Làn sóng công nghệ lan tỏa mạnh mẽ đến ASEAN khi được lựa chọn là điểm đến của các trung tâm trí tuệ nhân tạo (A.I) thế giới và Việt Nam không nằm ngoài dòng chảy này. Ảnh: shutterstock.com.
Ngôi sao trở lại
Theo khảo sát của Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS), tổng giá trị vốn hóa của Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất năm 2024 đạt hơn 116 tỉ USD (tháng 11/2024), chiếm khoảng 55,6% giá trị vốn hóa toàn sàn HOSE, trong đó có 23 doanh nghiệp tỉ USD. Bảng xếp hạng Top 50 năm nay có sự đa dạng về ngành nghề, với 14 ngành, dẫn đầu là ngân hàng (24%); hàng cá nhân và gia dụng (10%); thực phẩm và đồ uống (10%); dịch vụ tài chính (8%); y tế (8%)...
Siêu xu hướng công nghệ thông tin
Nhóm ngành công nghệ thông tin dù chỉ có 2 đại diện trong Top 50 nhưng lại gây ấn tượng với mức tăng trưởng mạnh cả về doanh thu, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và hiệu suất cổ phiếu. Tiêu biểu là FPT với mức tăng trưởng kép doanh thu (2020-2023) hơn 21%, ROE bình quân 2021-2023 đạt 27% và đà tăng hơn 175% về thị giá cổ phiếu (2021-2023).
Từ trái qua phải: ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright; ông Tim Evans, CEO HSBC Việt Nam; ông Brook Taylor, Tổng Giám đốc Điều hành VinaCapital; bà Nguyễn Thanh Thảo, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS). |
Đánh giá về nhóm ngành công nghệ thông tin, ông Hồ Nhật Quang, Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý Quỹ Thiên Việt (TVAM), cho rằng công nghệ thông tin là “mega trend” - siêu xu hướng toàn cầu, trong đó nổi bật là sự phát triển ngành chip bán dẫn, được xem là ngành công nghiệp then chốt, định hình tương lai của thế giới. Vì thế, ở thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới là Mỹ, hiệu suất lợi nhuận ngành chip bán dẫn đạt gần 75% trong năm 2024, gấp 2,8 lần chỉ số S&P 500.
Làn sóng công nghệ lan tỏa mạnh mẽ đến ASEAN khi được lựa chọn là điểm đến của các trung tâm trí tuệ nhân tạo (A.I) thế giới và Việt Nam không nằm ngoài dòng chảy này. Nvidia quyết định chọn Việt Nam là quê hương thứ 2, mở trung tâm nghiên cứu và phát triển A.I, sau Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc). Sự hợp tác này mở ra cơ hội phát triển ngành công nghệ tỉ USD - công nghệ A.I tại Việt Nam những năm tới.
“Tập đoàn FPT, với vị thế là doanh nghiệp công nghệ lớn nhất nội địa, được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn. Với những cơ hội của Việt Nam nói chung và mục tiêu, lợi thế của FPT nói riêng trong lĩnh vực công nghệ, FPT kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn trong tương lai”, ông Quang đánh giá.
Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cũng cho rằng trong thời gian tới, ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) sẽ được hưởng lợi khá lớn từ dòng vốn FDI. Dòng vốn FDI đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực của thị trường ICT. Bên cạnh đó, các hiệp định CPTPP, EVFTA cũng mở ra nhiều cơ hội về thị trường và trao đổi kiến thức công nghệ cho các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam.
Dẫu vậy, nếu nhìn khách quan ở thị trường chứng khoán Việt Nam, việc thiếu hụt cơ hội đầu tư vào nhóm ngành công nghệ cũng là một trong những nguyên nhân khiến khối ngoại bán ròng trong thời gian qua, với giá trị bán ròng lên đến 3,2 tỉ USD (lũy kế đến tháng 11/2024).
Theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), các doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn tập trung ở mảng ngân hàng và mảng bất động sản - 2 mảng có thể nói là tương đối già cỗi và chưa phù hợp với khẩu vị nhà đầu tư toàn cầu ở thời điểm hiện tại.
Ông Đức Anh cho rằng có một điểm khác biệt giữa những thị trường đã vượt đỉnh, đặc biệt là thị trường chứng khoán Mỹ, đó là động lực tăng trưởng của thị trường này đến từ nhóm cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ làn sóng A.I.
Ngân hàng bứt phá
Xét về hiệu quả hoạt động thông qua ROE, tỉ lệ này của Top 50 năm nay vượt trội hơn so với ROE bình quân toàn thị trường niêm yết. Đáng chú ý, ngân hàng tiếp tục là ngành có số lượng công ty góp mặt lớn nhất trong Top 50 với 12 đại diện (24%). So với bảng xếp hạng trong những năm gần nhất, nhóm ngành ngân hàng đã gia tăng mạnh mẽ sự hiện diện, từ mức 7 đại diện năm 2023 lên 12 đại diện như hiện tại và cũng là mức cao nhất trong bảng xếp hạng 3 năm gần đây.
Nổi bật trong nhóm ngân hàng là VCB với giá trị vốn hóa cao nhất thị trường, theo sau là CTG, TCB, VPB... Ngân hàng là nhóm ngành trụ cột của nền kinh tế và cũng là nhóm ngành được hưởng lợi khi tín dụng tăng trưởng trở lại. Ông Cao Việt Hùng, Giám đốc Phân tích ngành Tài chính Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), đánh giá, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn sau cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp vào năm 2022-2023, kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng vẫn duy trì bền vững, cho thấy khả năng chống chịu của ngành ngân hàng đang tốt hơn rất nhiều so với giai đoạn khủng hoảng tài chính trước đó vào năm 2012-2013.
“Bước sang năm 2025, chúng tôi kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ phục hồi dần cộng với việc thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ, từ đó kích thích nhu cầu tín dụng gia tăng, qua đó hỗ trợ cho lợi suất cho vay của các ngân hàng trong nửa cuối năm 2025”, ông Hùng cho hay.
Tại báo cáo ngành ngân hàng năm 2025, ACBS dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng tăng trưởng 16,2% trong năm 2024, sang năm 2025 tốc độ tăng trưởng chậm lại đôi chút ở mức 14,9%.
Những biến số 2025
Độ mở của nền kinh tế cao khiến quỹ đạo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam gắn chặt với những thay đổi kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các chính sách thương mại của Mỹ, mang đến cả cơ hội lẫn thách thức. Việt Nam dự kiến có tốc độ tăng trưởng GDP mạnh mẽ, được HSBC dự báo sẽ đạt 7% vào năm 2024, trở thành một trong những nền kinh tế mạnh nhất ASEAN. Báo cáo của VinaCapital dự đoán mức tăng trưởng GDP là 6,5% cho cả năm 2024 và 2025.
Một yếu tố toàn cầu quan trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Căng thẳng này đã dẫn đến chiến lược “Trung Quốc + 1”, trong đó các công ty quốc tế tìm kiếm các địa điểm sản xuất thay thế bên ngoài Trung Quốc.
Tuy nhiên, có sự không chắc chắn xung quanh việc thực hiện các mức thuế quan tiềm tàng dưới thời chính quyền mới của Mỹ, nhiệm kỳ của ông Donald Trump bắt đầu từ năm 2025. “Điều duy nhất chúng ta học được từ nhiệm kỳ Trump 1.0 là kỳ vọng điều không mong muốn”, ông Brook Taylor, Tổng Giám đốc Điều hành VinaCapital, bình luận.
Trong khi một số chuyên gia tin rằng Việt Nam có thể hưởng lợi từ các công ty tìm kiếm địa điểm sản xuất thay thế bên ngoài Trung Quốc, những người khác cảnh báo rằng thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ có thể khiến Việt Nam trở thành mục tiêu của thuế quan.
“Doanh nghiệp nên hy vọng điều tốt nhất nhưng chuẩn bị cho điều xấu nhất. Tức là hy vọng một kịch bản chỉ có một danh mục mặt hàng bị đánh thuế, nhưng vẫn phải chuẩn bị cho tình huống đánh thuế trên diện rộng”, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, tư vấn.
Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, với 30% vào thị trường Mỹ. Thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam có thể tác động đáng kể đến tăng trưởng sản lượng sản xuất của đất nước. Tuy nhiên, tác động có thể được giảm nhẹ bởi tầng lớp trung lưu và thị trường trong nước đang phát triển của Việt Nam.
Bên cạnh thuế quan, các rào cản thương mại khác có thể gây bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam. Các rào cản cụ thể và việc thực hiện chúng vẫn chưa rõ ràng, làm tăng thêm sự không chắc chắn xung quanh các ngành công nghiệp hướng đến xuất khẩu của Việt Nam.
Việt Nam từ trước đến nay luôn định vị mình ở vị trí chiến lược giữa các siêu cường, duy trì sự ủng hộ với cả 2. Chiến thuật “ngoại giao cây tre” được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam vượt qua những bất ổn trong 4 năm tới.
Nền kinh tế Việt Nam không còn chỉ phụ thuộc vào FDI và xuất khẩu nữa. Đất nước này có tầng lớp trung lưu và thị trường trong nước đang phát triển. Việc tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng sẽ kích thích thêm nền kinh tế trong nước, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Báo cáo của HSBC cho rằng Việt Nam có thể cố gắng cân bằng thặng dư thương mại với Mỹ bằng cách tăng nhập khẩu hàng hóa như LNG hoặc máy bay Boeing. Một động thái như vậy có thể được chính quyền mới của Mỹ đón nhận tích cực. Động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm tới tiếp tục nhờ đầu tư công, thu hút FDI chất lượng cao và đặc biệt là tiêu dùng trong nước.
Động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm tới tiếp tục nhờ đầu tư công, thu hút FDI chất lượng cao và đặc biệt là tiêu dùng trong nước. Ảnh: shutterstock.com. |
Đầu tư công, đặc biệt là vào cơ sở hạ tầng, dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức về cơ sở hạ tầng và thủ tục hành chính, nhưng Chính phủ cam kết giải quyết những vấn đề này.
Ông Tim Evans, CEO HSBC Việt Nam, cho biết: “Trong 10 năm tới, Việt Nam tiếp tục vẫn là ngôi sao sáng. Tuy nhiên, cần thúc đẩy nhanh chóng việc cải thiện cơ sở hạ tầng và thủ tục hành chính”. Trước quan ngại đầu tư công sẽ tăng áp lực lạm phát lên quốc gia, ông cho rằng khả năng này có thể xảy ra, nhưng “tôi nghĩ bây giờ là lúc thích hợp để Chính phủ Việt Nam đầu tư”.
Hạ tầng giao thông được phân tích là điều kiện tiên quyết để nền kinh tế cất cánh trong những năm tới. “Toàn bộ câu chuyện về cơ sở hạ tầng này đang rất quan trọng. Nếu muốn duy trì đà phát triển để trở thành quốc gia có thu nhập cao lâu dài thì đây là những khoản đầu tư phải thực hiện”, ông Taylor của VinaCapital nêu ví dụ về dự án đường sắt cao tốc đang được bàn luận sôi nổi trong thời gian vừa qua.
Việt Nam đang tập trung thu hút FDI chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, chất bán dẫn và năng lượng xanh. Điều này sẽ giúp đất nước tiến lên trong chuỗi giá trị và ít phụ thuộc hơn vào sản xuất chi phí thấp. Tiêu dùng trong nước sẽ đóng vai trò quan trọng trong quỹ đạo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tầng lớp trung lưu đang phát triển và niềm tin của người tiêu dùng ngày càng tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu trong nước và giúp bù đắp cho sự chậm lại tiềm ẩn trong xuất khẩu. “Việt Nam có 100 triệu người tiêu dùng, bản thân là một thị trường nội địa lớn”, ông Tim Evans nói.
Đi tìm ngôi sao mới
Bức tranh lợi nhuận năm 2025 vẫn tiếp tục được dự báo khả quan với tốc độ tăng trưởng có thể đạt 25-30% khi xu hướng hồi phục của kinh tế vẫn là động lực giúp các nhóm ngành tăng trưởng. Đánh giá về triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các nhóm ngành trong năm 2025, ông Hồ Nhật Quang của TVAM cho rằng năm 2025 lợi nhuận toàn thị trường kỳ vọng tăng 18-20% so với cùng kỳ, trong đó ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng tốt dựa trên tín dụng tăng 15%, trích lập nợ xấu qua giai đoạn đỉnh điểm và tỉ lệ NIM phục hồi.
Theo ông Quang, ngành thép sẽ có sự phân hóa, TVAM lựa chọn doanh nghiệp có câu chuyện tăng công suất ủng hộ cho đà tăng trưởng. Nhóm ngành khu công nghiệp cũng là một ngành tiềm năng với xu hướng “Trung Quốc + 1”, sự dịch chuyển đầu tư của khối doanh nghiệp FDI là cơ hội cho các doanh nghiệp khu công nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, theo báo cáo của ACBS, ngành bán lẻ được dự báo tăng trưởng lợi nhuận 15,5% so với cùng kỳ nhờ quay trở lại chu kỳ tăng trưởng ổn định sau giai đoạn tái cấu trúc. Theo đó, ngành bán lẻ trong năm 2025 sẽ được định hình bởi 4 xu hướng chính: mô hình bán lẻ hiện đại tương đối tích cực, ngành ICT qua giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ, mảng bán lẻ vàng trang sức có biên lợi nhuận trở lại, chuỗi bán lẻ dược phẩm tăng tích cực.
Ngành dầu khí dù đối diện với thách thức từ thị trường quốc tế nhưng lạc quan với động lực nội tại nên nhà đầu tư có thể tìm cơ hội đầu tư theo tính chu kỳ. Theo các dự báo, cung - cầu chịu áp lực giảm tương đối mạnh. Dự báo giá dầu 74-80 USD cho dầu Brent, giá có thể chịu áp lực giảm. Các dự án đầu tư thượng nguồn dầu khí được tập trung đẩy mạnh đầu tư. Lợi nhuận toàn ngành được dự báo tăng 21,4% so với cùng kỳ.
Ở góc độ vĩ mô, năm 2024 một trong những động lực chính tạo đà tăng trưởng GDP là mức tăng gần 30% trong xuất khẩu sang Mỹ. Điều này được thúc đẩy bởi mức tăng gần 50% trong xuất khẩu hàng điện tử và các sản phẩm công nghệ cao khác. Việc mở cửa trở lại du lịch sau COVID-19 cũng đóng một vai trò trong việc thúc đẩy nền kinh tế.
Mặc dù tăng trưởng GDP chung của Việt Nam dự kiến vẫn mạnh vào năm 2025, nhưng thành phần của mức tăng trưởng đó có thể sẽ chuyển từ xuất khẩu sang các yếu tố do trong nước thúc đẩy nhiều hơn. Điều này do nền kinh tế Mỹ dự kiến chậm lại và một thực tế là hầu hết hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đều được xuất khẩu.
Trong khi một số ngành, như sản xuất hướng đến xuất khẩu, có thể phải đối mặt với những trở ngại, thì những ngành khác, bao gồm tiêu dùng trong nước, bất động sản và cơ sở hạ tầng, đang sẵn sàng hưởng lợi từ các xu hướng thuận lợi. Với dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Mỹ sẽ giảm nhẹ, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến chuyển sang các yếu tố trong nước vào năm 2025. Dự kiến chi tiêu của người tiêu dùng sẽ tăng do tâm lý người tiêu dùng được cải thiện và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Chính phủ có khả năng tăng.
Dự kiến chi tiêu của Chính phủ cho cơ sở hạ tầng sẽ tăng vào năm 2025. Ảnh: shutterstock.com. |
Thị trường bất động sản, vốn đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2024, dự kiến sẽ phục hồi vào năm 2025. Những nỗ lực của Chính phủ nhằm giải phóng thị trường bất động sản và tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng có khả năng sẽ góp phần vào sự phục hồi này. Điều đó có thể tạo ra “hiệu ứng giàu có” cho những người tiêu dùng có thu nhập trung bình sở hữu bất động sản, qua đó thúc đẩy thêm sự tự tin và chi tiêu của họ.
Dự kiến chi tiêu của Chính phủ cho cơ sở hạ tầng sẽ tăng vào năm 2025. Điều này sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng và có khả năng tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực đến các ngành công nghiệp khác.
Tuy vậy, các doanh nghiệp sản xuất hướng đến xuất khẩu có thể gặp nhiều khó khăn. Đại diện VinaCapital cho rằng dự kiến tăng trưởng xuất khẩu của Mỹ chậm lại vào năm 2025 cho thấy những trở ngại tiềm tàng đối với lĩnh vực sản xuất hướng đến xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi dòng vốn FDI liên tục có thể hỗ trợ thêm năng lực sản xuất và xuất khẩu, các nhà sản xuất phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ có thể phải đối mặt với nhiều thách thức.