Hội thảo "Vững kinh doanh, Xanh Trái đất" về chủ đề Phát triển bền vững tại sự kiện Top 50 CSA 2022. Ảnh: Quý Hoà
Mệnh lệnh xanh hoá
Tháng 9/2021, Phòng thí nghiệm Lực đẩy Phản lực của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ đưa ra báo cáo cho thấy dịch bệnh COVID-19 với những hạn chế đi lại, việc tạm dừng các hoạt động sản xuất trên toàn cầu đã làm giảm đáng kể ô nhiễm không khí và phát thải khí nhà kính chỉ trong vài tuần. Sự thay đổi đột ngột đó được cho là “mang đến kết quả chưa từng có” mà quy định thông thường của chính phủ các nước sẽ phải mất nhiều năm mới đạt được.
Tuy nhiên, lượng khí thải đã quay trở lại mức trước khi đại dịch bùng phát mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh toàn cầu vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Trong khi đó, nghiên cứu chỉ ra việc giảm hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và dân cư lại không tạo ra nhiều tác động cho môi trường. “Chỉ và chỉ có chuyển đổi sang công nghệ phát thải carbon thấp mới giải quyết được triệt để vấn đề này”, báo cáo viết.
Một điều thú vị là không chỉ các nhà khoa học nhận ra điều đó, mà các quỹ đầu tư tài chính, doanh nghiệp và chính phủ các nước cũng nhận ra “sự giận dữ của thiên nhiên” sau khi nền kinh tế được thả nổi để bùng nổ trong vài thập kỷ qua. Nếu tiếp tục, hậu quả có thể sẽ còn nặng nề hơn trong thời gian tới.
Đối mặt với rủi ro thảm họa
Phát biểu tại lễ bình chọn “TOP 50 Doanh nghiệp Phát triển Bền vững 2022” do NCĐT tổ chức mới đây, ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cho biết năm 2021, thiệt hại thiên nhiên mang lại đã là 150 tỉ USD và ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của 65 triệu người.
Việt Nam cũng không ngoại lệ, thậm chí đang đối mặt với mức độ rủi ro thảm họa rất cao, xếp thứ 91 trong 191 quốc gia theo thang đánh giá INFORM Index năm 2019. Nguyên nhân chính là do mức độ cao về khả năng xảy ra thiên tai. Tác động do biến đổi khí hậu nói riêng dự kiến có thể ảnh hưởng đến 433.000 người/năm, gây thâm hụt 3,6 tỉ USD GDP vào năm 2030. Đặc biệt là TP.HCM, hiện nằm trong nhóm 10 thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới do biến đổi khí hậu. Dự kiến tới năm 2050, hàng triệu người dân thành phố sẽ phải hứng chịu rủi ro từ những hiện tượng liên quan tới khí hậu như ngập lụt, hạn hán và bão nhiệt đới.
Quan trọng hơn, Việt Nam vẫn đang là điểm nóng đầu tư khi năm 2021, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 31,15 tỉ USD, hơn một nửa trong số đó rót vào ngành sản xuất và chế biến, vốn cần rất nhiều điện. Cùng với đó là nhu cầu về điện sinh hoạt hằng ngày của gần 100 triệu dân.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Việt Nam là nước tiêu thụ điện nhiều thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhu cầu năng lượng nhanh nhất thế giới. Vì vậy, Việt Nam buộc phải tìm cách phát triển ngành điện để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Dòng tiền xanh gõ cửa doanh nghiệp
“Chúng ta có kế hoạch A, B cho công việc nhưng hoàn toàn không có kế hoạch cho môi trường chúng ta sống, cho thế hệ con cháu chúng ta. Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực là ngày càng có nhiều doanh nghiệp và tổ chức sẵn sàng thay đổi để dẫn dắt thế giới thay đổi”, ông Tim Evans nói.
Môi trường, Xã hội và Quản trị (Environmental, Social, Governance - ESG) bắt đầu thu hút sự quan tâm lớn của giới kinh doanh với nhiều chiến lược mới, nguồn vốn mới và công cụ tài chính mới hướng tới mục tiêu bền vững liên tục được đưa ra. Các khảo sát bằng định lượng cho thấy thị trường trái phiếu xanh, xã hội và bền vững (GSS) đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ: 36% nhà đầu tư trái phiếu dù chưa từng mua nhóm trái phiếu này cho biết họ dự định sẽ nghiêm túc mua trong tương lai (theo Báo cáo Khảo sát đầu tư và tài chính bền vững năm 2020 - khu vực châu Á).
Bên cạnh mục tiêu “giải cứu thế giới”, khá thú vị rằng các doanh nghiệp ESG đều có kết quả kinh doanh tốt hơn nhóm chưa lưu tâm tới vấn đề này. Điều đáng khích lệ là ngày càng nhiều doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược để tập trung hơn vào mục tiêu phát thải carbon bằng 0 trên toàn thế giới. “Có lẽ, thời của mục tiêu đầu tư thuần vì lợi nhuận đã không còn nữa”, ông Tim Evans nói.
Điều này đã giúp thị trường tài chính bền vững của khối ASEAN duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh bất kể tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19. Tổng lượng tín dụng và trái phiếu ESG của các nước trong khối đạt mức cao kỷ lục vào năm 2020, tương đương 12,8 tỉ USD, tăng từ mức 11,5 tỉ USD trong năm 2019. Giá trị lũy kế hiện tại đạt 29,4 tỉ USD.
Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất thế giới do biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng gia nhập làn sóng tài chính bền vững từ năm 2019 với tổng giá trị trái phiếu xanh đạt 27 triệu USD và tiềm năng còn nhiều hơn nữa trong tương lai.
Năm 2020, Việt Nam cũng chứng kiến 2 khoản tín dụng xanh với tổng giá trị 257 triệu USD. Thứ nhất là khoản vay 71 triệu USD nằm trong gói tài chính 212,5 triệu USD do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cấp vào tháng 1/2020. Thứ 2 là khoản tín dụng xanh trị giá 186 triệu USD do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cấp cho một công ty tư nhân để xây dựng và vận hành nhà máy điện mặt trời 257 MW ở Phú Yên.
Đây cũng là khoản tín dụng xanh đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn của Climate Bonds Initiative. Các tổ chức tài chính quốc tế như HSBC cũng tham gia lĩnh vực này từ năm 2019 với các khoản vay xanh dành cho cả khách hàng doanh nghiệp lẫn cá nhân, sản phẩm tiền gửi xanh cho doanh nghiệp và ngân hàng đang chuẩn bị cho các giao dịch xanh năm 2021 bao gồm những sản phẩm cho vay cả ngắn hạn lẫn dài hạn, bảo lãnh và hạn mức thương mại.
Có thể thấy khối ngân hàng trong nước cũng có nhiều nỗ lực “xanh hóa” dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Trong năm 2021, đã có 60% ngân hàng ở Việt Nam trợ vốn cho các dự án xanh.
Đầu năm nay, HSBC Việt Nam cũng đã công bố cam kết giúp thu xếp 12 tỉ USD tài chính bền vững trực tiếp và gián tiếp cho Việt Nam đến năm 2030. Đây là một phần trong tham vọng của Tập đoàn HSBC bao gồm cung cấp từ 750 triệu USD đến 1 tỉ USD tài trợ và đầu tư bền vững đến năm 2030. Cam kết này đã được nêu ra trong cuộc gặp giữa Tổng Giám đốc Tập đoàn, ông Noel Quinn và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 tháng 11 năm ngoái.
“Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã góp phần thu xếp được 1,3 tỉ USD tài chính xanh cho nhiều dự án khác nhau ở Việt Nam, tương đương với 10% con số chúng tôi đã cam kết. Các dự án thuộc nhiều lĩnh vực từ phương tiện chạy điện, tòa nhà xanh, tái chế nhựa cho đến năng lượng tái tạo”, ông Tim Evans cho biết.
Định hình năng lượng xanh
Năng lượng là vấn đề quan trọng thứ 2 Việt Nam phải giải quyết khi Việt Nam một mặt đang là điểm đến đầu tư ưa chuộng của doanh nghiệp ngành công nghiệp sản xuất, một mặt đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng đô thị thông minh và nền kinh tế dựa trên công nghệ.
Ông Đồng Mai Lâm, Tổng Giám đốc Schneider Electric Việt Nam, cho biết, định dạng các nguồn phát thải gây ô nhiễm và xác định các thành phần gây ô nhiễm trong chuỗi cung ứng có thể giúp Việt Nam đeo đuổi mục tiêu giảm khí thải đã đề ra. Quan trọng hơn, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng các công nghệ hiện hữu để thực hiện. Theo đó, việc định dạng được xác định ở 3 khâu là nguồn phát, mạng lưới phân phối và tiêu thụ. Hiện 80% nguồn phát của Việt Nam là dùng năng lượng hóa thạch, 95% mạng lưới phân phối đã lạc hậu không thể kết nối với nhau dẫn đến tỉ lệ thất thoát cao.
Ứng dụng năng lượng tái tạo để giảm phát thải. |
Schneider Electric Việt Nam giải quyết vấn đề này bằng cách ứng dụng năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) vào khâu sản xuất, từ đó giúp giảm tổn thất truyền tải và ô nhiễm môi trường. Định hướng của Công ty là giúp các đối tác toàn cầu tăng tỉ lệ sử dụng năng lượng tái tạo lên 40% trong 20 năm tới.
Ở khâu phân phối và tiêu thụ, Công ty sẽ sử dụng phần mềm, trí thông minh nhân tạo để giám sát lượng điện năng truyền tải. Đồng thời các thiết bị thông minh ở khâu tiêu thụ sẽ giúp tối ưu việc sử dụng nguồn điện.
“Tiết kiệm 1 đơn vị năng lượng dễ hơn rất nhiều so với sản xuất 1 đơn vị năng lượng. Hành động của chúng ta trong một thập kỷ tới sẽ tác động rất nhiều đến mục tiêu đề ra”, ông Đồng Mai Lâm nói.
Ông Angus Liew, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Gamuda Land Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp phát triển bất động sản cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu khâu tiêu thụ điện năng. Đặc biệt là khi có quy hoạch sớm và thiết kế các dự án có thể tiết kiệm được rất nhiều năng lượng cần sử dụng nhờ sử dụng ánh sáng tự nhiên.
Gamuda Land đang thực hiện chiến dịch trồng thêm 1 triệu cây xanh từ đây cho đến năm 2030. Quan điểm của Công ty là tạo ra môi trường sống lành mạnh và xanh sạch cho cư dân. “Chúng tôi không xây nhà, chúng tôi xây môi trường sống”, ông Angus Liew nói.
Nông nghiệp tuần hoàn
Ông Sáu, thành viên tổ hợp sản xuất cam Mỹ Thành Trung, Hợp tác xã Hậu Lộc (Vĩnh Long), được nhiều người biết đến vì “mát tay” trong việc trồng cam. Trung bình vườn ông trồng cho năng suất 7-8 tấn/công.
Ông Sáu cho biết có chia sẻ công thức cho bà con nông dân, nhưng nhiều người vẫn pha thuốc tăng liều để đạt 10 tấn/công mà không hiểu những tác hại rất lớn về sau. Đầu tiên, chi phí phân bón sẽ cao hơn nhưng chất lượng cam không đồng đều. Quan trọng hơn là sau thu hoạch, đất của các vườn không pha thuốc sẽ phục hồi nhanh hơn mà không tốn công chăm sóc. “Bà con lỗ mà họ không hiểu nguyên nhân vì sao”, ông Sáu nói.
Đó là vấn đề mà các nông hộ ở Việt Nam gặp phải, việc canh tác quá mức có thể làm tổn thương đất, rau trồng. Xanh hóa nông nghiệp là yếu tố quan trọng trong mục tiêu hướng đến phát thải carbon bằng 0 của Chính phủ Việt Nam.
Nestlé Việt Nam thúc đẩy trồng rừng tại Việt Nam. Ảnh: Gaia |
Theo báo cáo phát thải của Nestlé Việt Nam, đối với nông nghiệp, nhóm 3, tức nhóm phát thải gián tiếp (gồm các bên hoạt động trong chuỗi cung ứng, cung cấp nguyên liệu thô như hạt cà phê, sữa) chiếm hơn 94%.
Theo ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và phụ trách Phát triển bền vững Nestlé Việt Nam, để giải quyết bài toán này, Công ty đưa ra khái niệm “nông nghiệp tái sinh” hay còn gọi là "nông nghiệp tuần hoàn", hướng đến đảm bảo độ phì nhiêu của đất, giảm ô nhiễm nguồn nước.
Trong 11 năm qua, Công ty đã làm việc với 24.000 hộ nông hộ trồng cà phê ở Tây Nguyên. Có một điều thú vị là Công ty không khuyến khích nông dân tăng năng suất lên tối đa mà chỉ dừng ở mức 5 tấn/ha.
Để đảm bảo thu nhập cho người nông dân, Nestlé Việt Nam hướng dẫn, đào tạo và hỗ trợ giống chống sâu bệnh để họ trồng xen canh các nông sản khác như bơ, tiêu, điều…“Sau 11 năm, chúng tôi đã hỗ trợ hơn 300.000 lượt nông dân trồng cà phê, giúp giảm sử dụng nước 40%, phân hóa học 20% và tăng thu nhập 30% - 100%/nông hộ”, ông Hưng nói.
Cũng hướng đến tầm nhìn về nông nghiệp bền vững tại Việt Nam, Tập đoàn FrieslandCampina Việt Nam đã làm việc với hơn 20.000 hộ cá thể nuôi bò và với hình thức kết hợp là tập huấn, trao đổi những kiến thức, kinh nghiệm với Hà Lan. Trong suốt 26 năm qua, hãng sữa này đã tổ chức rất nhiều buổi tập huấn, mang đến những kiến thức tốt nhất từ ngành chăn nuôi bò sữa theo mô hình bền vững của Hà Lan tới các hộ nông dân của Việt Nam.
Bà Tạ Thúy Hà, Giám đốc Marketing tại FrieslandCampina Việt Nam, cho biết quy trình này giúp kiểm soát nguồn thức ăn của bò sữa nhằm góp phần giảm thiểu khí CO2, tăng cường đa sinh học, tăng sản lượng và chất lượng sữa một cách rõ rệt.
Sức mạnh từ những thông điệp chung
Nhưng chỉ phía doanh nghiệp không thôi là chưa đủ. Một thực tế rằng người tiêu dùng mặc dù nhận thức được hậu quả tác động đến môi trường từ hành vi tiêu dùng của chính mình, nhưng họ lại không sẵn sàng áp dụng các thực hành tiêu dùng bền vững trừ khi có lợi ích hữu hình. Do đó, nhu cầu cấp thiết hiện nay là định hướng lại tiếp thị để thúc đẩy tiêu dùng bền vững, bắt đầu từ cấp độ doanh nghiệp, cụ thể là thông điệp truyền tải đến khách hàng.
Vấn đề là đối với doanh nghiệp, mục tiêu phát triển bền vững không thể đi ngược lại với mục tiêu tăng trưởng. Thay vì tập trung chiến lược tiếp thị với tư duy thúc đẩy nhu cầu thì giờ đây các nhà hoạch định chiến lược bền vững đang dần chuyển dịch sang thúc đẩy tăng trưởng bằng tư duy giảm cầu (Less is More). Vậy làm thế nào để khuyến khích các doanh nghiệp theo đuổi xu hướng tiếp thị giảm cầu (Demarketing) mà không bỏ qua nhiệm vụ thịnh vượng?
Bà Sue Le, Giám đốc Điều hành Công ty RED Communications, khẳng định phát triển bền vững không còn là một trong những lựa chọn nữa, mà chính là mục tiêu duy nhất giúp doanh nghiệp tăng trưởng hài hòa với môi trường, xã hội, lợi ích quốc gia và hành tinh này nếu không muốn bị bỏ lại phía sau và biến mất.
Thứ 2, tiếp thị bền vững, tiếp thị xanh hay tiếp thị giảm cầu không phải là dấu chấm hết của tăng trưởng mà chính là cầu nối tiếp diễn tất yếu cho tăng trưởng bền vững, không chỉ riêng tại Việt Nam mà trên toàn thế giới. Việc tham gia giải quyết các thách thức giảm tổng cầu để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang các hệ thống tiếp thị bền vững hơn là một quyết định tiếp thị phi truyền thống, phi thường, đảo ngược quỹ đạo của hệ thống sản xuất và tiêu dùng hiện tại.
“Con đường hướng tới tiếp thị bền vững, tiếp thị giảm cầu sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực thực thi hơn nữa, bắt đầu từ việc thiết kế lại sản phẩm và dịch vụ, thúc đẩy tiêu dùng có trách nhiệm, đồng thời tổ chức lại chức năng tiếp thị theo hướng bền vững trong mỗi doanh nghiệp”, bà Sue Le nói.
Ông Phạm Văn Thinh, Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam, cho rằng, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) ở Việt Nam, điều họ quan tâm hàng đầu là doanh thu, lợi nhuận nên các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững khá xa vời. Khi đã lớn mạnh, cần các nhà đầu tư mới, mở rộng sang những thị trường mới thì doanh nghiệp mới bắt đầu quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững. Tuy nhiên, lúc đó các doanh nghiệp sẽ quay lại xử lý những vấn đề trong quá khứ với chi phí thậm chí còn lớn hơn rất nhiều.
Nhà máy của Sanofi tại Việt Nam chuyển đổi lò hơi sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng sinh khối trấu. |
Vì thế, vấn đề ở đây là doanh nghiệp có thực sự muốn làm hay không. Nếu đã quyết định thì cần có chiến lược phát triển, chiến lược truyền thông rõ ràng đến các thành viên trong tổ chức, các nhà đầu tư. “Đây là việc thẳng thắn đặt trên bàn để trao đổi. Tôi nghĩ phần lớn cổ đông sẽ ủng hộ, số không bằng lòng thì có lẽ họ đã chọn sai công ty mà thôi”, ông Thinh nói.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Vicki Little, Chủ nhiệm Chương trình Kết nối doanh nghiệp tại Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT, cho biết một thực tế là các nhà lãnh đạo rất ngại khi chia sẻ với cổ đông về ngân sách phát triển bền vững vì trong nhiều trường hợp sẽ gặp sự phản đối.
Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ qua, doanh nghiệp đã bỏ qua những tác động đến môi trường và phát triển bằng mọi giá. Thời hạn năm 2050 chỉ còn 30 năm nữa nên các doanh nghiệp nên bỏ qua các tham vọng kinh doanh, cạnh tranh gay gắt mà chung tay cải thiện môi trường. “Chúng ta đang sống trong một xã hội kết nối, những gì chúng ta làm đều ảnh hưởng đến nhau, hậu quả đang đến rất gần rồi và chúng ta không có nhiều thời gian để khắc phục nó”, Tiến sĩ Vicki Little cảnh báo.
Ông Angus Liew của Gamuda Land thì cho rằng không thể thiếu vai trò của Chính phủ trong mục tiêu giảm thải carbon. Ông đề xuất Chính phủ cần có một hệ thống công nhận doanh nghiệp đạt chứng nhận xanh và nhóm này sẽ có các chính sách ưu đãi vì đồng hành cùng mục tiêu chung của Chính phủ. “Singapore đã thực hiện chính sách này và khá hiệu quả”, ông Angus Liew cho biết.