_12843921.png)
Với việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025, các ngân hàng đã đẩy nhanh việc giải ngân tín dụng từ đầu năm. Ảnh: minh hoạ (shutterstock.com)
Ngân hàng tìm bộ đệm tăng trưởng
Hội đồng Quản trị VPBank mới công bố tờ trình và được cổ đông thông qua góp vốn để thành lập công ty con hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, với vốn điều lệ dự kiến là 2.000 tỉ đồng. Ông Bùi Hải Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị VPBank, giải thích rằng Ngân hàng muốn vượt ra khỏi khuôn khổ là một ngân hàng đơn lẻ và xây dựng một tập đoàn tài chính đa ngành gồm ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng (FE Credit), công ty chứng khoán (VPBank Securities) và công ty bảo hiểm phi nhân thọ (OPES). Vì thế, VPBank cần hoàn thiện 2 mảnh ghép là bảo hiểm nhân thọ và công ty quản lý quỹ.
Tăng trưởng trong áp lực
Không chỉ VPBank, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng khác cũng đẩy mạnh chiến lược gia nhập sâu hơn vào lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và coi đây như một bộ đệm cho tăng trưởng trong bối cảnh có nhiều thách thức.
Thực tế, tín dụng tăng trưởng đã tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng trong quý đầu năm 2025. Theo báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), tất cả các ngân hàng trong danh sách theo dõi (chủ yếu là ngân hàng niêm yết) đều được dự báo lợi nhuận trước thuế sẽ tăng trưởng trong quý I/2025.
![]() |
Tín dụng tăng trưởng đã tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng trong quý đầu năm 2025. |
Các ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm trước, nhờ vào 3 yếu tố chính: tăng trưởng tín dụng, cải thiện biên lãi ròng (NIM) và kiểm soát chi phí chặt chẽ. Những ngân hàng có nền tảng bán lẻ mạnh như VPBank, MB, Techcombank hay HDBank tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt nhờ việc đẩy mạnh cho vay cá nhân và doanh nghiệp nhỏ. Trong khi đó, nhóm Big 4 bao gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank vẫn giữ vững vị thế nhờ nguồn tiền gửi dồi dào và khả năng tối ưu hóa nguồn vốn.
Với việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025, các ngân hàng đã đẩy nhanh việc giải ngân tín dụng từ đầu năm. Đáng chú ý, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, các ngân hàng thương mại nhà nước ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao: tăng 3,3% so với cuối năm 2024 và tăng 18% so với cùng kỳ, tương phản rõ rệt so với mức tăng tương đối chậm cùng kỳ năm ngoái (tăng 1% từ đầu năm và tăng 11% so với cùng kỳ). Điều này phần nào được hỗ trợ bởi việc mở rộng thị phần trong phân khúc bán lẻ. Trong khi đó, tại các ngân hàng thương mại cổ phần (tăng 3,6% từ đầu năm và tăng 21% so với cùng kỳ), tăng trưởng tín dụng chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu vốn lưu động từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, sản xuất chế biến chế tạo, logistics, bán buôn bán lẻ và sửa chữa ô tô xe máy và ngành chứng khoán.
![]() |
Cụ thể, khoản cho vay đối với các chủ đầu tư bất động sản từ đầu năm đã tăng hơn 10% ở một số ngân hàng như Techcombank (+14,8%), MB (+12,2%), HDBank (+12,3%) và MSB (+10%). Dư nợ cho vay công ty chứng khoán cũng tăng mạnh với mức giải ngân ròng tại TPBank, VIB, VPBank, MSB và MB đạt 20.500 tỉ đồng trong quý I/2023 (so với 18.800 tỉ đồng trong quý trước).
Mặc dù bức tranh kết quả kinh doanh toàn ngành trong quý đầu năm nhìn chung tích cực nhưng “thách thức” là cụm từ được nhiều lãnh đạo ngân hàng nhắc tới. Hầu hết lãnh đạo ngân hàng trong mùa đại hội đồng cổ đông đều nhận định, với tác động từ các yếu tố bên ngoài, nhất là chính sách thuế quan của Mỹ sẽ khó tránh ảnh hưởng đến tín dụng và kết quả lợi nhuận của ngành ngân hàng trong những quý tới. Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV, đánh giá lợi nhuận năm nay chắc chắn sẽ suy giảm cho dù có thành công trong việc đàm phán thuế quan. Ước tính tổng dư nợ khối khách hàng của BIDV bị ảnh hưởng bởi tác động thuế quan thống kê được khoảng 300.000 tỉ đồng, chiếm 15% dư nợ của BIDV.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank, cho biết Ngân hàng đang chiếm 20% thị phần thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại và có danh mục khách hàng FDI lớn. Vì vậy, Vietcombank sẽ chịu tác động lớn hơn nhiều ngân hàng khác trong trường hợp Mỹ áp thuế 46% đối với Việt Nam.
![]() |
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán MBS, sự phục hồi chậm của các khoản vay mua nhà, do nguồn cung bất động sản hạn chế, đã làm chậm lại tín dụng bán lẻ trong năm 2024 và xu hướng này có thể tiếp tục kéo dài trong nửa đầu năm 2025, khiến lợi suất tài sản của các ngân hàng giảm thêm. Ngoài ra, áp lực cạnh tranh về lãi suất giữa các ngân hàng, cùng với xu hướng giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế, cũng khiến NIM khó có thể bứt phá.
Phân tích của các chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, trong thời gian tới, các yếu tố lớn ảnh hưởng tới xu hướng NIM của các ngân hàng đến từ sự thay đổi bối cảnh cạnh tranh trong trường hợp căng thẳng thương mại leo thang. Nếu căng thẳng thương mại leo thang, phân khúc FDI - vốn đem lại thế mạnh cho nhóm ngân hàng thương mại nhà nước với nguồn CASA (tiền gửi không kỳ hạn) và vốn huy động bằng USD - dự kiến sẽ gặp áp lực. Trong kịch bản này, lợi thế về vốn của ngân hàng thương mại nhà nước sẽ bị ảnh hưởng phần nào và do đó, khoảng cách chi phí vốn giữa nhóm này và ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn có thể sẽ thu hẹp.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng biên lãi ròng ngành ngân hàng khó có thể tăng mạnh trong năm 2025, song tăng trưởng tín dụng được đẩy nhanh sẽ thúc đẩy thu nhập ngoài lãi tăng trưởng tốt hơn so với năm ngoái. Tỉ trọng thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập dự báo duy trì ở mức 22%. Trước đó, trong năm 2024 thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng tăng trưởng 9,2%, chủ yếu được thúc đẩy bởi việc thu nhập khác tăng 36%, phần lớn do tăng tốc thu hồi nợ xấu và giao dịch chứng khoán tăng 14,1%.
![]() |
Những ngân hàng có nền tảng bán lẻ mạnh như VPBank, MB, Techcombank hay HDBank tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt nhờ việc đẩy mạnh cho vay cá nhân và doanh nghiệp nhỏ. |
Động lực từ bảo hiểm và chứng khoán
Theo báo cáo của SSI Research, trong các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 vừa qua, các ngân hàng thương mại vẫn thận trọng trước bối cảnh kinh tế nhiều thách thức.
Cụ thể, các ngân hàng thương mại cổ phần dự kiến tăng trưởng trung bình khoảng 17%, trong khi nhóm ngân hàng thương mại nhà nước mới chỉ có một ngân hàng công bố mức tăng 3,5%.
![]() |
Có thể thấy, ngành ngân hàng đang có một giai đoạn kinh doanh thuận lợi với biên lãi ròng cải thiện và tăng trưởng tín dụng ổn định. Tuy nhiên, để duy trì mức lợi nhuận cao, không thể mãi dựa vào tín dụng mà cần đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ, đặc biệt là ngân hàng số và các sản phẩm tài chính có giá trị gia tăng... Mặt khác, sự phục hồi kinh tế chậm hơn dự kiến, nợ xấu tăng mạnh trở lại, vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp và thay đổi trong chính sách tiền tệ là những rủi ro tiềm ẩn, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của ngành.
Vì vậy, nhiều ngân hàng tìm kiếm những động lực tăng trưởng lợi nhuận khác như tăng cường bán chéo sản phẩm bảo hiểm và theo chuỗi giá trị ngành nghề, đồng thời đẩy mạnh xử lý thu hồi nợ, qua đó tác động lên lợi nhuận khi nguồn dự phòng được hoàn nhập.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo của VPBank, nếu chỉ hợp tác phân phối bảo hiểm với các đối tác khác, ngân hàng sẽ bị động về sản phẩm, mô hình kinh doanh và đặc biệt là việc quản lý, chăm sóc khách hàng. Bảo hiểm nhân thọ và ngân hàng có sự gắn kết rất chặt chẽ về mô hình kinh doanh cũng như sự tương tác trong hệ sinh thái khách hàng, nên VPBank sẽ tìm phương án hợp lý và có lợi nhất cho ngân hàng, nhất là khi đã có kinh nghiệm vận hành OPES và trong thời buổi ứng dụng công nghệ số, A.I (trí tuệ nhân tạo)...
![]() |
Ngành ngân hàng đang có một giai đoạn kinh doanh thuận lợi với biên lãi ròng cải thiện và tăng trưởng tín dụng ổn định. Ảnh: TL |
Trong khi đó, Techcombank cũng lên kế hoạch thành lập Công ty Cổ phần Bảo hiểm Nhân thọ Kỹ thương (TCLife), với vốn điều lệ tối thiểu 1.300 tỉ đồng. Ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank, nhận định, bảo hiểm nhân thọ là lĩnh vực rất quan trọng, không chỉ với khách hàng cá nhân mà còn quan trọng hơn nữa với thị trường vốn. Techcombank cũng đang hướng tới việc hợp tác với các đối tác chiến lược để xây dựng một hệ sinh thái toàn diện.
Hoạt động bảo hiểm đang ghi nhận sự tăng trưởng trở lại tại Techcombank. Theo đó, báo cáo quý I/2025, Techcombank ghi nhận doanh thu từ phí bảo hiểm tăng 27% so với cùng kỳ năm trước và đặc biệt bứt tốc mạnh, tăng tới 1.718% so với quý IV/2024.
Thực tế, các báo cáo kinh tế cho thấy, 4 tháng đầu năm 2025, thị trường bảo hiểm tiếp tục duy trì đà tăng tích cực, với tổng doanh thu phí ước đạt 74.889 tỉ đồng, tăng 5,4%; tổng tài sản toàn ngành ước đạt hơn 1 triệu tỉ đồng, tăng 8,79%. Đây cũng là động lực để nhiều ngân hàng lên kế hoạch thành lập doanh nghiệp bảo hiểm riêng, nhằm thúc đẩy phát triển và mở rộng hệ sinh thái tài chính.
![]() |
Ngoài bảo hiểm, chứng khoán cũng là một mảnh ghép khác mà nhiều ngân hàng quan tâm trong chiến lược tìm động lực tăng trưởng mới. Chẳng hạn, MSB đã thông qua kế hoạch góp vốn, mua cổ phần của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để các công ty này trở thành công ty con của MSB. Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc MSB, việc đầu tư vào công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nhằm giúp MSB mở rộng sang lĩnh vực ngân hàng đầu tư, cung cấp các dịch vụ tài chính trọn gói, cũng như giúp MSB tham gia sâu hơn vào thị trường vốn, nâng tầm sự phát triển dài hạn của thị trường.
Tương tự, cổ đông SeABank cũng đã thông qua chủ trương mua cổ phần tại Công ty Cổ phần Chứng khoán ASEAN để công ty này trở thành công ty con của SeABank. Công ty Cổ phần Chứng khoán ASEAN có vốn điều lệ hiện tại là 1.500 tỉ đồng, SeABank có thể mua tối đa 100% vốn điều lệ.
Một số ngân hàng khác cũng đang là cổ đông lớn nhất của các công ty chứng khoán như Công ty Chứng khoán LPBank (LPBS) có cổ đông lớn là LPBank; Techcombank đang sở hữu hơn 94% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS). Một số công ty chứng khoán khác cũng do ngân hàng sở hữu trực tiếp hoặc có tên thương hiệu gắn liền với ngân hàng như Công ty Chứng khoán MB (MBS), Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS), Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco)...
![]() |
Ngân hàng mua lại công ty chứng khoán với mục tiêu tham vọng mở rộng hoạt động ngân hàng đầu tư đang là xu thế tạo ra nguồn thu nhập lớn cho hệ thống ngân hàng. Bởi vì, thị trường chứng khoán Việt Nam và các dịch vụ thuộc mảng ngân hàng đầu tư là thị trường tiềm năng, giữ vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế và được dự báo thu hút khoảng 25 tỉ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm vào Việt Nam.
Việc sở hữu một công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ sẽ giúp các ngân hàng dễ dàng tiếp cận và cung cấp dịch vụ đầu tư chứng khoán và mở rộng sang lĩnh vực quản lý tài sản cao cấp (wealth management); cung cấp các sản phẩm như quỹ mở, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư cổ phiếu, trái phiếu... Trong khi đó, công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng cũng tạo ra lợi thế cạnh tranh gồm tính toàn diện trong hoạt động trong dịch vụ tài chính, đa dạng hóa sản phẩm, đội ngũ nhân sự chuyên môn tốt, bảo mật và an toàn tài sản.