Trọng Tú-Thanh Hằng Thứ Năm | 15/03/2018 14:00

Lý Trần: Vạn dặm cùng công nghệ

AtHoc dưới sự điều hành của Trần Kinh Lý đã tạo nên thành quả đáng mơ ước đối với bất kỳ một doanh nghiệp startup nào trên thế giới.

Một người đàn ông gốc Việt với làn da ngăm, nụ cười hiền hòa và bộ óc thông minh đã làm nên điều kỳ diệu trên đất Mỹ. Người đàn ông này, cùng với hai đồng sự người Israel, đã khởi nghiệp thành công với một công ty chuyên thực hiện giải pháp công nghệ về truyền thông trong khủng hoảng mạng lưới (networked crisis communication solutions).
Công ty này đã được BlackBerry mua lại. BlackBerry là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về các giải pháp nhắn tin và giải pháp bảo mật. Thương vụ này trở thành thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) lớn thứ hai của hãng kể từ khi BlackBerry thay đổi chiến lược kinh doanh. Điều thú vị ở người doanh  nhân công nghệ gốc Việt này là thói quen không tham gia, sở hữu tài khoản các mạng xã hội nào, ngay cả Facebook. Ông quan tâm đến những cuộc trò chuyện thân tình cùng bạn bè sau giờ làm việc và yêu thích sự kết nối ngoài đời thực. Mọi người gọi ông là Lý Trần (Trần Kinh Lý).

 Tuyết trắng nước Mỹ và giấc mơ Harvard

Câu chuyện về Trần Kinh Lý cũng “vạn dặm kinh lý” như chính tên thân phụ đặt cho ông. Xuyên qua những mùa đông lạnh giá trên đất Mỹ của 40 năm về trước, một người đàn ông Việt Nam đặt chân đến miền đất hứa đã không quản ngại làm những công việc nặng nhọc, từ cào tuyết cho đến thợ hàn. Trong lúc đó, vợ ông cũng thắp lửa hạnh phúc từ căn bếp ấm áp của nhà hàng để mang đến cho thực khách những bữa ăn ngon nhất. Đôi vợ chồng hiền hòa và chăm chỉ luôn khuyến khích sự tò mò, học hỏi của những đứa trẻ. Công việc nặng nhọc họ làm mỗi ngày là để đổi lấy tương lai xán lạn cho các con. 

Trần Kinh Lý bồi hồi nhớ lại hình ảnh bố mẹ ông mấy chục năm về trước trong cuộc chia sẻ với chúng tôi tại TP.HCM những ngày đầu năm 2018. Cuộc đời lao động không ngừng nghỉ của bố mẹ ông đã đưa 6 anh em của Trần Kinh Lý hoàn thành giấc mơ đại học. Đặc biệt trong 6 anh chị em của ông, có 3 người tốt nghiệp MBA tại Harvard - đại học danh giá bậc nhất thế giới và một người tốt nghiệp cao học tại một trường khác. Đối với một gia đình trung thượng lưu ở Mỹ, cũng như trên thế giới, chuyện 3 người con vào đại học Harvard đã là hiếm, nhưng câu chuyện này lại được dệt nên từ một gia đình lao động nhỏ bé người Việt. 

Hai yếu tố tạo nên danh tiếng cho Harvard là sinh viên và giảng viên. Sự nổi tiếng giúp trường đại học này thu hút được đội ngũ giảng viên và sinh viên xuất chúng. Tùy thuộc vào từng năm, tỉ lệ “chọi” tại Harvard khác nhau, nhưng thông thường chỉ có 6-10% sinh viên toàn cầu được chọn. Khi còn học đại học ở Trường Princeton, Trần Kinh Lý theo học chuyên ngành lịch sử, điều này đã trang bị cho ông kiến thức nền tảng toàn diện về tư duy phản biện, một sự chuẩn bị tuyệt vời để thích ứng với phương pháp học nghiên cứu tình huống ở chương trình MBA tại Harvard sau đó.

Dường như giấc mơ Harvard trong gia đình họ Trần đã bắt nguồn từ ông. Khi nhập học ở Princeton, Trần Kinh Lý đã khuyến khích các em của mình vượt ra khỏi vùng an toàn, phấn đấu vào những trường ở miền Đông nước Mỹ, trong đó có Harvard, khi nhận ra những ngôi trường danh tiếng này có rất nhiều học bổng và mở ra nhiều cơ hội việc làm về sau. 

“Chiếc vé” Harvard giúp mở nhiều cánh cửa cơ hội, nhưng với Trần Kinh Lý, thành công trong kinh doanh phụ thuộc vào chính năng lực và sự cần mẫn của con người. “Điều tôi còn giữ lại nhiều nhất từ quá trình học tập là ba thứ: khả năng suy nghĩ độc lập, mối quan tâm đến tác động xã hội và làm việc nhóm (teamwork)”, ông nói. Từ bàn đạp này, Trần Kinh Lý và những đồng sự đã chứng minh năng lực thực tiễn qua câu chuyện của AtHoc, một công ty khởi nghiệp đã lọt vào “mắt xanh” của ông lớn BlackBerry. 

Bộ ba quyền lực tại AtHoc

Ba người bạn, hai người Israel và một Việt Nam tình cờ gặp nhau trong sân trường Harvard. Những công dân không phải gốc Mỹ này đã quyết định tham gia vào lĩnh vực công nghệ vốn dĩ là thế mạnh của nước Mỹ. 

Trần Kinh Lý có cơ duyên gặp hai người bạn Israel là Guy Miasnik và Aviv Siegel. Với niềm khao khát trở thành doanh nhân khởi nghiệp, ông đã cùng hai người bạn Israel này điều hành AtHoc vào năm 1999. Kể từ khi ấy, Trần Kinh Lý bắt đầu cuộc hành trình chinh phục những mục tiêu kinh doanh lý tưởng kéo dài hơn 15 năm. 

Hai đồng sáng lập người Israel là Guy và Aviv đều rất am hiểu về công nghệ, trong khi Trần Kinh Lý có thế mạnh về tư duy kinh doanh. Sự kết hợp của “bộ ba” này đã lôi cuốn mối quan tâm của các nhà đầu tư công nghệ dày dạn kinh nghiệm. Không lâu sau khi thành lập, AtHoc đã nhận được đầu tư từ Quỹ Greylock (do David Strohm - Hội viên điều hành đầu tư) và Quỹ Intel Capital (do Ken Elefant – Giám đốc Điều hành đầu tư). 

Ly Tran: Van dam cung cong nghe
Đội ngũ AtHoc

Trong câu chuyện này, Trần Kinh Lý nhắc nhiều đến mối nhân duyên với nhà đầu tư mạo hiểm David Strohm. Cũng tốt nghiệp Đại học Harvard, David Strohm đã đưa Quỹ Greylock của ông trở thành một trong hai nhà đầu tư sớm vào công ty khởi nghiệp AtHoc. “Chính sự tin tưởng của Dave (tên gọi thân mật của David Strohm) vào đội ngũ, sứ mạng và cam kết của AtHoc đã giúp chúng tôi đi qua những cú sốc lớn của kinh tế toàn cầu và đạt được thành công như hôm nay”, Trần Kinh Lý nói. 

AtHoc ra đời chưa lâu thì gặp phải cuộc khủng hoảng “bong bóng dotcom” vào năm 2000, hàng trăm công ty công nghệ dotcom lâm vào khủng hoảng, AtHoc cũng đối mặt với lượng khách hàng giảm sút. Dù vậy, “bộ ba” lãnh đạo AtHoc nhận ra các tổ chức thuộc Chính phủ Mỹ vẫn cần sử dụng dịch vụ công nghệ truyền thông trong khủng hoảng mạng lưới, nên họ đã nhanh chóng đưa ra quyết định: tập trung bán hàng cho Chính phủ Mỹ. AtHoc đã cạnh tranh và giành được hợp đồng với quân đội Mỹ để lắp đặt hệ thống báo động khẩn cấp. Qua thời gian, AtHoc đã chiếm thị phần lớn nhất về giải pháp liên lạc trong khủng hoảng của Bộ Quốc phòng Mỹ và Bộ An ninh Nội địa Mỹ. 

Sau đó, đến tháng 9.2015, trong lúc kinh doanh vẫn duy trì tốt, AtHoc quyết định nhận thêm đầu tư của BlackBerry để gia tăng sức mạnh và vươn ra toàn cầu. Theo đó, BlackBerry mua lại AtHoc với giá trị công bố 250 triệu USD. Trần Kinh Lý tiếp tục ở lại làm việc cho đến tháng 10.2017.

Thực tế từ lâu, BlackBerry đã chuyển mình thành nhà cung cấp giải pháp công nghệ, tập trung mảng bảo vệ an ninh di động và truyền thông trong khủng hoảng, sau khi mảng điện thoại di động không phát triển mạnh. Cùng với sự chuyển mình đó, chiến lược của BlackBerry là M&A với những công ty công nghệ như AtHoc. AtHoc cùng BlackBerry là sự bổ sung cho nhau. BlackBerry đã tăng uy tín cho AtHoc trong việc tham gia vào phân khúc khách hàng chính phủ, cũng như giúp AtHoc mở rộng thị trường nhanh chóng ra thế giới.

Ly Tran: Van dam cung cong nghe
 

Ngày nay, AtHoc là nhà cung cấp giải pháp và hệ thống liên lạc, truyền thông trong khủng hoảng cho doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ và toàn cầu, nhằm giúp các nhà chức trách đưa ra các quyết định bảo vệ dân chúng trong tình trạng khủng hoảng được báo động. AtHoc được Gartner công nhận là đơn vị đứng đầu và đồng thời giữ vị trí cao nhất về khả năng thực thi sản phẩm Magic Quadrant dành cho Dịch vụ Thông tin Hàng loạt/Khẩn cấp của Mỹ (U.S. Emergency/Mass Notification Services). 

Khách hàng của AtHoc ở khắp nơi trên thế giới, trong cả khu vực dân sự và khu vực công nhà nước. AtHoc cũng là nhà cung cấp dịch vụ liên lạc trong khủng hoảng hàng đầu cho Bộ Quốc phòng Mỹ và Tổ chức Homeland Security. AtHoc giúp bảo vệ hàng triệu người và hàng ngàn tổ chức, bao gồm những tập đoàn quốc tế hàng đầu về công nghệ cao, công nghiệp nặng, những ngành công nghiệp thiết yếu khác và phần lớn các cơ quan liên bang của Mỹ bao gồm Kho bạc, Bộ Năng lượng, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh và Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm.

AtHoc dưới sự điều hành của Trần Kinh Lý và các đồng sự đã tạo nên thành quả đáng mơ ước đối với bất kỳ một khởi nghiệp nào trên thế giới: nhận được đầu tư từ sớm của những nhà đầu tư mạo hiểm danh tiếng, được tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới chọn hợp tác và đặc biệt là kinh doanh hiệu quả trong phân khúc khách hàng chính phủ. Mỹ là đất nước hùng mạnh với thị trường lớn, Chính phủ Mỹ kiểm soát chặt chẽ và gắt gao trong việc chọn đối tác công nghệ. 

Ly Tran: Van dam cung cong nghe
Ông Trần Kinh Lý trong một workshop về startup tại TP.HCM

Trần Kinh Lý nhắc lại một câu chuyện đáng nhớ. Trước khi hoàn tất thương lượng với BlackBerry về việc sáp nhập AtHoc vào tập đoàn này, AtHoc bị mất một hợp đồng quan trọng trị giá 25 triệu USD với chính phủ. “Bộ ba” lãnh đạo AtHoc nghĩ rằng điều này là một sự thật tồi tệ có thể khiến họ phải giảm giá bán cho BlackBerry. Nhưng Trần Kinh Lý và các đồng sự đã không nhượng bộ. Luật Đấu thầu ở Mỹ cho phép người không thắng thầu kháng án. Ông đã thực hiện quyền này, quyết giành lại hợp đồng đã được trao cho một đối thủ khác. Rất ít người dám kháng lại quyết định của Chính phủ Mỹ. Nhưng cuối cùng, đội ngũ AtHoc đã thắng được hợp đồng 4 tháng sau đó, không những chứng tỏ được niềm tin là có cơ sở, mà còn làm tăng uy tín của AtHoc trong mắt nhà đầu tư và nhiều dự án lớn sau này với chính phủ. 

Cảm hứng về Lexie và Việt Nam 

Trong sự thành công lớn của Trần Kinh Lý, không thể không nhắc đến bóng hồng thông minh, xinh đẹp và đầy nghị lực bên cạnh ông. Ông Lý gặp người bạn đời, Alexandra Olmsted (Lexie), lần đầu tại Princeton. Bà cũng là cựu sinh viên Đại học Harvard chuyên ngành luật.

Tình yêu đối với Việt Nam đã đưa hai con người gần nhau hơn. Ông Lý đã theo bà Lexie về sống tại Việt Nam một thời gian. Bà ở Hà Nội cùng một người bạn Việt để có thể tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Tại đây, Lexie dạy tiếng Anh ở Viện Triết học và tập nói ngôn ngữ tiếng Việt miền Bắc. Trong lúc đó, Trần Kinh Lý cũng có một vài lần quay lại quê hương không lâu sau khi đi làm, bắt nguồn từ xúc cảm mãnh liệt ông dành cho đất mẹ. 

Trở lại những năm đầu sự nghiệp, Trần Kinh Lý có thời gian làm việc cho Nhóm M&A tại Ngân hàng Chase Manhattan. Tại đây, ông gặp một khách hàng người Nhật có nhu cầu tìm nguồn cát. Ông Lý đã thuyết phục được ngân hàng cho ông về Việt Nam vào năm 1993 để hỗ trợ tìm nguồn cát cho khách hàng. Bắt đầu từ TP.HCM, Trần Kinh Lý đã thuê xe đi dọc theo quốc lộ, xuyên qua các tỉnh ven biển Phan Thiết, Nha Trang đến Huế. Chuyến đi không những giúp ông tìm được nguồn cát cho khách hàng, mà còn làm nảy nở nhiều hơn tình yêu của ông đối với Việt Nam.

Sau khi quay về Mỹ, Trần Kinh Lý chuyển sang làm việc tại một ngân hàng đầu tư Mỹ ở Hồng Kông. Từ đó, ông đã gia nhập Vietnam Fund, một trong những quỹ đầu tư vào doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam. Ông Lý giữ vai trò then chốt trong việc thương thảo đầu tư của quỹ này vào hệ thống Evason Ana Mandara (Six Senses Spa Nha Trang). 

Những tài năng được ngưỡng mộ và chính thức nở hoa trong một đám cưới hạnh phúc. Đám cưới của Trần Kinh Lý và Lexie đã được đưa tin trên cả tờ The New York Times vào mùa hè năm 1999, ngay sau khi ông Lý vừa nhận được bằng MBA của Harvard và Lexie tiếp tục năm hai của Trường Luật tại đây. Mái ấm hạnh phúc của họ ở miền bắc nước Mỹ hiện có một con trai 14 tuổi và một con gái 12 tuổi.

Người đàn ông suy tư nhiều về tương lai. Sau 17 năm làm việc, Trần Kinh Lý cho biết, lúc này, ông muốn dành thời gian cho gia đình và suy nghĩ về chặng đường mới. Khi được hỏi về kinh nghiệm chặng đường 17 năm qua của sự nghiệp, ông Lý hòa nhã nói: “Cả đội ngũ cùng chiến thắng. Điều quan trọng không phải là cá nhân mà hướng về đội ngũ. Bạn phải luôn làm cho những người khác tin niềm tin của bạn. Nếu cả đội thất bại, thì hãy thất bại nhanh nhất có thể để bước qua cái mới. Đừng lo lắng về tiền bạc, bởi vì với một đội ngũ tốt, ý tưởng tốt, những khoản đầu tư sẽ tự tìm đến với bạn”.