Ảnh: minh hoạ
Rạp phim trong "thảm họa virus"
COVID-19 bùng phát trở lại, giáng thêm một đòn nặng nề và làm đứt gãy khả năng phục hồi của nhiều cụm rạp.
ẢM ĐẠM HƠN CẢ DỰ BÁO
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều phim bom tấn của thế giới lưỡng lự với kế hoạch tung ra vào quý IV/2020 hoặc sang đầu năm 2021. Trong khi đó, việc trở thành điểm sáng về kiểm soát dịch bệnh cũng tạo ra cơ hội mới cho nhiều bộ phim Việt. Nhiều bộ phim từng “đắp chiếu” trong thời điểm giãn cách xã hội đã nhanh chóng đạt được thỏa thuận về lịch chiếu và tỉ lệ lợi nhuận với hệ thống rạp chiếu.
Thế nhưng, sau hơn 2 tháng được phép mở cửa (từ ngày 9.5), với phần lớn thời gian là khởi động, chưa thực sự phục hồi, các rạp chiếu phim một lần nữa phải tiếp tục chiến đấu với dịch COVID-19. Theo thống kê sơ lược, từ cuối tháng 7 đến nay, trước diễn biến dịch COVID-19 tái bùng phát ở Việt Nam, không chỉ Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột, Hội An (Quảng Nam), Đông Hà (Quảng Trị) áp dụng lệnh giãn cách xã hội triệt để, mà hàng chục địa phương khác cũng đã tạm dừng các hoạt động lễ hội, văn hóa thể thao, du lịch, vui chơi giải trí, hoạt động tập trung đông người...
Riêng những nơi chưa cần giãn cách nghiêm ngặt như TP.HCM cũng yêu cầu khi tổ chức hoạt động phải tuân thủ quy định về giới hạn số người, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn đầy đủ. Trước diễn biến này, các rạp phim lại đối mặt với tình cảnh ế khách nặng nề.
Khử khuẩn tại hệ thống rạp BHD. |
Theo xác nhận của bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Giám đốc Điều hành khối Rạp của Galaxy Studio, Công ty chỉ mới tạm đóng cửa ở những nơi bắt buộc như Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột. Các rạp Galaxy Cinema còn lại vẫn mở cửa. Trong khi đó, đại diện CGV Việt Nam cho biết, tính đến ngày 4.8, CGV đã đóng cửa 9 rạp trong tổng 82 cụm rạp trên toàn quốc, theo yêu cầu của các địa phương.
Lotte Cinema cũng đã tạm ngưng các cụm rạp tại Huế, Hội An (Quảng Nam), Đà Nẵng, Đồng Hới (Quảng Bình), Phủ Lý (Hà Nam), Đồng Nai, Bảo Lộc (Lâm Đồng). Hệ thống rạp Starlight tại Quy Nhơn (Bình Định), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Huế, Đà Nẵng, Bảo Lộc (Lâm Đồng)... cũng tạm dừng. Cụm rạp giá rẻ Beta Biên Hòa của Beta Cineplex cũng ngưng hoạt động. Đáng chú ý, Beta Cineplex nhận đầu tư 8 triệu USD từ Công ty Daiwa PI Partners, Nhật nhưng kế hoạch gọi vốn cũng phải lùi lại vì dịch bệnh hoành hành.
Dù vậy, số lượng các rạp phim phải tạm tắt đèn chỉ chiếm khoảng 10%, một con số không lớn. Vấn đề lo lắng của các hãng nằm ở chỗ khác. Bà Mai Hoa cho biết, ở những rạp còn hoạt động, người đến xem phim đã giảm mạnh. Tình hình ảm đạm đến mức những người trong ngành rỉ tai nhau, năm 2020 này, nếu cả thị trường chiếu phim đạt được mức bán vé bằng 30-40% của năm ngoái đã là giỏi xoay xở.
Ngay tháng 7 là tháng được đánh giá khởi sắc nhất từ đầu năm đến nay, theo các chủ rạp, lượng khách đến xem phim cũng không bằng cùng kỳ năm ngoái. Những người trong ngành lý giải, đó là do thói quen của người dân đã thay đổi trước ảnh hưởng bởi dịch. Cụ thể, một khảo sát nhanh trên Instagram chỉ ra, 70% người trẻ chọn ở nhà xem phim hơn là ra rạp. Họ e dè dịch bệnh, cần tiết kiệm tiền bạc nhưng quan trọng hơn, các rạp thiếu phim hay để chiếu.
Những phim như Baba Yaga - Ác Quỷ Rừng Sâu (Nga), Bà Hoàng Nói Dối (Hàn Quốc), Bẫy Linh Hồn (Mỹ), Truyền Thuyết Về Quán Tiên (Việt Nam)... nhìn chung không đủ hấp dẫn. Trong khi đó, những phim bom tấn như Avatar 2, Star Wars, Hoa Mộc Lan (Mulan), Wonder Woman 1984, Top Gun, Jackass, A Quiet Place 2... đã phải lùi ngày trình chiếu. Riêng bom tấn 007: No Time to Die đang được xem xét dời lịch sang mùa hè 2021. Với phim trong nước, những bộ phim như Lật Mặt phần 4, Bí Mật Thiên Đường, Ròm... cũng tạm hoãn ra rạp. Việc dời lịch này khiến các hãng sản xuất bị tổn thất, vì lỡ chạy marketing, quảng cáo trước đó. MGM và Universal ước tính mức thiệt hại khoảng 50 triệu USD cho việc dời lịch phim Game Spot.
Bộ phim Tiệc Trăng Máu phải hủy lịch phát hành ngày 28.8. Lý do được nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh chia sẻ: “Chúng tôi kỳ vọng bộ phim sẽ là cú hích phòng vé cho các rạp chiếu phim Việt Nam sau nửa năm khó khăn vì COVID-19. Nhưng diễn biến phức tạp hiện tại của dịch bệnh buộc chúng tôi phải cân nhắc lại ngày phát hành để đảm bảo cho tỉ lệ thành công cao nhất của bộ phim và quan trọng hơn, đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng”.
Tuy nhiên, giữa mùa dịch bệnh, nếu cố đem phim ra rạp, thất thu sẽ nặng nề hơn. Đơn cử, bộ phim Bằng Chứng Vô Hình của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, sau 3 ngày công chiếu chỉ thu về hơn 4 tỉ đồng, một kết quả gây thất vọng cho toàn ê-kíp làm phim và người yêu điện ảnh. Hay phim Đỉnh Mù Sương chỉ thu hơn 700 triệu đồng và lặng lẽ rút khỏi rạp. Các phim nhập khẩu cũng chỉ ghi nhận doanh thu khoảng vài chục tỉ đồng.
Bóng mây u ám đã lan rộng khắp ngành công nghiệp điện ảnh trên quy mô toàn cầu. Ở Trung Quốc, doanh thu phòng vé trong nửa đầu năm 2020 ước tính sụt giảm xấp xỉ 93%. Diễn biến này đã khiến Wanda Films, doanh nghiệp điện ảnh Trung Quốc, không thể phát hành được bộ phim nào và hơn 600 hãng phim trực thuộc tạm đóng cửa. Báo cáo mới nhất của Wanda Films cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, công ty này giảm doanh thu gần 74% so với cùng kỳ. Đối với AMC, chuỗi rạp phim lớn nhất ở Mỹ, tình trạng hết sức bi đát và có nguy cơ phá sản.
ƯU TIÊN KIỂM SOÁT LỖ
Vào tháng 4, Hiệp hội Phát hành và Phổ biến Phim Việt Nam gửi công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ để tránh sa thải hàng loạt và giải quyết khủng hoảng thanh toán do COVID-19. Cho đến lúc này, các rạp vẫn đang nỗ lực cầm cự và xoay xở để tồn tại. Trước mắt, CGV ước định, doanh thu tháng 8 sẽ giảm mạnh, về gần thời điểm mới bùng dịch, tức tháng 3. Song song đó, CGV gấp rút cắt giảm nhân viên bán thời gian tại một số cụm rạp lớn. Hệ thống rạp phim này cũng đành tạm hoãn các kế hoạch mở rộng cụm rạp dù mục tiêu ban đầu đề ra cho năm 2020 là sẽ gia tăng số lượng cụm rạp trên toàn quốc.
Đại diện của Galaxy Studio cho biết: “2020 là năm tạm bỏ qua kế hoạch lợi nhuận. Ưu tiên hàng đầu là kiểm soát chi phí, tối ưu hóa vận hành, làm sao đạt kết quả kinh doanh ở mức chấp nhận được”. Tuy nhiên, khó khăn cho các rạp phim là chi phí vận hành khá lớn. Chẳng hạn, Galaxy với 18 cụm rạp đã tiêu tốn chi phí hàng chục tỉ đồng mỗi tháng. Chưa kể, trong đợt mở cửa trở lại vừa qua, để lôi kéo khách, các hãng đua nhau khuyến mãi. Galaxy triển khai các chương trình giảm giá vé. CGV cũng có thời điểm hạ giá vé 40.000 đồng/vé cho các phim như Tháng Năm Rực Rỡ, Dấu Ấn Vô Cực... Rạp phim BHD Star tặng nước và điểm tích lũy cho khách.
Đây đều là những chi phí cần thiết để giữ chân và thu hút người xem nhưng đã “ăn” vào nguồn thu, vốn đã suy giảm của các rạp. Ngay cả khi đóng cửa, các công ty cũng phải trả tiền mặt bằng, bảo trì máy móc ở rạp, trả lương nhân viên vệ sinh, bảo vệ. Tuy nhiên, theo bà Mai Hoa, nếu phải tạm ngưng bắt buộc, các chủ rạp phim sẽ có cơ sở đàm phán chia sẻ gánh nặng chi phí với chủ mặt bằng.
Ngoài ra, các hãng sẽ tiết giảm được chi phí điện nước, nhân viên... Đó là lý do vì sao trong thời điểm ế ẩm, bà Mai Hoa cho rằng, đôi khi đóng cửa rạp mà hiệu quả hơn là duy trì hoạt động. Nhìn rộng hơn, nếu dịch COVID-19 kéo dài đến hết năm sau và ngành công nghiệp điện ảnh không thể khá hơn hiện tại, khả năng chống đỡ của các chủ rạp chắc chắn suy giảm. Khi đó, một số tên tuổi có thể sẽ phải rời khỏi cuộc chơi hoặc bán mình cho ông lớn khác.
Khán giản trở nên e dè hơn khi đến rạp trong mùa dịch bệnh. |
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhận định vì kinh tế khó khăn sau đại dịch nên khách hàng hay nhà đầu tư không còn mạnh dạn đầu tư sản xuất phim như trước. Dù các rạp chiếu phim được mở lại nhưng vẫn vắng khách vì nguồn phim ít, khán giả cũng chưa thoải mái đến những nơi công cộng. Vì thế, sau đợt dịch ngành điện ảnh phải mất một thời gian dài mới có thể phục hồi được.
Theo Hiệp hội Phát hành và Phổ biến Phim Việt Nam, 80% các đơn vị chiếu phim có vốn đầu tư nước ngoài. Trong số các doanh nghiệp dẫn đầu và chiếm 98% thị phần chiếu phim Việt Nam thì chỉ Galaxy, BHD là công ty nội địa, còn CGV, Lotte Cinema... đều là hãng ngoại.
Nhưng BHD và Galaxy lại giữ thị phần khá khiếm tốn. Trong khi đó, CGV, với sự hỗ trợ của dòng vốn Hàn Quốc, giữ tới 43% thị phần và không ngừng mở rộng. Đối thủ so kè với CGV là Lotte Cinema (Hàn Quốc) cũng nắm giữ thị phần đáng kể. Các hãng này đã chiếm lĩnh thị trường và ăn nên làm ra. Ví dụ năm ngoái, thị trường Việt Nam đã mang về cho CGV khoảng 3.660 tỉ đồng doanh thu, tăng 35% so với năm trước đó. Còn lợi nhuận hoạt động của CGV Việt Nam năm 2019 là 397 tỉ đồng.
Nguồn thu này, cộng với sự hậu thuẫn của công ty mẹ ở nước ngoài đã và sẽ giúp các hãng ngoại có thêm lợi thế và sức mạnh. Galaxy Studio cũng đang dùng đến nguồn lực từ hàng chục năm qua để chống đỡ trước bão COVID-19. Bên cạnh đó, các hãng cũng tìm cách tăng thêm nguồn thu như bán hàng online (bỏng ngô, nước ngọt...), bán sản phẩm phụ kiện nhân vật... Dù vậy, theo xác nhận của chủ rạp, các hãng khó có thể trông chờ những nguồn thu này khi đây không phải là thế mạnh, sở trường của các rạp.
Thấp thỏm chờ hậu COVID-19
Các công ty đang tìm cách triển khai các dịch vụ mới, như Galaxy Cinema vừa bắt tay với Galaxy Play để triển khai dịch vụ xem phim online trên ứng dụng của Galaxy Play rất thu hút người xem tại nhà. Tuy nhiên, vì các chủ rạp chỉ được quyền chiếu phim ở rạp, không được quyền đưa phim qua các kênh khác (quyền này thuộc về nhà sản xuất, phát hành phim) nên vai trò của Galaxy Cinema trong hợp tác nói trên chỉ là tận dụng dữ liệu khách hàng để phát hành thẻ cho Galaxy Play.
Chiếu phim vẫn và sẽ là hoạt động chủ lực của các rạp phim. Để phù hợp với thời dịch bệnh, một số nơi như Dubai, Đức đã tìm cách chiếu phim ngoài trời. Dù vậy, mô hình rạp chiếu phim ngoài trời này cần diện tích rộng (bãi đỗ xe, sân vận động, cánh đồng lớn...), phục vụ cho người đi xe hơi, khá bất tiện (thiếu khu vệ sinh, ăn uống), lại bị rủi ro quay phim lén nên không thích hợp triển khai ở Việt Nam.
Những người đứng đầu rạp phim rất mong chờ sự hỗ trợ từ Nhà nước. Bởi rạp phim là ngành bị thiệt hại nặng nề từ dịch COVID-19. Các công ty chưa có thống kê chi tiết nhưng sơ bộ trong tháng 3 vừa qua, CGV đã “bay” khoảng 500 tỉ đồng. Những người trong ngành rạp phim cho rằng, nếu không có sự trợ giúp của Nhà nước, bằng các chính sách giảm thuế, giảm lãi vay cụ thể, theo đặc thù ngành và mức độ thiệt hại thì các rạp phim nội địa sẽ khó trụ vững.
“Một ngành thuộc văn hóa giải trí, nếu chỉ có các công ty nước ngoài tham gia thì sẽ thế nào?”, bà Mai Hoa ưu tư. Về trăn trở này, bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam, cũng cho biết, hơn lúc nào hết điện ảnh rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để giữ vững vị trí và thị phần, đóng góp vào sự nghiệp ổn định văn hóa - xã hội và bảo vệ truyền thống dân tộc.
Hiện tại, khó khăn cho ngành rạp chiếu phim không phải chỉ có cơn bão mang tên COVID-19 mà còn đến từ sự trỗi dậy của các dịch vụ phim trực tuyến. Ở quy mô toàn cầu, sự xuất hiện của Netflix, Disney+, Apple, Amazon Studios hay HBO Max đã phá bĩnh, đe dọa đến sự ổn định của ngành công nghiệp điện ảnh, trong đó có rạp phim.
Năm ngoái, Netflix đã thắng lớn khi sản xuất và phát hành được 60 phim truyện, trong khi các hãng phim lớn như Warner Bros cũng chỉ làm được 21 phim, Disney có 12 phim, Universal có 19 phim. Chỉ riêng quý I/2020, Netflix có thêm 16 triệu người dùng, cao gấp đôi số liệu dự báo. Tính chung đến cuối tháng 3.2020, Netflix có tới 182 triệu người dùng trả tiền trên khắp thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển của Netflix nói riêng và dịch vụ phim trực tuyến cũng đặt ra những vấn đề mới. Đó là dữ liệu cá nhân như thói quen, sở thích... bị thu thập. Netflix cũng bị chỉ trích tại Việt Nam khi có nhiều phim vi phạm nội dung về lịch sử, chủ quyền... Ngoài ra, cách thức “bày mâm” phim, dựa trên sở thích sẽ vô tình làm người xem giảm đi khả năng khám phá, bỏ qua nhiều bộ phim thú vị khác.
Lịch sử hơn 100 năm qua đã cho thấy, dù trải qua nhiều biến động và chịu cạnh tranh từ các loại hình khác nhau nhưng nền công nghiệp điện ảnh truyền thống vẫn luôn phát triển. Khi nền công nghiệp điện ảnh châu Âu bị suy yếu vì chiến tranh thế giới thứ nhất, thì điện ảnh Mỹ bắt đầu nổi lên. Sau đó, khi chiến tranh qua đi, nền điện ảnh châu Âu đã tỏa sáng trở lại.
Rạp phim, với vai trò là kênh công chiếu chủ yếu các bộ phim điện ảnh bom tấn, cũng được đánh giá sẽ khó bị thay thế. Ngay bây giờ, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh và áp lực từ phim trực tuyến, công ty nghiên cứu MoffettNathanson dự báo, doanh thu phòng vé ở Mỹ và Canada sẽ tăng mạnh trở lại, từ mức 5,5 tỉ USD (ước năm 2020) lên 9,7 tỉ USD (năm 2021).
Ở Việt Nam đang có 2 luồng ý kiến khác nhau về bức tranh rạp phim hậu COVID-19. Đó là dịch sẽ khiến nhiều người chọn xem phim ở nhà hơn là ra rạp. Nhưng cũng có nhiều quan điểm cho rằng, xem phim tại nhà cũng không thể cho trải nghiệm tốt như xem phim tại rạp, với màn hình trình chiếu, hệ thống âm thanh, ánh sáng, không gian... sống động. Họ sẽ đến rạp và đây là cơ sở để những người đứng đầu các cụm rạp lạc quan tin rằng sau dịch bệnh, khán giả lại nườm nượp đến rạp.