Tân binh tỉ USD trên sàn HOSE
Danh hiệu tỉ USD luôn là mục tiêu được nhiều doanh nghiệp khao khát, cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, câu lạc bộ tỉ USD năm nay chứng kiến sự gia nhập của nhiều cái tên mới. Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến hết tháng 9/2021, trên sàn HOSE đã có 39 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỉ USD. So với thời điểm cuối năm 2020, đã có thêm 8 doanh nghiệp góp mặt vào câu lạc bộ tỉ USD của sàn HOSE.
NHÓM TÀI CHÍNH LÊN NGÔI
Bên cạnh việc ban hành Thông tư 01 và 03, môi trường lãi suất thấp tiếp tục giúp ngành ngân hàng hưởng lợi lớn. Nhóm cổ phiếu ngân hàng do đó vẫn trở thành cái tên nóng nhất trên thị trường chứng khoán thời gian qua. Tính trong 6 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận ròng của 17 ngân hàng niêm yết (có tổng dư nợ vay chiếm 66% tín dụng toàn ngành) đã tăng 55,5% so với cùng kỳ.
Lực tăng của nhóm “cổ phiếu vua” đã giúp nhiều ngân hàng đủ điều kiện gia nhập sân chơi tỉ USD. Nổi bật nhất phải kể đến là cổ phiếu LPB của Ngân hàng LienVietPostBank, khi giá cổ phiếu này đã có lúc tăng tới 173% so với đầu năm 2021, đẩy mức vốn hóa của LienVietPostBank lên 1,15 tỉ USD.
Đà tăng mạnh mẽ của LPB đến từ việc ngân hàng này có kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng về mọi mặt. Cụ thể, thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi 2 quý đầu năm lần lượt đạt 4.231 và 544 tỉ đồng, tương ứng tăng 45,8% và 75,2% so với cùng kỳ.
NIM đạt 3,6%, tăng 63 điểm cơ bản. Đáng chú ý, lợi nhuận ròng lên tới 1.617 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2020 và đạt 60% dự báo cả năm. Mặc dù là một ngân hàng nhỏ, khá bất ngờ khi LienVietPostBank là một trong các ngân hàng đáp ứng chuẩn Basel II trước thời hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Trong tương lai, nhà đầu tư đang quan tâm tới câu chuyện trong mảng bancassurance của ngân hàng này. Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (CTS) cho rằng LienVietPostBank sẽ dễ dàng tham gia một hợp đồng bancassurance mới, nhờ ưu thế mạng lưới phủ rộng lên đến 556 điểm giao dịch vào cuối năm 2020 và kinh nghiệm trong mảng kinh doanh này.
Cũng có mức tăng ấn tượng không kém, cổ phiếu OCB của Ngân hàng Phương Đông đã tăng 60% so với đầu năm nay, giúp vốn hóa của ngân hàng này đạt ngưỡng 1,44 tỉ USD. Nhờ chính sách lãi suất cao cho các khoản tiền gửi tiết kiệm quy mô lớn, tăng trưởng huy động của OCB đạt 9,2% từ đầu năm, nằm trong nhóm cao nhất toàn hệ thống. Đáng chú ý, Ngân hàng tiếp tục kiểm soát tốt chi phí, giúp OCB nằm trong top 3 ngân hàng có tỉ lệ CIR thấp nhất, với CIR chỉ ở mức 28,11%, giảm 1,47% so với cùng kỳ.
Trong trung hạn, Công ty Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam cho rằng, chiến lược tập trung vào khách hàng trẻ nhóm bán lẻ và bất động sản (tín dụng doanh nghiệp) sẽ giúp OCB duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 20%/năm trong giai đoạn 2022-2023. Ngân hàng Eximbank (EIB) cũng chính thức là tân binh tỉ USD khác trong nhóm ngân hàng, sau khi ghi nhận giá trị vốn hóa tăng thêm 0,39 tỉ USD so với năm trước.
Cổ phiếu LPB của LienVietPostBank đã có lúc tăng tới 173% so với đầu năm 2021, đẩy vốn hóa lên mức 1,15 tỉ USD. Ảnh: Quý Hoà |
Tương tự như nhóm ngân hàng, nhóm chứng khoán cũng tiếp nối đà tăng vốn đã tạo lập từ năm 2020, nhiều cổ phiếu ngành chứng khoán liên tục chinh phục đỉnh cao mới, trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang bùng nổ hơn bao giờ hết. “Năm 2020 cũng như năm 2021 được coi là kỳ dị nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán toàn cầu chứ không chỉ riêng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Khi những khó khăn của nền kinh tế và diễn biến của thị trường chứng khoán lại không tương đồng với nhau, quá trình này thậm chí đã trải qua thời gian khá dài và vẫn chưa hề có dấu hiệu kết thúc”, báo cáo của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) nhận định.
Số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, tổng dư nợ cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán tính đến ngày 13/9/2021 ước đạt 141.304 tỉ đồng, tăng tới 74,62% so với đầu năm 2021. Dưới sức nóng đó, SSI trở thành công ty chứng khoán đầu tiên ở Việt Nam đạt ngưỡng vốn hóa 1 tỉ USD, cùng lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm tăng trưởng ấn tượng, gần gấp đôi so với cùng kỳ.
SSI là công ty chứng khoán đầu tiên ở Việt Nam đạt ngưỡng vốn hóa 1 tỉ USD. Ảnh: Quý Hoà |
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định: “SSI là một trong những công ty được hưởng lợi lớn nhất nếu thanh khoản của thị trường chứng khoán được duy trì ở mức cao. Do SSI là một trong những công ty môi giới hàng đầu về thị phần giao dịch, chúng tôi dự báo doanh thu môi giới năm 2021 của Công ty sẽ tăng trưởng 168% lên 2.100 tỉ đồng”.
Trong tương lai, bên cạnh hệ thống giao dịch KRX được đưa vào sử dụng vào đầu năm 2022 và triển vọng nâng hạng thị trường, SSI nói riêng và ngành chứng khoán nói chung vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, trong bối cảnh số lượng tài khoản giao dịch dù đang được mở rất nhiều nhưng mới chỉ đạt 3% dân số, thấp hơn mục tiêu 5% dân số vào năm 2025. Ngoài SSI, Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) cũng từng đạt được vốn hóa tỉ USD trong năm nay, trước khi rời khỏi sân chơi này do giá cổ phiếu sụt giảm sau đó.
DẬY SÓNG TỪ "SIÊU CHU KỲ HÀNG HOÁ"
Chiến tranh thương mại cùng đà phục hồi kinh tế thế giới sau năm 2020 trì trệ đã khiến cho toàn bộ nguyên liệu đều tăng giá một cách đáng kinh ngạc. Trong đó, Bắc Mỹ là nơi dẫn dắt cho sự tăng giá vượt kiểm soát của thép, khi giá thép cuộn cán nóng HRC giao dịch ở Bắc Mỹ trong tháng 5/2021 đã đạt mức 1.492 USD /tấn, tăng 233% so với tháng 8/2020, thời điểm xảy ra đỉnh dịch ở Mỹ. Nhờ tích trữ nguyên vật liệu đầu vào, nhiều doanh nghiệp đang hưởng lợi từ việc tăng giá các loại hàng hóa trên thế giới. Trong đó, phải kể đến đầu tiên là các doanh nghiệp trong ngành thép, đơn cử như Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG).
Giá bán bình quân của Công ty cũng tăng đáng kể theo diễn biến của giá HRC trên thế giới. Theo đó, doanh thu của Hoa Sen trong quý III/2021 (niên độ tài chính của Hoa Sen bắt đầu từ tháng 10) tăng 90% so với cùng kỳ, nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 55% và giá bán bình quân tăng 22% so với cùng kỳ. Giá bán bình quân tăng mạnh giúp Hoa Sen có tỉ suất lợi nhuận gộp cao kỷ lục trong lịch sử, do hàng tồn kho giá thấp.
Ngoài ra, kết quả kinh doanh của Hoa Sen còn được thúc đẩy bởi thị trường xuất khẩu. Theo Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI Research, kênh xuất khẩu có thể giúp Hoa Sen duy trì hoạt động hết công suất bất chấp tác động tiêu cực kéo dài của dịch COVID-19 đối với nhu cầu trong nước. SSI Research cũng cho hay, Hoa Sen đã có đơn đặt hàng xuất khẩu trước để hoạt động hết công suất đến hết tháng 11.
Nhờ kết quả của tái cấu trúc, tình hình tài chính của Hoa Sen đã được cải thiện đáng kể, tổng dư nợ vay giảm mạnh, đạt mức thấp nhất trong niên độ tài chính 2019-2020, thấp nhất so với 2 niên độ gần nhất. Đi kèm với sự tích cực từ những yếu tố cơ bản, sau khoảng thời gian hơn 1,5 năm (17 tháng) giao dịch dưới mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu), cổ phiếu HSG vượt mốc 10.000 đồng/cổ phiếu, đánh dấu sự trở lại kể từ tháng 5/2020. Đến nay, HSG đã được giao dịch ở mức giá trên 40.000 đồng/cổ phiếu, đưa Hoa Sen vào câu lạc bộ vốn hóa tỉ USD.
Tương tự như Hoa Sen, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) cũng là một cái tên nổi bật trong “siêu chu kỳ hàng hóa”. Hóa chất Đức Giang là doanh nghiệp hưởng lợi chính khi giá phốt pho tăng mạnh liên tục. Bên cạnh doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về sản xuất, buôn bán các mặt hàng hóa chất phục vụ ngành công - nông nghiệp. Hóa chất Đức Giang còn là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam sản xuất thành công hóa chất khử khuẩn Cloramin B, dùng phun khử khuẩn trong phòng chống dịch COVID-19.
Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset, dự án mỏ Apatit- Khai Trường 25 với trữ lượng 3,7 triệu tấn với vòng đời 6 năm, đã được đưa vào khai thác tập trung từ quý II/2021. Điều này giúp Hóa chất Đức Giang chủ động hơn 30% nguyên liệu Apatit đầu vào, nguyên liệu sản xuất các sản phẩm từ phốt pho, qua đó giúp gia tăng biên lợi nhuận gộp. 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lãi ròng của Công ty đạt lần lượt 3.988 tỉ đồng và 625 tỉ đồng, tăng 29% và 33% so với cùng kỳ nhờ sản lượng các sản phẩm chính như phốt pho vàng, axit phosphoric trích ly, phân bón đều tăng trưởng tốt. Cùng với đó là sự cải tiến công nghệ, cũng như chủ động một phần nguyên liệu đầu vào.
Kết quả kinh doanh tích cực, đặt trong bối cảnh thiếu hụt chip trên toàn cầu vẫn tiếp diễn, giá cổ phiếu DGC đã liên tục dậy sóng trên thị trường. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, giá DGC đã tăng gần 237%, đưa giá trị vốn hóa của Công ty lên mức 1,13 tỉ USD, góp mặt vào câu lạc bộ tỉ USD.
“Xu hướng tăng của giá các hàng hóa sẽ vẫn tiếp tục, ít nhất trong những tháng còn lại của năm 2021. Đây sẽ là động lực tăng trưởng lớn cho các công ty đang được hưởng lợi, về cả mặt giá cổ phiếu cũng như tiềm năng lợi nhuận”, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán MBS, nhận định.
Nếu như ví von COVID-19 là “thiên thời” của ngành chứng khoán khi môi trường lãi suất thấp đã thúc đẩy nhà đầu tư tham gia nhiều hơn vào kênh đầu tư này, thì kênh đầu tư bất động sản cũng đang đứng trước nhiều cơ hội.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia cao cấp tại Ngân hàng BIDV, cũng cho biết dòng tiền bất động sản từ đầu năm đến nay không hề giảm, tín dụng cho bất động sản tăng 5,1%, trong đó cho vay nhà ở khoảng 1,2 triệu tỉ đồng, cho vay đầu tư tăng gần 700.000 tỉ đồng, tương đương tăng trưởng tín dụng chung toàn nền kinh tế trong 9 tháng qua. Các chuyên gia phân tích rằng mỗi lần suy giảm kinh tế thì thị trường bất động sản lại tiên phong phục hồi, đó là quy luật.
Theo nhận định của ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital, với mặt bằng lãi suất thấp, dòng tiền từ nhà đầu tư có dấu hiệu chuyển dịch từ tiền gửi sang bất động sản. Theo đó, các công ty bất động sản uy tín với quỹ đất sạch lớn ở gần trung tâm TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh lân cận đồng thời có khả năng thực thi dự án tốt như Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH); Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NVL) hay Công ty Cổ phần Vinhomes (VHM) sẽ hưởng lợi và tăng trưởng khả quan.
Đối với Khang Điền, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, các dự án đang triển khai giai đoạn 2021-2023 đều có vị trí tốt, nằm tại khu vực thành phố Thủ Đức, TP.HCM trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm và pháp lý chung của ngành bất động sản còn nhiều nút thắt. Quỹ đất tiềm năng để triển khai của Khang Điền lên tới hơn 633 ha, với vị trí nằm tại TP.HCM.
VCBS kỳ vọng Khang Điền có thể duy trì được kết quả kinh doanh ổn định trong giai đoạn 2021-2023 với các dự án đang triển khai. Mức doanh thu dự kiến mỗi năm trong vùng 4.500-5.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế mang về có thể đạt 1.305-1.450 tỉ đồng/năm.
Cổ phiếu của một số doanh nghiệp bất động sản uy tín cũng có diễn biến tích cực trong năm nay. |
Trong khi Khang Điền là “đại gia Sài Thành” với quỹ đất lớn tập trung ở các thành phố, thì Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) lại là một trong những cái tên tiêu biểu trong xu hướng “bỏ phố về rừng”. Theo đánh giá của CTS, chính chiến lược đa dạng hóa này đã giúp Phát Đạt có được một số thuận lợi nhất định những năm gần đây trong bối cảnh tiềm năng phát triển dự án bất động sản tại TP.HCM gần như đã hết. Việc phát triển các dự án bất động sản mới tại TP.HCM thường xuyên vướng mắc về vấn đề pháp lý, thời gian hoàn thành thủ tục, hồ sơ cũng bị kéo dài sẽ gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp.
Ngược lại, các tỉnh, thành lân cận lại có chính sách cởi mở hơn. Vì thế, Phát Đạt đã chọn lựa các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Dương, Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu để phát triển dự án. Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty đã tích lũy được quỹ đất khá lớn, đủ cho phát triển từ 2-3 năm tới. CTS dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2021 của Phát Đạt lần lượt là hơn 4.800 tỉ đồng và 2.296 tỉ đồng. Với những tiềm năng đến từ yếu tố nội tại của chính công ty, cổ phiếu KDH và PDR cũng liên tục có những diễn biến tích cực, đưa 2 doanh nghiệp này cán đích vốn hóa tỉ USD trong năm nay.
Có thể thấy, phía sau những doanh nghiệp tỉ USD là những câu chuyện kinh doanh rất thú vị và thị trường chứng khoán đóng vai trò quan trọng trong việc mang đến “danh hiệu tỉ USD”. Theo ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc HOSE, nếu không có thị trường chứng khoán, giá trị của một doanh nghiệp sẽ chỉ nằm trên sổ sách. Khi có thị trường chứng khoán, giá trị sổ sách đó mới được mang ra trao đổi giữa các nhà đầu tư với nhau.
Họ sẽ định giá doanh nghiệp dựa trên doanh thu, lợi nhuận, tỉ lệ tăng trưởng lợi nhuận để xác định mức giá trao đổi, hay chính là giá cổ phiếu ở trên thị trường. Ngoài ra, “yếu tố góp phần tạo nên những giá trị “tỉ USD” hiện nay chính là kỳ vọng của nhà đầu tư về tiềm năng tăng trưởng và khả năng tiếp tục tạo ra lợi nhuận trong tương lai”, ông Lê Hải Trà đánh giá.