhà đầu tư có thể tận dụng kinh nghiệm của các chuyên gia đầu tư, nguồn lực của các công ty chuyên nghiên cứu đầu tư để hỗ trợ quản lý và phát triển tài sản bền vững.

Thực tế và kịch bản trên excel

Theo thống kê từ thị trường chứng khoán Mỹ, lợi nhuận trung bình của thị trường chứng khoán là khoảng 10% mỗi năm, được đo bằng chỉ số S&P 500. Tại Việt Nam, số liệu của NCĐT cũng cho thấy trong 10 năm qua (2014-2023), VN-Index đã tăng bình quân 10,4%/năm, trong đó năm 2022 giảm tới 34%.

Ở “bức tranh lãi kép nhiệm màu”, nếu đầu tư 100 triệu đồng vào đầu năm 2014, sau đó đều đặn mỗi tháng đầu tư thêm 5 triệu đồng và kiên trì nắm giữ, với tỉ suất 10%/năm thì đến cuối năm 2023, số tiền nhà đầu tư nhận được sẽ là hơn 1,45 tỉ đồng. Tuy nhiên, đó là kịch bản tích cực và chỉ là con số trên excel vì thực tế rất ít nhà đầu tư có thể kiên trì tích sản như vậy.

Bởi lẽ, việc chọn được một doanh nghiệp, một cổ phiếu để nhà đầu tư thực sự hiểu và sẵn sàng mua khi giảm mạnh, kiên trì nắm giữ với thời gian tính bằng năm là điều rất khó. Đa phần các nhà đầu tư ở thị trường Việt Nam có xu hướng thích lướt sóng ngắn hạn với kỳ vọng tỉ suất lợi nhuận hằng năm rất cao, thay vì chỉ là con số 10-20%/năm. Cùng với đó, mỗi nhà đầu tư sẽ có cách tư duy và lập luận khác nhau về tích sản.

Ở góc nhìn chuyên gia, lãnh đạo Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Rồng Việt cho rằng sự ra đời của các công ty quản lý tài sản và sản phẩm quỹ đầu tư rất thích hợp cho nhà đầu tư với số vốn vừa phải có thể đầu tư tích sản, khắc phục những nhược điểm về vốn của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, đầu tư chứng chỉ quỹ cho phép nhà đầu tư tham gia vào nhiều loại tài sản khác nhau, giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư một cách dễ dàng. Ở Việt Nam, có nhiều dạng quỹ mở khác nhau như quỹ cổ phiếu (tập trung vào việc đầu tư vào cổ phiếu), quỹ cân bằng (đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu), quỹ an toàn (chỉ đầu tư vào trái phiếu) và còn có quỹ ETF. Điều này giúp nhà đầu tư đa dạng sự lựa chọn sản phẩm phù hợp với mục tiêu tài chính và nguồn vốn của mình.

“Các công ty quản lý chứng chỉ quỹ trên thị trường đều phải có sự chấp thuận của luật pháp. Vì được quản lý bởi các chuyên gia, nên chứng chỉ quỹ có mức độ rủi ro thấp hơn so với việc đầu tư trực tiếp vào cổ phiếu hay trái phiếu. Đồng thời, các thông tin về quỹ đều phải minh bạch và được công bố rõ ràng. Đây là một trong những điểm sáng mà nhà đầu tư có thể an tâm lựa chọn chứng chỉ quỹ cho chiến lược tích sản của mình”, bà Lan Hương chia sẻ.

 

Số liệu thực tế cho thấy, có nhiều quỹ mở, quỹ ETF hoạt động rất hiệu quả ở thị trường chứng khoán Việt Nam với tỉ suất sinh lời vượt trội hơn so với VN-Index như trong giai đoạn 2021-2023. Theo đó, trong số các quỹ ETF nổi bật trên thị trường được NCĐT thống kê, Quỹ ETF DCVFMVN DIAMOND tỏa sáng với những con số biết nói. Giai đoạn 2021-2023, tăng trưởng bình quân của quỹ này cao nhất so với các quỹ còn lại và gấp hơn 5 lần so với đà tăng của VN-Index. Đặc biệt, năm 2022 lợi nhuận của Quỹ ETF DCVFMVN DIAMOND cũng sụt giảm thấp nhất so với các quỹ ETF trên thị trường và thấp hơn nhiều so với mức giảm của VN-Index.

Bên cạnh chứng chỉ quỹ ETF thì chứng chỉ  quỹ mở cũng là sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường. Trong đó, Quỹ Đầu tư Chứng khoán Năng động DC (DCDS) là quỹ đại chúng đầu tiên của Việt Nam, được ví von là “quỹ quốc  dân” khi nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư với tỉ suất sinh lời bình quân trong 3 năm qua là 21,3%/năm.

Quỹ Đầu tư cân bằng chiến lược VCBF cũng là cái tên được chú ý khi 50% giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ này là đầu tư vào cổ phiếu và 50% vào các tài sản có thu nhập cố định, có chất lượng tín dụng tốt. Giai đoạn 2014-2023 quỹ này đạt tỉ suất sinh lời bình quân là 11,4%/năm, riêng giai đoạn 2021-2023 mức sinh lời là hơn 10,2%/năm. Nổi bật nhất là năm 2022, khi VN-Index giảm hơn 34%, lợi nhuận của quỹ này chỉ giảm 11,98%. Hay Quỹ VINACAPITAL-VMEEF thành lập vào tháng 5/2023 cũng đạt tỉ suất sinh lời gần 40%/năm (tính tại ngày 23/5/2024).

Vì vậy, trong bối cảnh lãi suất trung bình của tiền gửi tiết kiệm chạm đáy với kỳ hạn 12 tháng hiện chỉ còn 4,7%, các sản phẩm đầu tư có tính bền vững là xu hướng tìm đến của dòng tiền nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư gia tăng tài sản.

Dĩ nhiên, trên đây chỉ là thống kê của những quỹ đầu tư nổi bật trên thị trường. Trong khi đó, nhiều quỹ vẫn hoạt động kém hơn nhiều so với mặt bằng chung. Đơn cử như trong năm 2022, khi VN-Index giảm hơn 34%, có hơn 80% quỹ đầu tư trên thị trường sụt giảm từ 10-30%, trong đó những quỹ có mức sụt giảm nhẹ và tăng trưởng dương phần lớn là quỹ trái phiếu.

Mỗi nhà đầu tư sẽ có nguồn lực về tài chính, nguồn vốn và mức độ chấp nhận rủi ro khác nhau, việc lựa chọn các sản phẩm để đầu tư của mỗi cá nhân cũng không giống nhau. Tuy nhiên, bức tranh thực tế của thị trường cũng cho thấy, về dài hạn, mức tăng trưởng của VN-Index là dương, nhưng trong ngắn hạn, không thể tránh khỏi những đợt sụt giảm hàng chục phần trăm. Vì thế, kiên trì, kỷ luật là điều cần thiết dù ở kênh đầu tư nào.