Ở góc độ cá nhân, mỗi người có thể làm gì để chủ động thiết kế kế hoạch tài chính và sức khỏe cho giai đoạn hưu trí của mình? Ảnh: TL.

 
Thanh Hằng Thứ Hai | 11/11/2024 07:30

Sống lâu, tiền đâu?

Một kế hoạch đầu tư tài chính chuyên nghiệp giúp người cao tuổi thực sự được hưởng phước báu của cuộc đời.

Ở độ tuổi ngoài 30, Uyên Mai, một phụ nữ độc thân sống tại quận 7 (TP.HCM), đang có trong danh mục chuẩn bị cho tuổi hưu trí vài hợp đồng bảo hiểm và vài khoản đầu tư vào một loạt quỹ khác nhau, đủ để cô sống đến năm 80 tuổi. Làm việc tại một định chế tài chính, cô sớm hoạch định kế hoạch tài chính sau những buổi chia sẻ của công ty. 

Thế nhưng, không phải người nào cũng có kế hoạch rõ ràng như Uyên Mai. Một người quen cũng độc thân của Uyên Mai, dù đã ngoài 40 tuổi nhưng hầu như không có khoản dự phòng tài chính đáng kể nào cho hiện tại hay một tương lai xa khi về hưu. Trường hợp như bạn của Uyên Mai không phải hiếm, khi HSBC tiết lộ trong báo cáo có tên “Chất lượng cuộc sống” là 40% người châu Á chưa đạt được các mục tiêu hưu trí. Theo đó, nhóm Gen X ít khả năng có một kế hoạch nghỉ hưu toàn diện nhất so với các thế hệ khác, trong khi 30% nhóm Baby Boomer vẫn chưa đạt được mục tiêu tiết kiệm. 

 

Từ năm 2036, Việt Nam được Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) dự báo sẽ bước vào giai đoạn dân số già. Tiếp đó, từ năm 2056 sẽ là dân số siêu già. Nếu năm 2023, cứ hơn 7 người trong độ tuổi lao động sẽ hỗ trợ 1 người cao tuổi, thì đến năm 2036 là hơn 3 người và đến năm 2049 chỉ còn hơn 2 người. Sự mất cân đối về cơ cấu dân số những giai đoạn này đặt áp lực về tài chính và chăm sóc y tế lên nền kinh tế với rủi ro “chưa giàu đã già”. Nhà nước sẽ cần nhiều điều chỉnh về chính sách để chuẩn bị cho thực tế này, bao gồm việc tăng độ tuổi nghỉ hưu.

Đối với các nhà đầu tư, sự hấp dẫn của nền kinh tế bạc (silver economy) cũng đang tăng lên, liên quan đến nhu cầu của người cao tuổi với nhiều hoạt động bao gồm sản xuất, tiêu thụ, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ phục vụ nhu cầu của người 50 tuổi trở lên. Người cao tuổi đang được xem là nguồn lực tăng trưởng ở nhiều nền kinh tế trên thế giới.

Ở góc độ cá nhân, mỗi người có thể làm gì để chủ động thiết kế kế hoạch tài chính và sức khỏe cho giai đoạn hưu trí của mình?

Ảnh: shutterstock.com.
Ở Việt Nam (từ 60 tuổi trở lên) chủ yếu đến từ hỗ trợ của con cái. Ảnh: shutterstock.com.

Phước báu chứa 2 rủi ro

Thuộc nền văn hóa Á Đông, nhiều gia đình Việt Nam dành phần lớn nguồn lực cho con cái và xem đầu tư cho họ như một hình thức đầu tư cho tương lai, với kỳ vọng con cái sẽ phụng dưỡng họ khi về già. Số khác, những người dành cả cuộc đời đi làm thuê nghĩ rằng Bảo hiểm Xã hội sẽ chi trả phần lớn nhu cầu nghỉ hưu của họ. Trên thực tế, Bảo hiểm Xã hội được thiết kế để phòng vệ tối thiểu. Nếu mong muốn có một cuộc sống thoải mái khi về hưu, một người cần có thêm khoản tiết kiệm và đầu tư cá nhân và nếu có thể, phúc lợi liên quan đến quỹ hưu trí từ doanh nghiệp. 

Trong khi đó, một con số của Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc khiến nhiều người phải chú ý: nguồn thu nhập chính của người cao tuổi ở Việt Nam (từ 60 tuổi trở lên) chủ yếu đến từ hỗ trợ của con cái, chiếm khoảng 38%; các nguồn thu nhập mà người cao tuổi có được từ lương hưu chỉ khoảng 15% và từ nguồn trợ cấp xã hội khoảng 10%. Ở một hoạt cảnh khác có liên quan, 40% người trong độ tuổi 70-74 ở Việt Nam vẫn phải lao động. Khoảng 7/10 người cao niên đang làm việc ở những ngành không chính thống tại các đô thị như bán hàng ngoài chợ, tài xế taxi, thu nhặt rác hay bán hàng rong...

Ông Andre Gama, Giám đốc Chương trình An sinh xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thừa nhận các chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống. “Cần chi nhiều hơn cho an sinh xã hội, mức chi khoảng 5% GDP cho an sinh là rất thấp, trong khi nhiều quốc gia đã chi từ 10-15%”, ông Andre Gama đề xuất.

Để khắc phục tình trạng khó khăn khi về già, sự chủ động cá nhân trong kế hoạch tài chính trở nên quan trọng. Theo thông lệ quốc tế, để duy trì mức sống không đổi, một người cần có khoản tiền đều đặn tương đương 70-80% thu nhập trước khi về hưu. “Một nửa sẽ đến từ Bảo hiểm Xã hội, phần còn lại từ kế hoạch riêng của người lao động”, Bộ Lao động Mỹ phân tích trong một tài liệu hướng dẫn lập mục tiêu tài chính. 

 

“Một kế hoạch hưu trí toàn diện cần bao gồm một chiến lược đầu tư cho giai đoạn trước và sau về hưu”, ông Pramoth Rajendran, Giám đốc Toàn quốc Khối Dịch vụ Quản lý Tài sản và Tài chính Cá nhân, HSBC Việt Nam, bình luận với NCĐT. Điều quan trọng không chỉ là lên kế hoạch để duy trì dòng tiền thường xuyên cho những chi tiêu thường nhật mà còn phải cân nhắc những thứ phát sinh sau khi nghỉ làm, chẳng hạn như chi phí y tế nằm ngoài dự liệu.  

Mặc dù tuổi thọ, mức sống kỳ vọng cũng như tình hình tài chính mỗi người một khác nhưng chúng ta đều phải đối mặt với những thách thức giống nhau sau khi nghỉ hưu như vấn đề tăng trị giá vốn, dòng tiền đều đặn, sống thọ, lạm phát, đầu tư và chi phí y tế.

 

Trước khi bắt tay vào lập kế hoạch, các nhà tư vấn đều cho rằng nên suy nghĩ đến một số rủi ro có thể ảnh hưởng đến kế hoạch về hưu của mình. Trước hết là rủi ro về tuổi thọ. “Nghe có vẻ hài hước nhưng sự thật là vậy”, vị Giám đốc của HSBC phân tích. “Mặc dù sống thọ trăm tuổi là một phước báu nhưng đi kèm với đó là những rủi ro về tài chính cho người về hưu”, ông nói. 

Dữ liệu cho thấy người Việt Nam sống khá thọ. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, năm 2023 tuổi thọ tính từ lúc sinh đối với nam giới là 71,1 năm và 76,5 năm đối với nữ. Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam là 73,7, tăng khoảng 5 năm so với cách đây 25 năm. Với sự tiến bộ của công nghệ y tế, việc đạt đến độ tuổi 100 đã không còn là cột mốc xa vời. “Tuy nhiên, nếu các nguồn quỹ hưu trí không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày, sống thọ lại trở thành một rủi ro đáng lưu tâm”, ông Pramoth Rajendran nói thêm.

Thứ 2, không thể ngó lơ rủi ro về lạm phát. Vị Giám đốc của HSBC lấy ví dụ về phở có giá 7.000-10.000 đồng/tô khoảng 20 năm trước, giờ đã tăng lên 50.000-60.000 đồng. Những con số đó cho thấy tác động của lạm phát và giá cả tăng lên. Trong gần 30 năm qua, lạm phát bình quân của Việt Nam là khoảng 5%/năm, tăng kỷ lục lên 28,32% tại thời điểm tháng 8/2008, trong khi lạm phát thế giới cũng duy trì ở mức tương đối cao hơn trong một thời gian dài. “Nếu lợi nhuận đầu tư không theo kịp hoặc trên mức lạm phát thì chi phí sinh hoạt gia tăng sẽ dần bào mòn tiền tiết kiệm của người về hưu”, ông Pramoth Rajendran lý giải.

Thực tế, kết quả từ nghiên cứu “Viễn cảnh mới về hưu trí: Tự tin đón nhận tương lai” của Sun Life châu Á vừa công bố cho thấy, đối với những người nghỉ hưu hiện tại, 26% thừa nhận rằng họ đã không lập kế hoạch cho các chi phí nghỉ hưu của mình, dẫn đến 20% bị bất ngờ bởi các khoản chi phí cao hơn dự kiến. Xu hướng này dự kiến sẽ tăng khi lạm phát ảnh hưởng đến mức sống.

 

Những cách hóa giải

“Của để dành” của người Việt Nam nói chung thường nằm ở bất động sản, vàng hay tiết kiệm. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khoản tiền tích lũy này hoặc có cũng không đủ nhiều để trang trải cho những rủi ro phát sinh.

Ông Pramoth Rajendran tư vấn, khi lên kế hoạch nghỉ hưu, chúng ta có thể cân nhắc dùng một sản phẩm niên kim phù hợp để phòng ngừa các rủi ro tuổi thọ. Để phòng vệ cho những lúc khó khăn, chúng ta có thể bổ sung các điều khoản về bảo hiểm y tế nhằm đảm bảo trang trải chi phí y tế có thể phát sinh thêm lúc có tuổi. Mỗi người sẽ có một cách riêng để chuẩn bị cho cuộc sống về hưu của mình nên có thể cân nhắc tận dụng danh mục đầu tư khác nhau để ứng phó với các thách thức khác nhau phát sinh sau khi về hưu.

Đối mặt với rủi ro lạm phát, người về hưu có thể cân nhắc đầu tư để đạt được tăng trị giá vốn (chênh lệch giá mua/bán). Tuy nhiên, đầu tư thì thường đi kèm với rủi ro. Tài sản rủi ro cao như cổ phiếu có biến động giá cao hơn nhưng cũng mang lại lợi nhuận cao hơn kỳ vọng. Tài sản rủi ro thấp như trái phiếu có biến động giá thấp hơn nhưng cũng đồng thời đi kèm lợi nhuận thấp hơn kỳ vọng, như vậy thì không giải quyết hiệu quả được rủi ro lạm phát. Do đó, người về hưu cần tìm được điểm cân bằng trong danh mục đầu tư của họ cũng như lưu ý đa dạng hóa rủi ro đầu tư.

người về hưu cần tìm được điểm cân bằng trong danh mục đầu tư của họ cũng như lưu ý đa dạng hóa rủi ro đầu tư. Ảnh: shutterstock.com
Người về hưu cần tìm được điểm cân bằng trong danh mục đầu tư của họ cũng như lưu ý đa dạng hóa rủi ro đầu tư. Ảnh: shutterstock.com

Quỹ hưu trí tự nguyện đã trở thành một trong những trụ cột an sinh xã hội, được nhiều quốc gia phát triển trên thế giới áp dụng rộng rãi. Nhiều người tham gia thiết lập một tài khoản cá nhân để tự đóng góp hoặc cùng với doanh nghiệp đóng góp khoản tiền nhất định. Số tiền sau đó được đầu tư cho cổ phiếu và chứng khoán. Nếu có lợi nhuận thì phần lãi được tích lũy, duy trì như một khoản trợ cấp hưu trí. Tuy nhiên, hệ thống quỹ hưu trí toàn cầu gặp rất nhiều khó khăn. Giá trị tổng tài sản của nhiều quỹ giảm sâu do giá trái phiếu chính phủ giảm mạnh. Đây là tài sản đầu tư an toàn và chiếm tỉ trọng lớn của các quỹ.

Tại Việt Nam, đã có một vài quỹ hưu trí tư nhân nhưng vì mức độ phát triển hạn chế chung của thị trường quỹ khiến kênh đầu tư này cũng không quá phổ biến. Chính thức hoạt động từ năm 2021, đến nay có 10 quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện do 4 doanh nghiệp quản lý quỹ được cấp phép với tổng trị giá tài sản đến cuối năm 2023 là 857,9 tỉ đồng. Tại Việt Nam, theo đại diện của Dragon Capital, nhằm khuyến khích sự tham gia từ người lao động và người sử dụng lao động, mức ưu đãi thuế cho quỹ hưu trí cần được nâng lên và điều chỉnh để đuổi kịp lạm phát.

Đối tượng chủ yếu của những quỹ này là các doanh nghiệp, họ tham gia như một cách để tăng thêm phúc lợi cho nhân tài. Khi được hỏi về quỹ hưu trí, một số quản lý cấp cao trong ngành tài chính từ chối bình luận vì không có nhiều thông tin, trong khi chuyên gia không quan tâm. Thực vậy, có nhiều kênh đầu tư thu hút với suất sinh lợi kỳ vọng cao hơn quỹ hưu trí. “Một danh mục đầu tư phù hợp với người về hưu cần tạo ra được dòng tiền đều đặn để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, đồng thời giải quyết được rủi ro lạm phát nhờ tăng trị giá vốn”, ông Pramoth Rajendran phân tích. 

Trên thị trường cũng có những quỹ đầu tư phối hợp tài sản được thiết kế để cung cấp cổ tức thường xuyên. Những quỹ này đầu tư vào nhiều nhóm tài sản khác nhau tùy theo mức độ rủi ro định trước nhằm thúc đẩy tăng trị giá vốn và đa dạng hóa rủi ro. Các quỹ này cũng mang lại mức cổ tức đa dạng để đáp ứng nhu cầu về dòng tiền của các nhà đầu tư khác nhau.

 

“Để tích lũy tài sản cho một mục tiêu như hưu trí, cần bảo toàn 3 khía cạnh của tài sản gồm dòng tiền hay thu nhập, việc bảo toàn tài sản và việc tạo dựng tài sản”, ông Châu Kim Sũng, chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân, bình luận thêm. 

Đồng quan điểm với việc tích lũy bao nhiêu là đủ tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi người, ông Sũng chỉ ra rằng sai lầm của nhiều người là không nêu cụ thể thứ mà họ muốn. Đa số người Việt Nam thường tập trung chủ yếu vào mục tiêu tiết kiệm (gửi tiết kiệm) hay ở các hình thái tài sản hiện hữu khác mà họ có thể hiểu (sổ tiết kiệm, vàng, bất động sản) càng nhiều càng tốt mà không phân chia. “Nên cụ thể từng mục tiêu mà bạn đã đề ra. Không nên gộp tất cả làm một mà cần phân bổ thu nhập vào nhiều quỹ khác nhau”, vị chuyên gia phân tích.

Ông Sũng liệt kê ít nhất 4-5 loại quỹ mà một người nên có trong danh mục phân bổ tài sản, bao gồm quỹ khẩn cấp, quỹ hưu trí, quỹ y tế, quỹ học vấn (nếu có con) và những quỹ đầu tư hay tiết kiệm khác. Trong khi quỹ khẩn cấp nên có giá trị ít nhất 6 tháng chi tiêu tối thiểu, thì quỹ hưu trí được ông Sũng đề xuất trích lập cho ít nhất 25 năm. “Lập kế hoạch sống thoải mái đến năm 80 tuổi có thể giúp bạn có một chế độ nghỉ hưu an toàn và tránh được tình trạng sống vượt quá mức thu nhập của mình”, ông nói.  

Đối với quỹ y tế, vốn là cái hố không đáy nếu có sự cố xảy ra, một cách chủ động tạo lập quỹ dự phòng này được ông Sũng đề xuất là thông qua các loại bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe trên thị trường. Điều quan trọng là đặt câu hỏi để xác định rõ mục tiêu về tài chính của từng loại quỹ. 

Trong quá trình bận rộn chuẩn bị tài chính để nghỉ hưu thì một số trong chúng ta có thể bỏ qua khía cạnh sức khỏe thể chất và tinh thần. Nếu chúng ta có đủ tiền để sống thoải mái khi nghỉ làm nhưng lại không đủ khỏe để tận hưởng thì còn ích gì? Dù ở lứa tuổi nào, một sức khỏe tốt cũng luôn đồng nghĩa với việc bạn có thể đi lại, theo đuổi sở thích và dành thời gian cho gia đình và bạn bè. 

“Tôi thì chưa trải qua cảm giác nghỉ hưu nhưng từng nghe nhiều người nhắc đến cảm giác đánh mất bản thân và mục đích sống khiến họ bị căng thẳng, lo âu và trầm cảm. Vì vậy, chúng ta cần chuẩn bị cho bản thân về mặt cảm xúc cũng quan trọng không kém khía cạnh tài chính để có cuộc sống về hưu như mong muốn”, ông Pramoth Rajendran kết luận. 

Có thể bạn quan tâm 

Cơn lốc Temu quét e-commerce Việt