Ảnh: Quý Hoà
Ngân hàng “big 4” khát vốn ngoại
Thương vụ 20.300 tỉ đồng hút vốn ngoại của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã BID) là điểm sáng trong M&A của ngành ngân hàng trong nhiều năm nay, nhưng các ngân hàng quốc doanh nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung vẫn cần thêm nhiều tỉ USD trong thời gian tới.
Thương vụ hơn 20 ngàn tỉ của BIDV
Cuối cùng, nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đã bước chân vào ngân hàng Việt niêm yết có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam, sau những thông tin đồn đoán từ đầu năm ngoái.
BIDV mới đây cho biết sẽ phát hành hơn 603 triệu cổ phần cho KEB Hana Bank, thu về hơn 20.300 tỉ đồng. Nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ sở hữu 15% cổ phần của BIDV sau khi phát hành thêm. Theo thông tin công bố, mức giá bán vào khoảng 33.640 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, tính đến ngày 25.7, thị giá BID ở mức 35.200 đồng/cổ phiếu, ngang với mức giá hồi đầu năm nay, nhưng lại tăng gần 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một điều đáng chú ý khác là giá trị thương vụ về con số tuyệt đối được ghi nhận ở mức lớn nhất từ trước đến nay, lên đến hơn 875 triệu USD. Trong khi đó, năm 2011, Vietcombank cũng từng bán 15% cổ phần cho Mizuho với giá hơn 567 triệu USD, hay số tiền 743 triệu USD mà Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU) chi ra để sở hữu 20% VietinBank vào năm 2012.
Nhắc lại những dấu mốc này mới thấy thật đáng mừng cho BIDV, vì mãi cho đến bây giờ, ngân hàng có vốn nhà nước niêm yết trên thị trường chứng khoán mới chính thức có cổ đông chiến lược là nhà đầu tư ngoại, đi sau khá lâu so với Vietcombank và VietinBank.
Đối tác lần này của BIDV là KEB Hana Bank, thành viên của Tập đoàn Hana Financial, 1 trong 4 nhóm tập đoàn tài chính cung cấp các dịch vụ tài chính liên quan lớn nhất tại Hàn Quốc. Tính đến cuối năm 2018, quy mô tài sản của tập đoàn này đạt 385.000 tỉ won, tương đương gần 310 tỉ USD. KEB Hana Bank cũng đã hiện diện tại thị trường Việt với 2 chi nhánh ở TP.HCM và Hà Nội.
Đáng chú ý, Hàn Quốc cũng là quốc gia dẫn đầu về lượng vốn đầu tư vào Việt Nam hiện nay. Trong khi các nhà đầu tư ngoại tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã VCB) và Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã CTG) đều xuất phát từ Nhật, một nhân tố từ Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ thổi làn gió mới vào hoạt động kinh doanh của BIDV.
Sau thương vụ này, dự kiến mức vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng từ 34.187 tỉ đồng lên 40.220 tỉ đồng. Tuy nhiên, số vốn này vẫn chưa đủ để “giải khát”. Là một trong những ngân hàng dẫn đầu về quy mô cho vay và quy mô tổng tài sản, BIDV cũng gặp nhiều trở ngại vì liên quan đến giới hạn tăng trưởng để đảm bảo an toàn hoạt động.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, tính tới cuối năm 2018, hệ số an toàn vốn (CAR) của BIDV ở mức rất thấp, chỉ ở ngưỡng 9% dù tính theo các tiêu chí an toàn trong Basel I, chứ chưa nói đến chuyện Basel II sẽ áp dụng trong năm sau. Trong khi đó, theo một lãnh đạo của BIDV, thương vụ mua bán với KEB Hana Bank còn rất nhiều thủ tục và thời gian để hoàn tất.
Trên thực tế, không chỉ mỗi BIDV mà các ngân hàng quốc doanh khác, cũng như nhiều ngân hàng tư nhân phải đối mặt với chuyện tăng vốn để đáp ứng các tiêu chí an toàn mới. Trước đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng xác nhận cả 4 ngân hàng quốc doanh hiện đang gặp khó khăn trong việc tăng vốn điều lệ, khi hệ số CAR của nhóm chỉ ở mức tối thiểu là xấp xỉ ngưỡng 9%. Vốn điều lệ của nhóm ngân hàng này tính đến cuối tháng 3 đạt hơn 152.000 tỉ đồng, tăng 0,73% so với tháng 12.2018. Tổng tài sản đạt hơn 5 triệu tỉ đồng, tỉ lệ nợ xấu là 1,51%.
Bởi Nhà nước nắm cổ phần chi phối nên việc tăng vốn phụ thuộc nhiều vào cổ đông nhà nước. Tuy nhiên, vì nhiều rào cản quy định giữa các cơ quan khác nhau (như Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước), các ngân hàng quốc doanh gặp nhiều khó khăn trong việc thoái vốn cho các nhà đầu tư ngoại, không chỉ là tiêu chí về tiêu chuẩn nhà đầu tư chiến lược, mà còn có cả yếu tố về giá bán cổ phiếu.
Chẳng hạn, Vietcombank mới chỉ phát hành được 3% cho nhà đầu tư ngoại GIC vào đầu năm nay, trong khi kế hoạch lên đến con số 10%. Về kế hoạch bán nốt phần 7% còn lại, một lãnh đạo của ngân hàng này tiết lộ, giá bán cổ phiếu năm nay sẽ cao hơn nhiều so với năm trước. Nhưng một lần nữa, thị giá cổ phiếu VCB lên cao liệu có tiếp tục gây khó cho việc chào bán? Trong khi đó, nhà đầu tư còn phải chịu ràng buộc hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.
Cũng từ năm 2016, BIDV và VietinBank nhiều lần đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt để giữ lại tăng vốn, nhưng nhiều lần bị Bộ Tài chính khước từ với lý do ngân sách eo hẹp. Trường hợp VietinBank còn gặp khó khăn hơn vì sở hữu của Nhà nước tại ngân hàng này đã chạm mức tối thiểu 65%, trong khi “room” ngoại đã ở mức tối đa. BIDV vẫn còn thể tiếp tục gọi vốn vì tỉ lệ sở hữu sau khi có cổ đông ngoại sẽ được giảm từ mức hơn 95% về hơn 80%.
Các ngân hàng có vốn nhà nước bắt đầu “thể hiện” như thương vụ BIDV mới đây hay Vietcombank vào cuối năm ngoái, trong khi quãng thời gian qua là cuộc chơi của các ngân hàng tư nhân như VPBank (VPB), HDBank (HDB) và Techcombank (TCB), cũng đều là những thương vụ hàng trăm triệu USD, nhưng không có đại diện nào nắm tỉ lệ sở hữu vượt trội. Thị trường vẫn còn rất nhiều ngân hàng tư nhân cần bán vốn nhưng đang trong quá trình thảo luận cùng đối tác như Ngân hàng Phương Đông (OCB) hay Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank).
Tương tự, nhiều ngân hàng quốc doanh khác tiếp tục mong chờ nối gót BIDV. Chẳng hạn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) được kỳ vọng sẽ tiến hành IPO vào năm sau. Hay Ngân hàng Quân Đội (có công ty quốc doanh nắm tỉ lệ lớn) cũng đã “hụt” nhiều đối tác, dù kế hoạch đi tìm cổ đông chiến lược ngoại cũng đã được đưa ra từ lâu.
Cơn khát vốn của “big 4”
Trong khi các kế hoạch tăng vốn cho ngân hàng quốc doanh vẫn còn đang được thảo luận, thì hạn chót tuân thủ các quy định mới cũng cận kề. Vào giữa năm ngoái, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch ước tính hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ cần thêm khoảng 20 tỉ USD để đáp ứng các chuẩn hoạt động mới. Giảm tỉ lệ sở hữu của Nhà nước tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước là giải pháp hiệu quả nhất trong giai đoạn hiện nay để tăng vốn điều lệ đáp ứng quy định về vốn, đồng thời nâng cao năng lực quản trị và tăng sức cạnh tranh.
Nhiều kế hoạch đã được đưa lên bàn cân đo đong đếm. Những đề xuất về tháo gỡ vướng mắc pháp lý theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn cho nhóm ngân hàng quốc doanh cũng đưa ra thảo luận, ngay cả việc giữ lại lợi nhuận, chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng sẽ được cân nhắc thêm. Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này đang chờ ý kiến tham gia từ các bộ, ngành có liên quan để có quyết đáp sớm cho các ngân hàng thương mại nhà nước trong vấn đề tăng vốn điều lệ. “Chúng tôi cũng đề xuất phải sử dụng ngay nguồn cổ tức của các ngân hàng thương mại năm 2018. Thay vì nộp ngân sách, chúng ta sẽ sử dụng cổ tức này và khả năng nếu giá tăng quá cao thì hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại sẽ càng cao hơn”, ông Tú cho biết.
Hồi giữa tháng 6, chia sẻ với báo giới, đại diện Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đưa ra một thông tin mới, đó là SCIC có thể mua lại cổ phần các ngân hàng quốc doanh để giải quyết bài toán thiếu vốn trong ngắn hạn. Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC, cho biết, SCIC từng đầu tư vào Ngân hàng Quân Đội và lịch sử cho thấy đây là khoản đầu tư mang lại hiệu suất tốt. Tuy nhiên, phương án đưa ra là SCIC sẽ mua cổ phiếu với giá chỉ bằng mệnh giá thì xem ra thiệt thòi với các cổ đông hiện hữu, cũng như với chính các ngân hàng.
Năm 2019 được xem là năm của câu chuyện về vốn. Không chỉ có các ngân hàng đứng trước yêu cầu tăng vốn điều lệ, tốc độ tăng trưởng tín dụng trên thị trường cũng được thiết lập ở mức 14%, ngang với mức tăng trưởng năm 2018. Tất nhiên, mức tăng trưởng cụ thể sẽ khác nhau theo khả năng của từng ngân hàng, nhưng nó cũng là chỉ báo cho thị trường rằng dòng vốn sẽ không còn “dễ dãi” như trước nữa.
Trên thực tế, lãi suất huy động trên thị trường với kỳ hạn dài có xu hướng tăng từ đầu năm đến nay, cao cá biệt ở vài ngân hàng nhỏ. Tuy nhiên, ông Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính dẫn lại lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết nhiều khả năng sẽ nới room tín dụng. “Nói chính sách siết dòng vốn vào bất động sản là chưa đầy đủ, thực tế chỉ siết một số dự án, chủ đầu tư, không phải siết tất cả. Từ nay đến cuối năm, dòng vốn sẽ tiếp tục chảy vào thị trường, từ 16-18%”, ông Tín cho biết.
Tiến sĩ Trương Văn Phước nhận định rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 ở mức 6,8-7,08%. Nếu Việt Nam duy trì được mức lạm phát 3,2-3,5% thì các dòng vốn vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam trong những năm tiếp theo. Đây là cơ sở mà nhiều chuyên gia tin rằng thị trường vẫn đang có những điểm sáng, dù cho chuyện huy động được vốn là hoàn toàn không đơn giản.
Nhưng vốn ngoại được xem là quan trọng bởi nguồn vốn từ các “đại gia” trong nước không còn dồi dào như xưa. Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Chính phủ nên mạnh dạn hạ thấp rào sở hữu của cổ đông nhà nước xuống mức để các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có thể nắm cổ phần chi phối ít nhất 51% thì mới thu hút được vốn đầu tư.
Nhìn ở một khía cạnh khác, việc đáp ứng vốn để thỏa các tiêu chí an toàn mới trong Basel II dù khó khăn, nhưng trên thực tế vẫn chỉ là điều kiện cần trong quá trình tái cấu trúc các ngân hàng Việt. Hoạt động ngân hàng an toàn còn đòi hỏi sự thay đổi về mặt tư duy quản trị của chính các ông chủ ngân hàng. Với các ngân hàng có vốn nhà nước, giảm tỉ lệ sở hữu của Nhà nước là giải pháp hiệu quả nhất trong giai đoạn hiện nay để tăng vốn điều lệ đáp ứng quy định về vốn, đồng thời nâng cao năng lực quản trị và tăng sức cạnh tranh.
Một điều đáng ghi nhận trong thời gian qua là sự đa dạng về mặt doanh thu của các ngân hàng, tốc độ tăng trưởng đến từ mảng dịch vụ cao hơn là mảng cho vay truyền thống và quy mô đóng góp vào tổng lợi nhuận ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, con đường tăng vốn phía trước vẫn còn rất dài, không chỉ phụ thuộc vào khả năng của ngân hàng, tầm nhìn mà còn phụ thuộc nhiều vào thị trường chứng khoán hay bất động sản, vốn rất nhiều biến động trong bối cảnh hiện nay.