Cửa hàng đồng hồ cao cấp của PNJ Next. Ảnh: Quý Hoà.
Sức khoẻ doanh nghiệp đang có dấu hiệu đi xuống
Qua rồi khoảng thời gian mà lợi nhuận doanh nghiệp bùng nổ như giai đoạn năm 2017-2018. Các doanh nghiệp dường như đang hướng tới một giai đoạn khó khăn hơn.
Đà giảm tốc
Theo báo cáo của FiinPro Platform, tính tới hết ngày 2.5, đã có 680 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý I/2019. Con số này chiếm 87% mức vốn hóa toàn thị trường chứng khoán. Nhìn chung, doanh nghiệp vẫn tăng trưởng lợi nhuận (2,25%) trong quý đầu tiên của năm 2019.
Nhưng nếu loại bỏ nhóm ngân hàng - bảo hiểm với những đặc thù riêng, các doanh nghiệp niêm yết thực chất đã có một quý kinh doanh tăng trưởng âm 2,34% so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinGroup, nhận định: “Sau thời gian tăng trưởng mạnh mẽ năm 2016-2017, lợi nhuận của khối doanh nghiệp đã giảm tốc”.
Trong quý I/2019, đà giảm tốc diễn ra đáng kể nhất ở ngành tài nguyên cơ bản, kế đó là bất động sản. Theo phân tích của FiinPro, trong ngành tài nguyên cơ bản, lĩnh vực thép là sụt giảm mạnh nhất, dưới tác động của giá nguyên liệu tăng cao. Có thể kể ra trường hợp sụt giảm lợi nhuận đáng kể của Pomina (POM, giảm 140%), Hòa Phát (HPG, giảm 18,6%). Trong ngành thép, do ảnh hưởng giá nguyên vật liệu giảm từ quý IV/2018 nên giá bán phải giảm theo.
Tuy nhiên tốc độ giảm giá bán nhanh hơn giá nguyên vật liệu tồn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến doanh nghiệp ngành thép như Pomina chuyển từ lãi hơn 209 tỉ đồng trong quý I/2018 sang lỗ đậm gần 84 tỉ đồng.
Ngành bất động sản cũng ghi nhận mức sụt giảm 14,8% chung cho toàn ngành. Trong đó, đáng chú ý là trường hợp Vinhomes (VHM) với lãi ròng hợp nhất giảm 33%. Theo giải trình từ Công ty, kinh doanh VHM trong quý I/2019 sụt giảm vì Vinhomes hiện đã gần như hoàn thành bàn giao các căn hộ, biệt thự ở dự án Vinhomes Greenbay và Vinhomes Central Park cho khách hàng.
Không còn nguồn thu như cũ, trong khi lượng sản phẩm bất động sản trên toàn thị trường gia tăng, đạt mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Công ty CBRE đánh giá “khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản càng lớn” liên quan các chỉ số lợi nhuận và sức khỏe doanh nghiệp ngành này đều đi xuống trong bối cảnh chính sách siết tín dụng; các chính sách liên quan như giá thuê đất và chu kỳ/sản lượng bán hàng của ngành.
Các doanh nghiệp ngành điện, dù đang hưởng lợi về thời tiết nắng nóng tác động và giá bán tăng nhưng vẫn kinh doanh kém khởi sắc. Chẳng hạn, Nhơn Trạch 2 (NT2) ghi nhận lãi ròng quý I/2019 giảm 24% về 235 tỉ đồng. Còn các doanh nghiệp thủy điện đều giảm lãi, trừ Thủy điện Miền Trung (CHP). Thậm chí, Công ty Thủy điện Miền Nam (SHP) còn báo lỗ tới 13 tỉ đồng.
Sự sụt giảm về kinh doanh trong quý đầu năm 2019 còn phải kể đến ngành dịch vụ tài chính và chứng khoán. Hai công ty dẫn đầu trong ngành chứng khoán là Công ty Chứng khoán SSI và Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đều sụt giảm mạnh về lợi nhuận, với mức lãi SSI trong quý I này chỉ bằng 1/2 cùng kỳ còn ở HSC là bằng 1/4. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), khi thị trường không còn tăng nóng và đạt đỉnh cả về điểm số, thanh khoản như cùng kỳ năm ngoái, kết quả này là dễ hiểu.
Vì vậy, tại mùa đại hội cổ đông năm nay, ngoài việc báo cáo tình hình kinh doanh khó khăn, rất nhiều doanh nghiệp niêm yết, kể cả những tập đoàn lớn đang có chung đặc điểm là phải lên kế hoạch cắt giảm chi phí hoạt động. Điều này cho thấy môi trường kinh doanh 2019 khá khắc nghiệt và chi phí sản xuất chính là một trong những yếu tố quyết định lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm 2019.
Những điểm sáng
Đối với những ngành vẫn duy trì được tăng trưởng lợi nhuận, sự phân hóa rất rõ nét. Chẳng hạn, ở ngành ngân hàng, trong khi Vietcombank, ACB, MBB, Sacombank... tăng trưởng tốt, thì Vietinbank, Techcombank, HDBank có lợi nhuận đi ngang. Hay trong lĩnh vực bán lẻ, 87% lợi nhuận toàn ngành trong tay Thế Giới Di Động (MWG). Giới phân tích cho rằng, cuộc chơi bán lẻ thực sự chỉ trong tay một số tên tuổi nổi bật như MWG, PNJ...
Tương tự, dù ngành tiện ích công cộng, dầu khí và ô tô, phụ tùng đạt tăng trưởng lợi nhuận quý I/2019 ở mức tốt nhất so với các ngành khác, theo FiinGroup, nhưng không phải doanh nghiệp nào trong các ngành này đều kinh doanh khả quan.
Điểm tích cực cho bức tranh kinh doanh quý I/2019 của các doanh nghiệp có vốn hóa lớn đều tăng trưởng ở mức ấn tượng. Tiêu biểu là Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) tăng hơn 1.000%, Nam Long (NLG) tăng 358%, Vĩnh Hoàn (VHC) tăng 214%. Đặc biệt, những đơn vị đầu ngành, dù hoạt động ở những ngành đang khó khăn và suy giảm, các công ty vẫn tính để xoay chuyển tình thế, duy trì khả năng tăng trưởng. Chẳng hạn, Thế Giới Di Động (MWG) đã cho thấy khả năng xoay sở khi ghi nhận tăng trưởng 10% doanh thu và 29% lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ. Về mặt hiệu quả, biên lợi nhuận ròng trong quý I của MWG đạt 4,2%, tức mức cao nhất tính từ đầu năm 2017 đến nay.
Đối với ngành ngân hàng, Vietcombank tiếp tục kinh doanh nổi bật khi tăng trưởng gần 35% lợi nhuận trước thuế ngay trong quý I/2019, đạt hơn 5.800 tỉ đồng. Theo lý giải của VCB, có được kết quả này là nhờ thu nhập lãi thuần của VCB tăng cao, lên gần 8.499 tỉ đồng. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ ở VCB tăng 21,3% lên 1.069 tỉ đồng; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 313 tỉ đồng tăng 51% lên 928 tỉ đồng... Với kết quả này, các công ty chứng khoán nhận định, VCB hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 12% so với năm 2018.
Trong ngành bất động sản, Novaland đi ngược dòng khi vừa trải qua quý đầu năm tăng trưởng mạnh, với doanh thu thuần đạt 4.910 tỉ đồng, tăng cao 2,6 lần, còn lãi sau thuế đạt 281,7 tỉ đồng, tăng 119% so với cùng kỳ. Nguyên nhân của sự bứt phá, đến chủ yếu từ chuyển nhượng bất động sản. Tương tự, Nam Long cũng đạt lợi nhuận đột biến nhờ khoản đóng góp từ việc mua lại Công ty Việt Thiên Lâm (đang sở hữu dự án Khu biệt thự Đại Phước Paragon).
“Chúng tôi cho rằng tăng trưởng lợi nhuận giảm tốc sẽ là câu chuyện của cả năm nay khi mà thiếu đi động lực của nhiều công ty trong các ngành lớn như bất động sản, ngân hàng, hay F&B”, báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định. Trong bối cảnh thị trường đã bão hòa, thách thức cạnh tranh gia tăng thì mở rộng ngành nghề, mở rộng thị trường, thay đổi mô hình kinh doanh, tìm kiếm cơ hội tăng trưởng từ M&A... là những cách mà các công ty đầu ngành đã, đang và sẽ thực hiện. Điều này đang diễn ra mạnh mẽ tại Vinamilk, FPT, TTC Sugar, Novaland và Vĩnh Hoàn và nhiều doanh nghiệp khác.
Một số doanh nghiệp khác, trong các ngành cần đổi mới toàn diện, để gia tăng năng lực sản xuất, đáp ứng đòi hỏi khắt khe của thị trường như ngành dược thì xu hướng bắt tay và trở thành các công ty thuộc vốn nước ngoài. Hiện tại, không riêng Domesco mà Dược Hậu Giang cũng đã là công ty con, thuộc vốn nước ngoài. Tuy nhiên, tính toán của lãnh đạo doanh nghiệp, trong chiến lược mở rộng thị trường, ngành nghề kinh doanh, chuyển đổi mô hình, M&A... không phải lúc nào cũng thuận lợi. Trường hợp Coteccons là một ví dụ. Coteccons đã muốn sáp nhập Ricons để mở rộng quy mô, tăng năng lực cạnh tranh nhưng vấp phải sự phản đối của cổ đông lớn.
Theo ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Vietinbank Securities, tăng trưởng GDP quý I/2019 của Việt Nam vẫn cao hơn chỉ số chung trong khu vực; đồng thời Chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) và các chỉ số bán lẻ khác cũng cho thấy các yếu tố tích cực. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác là tỉ giá rất ổn định khi Ngân hàng Nhà nước cho thấy có đầy đủ biện pháp, công cụ và nội lực để kiểm soát tỉ giá.
Vì vậy, ông Nguyễn Quang Thuân nhận định, mặc dù lợi nhuận giảm trong quý I nhưng triển vọng lợi nhuận theo kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp và theo dự báo của các công ty chứng khoán vẫn có tín hiệu tốt với dự kiến tăng trưởng lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) khoảng 14,5% năm 2019 và chủ yếu đến từ các doanh nghiệp đầu ngành. “Theo dữ liệu lịch sử, tăng trưởng hay sụt giảm, lợi nhuận hay hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp về cơ bản trong ngắn hạn (hàng quý) không ảnh hưởng lớn đến chỉ số chứng khoán”, ông Thuân nhấn mạnh.