Ảnh: tidfacade.com.
Nghịch lý EVN: Vỏ lời, ruột lỗ
Do nhu cầu tiêu thụ điện của nền kinh tế tăng vọt, đi kèm với đợt tăng giá bán lẻ điện hơn 8,36%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng nhiều doanh nghiệp điện năng có cơ hội ghi nhận các khoản lợi nhuận tăng vọt. Dù vậy, vẫn còn đó những hoài nghi lớn về năng lực trả nợ cũng như cải thiện hiệu quả kinh doanh của tập đoàn này và kế sách nào để thoái khỏi sự phụ thuộc vào EVN, tạo ra một thị trường năng lượng ổn định hơn, hấp dẫn hơn?
LỢI NHUẬN NGÀNH ĐIỆN TĂNG VỌT
Điện năng là một mặt hàng tiêu thụ khá đặc biệt do đây là đầu vào của nhiều ngành kinh doanh sản xuất cũng như phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của người dân. Năm ngoái, do mùa hè quá nóng khi nhiệt độ hơn 400C, để giảm áp lực chi phí năng lượng cho người dân, Chính phủ Hàn Quốc cho phép điều chỉnh giảm 19,5% hóa đơn tiền điện với giá trị ước tính lên đến 245,2 triệu USD. Bước đi khôn ngoan này nhằm tránh gây bất ổn xã hội, giúp các doanh nghiệp và người dân yên tâm hơn trong công việc và cuộc sống.
Khác với Hàn Quốc, do nhu cầu tiêu thụ điện tăng vọt giữa lúc nhiệt độ trung bình tiệm cận 400C từ đầu năm đến nay, EVN đã điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện lên 8,36%. Trước quyết định này, đi cùng với nhu cầu tiêu thụ gia tăng do thời tiết quá nóng, nhiều doanh nghiệp ngành điện chứng kiến lợi nhuận bất chợt tăng vọt.
Đơn cử như tại Công ty Nhiệt điện Phả Lại thu được lợi nhuận ròng 242,6 tỉ đồng chỉ trong quý I vừa qua, tăng mạnh 27% so với cùng kỳ. Theo giải trình từ phía Công ty, nguyên nhân lợi nhuận tăng trưởng là do giá bán điện bình quân quý I cao hơn cùng kỳ, đồng thời ghi nhận lợi nhuận dương khi đánh giá lại các khoản vay ngoại tệ. Giá cổ phiếu Phả Lại đã tăng gần 75% trong 6 tháng qua để lên tới cột mốc 28.000 đồng tính đến cuối tháng 4.
Không phải là thành viên trực thuộc EVN nhưng Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) cũng ghi nhận kết quả khả quan. Lợi nhuận ròng quý I/2019 ghi nhận ở mức 915 tỉ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. “Động lực tăng trưởng cho POW là sản lượng huy động từ các nhà máy nhiệt điện sẽ cải thiện hơn trong năm nay do tình hình thủy văn kém thuận lợi hơn từ các nhà máy thủy điện. Giá bán điện bình quân tiếp tục cải thiện do thiếu hụt nguồn cung công suất lắp đặt”, Công ty Chứng khoán Phú Hưng nhận định triển vọng của POW.
Với vị thế là đối tác chiến lược trong khâu cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy nhiệt điện của EVN, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) bất ngờ ghi nhận lợi nhuận đạt hơn 1.000 tỉ đồng trong quý I, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tại EVN, không chỉ hưởng lợi khi công suất khai thác gia tăng, là nhà độc quyền hệ thống truyền tải điện và bán lẻ, EVN còn nhận được lợi ích nhờ giá bán lẻ điện tăng vọt. Theo ước tính của lãnh đạo EVN, Tập đoàn dự kiến thu thêm hơn 20.000 tỉ đồng từ việc tăng giá điện 8,36% từ cuối tháng 3 vừa qua.
Sau khi giá bán tăng, theo tính toán của Cục Điều tiết điện lực, nhóm khách hàng kinh doanh sẽ trả thêm bình quân 500.000 đồng mỗi tháng, các hộ sản xuất thì hóa đơn tiền điện sẽ tăng thêm 870.000 đồng/tháng trong khi hóa đơn của nhóm khách hàng sinh hoạt sẽ tăng trong khoảng 7.000 - 77.2000 đồng/tháng. Theo lãnh đạo EVN, toàn bộ số tiền thu gần 1 tỉ USD từ đợt điều chỉnh lần này sẽ được Tập đoàn chi trả cho các đối tác cung cấp khí, than, nhà máy điện bán cho EVN..., điều mà đáng lý phải trả cách đây 2 năm nhưng đã bị treo lại.
Trước tình trạng thiếu cung, các nhà máy phát điện có lợi thế hơn trong cuộc thương lượng giá bán. Ảnh: QH. |
Nhưng thực tế, chi phí mà người tiêu dùng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không chỉ dừng lại ở 8,36% mà nhiều hơn lên đến ít nhất 35% hay gấp 2-3 lần. Giữa lúc nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức khi thương mại tăng trưởng chậm lại, lạm phát có dấu hiệu tăng mạnh, chi phí năng lượng tăng quá nhanh sẽ là gánh nặng lớn cho các doanh nghiệp và hộ gia đình. Giải thích về hiện tượng này, ngành điện đưa ra 3 nguyên nhân từ yếu tố thời tiết nắng nóng, sản lượng dùng điện các hộ tăng và một phần do tăng giá bán lẻ điện.
“Đây là bệnh của kinh doanh sản phẩm độc quyền. Khi độc quyền họ luôn muốn tăng giá để tăng lợi ích, như lần trước, sau khi báo lỗ, EVN đã đề xuất tăng giá điện 12% rồi rút dần xuống”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhận định.
Mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ vào cuộc cùng Bộ Công Thương, Tài chính kiểm tra việc tăng giá điện thêm 8,36% từ 20.3. Về phần mình, EVN cho biết các khách hàng nào có lượng điện tiêu thụ tăng từ 1,5 lần trở lên so với tháng liền kề trước đó sẽ được thực hiện phúc tra, để đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
2018 là năm cực kỳ thành công của EVN khi sản lượng điện thương phẩm toàn Tập đoàn đạt 193 tỉ kWh, tăng ấn tượng 10,14% so với năm 2017. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn lên tới 340.500 tỉ đồng, tăng 15%. EVN tiếp tục ghi nhận lãi ròng trong năm 2018 (con số chi tiết không được công bố). Như vậy chưa cần tăng giá bán điện, EVN đã bắt đầu thu được lãi nhờ nhu cầu tiêu thụ điện cả nước tiếp tục tăng trưởng ấn tượng!
Đặc biệt hơn nữa, EVN đang sở hữu số dư tiền gửi ngân hàng rất lớn. Tính đến tháng 6.2018, tổng lượng tiện mặt mà EVN đang gửi ngân hàng lên đến gần 43.000 tỉ đồng, tăng mạnh hơn 10.000 tỉ đồng so với cuối năm 2017 và tăng gấp 8 lần so với cuối năm 2016. Nhưng những con số ấn tượng kể trên vẫn chưa khiến nhiều người an tâm về thực trạng tài chính của EVN. Tính đến giữa năm ngoái, tổng nợ phải trả của Tập đoàn lên tới 487.000 tỉ đồng, đưa tỉ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu vượt 2,2 lần - tiếp tục đưa EVN nằm trong số các doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro nhất khi mặt bằng lãi suất đang có chiều hướng gia tăng. “Nếu không tăng giá điện, EVN có thể phá sản vì lỗ”, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhận định.
THU HÚT ĐẦU TƯ TƯ NHÂN VÀO ĐIỆN
Đó là lý do vì sao, mặc dù đã có lãi từ năm 2017 nhưng Bộ Công Thương và EVN tiếp tục lên kế hoạch tăng giá điện bán lẻ trong năm nay và có thể là các năm tới nữa. Tất nhiên, lập luận tăng giá để bù đắp lỗ lũy kế cần cân nhắc cẩn trọng. Bởi vì, tuy giá bán lẻ điện Việt Nam vẫn hiện đang thấp hơn 50% so với các nước trong khu vực, nhưng do nằm trong phân khúc có thu nhập trung bình thấp, việc giá điện tăng quá nhanh có thể sẽ tạo nên những áp lực mới, kìm hãm đà phát triển và năng lực chi tiêu của nền kinh tế.
Xét về lâu dài, để xây dựng một thị trường năng lượng phát triển lành mạnh ổn định, vai trò của EVN nên được san sẻ bớt cho khu vực kinh tế tư nhân. Lý do là trong bối cảnh ngân sách nhà nước ngày càng siết chặt, nợ công ở mức cao, tổng nợ phải trả đang ở mức rủi ro, EVN sẽ khó lòng huy động được mỗi năm 5-6 tỉ USD để đầu tư, mở rộng thêm quy mô để đáp ứng cơn khát năng lượng của nền kinh tế.
Ngành điện là ngành đầy hấp dẫn. Theo Công ty Chứng khoán FPTS, nằm trong chuỗi giá trị đầu vào của cả nền kinh tế, tăng trưởng GDP của Việt Nam luôn đi kèm với tăng trưởng về nhu cầu tiêu thụ điện. Tiêu thụ điện cả nước trong giai đoạn 2011-2016 luôn tăng nhanh gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP. Theo dự báo của World Bank cho giai đoạn 2018-2022, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ rơi vào khoảng 6,5%. Ứng với mức tăng trưởng GDP này, nhu cầu tiêu thụ điện dự kiến trong các năm tới cũng sẽ tăng dần khoảng 11-13% mỗi năm - mức tăng trưởng hàng đầu khu vực và đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân.
Quy trình vận hành nhà máy điện trong hệ thống của EVN. Ảnh: TTXVN. |
Ông Franz Gerner, chuyên gia năng lượng cao cấp, Trưởng nhóm Năng lượng, World Bank tại Việt Nam, cho biết Việt Nam đã trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình và ngành điện không còn nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính ưu đãi nhiều như trước đây nữa. Vì vậy, Chính phủ đã và đang tăng định hướng cho ngành điện hướng tới các hình thức huy động vốn theo hướng thị trường nhiều hơn. Chi phí đầu tư cho phát triển ngành điện trong tương lai ước tính khoảng 8 tỉ USD/năm sẽ được tính vào doanh thu bán điện từ các công ty phân phối điện tới người tiêu dùng.
“Tập đoàn hiện chỉ sở hữu khoảng 60% nguồn điện của toàn hệ thống, bao gồm cả những doanh nghiệp đã cổ phần của mình. Do đó, để giải tỏa được áp lực về nguồn cung trong thời gian tới, Nhà nước cần phải điều chỉnh, thay đổi chính sách về giá điện sao cho hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này; đồng thời, tạo động lực để các doanh nghiệp sản xuất sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả”, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nhận định.
Hiện cơ hội cho các nhà đầu tư là khá lớn khi tiến trình tự do hóa, ngành điện đang diễn ra. Sau khi vận hành thành công thị trường phát điện cạnh tranh, kể từ năm 2019, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn thị trường bán buôn điện cạnh tranh, tức các nhà máy phát điện sẽ được quyền đấu thầu cung cấp điện cho các tổng công ty điện lực. Đây là bước đi trung gian để đạt tới giai đoạn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sau năm 2020. “Trước tình trạng thừa cầu thiếu cung hiện tại, các nhà máy phát điện có lợi thế hơn trong cuộc thương lượng giá bán. Đặc biệt là các nhà máy phát điện miền Nam khi số lượng nhà máy ở phía Nam khá ít”, Công ty Chứng khoán FPTS nhận định về cơ hội của ngành điện.
Bên cạnh đó, để giảm vị thế ảnh hưởng của EVN và các dự án điện năng phụ thuộc nhiều vào khoáng sản, chiến lược phát triển năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời được xem là hướng đi hợp lý. Thời gian qua, hàng loạt các dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo, nhất là điện Mặt trời đã bùng nổ, trở thành cơn sốt, hứa hẹn thay đổi về cơ bản cấu trúc điện năng trong các năm tới.
Tính đến hết tháng 9.2018, Bộ Công thương đã phê duyệt 121 dự án điện tái tạo bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất phát điện đến năm 2020 là 6.100MW và đến năm 2030 là 7.200MW. Ngoài ra, còn 221 dự án đang xếp hàng chờ phê duyệt với công suất đăng ký hơn 13.000MW. Như vậy, tổng công suất đăng ký đầu tư loại hình này đã lên tới 26.000MW, chiếm khoảng 60% tổng công suất các nguồn điện cả nước (hơn 47.000MW).
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, từng trao đổi với NCĐT về 3 điểm cơ bản nhằm cải thiện thị trường điện. Đầu tiên, minh bạch hóa về giá điện. Theo đó, cách tính giá điện bình quân đang thực hiện theo công thức nào; cơ cấu nguồn điện thể hiện trong giá điện bình quân ra sao; giá phát điện hằng năm thay đổi vì thay đổi nhiên liệu đầu vào thế nào; chi phí nhân lực của EVN được cấu thành trong giá điện như thế nào, có phù hợp với mức trung bình của thế giới và thu nhập bình quân của người lao động nói chung hay không?
Hai là công khai năng lực phát điện và hiệu suất đầu tư của từng nhà máy. Đơn giản bởi sẽ rất vô lý khi túi tiền vốn đã eo hẹp của người dân phải trả cho cả sự yếu kém, thiếu trách nhiệm khiến các dự án điện kéo dài thời gian, đội vốn... Nếu buộc phải làm vậy vì trách nhiệm của những ông bà chủ, họ phải được biết, những sai sót được xử lý nghiêm minh.
Ba là, sự tham gia của các doanh nghiệp ngoài nhà nước trong việc tham gia thị trường phát điện đã công bằng và cạnh tranh hay chưa? Hiện tại, các nhà máy nhiệt điện xây dựng theo hình thức hợp tác công - tư đang có những ưu đãi đặc biệt về mức giá, bao tiêu sản lượng... khiến cho các nhà máy tư nhân nhỏ lẻ dù giá bán điện thấp nhưng vẫn khó nhập lưới điện. Nếu vậy, rất dễ tạo ra sự biến tướng, thay vì độc quyền là độc quyền - thân hữu.
Ngành điện đã đi qua một thập niên tái cấu trúc và vận hành thị trường phát điện cạnh tranh. Theo ông Franz Gerner, để đưa ngành điện tiệm cận thế giới, World Bank khuyến nghị Việt Nam bên cạnh việc xây dựng Tổng Sơ đồ Điện 8 - dự kiến được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2020 - Chính phủ cần phải thực hiện một chương trình Nhà phát điện độc lập (IPP) toàn diện, minh bạch và dài hạn nhằm tiến hành đấu thầu cạnh tranh cho toàn bộ công suất phát điện mới.
Để gỡ bỏ những nút thắt và huy động tối đa tài chính cho đầu tư vào ngành điện và khí tại Việt Nam, báo cáo World Bank đề xuất nên xây dựng một chương trình PPP/IPP để phát triển các nguồn phát điện mới, là một phần trong Quy hoạch Phát triển Điện lực quốc gia 8 để tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần nâng cao vị thế tài chính và hệ số tín nhiệm của EVN và PVN để hai doanh nghiệp này có thể tiếp cận tài chính thương mại trong điều kiện không có hỗ trợ của Chính phủ.