Ngọc Thủy Thứ Hai | 28/12/2020 14:00

Nối chuỗi phiên 10 ngàn tỉ

Đà hưng phấn của thị trường chứng khoán cuối năm 2020 có kéo dài sang năm 2021?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một năm 2020 nhiều cảm xúc, có lúc khủng hoảng, suy giảm mạnh vì đại dịch COVID-19 nhưng trên tất cả, VN-Index đã lấy lại những gì đã mất và thực sự thăng hoa. Cụ thể, những ngày cuối năm 2020, VN-Index đã chính thức vượt ngưỡng 1.000 điểm và tăng mạnh so với thời điểm đầu năm. Đây là điều dường như không một nhà phân tích nào dự đoán chính xác trước đó trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn vì dịch bệnh lây lan.

BẤT NGỜ THẮNG LỚN
Theo quan sát của VinaCapital, đà tăng điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chung toàn cầu. Chứng khoán thế giới đã tăng điểm sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kết thúc và vaccine COVID-19 chứng minh có hiệu quả. Sự khởi sắc của chứng khoán toàn cầu còn được minh chứng bằng MSCI World Index tăng 12,7% trong tháng 11.2020. Ở Việt Nam, theo phân tích của VinaCapital, tâm lý của nhà đầu tư rất tích cực.

Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 11 đã cao hơn mức kỷ lục 40.554 tài khoản của tháng 3.2018. Tính chung 11 tháng năm 2020, lượng tài khoản mở mới này đạt 329.452 đơn vị, tăng 75,4% so với năm 2019. Thanh khoản cũng dồi dào, thường xuyên giao dịch hơn 10.000 tỉ đồng/phiên và là mức cao nhất kể từ khi thị trường hoạt động. Đặc biệt, tính đến cuối tháng 11.2020, theo Bloomberg, P/E bình quân 12 tháng của chứng khoán Việt Nam là 16,3 lần, cao hơn mức P/E 15 lần vào đầu năm 2020. Nhưng mức P/E bình quân này vẫn thấp hơn so với các thị trường Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan.

 

Riêng nhà đầu tư nước ngoài đã phản ứng thận trọng trước tình hình COVID-19. Chỉ riêng sàn TP.HCM, khối ngoại đã bán ròng 2 chuỗi bền bỉ: chuỗi 33 phiên diễn ra hồi tháng 2 và tháng 3 với tổng giá trị hơn 9.500 tỉ đồng; chuỗi bán ròng vào tháng 10 và tháng 11 với 30 phiên liên tiếp có tổng giá trị 10.546 tỉ đồng. Dù vậy, theo PYN Elite, từ quý III/2020, khối ngoại đã giao dịch tích cực hơn. Công ty Chứng khoán VnDirect (VNDS) tin rằng, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục mua ròng trong năm 2021 bởi sự ổn định và tăng giá của tiền đồng có thể củng cố xu hướng dịch chuyển dòng vốn ngoại vào Việt Nam.

“Năm 2021-2022 là pha hồi phục của kinh tế thế giới. Các gói hỗ trợ kinh tế sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nhiều nền kinh tế, qua đó tác động tích cực tới thị trường chứng khoán. Dòng vốn sẽ trở lại các thị trường mới nổi trong năm 2021 và trong đó Việt Nam với những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế cũng như kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ là tâm điểm thu hút dòng vốn ngoại”, ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu vĩ mô Công ty Chứng khoán MBS, đánh giá.

CHỜ CÚ HÍCH THĂNG HẠNG
Theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, sự thăng hoa của thị trường chứng khoán thời gian qua không chỉ được hỗ trợ từ dòng tiền mới (F0) mà còn đến từ sự khởi sắc của các hoạt động kinh tế trong nước, cùng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Đây vẫn sẽ là động lực chính hỗ trợ thị trường chứng khoán trong năm 2021.

VNDS dự báo VN-Index sẽ đạt 1.180 điểm trong năm 2021. Còn lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết năm 2021 sẽ tăng 23% so với cùng kỳ. Dự báo này dựa trên khả năng trong kỳ đánh giá vào tháng 6.2021, chứng khoán Việt Nam có thể được thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI, từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi cũng như khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 của FTSE trong kỳ đánh giá hằng năm.

 

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán MBS, Việt Nam đã đạt đủ điều kiện về quy mô và thanh khoản.

Việt Nam hiện là một trong số các thị trường có mức hồi phục nhanh trước tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, rào cản của nâng hạng chính là các ràng buộc về sở hữu nước ngoài và hệ thống vận hành thị trường. Giải quyết được câu chuyện này, chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục bùng nổ.

Thực tế, Việt Nam đang phối hợp với đối tác Hàn Quốc để triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán mới, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021. Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ thành lập Trung tâm Thanh toán bù trừ theo mô hình Central Counterparty (CCP). Nhờ đó, Việt Nam hy vọng sẽ triển khai thành công nhiều sản phẩm mới như giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về, các sản phẩm phái sinh mới và giải quyết được vấn đề kiểm tra đủ tiền trước khi giao dịch, gỡ được nút thắt quan trọng để đạt đến nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI và FTSE. “Việt Nam sẽ sớm gia nhập nhóm thị trường mới nổi - MSCI Emerging Markets. Khi đó, chúng ta có thể tiếp cận nguồn vốn lớn gấp hàng trăm lần hiện nay”, bà Nguyễn Thanh Thảo, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS), dự báo.

Các nhà đầu tư tại HOSE. Ảnh: Quý Hòa
Các nhà đầu tư tại HOSE. Ảnh: Quý Hòa

Tuy nhiên, rủi ro giảm giá cũng có khả năng xảy ra nếu kinh tế toàn cầu và lợi nhuận của các công ty niêm yết phục hồi chậm hơn dự kiến. Ông Đào Phúc Tường, nguyên Giám đốc Đầu tư Quỹ APS Singapore, cũng cho rằng: “Mức P/E 16 lần ở thời điểm hiện tại tuy không còn rẻ nhưng cũng chưa đắt”. VNDS dự đoán, khối lượng giao dịch bình quân của chứng khoán Việt Nam năm 2021 có thể tăng 12-14% so với cùng kỳ.

Đó là nhờ sự thúc đẩy của các yếu tố như Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ như giảm lãi suất huy động để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2021. Hay kinh tế vĩ mô của Việt Nam được duy trì ổn định với lạm phát, tỉ giá đều được điều hành linh hoạt và kiểm soát chặt chẽ cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam, là động lực chính nâng đỡ thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn.

Luật Chứng khoán sửa đổi chính thức có hiệu lực vào ngày 1.1.2021 cũng sẽ cải thiện tâm lý nhà đầu tư và góp phần gỡ nút thắt về vấn đề room ngoại. Thay vì chỉ được sở hữu tối đa 49% vốn điều lệ trong những ngành kinh doanh không điều kiện, nhà đầu tư nước ngoài có thể nắm giữ 100%, miễn là được Đại hội đồng cổ đông thông qua và được cơ quan quản lý phê duyệt. Tuy nhiên, vì thủ tục nâng room lên 100% còn khá phức tạp nên hiện tại, theo ghi nhận chung, chỉ khoảng 40 công ty niêm yết đạt mức nới room tối đa.

Luật Chứng khoán mới cũng mở rộng định nghĩa về chứng khoán. Theo đó, định nghĩa về chứng khoán sẽ bao gồm cả chứng chỉ lưu ký (DR) và các quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR). Nhờ vậy, nhà đầu tư nước ngoài không bị giới hạn sở hữu đối với NVDR tại các doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện. Điều này giúp thu hút thêm vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Luật Chứng khoán có hiệu lực với quy định các điều kiện mới về phát hành cổ phiếu, trái phiếu theo hướng chặt chẽ hơn, nhằm vá lỗi nhiều kẽ hở trên thị trường chứng khoán và hướng doanh nghiệp đến việc huy động vốn hiệu quả và bền vững”, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết.

QUỸ LỚN CHỒNG SẴN TIỀN
“Các nhà đầu tư tổ chức vẫn còn rất nhiều tiền. Họ rót ròng hàng trăm triệu USD vào các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Vinhomes. Trong trung và dài hạn, dòng tiền sẽ tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán và câu chuyện nâng hạng thị trường là yếu tố hấp dẫn”, ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu tư VinaCapital, cho biết.

Năm 2021, dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán hứa hẹn khơi thông nhờ thị trường xuất hiện nhiều quỹ ETF và gia tăng quy mô, giúp mở ra kênh đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào các cổ phiếu đã kín room. Chẳng hạn, chỉ trong hơn 1 tháng (từ ngày 30.10-1.12.2020), Quỹ VFMVN DIAMOND do nhóm Dragon Capital thông qua Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) quản lý đã tăng quy mô thêm 48 triệu chứng chỉ quỹ, ghi nhận giá trị tài sản ròng (NAV) khoảng 153 triệu USD, tính đến đầu tháng 12.2020. Hay Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Việt Nam Chọn lọc (VFMVSF) cũng đạt NAV hơn 100 triệu USD, gấp 57 lần so với thời điểm đầu năm.

 

Các quỹ khác cũng không kém cạnh. Số lượng quỹ nội đã tăng kỷ lục với 2 quỹ của SSIAM (VNFIN LEAD, SSIAM VN30), quỹ của VFM (VFMVN DIAMOND), quỹ của VinaCapital (VinaCapital VN100) và quỹ của Công ty Quản lý Quỹ Mirae Asset (Việt Nam) (MAFM VN30). Quy mô của các quỹ ETF nội cũng tăng lên nhanh chóng. Tổng tài sản của VFM VN30 hiện chỉ đứng sau V.N.M ETF với 307 triệu USD. Tính chung, tổng tài sản của các quỹ ETF nội đạt trên 13.061 tỉ đồng.

Rõ ràng, sự bùng nổ về số lượng và quy mô của các quỹ ETF cho thấy dòng tiền trên thị trường đã trở nên đa dạng và ngày càng thu hút. Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ càng hấp dẫn sự chú ý của các quỹ thị trường cận biên một khi Việt Nam được nâng hạng. Vietnam Holding Limited dự đoán, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi của MCSI có thể giúp Việt Nam thu hút dòng vốn khoảng 400 triệu USD trong năm 2021 từ các quỹ có quy mô hàng trăm triệu USD (như Morgan Stanley Institutional Fund, Templeton Frontier Markets Fund, Schroder International Selection Fund, Magna Umbrella Fund...) đang sử dụng chỉ số cơ sở là MSCI Frontier Markets Index.

Trong 11 tháng năm 2020, Vietnam Holding có hiệu suất đầu tư 6,7%, nhờ tăng tỉ trọng vào các cổ phiếu ngành ngân hàng, công nghiệp và viễn thông. Trong đó, cổ phiếu CTG của VietinBank, VPB của VPBank, HPG của Tập đoàn Hòa Phát, PNJ của Công ty Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận... đã góp phần quan trọng trong hiệu suất đầu tư của quỹ này. Vietnam Holding tin rằng năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Vietnam Holding cũng kỳ vọng, sang năm 2021, EPS của các cổ phiếu trong danh mục đầu tư của Quỹ sẽ tăng khoảng 20% so với năm nay.

 

Trong khi đó, quỹ thành viên VinaWealth Equity Opportunity Fund (VEOF) của VinaCapital có hiệu suất 7,7% trong 11 tháng năm 2020, cao hơn mức sinh lợi của VN-Index. Kết quả này đến từ việc quỹ phân bổ tỉ trọng lớn vào cổ phiếu nhóm ngân hàng (VCB, CTG và TCB). Còn với VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), quỹ lớn nhất do VinaCapital quản lý, có tỉ suất lợi nhuận đầu tư ước tăng hơn 15% sau 11 tháng. Trong đó, chiếm tỉ trọng lớn trong danh mục đầu tư của VOF là cổ phiếu HPG và KDH của Khang Điền.

 

Rõ ràng, các quỹ đầu tư đã sinh lời tốt nhờ đầu tư vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép... Sang năm 2021, dù cơ hội cho đầu tư cổ phiếu nhóm ngành này vẫn còn (với VPB, TCB, VHM). Tuy nhiên, theo phân tích của VNDS, sức hấp dẫn có thể tập trung vào nhóm cổ phiếu khác. Đó là nhóm cổ phiếu thuộc các ngành như bán lẻ, F&B... dự báo sẽ tăng nhờ đà phục hồi của sức cầu và niềm tin tiêu dùng, thu nhập người dân tăng cao cũng như tỉ lệ đô thị hóa ngày càng tăng. VNDS cũng lạc quan về triển vọng ngành thép, thủy sản xuất khẩu trong năm 2021 (MWG, VRE, VHC). Ngoài ra, ngành hàng không (ACV, SCS,  PLC), ngành chế biến chế tạo (HPG, STK, DRC) nằm trong khuyến nghị của VNDS.

VCBS cho rằng, cơ hội đầu tư trong năm mới sẽ có xu hướng quay về những ngành cơ bản thiết yếu. Đó là điện, vật liệu xây dựng cơ bản (xi măng, thép, gỗ, đá) và sản xuất sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, các ngành hưởng lợi từ hoạt động đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ thông qua các dự án xây dựng mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng cũng đáng xem xét. Cùng với đó là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phụ trợ và các ngành như cảng biển - logistics. Dù vậy, Công ty Chứng khoán VCBS lưu ý, các cơ hội riêng lẻ cũng đến với những doanh nghiệp có câu chuyện riêng, liên quan đến tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài, mua bán sáp nhập doanh nghiệp, chuyển sàn... Ngoài ra, những công ty có yếu tố ứng dụng công nghệ mới, số hóa sản xuất, kinh doanh cũng rất đáng quan tâm.

Nhưng bên cạnh tiềm năng, VCBS nêu rõ, việc ứng dụng công nghệ mới cũng đặt cho các doanh nghiệp một số rủi ro của giai đoạn chuyển đổi. Rủi ro khác cho nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán, như nhận định của VinaCapital, là sự tham gia tích cực của nhà đầu tư cá nhân có thể khiến thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều lúc quá nóng. VCBS  cũng cho rằng, tuy chứng khoán năm 2021 vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ phần nào hạn chế do hầu hết các yếu tố hỗ trợ trong nửa cuối năm 2020 có thể sẽ không gia tăng về cường độ, thậm chí là suy yếu trong năm tới. 

Khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh “bình thường mới” và diễn biến cụ thể của dịch COVID-19 trên toàn cầu vẫn là thách thức và ẩn số khó lường đối với thị trường chứng khoán. Theo đó, nhà đầu tư vẫn phải thận trọng mới hy vọng duy trì được đà thắng lợi trong năm 2021.