Sơn Nguyễn Thứ Tư | 06/11/2019 07:11

Nước sạch!

Tư nhân hóa dịch vụ công ích như nước sạch đã bộc lộ những rủi ro cần được xử lý kịp thời.

Nước sạch là một trong những thị trường giàu tiềm năng bậc nhất Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, sự cố nhiễm dầu trên diện rộng tại Hà Hội phản ánh một điều: quá trình tư nhân hóa ngành nước vẫn còn đó các thách thức cần giải quyết để có thể dung hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Biến nước lã thành tiền tỉ

Nhờ tốc độ đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, kinh doanh nước sạch đang trở thành lĩnh vực được nhiều doanh nghiệp quan tâm, thậm chí các công ty ngoài ngành. Các công ty kinh doanh nước sạch vừa có một năm 2018 khả quan với doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng. Hầu hết các doanh nghiệp ngành nước đang có biên lợi nhuận gộp khá hấp dẫn, ở mức trên dưới 30-40%. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán HSC, tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CARG) của ngành nước giai đoạn 2017-2020 cho công nghiệp là 43% và cho tiêu dùng là 36%.

 

Cùng với làn sóng đẩy mạnh cổ phần hóa, triển vọng của các doanh nghiệp trong ngành đang thay đổi theo hướng tích cực, nhiều nhà đầu tư lớn nhìn thấy sự hấp dẫn của ngành kinh doanh thiết yếu. Điển hình như tại Công ty Nhựa Đồng Nai (DNP Corp), một trong những doanh nghiệp đang rốt ráo tham gia vào ngành nước thông qua công cụ mua bán và sáp nhập (M&A).

Từ năm ngoái đến nay, DNP đã chi ra một số tiền không nhỏ để đầu tư vào hàng chục công ty cấp nước, trải rộng từ các đô thị lớn Hà Nội, Cần Thơ đến thị trường tỉnh lẻ như Bình Thuận, Long An, Bắc Giang, Tiền Giang, Tây Ninh, Cà Mau... Danh mục đầu tư nước sạch của doanh nghiệp này dự kiến sẽ mở rộng lên gấp đôi trong 5 năm tới để trở thành trụ cột tăng trưởng mới, bù đắp lại phần nào cho ngành nhựa đang đối mặt với nguy cơ tăng trưởng chậm lại.

Một cái tên mới nổi khác trên thị trường kinh doanh nước sạch là Tập đoàn Aqua One của Shark Liên cũng không giấu tham vọng trở thành người chiếm lĩnh thị trường này. Tập đoàn mới đây đã khởi công dự án nước sông Đuống với tổng vốn đầu tư lên tới 5.000 tỉ đồng, bên cạnh 2 dự án khủng khác là nhà máy nước mặt Sông Hậu (1.900 tỉ đồng) và dự án nước mặt Xuân Mai - Hòa Bình (3.000 tỉ đồng).

 

Thị trường cung cấp nước sạch còn thu hút các định chế tài chính nước ngoài tham gia như quỹ đầu tư quốc gia Oman, VinaCapital, Dragon Capital, Olympus Capital Asia, Maybank Kim Eng... khi tham gia đầu tư vào nhiều doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa.

Mặc dù quyền định giá bán lẻ nước vẫn do Nhà nước kiểm soát, số tiền rót vào các dự án nước sạch không hề nhỏ nhưng thị trường sản xuất và phân phối nước sạch vẫn có thể mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư nhờ nhu cầu gia tăng ổn định. Đơn cử như Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) chứng kiến lợi nhuận trước thuế công ty mẹ tăng hơn 56% trong nửa đầu năm 2019. Còn doanh nghiệp đầu ngành là Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) tiếp tục duy trì phong độ hứng khởi nhờ đóng góp không nhỏ từ mảng hạ tầng nước.

Hiện nay, REE đang sở hữu cổ phần tại 4 nhà máy sản xuất nước sạch có tiếng. Đó hầu hết là các công ty sản xuất nước chủ chốt tại các thành phố lớn, ít rủi ro và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Ngoài ra, REE còn sở hữu hàng loạt công ty phân phối nước như Công ty Cấp nước Nhà Bè, Cấp nước Gia Định, Cấp nước Thủ Đức. Sở hữu chuỗi giá trị hoàn chỉnh trong ngành, lợi nhuận mảng nước của REE dự kiến sẽ đạt 231 tỉ đồng trong năm nay và 253 tỉ đồng năm 2020, tương ứng với tốc độ tăng trưởng lần lượt là 14,9% và 9,5% (theo dự báo của Công ty Chứng khoán BSC).

 

Lợi nhuận khả quan, lại ổn định của hạ tầng nước sạch đã tạo sức hút đối với nhiều nhà đầu tư. Theo ông Vũ Đình Độ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị DNP Corp, thị trường nước sạch vẫn còn dư địa tăng trưởng mạnh. Hiện chỉ có 80% dân cư đô thị, 39% dân cư nông thôn được cung cấp nguồn nước sạch có chất lượng. Nhu cầu của người dân, các khu công nghiệp và các thành phần kinh tế nhìn chung còn rất lớn. “Chất lượng nguồn nước ngầm ngày càng suy giảm. Chính sách hạn chế sử dụng nước ngầm trong thời gian tới chính là cơ hội của ngành nước. Đó còn là xu hướng cổ phần hóa và thoái vốn của Nhà nước đang được đẩy mạnh, đặc biệt trong ngành nước”, ông Độ nhận định.

Vị đắng nước sạch

Hàng ngàn hộ dân ở khu vực Tây Nam Hà Nội mới đây bất ngờ đối mặt với một cơn khủng hoảng do ô nhiễm dầu thải trong toàn bộ hệ thống truyền dẫn nước sạch của Công ty Nước sạch Sông Đà (Viwasupco). Nhưng sự cố này không phải là bê bối duy nhất. Trước đó, doanh nghiệp đang sở hữu 35% thị phần nước sạch Hà Nội cũng tạo ra kỷ lục chưa có tiền lệ: 21 lần vỡ đường ống nước, gây thiệt hại nặng nề cho người tiêu dùng.

Tất nhiên, nhiều hoài nghi đã nảy sinh về chất lượng đầu tư dự án, công nghệ xử lý cũng như khâu quản trị hệ thống. Nhưng đối nghịch với chất lượng sản phẩm không đảm bảo, lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm 2019 của Viwasupco tiếp tục đà thăng tiến chóng mặt với tốc độ tăng trưởng 31% (đạt 127 tỉ đồng). Viwasupco trước kia là thành viên của doanh nghiệp nhà nước là Tổng Công ty Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex). Nhà máy được đưa vào vận hành năm 2008 với tổng mức đầu tư 1.500 tỉ đồng. Sau các đợt chuyển nhượng cổ phần, hiện 2 cổ đông lớn nhất trong Nước sạch Sông Đà là Tổng Công ty Thiết bị điện Việt Nam (60,46%) và REE (35,95%).

 

Theo đánh giá của BSC, nằm ở thượng nguồn chuỗi giá trị ngành sản xuất phân phối nước, Viwasupco đang hưởng biên lợi nhuận và các chỉ tiêu về sinh lời đứng đầu thị trường hiện nay. Liệu cơ chế tư nhân hóa thị trường nước sạch có thật sự là công cụ hiệu quả để đảm bảo lợi ích của khách hàng hay là cơ hội để các nhà đầu tư dễ dàng kiếm lãi khủng? Vai trò của khu vực tư nhân trong việc tái cấu trúc thị trường nước sạch là cần thiết. Lý do hầu hết các con sông lớn cấp nước cho các đô thị như sông Sài Gòn, Đồng Nai hay sông Hồng đang đối mặt với thực trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng từ các hoạt động công nghiệp.

Theo quy hoạch về phát triển cấp nước cho các khu đô thị và công nghiệp đến năm 2025, Việt Nam hướng đến các mục tiêu tỉ lệ tiếp cận nước sạch được cung cấp tập trung ở khu đô thị là 100% với tiêu chuẩn tiêu thụ 120 lít/người/ngày. Ước tính trong vòng 5 năm (2017-2022), nhu cầu đầu tư nước sạch tại Việt Nam lên tới 10 tỉ USD. Xu thế tham gia của khu vực tư nhân là cần thiết để san sẻ bớt gánh nặng tài chính cho Nhà nước, huy động một nguồn lực lớn sẵn có trong xã hội cũng như giúp thị trường nước sạch vận hành hiệu quả hơn nhờ lợi thế cạnh tranh về quy mô.

Nhưng thực tiễn cho thấy cách đi này chưa mấy thành công, ngay tại các quốc gia tiên phong trong lĩnh vực tư nhân hóa ngành nước như Mỹ. Trong thập niên vừa qua, nhiều thành phố ở Mỹ tham gia vào làn sóng chuyển giao vai trò cung cấp nước sạch sang cho các công ty tư nhân. Đó là hệ quả của nhiều yếu tố kết hợp: nguồn thu ngân sách thu hẹp, chi phí đầu tư gia tăng, trong khi có nhiều người tin rằng hầu hết các doanh nghiệp tư nhân đều có động cơ để vận hành hệ thống hiệu quả hơn.

Nhưng kết quả thu được là kém tích cực so với kỳ vọng. Trong vài trường hợp, chính quyền một số nơi buộc phải giành lại quyền kiểm soát hệ thống cung ứng nước sạch, trong khi không phải mọi doanh nghiệp đều thực hiện lời hứa giảm giá bán cho người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia kinh tế Mỹ, chiến lược tư nhân hóa ngành nước đã phát sinh một số lỗ hổng. Lý do là hầu hết các doanh nghiệp thích tăng giá bán để đạt được mục tiêu về lợi nhuận hơn là giảm giá. Các nhà đầu tư cũng không có nghĩa vụ cung cấp nước đạt chất lượng, do nước sạch bây giờ được xem là một loại hàng hóa mua bán trên thị trường hơn là một quyền cơ bản của con người.

 

Ngoài ra, các hợp đồng mà các công ty cung cấp và phân phối nước ký với chính quyền có thời gian lên đến 25-30 năm, tức triệt tiêu tính cạnh tranh. Các công ty cung cấp nước sau khi giành được vị trí vững chắc thường thể hiện xu hướng giảm trách nhiệm, dẫn đến cung cấp dịch vụ kém chất lượng hơn so với trước.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nhận định với báo chí rằng, rủi ro của hoạt động cung cấp nước sạch bao gồm nguồn cung không ổn định dẫn tới thiếu nước, vận hành và quản lý hệ thống nước kém hiệu quả, cơ sở hạ tầng không đầy đủ, chất lượng nước thấp hay thậm chí ô nhiễm nguồn nước, cạnh tranh giữa các mục đích sử dụng khác nhau và giá cao làm hạn chế sự tiếp cận của người nghèo.

Hãy quay trở lại trường hợp của Việt Nam, có thể thấy chiến lược tư nhân hóa ngành nước trong thời gian tới cần điều chỉnh để bịt các kẽ hở đã lộ diện như sự cố nước Sông Đà. Có thể sẽ cần một khung pháp lý chặt chẽ hơn trong quy định trách nhiệm của nhà đầu tư sau cổ phần hóa, cần cơ chế minh bạch hơn trong công tác đấu thầu dự án, công bố lộ trình tăng giá bán lẻ dự kiến, cũng như cần thêm các công cụ chính sách mới nhằm duy trì đặc điểm cạnh tranh trên thị trường sản xuất và cung cấp nước sạch. Bên cạnh đó, cần thiết có cơ chế giám sát và giải trình gián tiếp vận hành thông qua Nhà nước. Qua đó, công ty cung ứng nước sạch có trách nhiệm giải trình trước chính quyền địa phương, còn chính quyền địa phương có trách nhiệm giải trình trước công chúng.