Nhiều nhà quản lý quỹ đầu tư vẫn tin vào tiềm năng phục hồi của thị trường sau khi định giá giảm xuống ngưỡng thấp nhất một thập kỷ. Ảnh: Quý Hoà.
Quỹ đầu tư giữa tâm bão VN-Index
Trước một loạt nỗi lo về suy thoái toàn cầu, tỉ giá biến động, lãi suất gia tăng và rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán Việt Nam đã liên tục giảm sâu, về vùng đáy của 25 tháng và có lúc xuyên thủng mốc 900 điểm. Dù chứng khoán sau đó đã có phiên đảo chiều ngoạn mục ngày 16/11 nhưng tính chung, VN-Index đã giảm gần 40%, còn HNX-Index giảm đến 63% so với đầu năm. Giá trị giao dịch trung bình cũng giảm mạnh, chỉ còn trên dưới 10.000 tỉ đồng/phiên. Khủng hoảng trên thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ đẩy hầu hết nhà đầu tư cá nhân vào chỗ thua lỗ mà ngay các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp cũng lao đao.
Cú sốc thị trường
“Nên nhớ là hiện nay có khoảng 6.000 tỉ USD đang bơm vào các nền kinh tế thông qua các ngân hàng trung ương khắp toàn cầu và chúng ta cần tiếp cận với nguồn tiền này”, đây là nhận định của ông Andy Ho, Trưởng Bộ phận Đầu tư của VinaCapital, vào năm ngoái về dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) mà Việt Nam có thể đón nhận. Nhận định này đưa ra vào thời điểm kinh tế Việt Nam gánh hậu quả nặng nề của dịch bệnh, nhưng sau đó VN-Index trở thành chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới, vượt qua đà tăng của các chỉ số lớn như Russell 3000, Nasdaq, Dow Jones, S&P 500, Nikkei 225... Đà tăng trưởng mạnh mẽ của VN-Index đã giúp các quỹ đầu tư có một năm thành công lớn, nhiều quỹ ghi nhận mức tăng trưởng vượt xa đà tăng của VN-Index.
Tuy nhiên, cú sốc bất ngờ xuất hiện một năm sau đó, ngay trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vượt qua dịch bệnh và đang hồi phục. Chẳng hạn, Quỹ Lumen Vietnam Fund (LVF) ghi nhận âm 15,3% trong tháng 10 đưa hiệu suất từ đầu năm đến nay âm 35,1%. Đây là mức lỗ kỷ lục của LVF khiến thành quả của 10 năm đầu tư chứng khoán Việt Nam chỉ lãi 7,99%. Top 10 danh mục đầu tư của LVF có những cổ phiếu rớt 60-70% từ đầu năm như HPG, VHM, PLX với tỉ trọng lần lượt là 3,91%, 5,01% và 4,03%. Ngoài ra, 7 mã khác chiếm tỉ trọng lớn gồm FPT, CTG, HCM, VRE, BVH, CTR, GMD.
Chỉ trong tháng 10, FTSE Vietnam ETF, Fubon ETF, VNM ETF đã giảm từ 12-15%. Ảnh: Quý Hoà. |
Vấn đề là nhiều doanh nghiệp trong danh mục đầu tư này của LVF có kết quả kinh doanh tốt, nhưng bị ảnh hưởng bởi tin đồn và tâm lý thị trường. “Không hiểu chuyện gì đã xảy ra!”, một chuyên gia quản lý quỹ chỉ biết than như vậy.
Cú sốc của thị trường chứng khoán khiến nhiều quỹ như LVF ghi nhận những khoản thua lỗ nặng nề. Chỉ trong tháng 10, FTSE Vietnam ETF, Fubon ETF, VNM ETF đã giảm từ 12-15%. Tính chung 10 tháng năm 2022, các quỹ như PYN Elite, SSIAM VNFIN LEAD ETF… giảm sâu trên dưới 40%. Thua lỗ nghiêm trọng hơn có các quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF), FTSE Vietnam ETF. Một số quỹ đầu tư như KIM Vietnam Korea, DCVFM VN30 ETF, LionGlobal Vietnam Fund lỗ ngang bằng đà giảm của VN-Index. Có thể thấy từ quỹ ngoại đến quỹ nội đều không tránh khỏi thua lỗ. Những quỹ nào âm dưới 30% như Lumen Vietnam Fund, VOF VinaCapital, DCVFM VNDiamond ETF dường như đã “chiến đấu” tốt.
Thực tế, ở các quỹ thụ động như các quỹ ETF đã chọn những chỉ số như VN30, VNMidcap làm tham chiếu và thiết lập danh mục là những cổ phiếu đầu ngành. Một số quỹ như SSIAM VNFIN LEAD ETF chọn danh mục là các cổ phiếu tài chính như MBB, TCB, STB, SSI, VND... Trong khi đó, cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn ở Diamond ETF là MWG, FPT, PNJ, REE... Vì thế, khi chứng khoán đỏ rực và kéo dài suốt nửa năm qua, khiến hầu hết các cổ phiếu bị áp lực bán tháo và giải chấp thì các quỹ ETF đã không thể đi ngược chiều xu hướng.
Về phần các quỹ chủ động như LionGlobal Vietnam Fund, hay KIM Vietnam Korea, PYN Elite Fund, VOF VinaCapital cũng ghi nhận hiệu suất âm. Theo lãnh đạo một quỹ đầu tư có vị thế trên thị trường, các sự kiện bắt giữ một số lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân sai phạm, cũng như thanh khoản cạn kiệt đã thúc đẩy nhà đầu tư cá nhân rút tiền khỏi thị trường, gây ra tác động không thể tránh khỏi đối với giá cổ phiếu. Trong khi đó, lãnh đạo một công ty chứng khoán ở TP.HCM cho hay đặc điểm của một nhà đầu tư tổ chức khiến mỗi động thái cơ cấu danh mục của các quỹ đều cần thời gian. Vì thế, dù linh hoạt điều chỉnh thì các quỹ đầu tư vẫn không thể thoát nhanh như nhà đầu tư cá nhân.
Chuyển trạng thái
Dòng tiền chưa cải thiện là dấu hiệu đáng quan tâm nhất của thị trường thời điểm này. Giao dịch toàn thị trường đã giảm mạnh từ 1,2 tỉ USD/ngày trong quý IV/2021 xuống còn 580 triệu USD/ngày từ tháng 4/2022 đến nay. Và tuy thị trường đã có phiên đảo chiều ghi nhận giá trị giao dịch hơn 12.000 tỉ đồng vào ngày 16/11 thì nhiều chuyên gia vẫn khuyến cáo “thận trọng khi tham gia thị trường”.
“Điểm mấu chốt là khi nào Ngân hàng Nhà nước cùng Chính phủ có những thay đổi trong chính sách tiền tệ để hỗ trợ thanh khoản hệ thống, ổn định lãi suất, tỉ giá, lấy lại niềm tin trong thị trường trái phiếu và thị trường tài chính nói chung”, đại diện SGI Capital nhấn mạnh. Đa phần các quỹ đều đang nắm giữ tỉ lệ tiền mặt cao. Ông Craig Martin, người đứng đầu quản lý quỹ Vietnam Holding Limited, cho biết, tỉ lệ tiền mặt đã được nâng về mức 6% so với mức 2-3% thông thường.
“Quỹ vẫn duy trì quan điểm rằng việc thắt chặt thanh khoản kết hợp với tâm lý nhà đầu tư nhỏ lẻ yếu vẫn đang ảnh hưởng đến thị trường. Mặt khác, chúng tôi đã quan sát thấy những nhà đầu tư ủng hộ các công ty trước đây đã trở nên thận trọng hơn”, đại diện Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) nhận định. VEIL cũng mới giải ngân trở lại thị trường sau khi đưa tỉ trọng tiền mặt lên ngưỡng kỷ lục. Theo báo cáo, tại ngày 3/11, tỉ trọng tiền mặt trong danh mục của VEIL là 11,66%, ngưỡng kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây của quỹ này.
Việc tăng cường tỉ trọng tiền mặt không chỉ giúp các quỹ đầu tư đảm bảo nguồn vốn trong bối cảnh thị trường căng thẳng thanh khoản, cần sử dụng tiền hiệu quả hơn trước xu hướng lãi suất tăng cao mà còn giúp các quỹ có thể chớp lấy cơ hội mua vào những cổ phiếu đã giảm về vùng hấp dẫn.
Các quỹ có thể chớp lấy cơ hội mua vào những cổ phiếu đã giảm về vùng hấp dẫn. Ảnh: Quý Hoà. |
Bên cạnh đó, các quỹ vẫn đang tìm cách cơ cấu lại danh mục đầu tư. Theo báo cáo cập nhật đến ngày 3/11, cổ phiếu HPG của Hòa Phát đã không còn nằm trong Top 10 khoản đầu tư lớn nhất của VEIL. Ở chiều mua, nhóm quỹ thuộc Dragon Capital liên tiếp bắt đáy hàng loạt cổ phiếu như FRT của FPT Retail, VHC của Vĩnh Hoàn, DGC của Hóa chất Đức Giang, KDH của Khang Điền và trở thành cổ đông lớn tại những công ty này. VinaCapital cũng mua 10 triệu cổ phiếu KDH, nâng tỉ lệ sở hữu từ 0% lên 1,41%. Các cổ phiếu được quỹ đầu tư giao dịch nhiều còn phải kể đến VHM của Vinhomes, STB của Sacombank, SSI, PVS, VNM của Vinamilk, MSN của Masan…
Chia sẻ với nhà đầu tư tại Hội thảo Tìm tiền trong nghịch cảnh do Tạp chí NCĐT tổ chức, ông Trần Vinh Quang, Giám đốc Điều hành Công ty Quản lý quỹ Thiên Việt (TVAM), đưa ra kinh nghiệm: “Kiểm soát cảm xúc là yếu tố cần thiết để không bị cuốn vào tâm lý tham lam và hoảng sợ trên thị trường, nhất là khi thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục có những đợt thăng giáng đột ngột”. Thực tế, TVAM hiện quản lý tổng số tài sản khoảng 2.000 tỉ đồng, chia thành nhiều quỹ khác nhau và chủ yếu đầu tư vào thị trường niêm yết. TVAM luôn dự trữ tiền mặt là cách để có thể giải ngân trong những giai đoạn thị trường bị bán tháo. Công ty cũng không đầu tư theo phong trào, tranh mua tranh bán với thị trường; không cắt lỗ vội vã trong những giai đoạn thị trường gặp khó khăn do nhân tố bất thường không lặp lại.
Dòng tiền chờ cơ hội
Theo Bloomberg, thị trường chứng khoán Việt Nam là thị trường giảm điểm mạnh nhất trong khu vực Đông Nam Á tính từ đầu năm nay. Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý quỹ đầu tư vẫn lạc quan về tiềm năng phục hồi của thị trường sau khi định giá giảm xuống ngưỡng thấp nhất một thập kỷ. P/E dự phóng 12 tháng tới của thị trường chỉ còn 9 lần, mức thấp nhất từng được ghi nhận từ năm 2012, đóng vai trò là động lực để các quỹ đầu tư như Coeli Asset Management SA gia tăng đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nhìn về dài hạn, ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng của VinaCapital, cho rằng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước, cùng với các chính sách kinh tế thận trọng của Chính phủ khiến Việt Nam phần nào trở thành “Vùng an toàn kinh tế” trong các thị trường mới nổi. Theo quan điểm của VinaCapital, sự bất ổn của thị trường hiện nay mang đến cho các nhà đầu tư cơ hội hấp dẫn để mua cổ phiếu Việt Nam vì định giá rẻ, P/E dự phóng ở mức 11x, đặc biệt khi so với mức EPS dự kiến tăng trưởng 15% vào năm 2022, hoặc khi so sánh với bình quân P/E dự phóng ở mức 15x của các công ty cùng ngành trong khu vực (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines).
Dragon Capital cũng cho rằng định giá thị trường đã về vùng thấp lịch sử, thậm chí thấp hơn đáy thời điểm bùng phát COVID-19. Chỉ cần giảm xấp xỉ 15% là tiệm cận mức định giá 2011 khi lạm phát và lãi suất tăng cao trên 20%.
Ông Petri Deryng, người đứng đầu Quỹ PYN Elite, thì nhận xét: “Nền tảng của nền kinh tế Việt Nam vẫn lành mạnh và các đợt nâng lãi suất chỉ làm chậm lại đà tăng trưởng đôi chút. Ngoài ra, hoạt động thanh tra giám sát tuy trong ngắn hạn gây ra tâm lý yếu trên thị trường, nhưng về lâu dài sẽ nâng cao niềm tin của nhà đầu tư”. Ở góc nhìn của người có kinh nghiệm làm việc lâu năm với nhà đầu tư ngoại, ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng Giám đốc KPMG, khẳng định, nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy cơ hội vẫn còn và xem đầu tư vào Việt Nam là cơ hội hữu ích. Hơn nữa, những cột trụ của nền kinh tế Việt Nam vẫn không thay đổi. Dù có những khó khăn nhưng sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, các ngành kinh tế mũi nhọn vẫn hoạt động tốt, xuất khẩu vẫn khả quan. Đặc biệt, thị trường tiêu dùng 100 triệu dân ở Việt Nam vẫn là điểm thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nước ngoài. Sau khi trải qua những rung lắc đó, thị trường sẽ phát triển tốt hơn, bền vững hơn khi mà mọi thứ đã đi vào khuôn khổ.
Đánh giá về những biến động của thị trường thời gian gần đây, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán VNDirect, cho rằng: “Những biến động trên thị trường tài chính - bất động sản chỉ đại diện một phần nhỏ cho nền kinh tế chung, dù ảnh hưởng khá lớn đến tâm lý thị trường. Trong dài hạn, những biến động cũng là thử thách cần có để mỗi đất nước tìm ra những giải pháp phù hợp để hoàn thiện hơn. Sau cùng, các doanh nghiệp cần khám lại sức khỏe doanh nghiệp”.
Trong khi đó, theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Hoạch định Chiến lược Đầu tư Dragon Capital Việt Nam, nền tảng của nền kinh tế vững vàng hơn nhiều so với các giai đoạn khủng hoảng trước. Tuy nhiên, thanh khoản giảm đột ngột tạo cú sốc cho nền kinh tế, khiến thị trường có nhiều yếu tố khó đoán hơn. “Mặc dù vậy, đây chỉ là vấn đề mang tính chính sách, chỉ cần có sự thay đổi chính sách nhất định thì vấn đề này sẽ được giải quyết”, ông Tuấn nhận định.
Thanh khoản giảm đột ngột tạo cú sốc cho nền kinh tế, khiến thị trường có nhiều yếu tố khó đoán hơn. Ảnh: Quý Hoà. |
Trong thời điểm thị trường kinh doanh không như ý, các quỹ đầu tư tích cực chuyển đổi để tìm những động lực tăng trưởng mới trong tương lai. Mới đây nhất, Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) đã bổ nhiệm CEO mới là bà Nguyễn Ngọc Anh thay cho bà Lê Thị Lệ Hằng cũng vừa được cất nhắc lên giữ vị trí Phó Chủ tịch của SSIAM. SSIAM hiện là công ty quản lý quỹ vận hành nhiều quỹ mở (SSI-SCA, SSIBF, VLGF) lẫn quỹ ETF (SSIAM VNFIN LEAD ETF, SSIAM VN30 ETF, SSIAM VNX50 ETF). Trong đó, SSIAM VNFIN LEAD ETF đã huy động được lượng tiền lớn, tăng thêm khoảng 550 tỉ đồng so với lúc mới lập quỹ (năm 2020), giúp tăng tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của Quỹ lên gần 2.740 tỉ đồng, trở thành quỹ thu hút dòng tiền mạnh nhất trong nhóm quỹ nội. Người mua vào chủ yếu là những nhà đầu tư nước ngoài.
SSIAM cùng với VinaCapital, Dragon Capital, VCBF, Baoviet Fund... cũng đã mở rộng thêm hình thức mua bán chứng chỉ quỹ trên nền tảng tập trung các quỹ mở là Fmarket. Nền tảng này đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép vào năm 2018 nhưng ngân hàng số TNEX và công ty fintech Fincorp chỉ mới hợp tác gần đây để triển khai sàn giao dịch chứng chỉ quỹ Fmarket. Đối tượng mà Fmarket nhắm đến chủ yếu là Gen Z với mức đầu tư thấp nhất 10.000 đồng.
Nhiều nhà quản lý quỹ đầu tư vẫn tin vào tiềm năng phục hồi của thị trường sau khi định giá giảm xuống ngưỡng thấp nhất một thập kỷ. Ảnh: Quý Hoà. |
Trước đó, trong tháng 4/2022, Dragon Capital cũng đã ký kết chiến lược với Ngân hàng số Cake by VPBank (Cake) để mở rộng khai thác sang nhóm nhà đầu tư Gen Z Việt Nam với mức sinh lời mục tiêu 6%/năm. Theo khảo sát của SingSaver, Gen Z có xu hướng vượt trội hơn các thế hệ trước đó trong việc xây dựng thói quen tiết kiệm và đầu tư. 65% Gen Z được khảo sát thường xuyên theo dõi ngân quỹ của họ, trong khi con số đó ở thế hệ Millennials chỉ 56%. Vì thế, việc tích hợp tiện ích đầu tư trên các nền tảng tài chính là cách để các quỹ đầu tư đón đầu xu hướng và tiếp cận nhóm khách hàng trẻ tuổi thuộc thế hệ Gen Z.
Đầu tư dựa trên ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) cũng đang bùng nổ trên thị trường tài chính trong vài năm qua. Một số chuyên gia dự đoán hơn 1.000 tỉ USD sẽ tập trung vào ESG vào năm 2030. Ở Việt Nam, Tundra Frontier đã tập trung vào đầu tư ESG ngay từ khi thành lập. Quỹ AFC Vietnam Fund từ năm ngoái cũng áp dụng 8 tiêu chí ESG để đánh giá cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp. Vietnam Holding, Dragon Capital thì sớm tham gia vào sáng kiến “Các nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm - PRI” của Liên Hiệp Quốc. Dragon Capital, VinaCapital cũng xây dựng tiêu chí, khung đánh giá riêng về ESG và lập bộ phận chuyên môn về ESG để theo dõi, đánh giá, xếp hạng ESG.
Một số chuyên gia dự đoán hơn 1.000 tỉ USD sẽ tập trung vào ESG vào năm 2030. Ảnh: Quý Hoà. |
Những hình thức đầu tư như đầu tư vi mô (micro investment), đầu tư ESG, hay các cách thức tiếp cận khách hàng đa dạng qua nền tảng số, mở rộng khách hàng giới trẻ hứa hẹn sẽ giúp các quỹ đầu tư chủ động bắt kịp xu thế mới và hoàn thiện mảnh ghép quan trọng trong chiến lược kinh doanh của mình. Như vậy, ngoài huy động vốn, tìm kiếm danh mục đầu tư sinh lời thì các quỹ đầu tư còn cần thay đổi, chuyển mình đáng kể để theo kịp những xu hướng thời đại. Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Hội đồng Quản trị DCVFM, cho biết: ”Đầu tư vi mô không phải là mới với thế giới nhưng tại Việt Nam vẫn còn chưa được áp dụng nhiều. Bước đi trên cũng giúp DCVFM chủ động bắt kịp xu thế mới và hoàn thiện các mảnh ghép quan trọng trong chiến lược kinh doanh tại Việt Nam”.