Công Sang Thứ Bảy | 04/02/2023 14:00

Kỳ lân thật & thổi

Trả lại giá trị đích thực cho các kỳ lân, là mang lại thành quả cho nhà đầu tư và đội ngũ sáng lập, thay vì thổi phồng danh hiệu tỉ USD.

Khi dòng vốn đầu tư công nghệ đang bị siết chặt, nhiều công ty công nghệ trên toàn cầu đang xem xét lại mục tiêu kỳ lân (doanh nghiệp chưa niêm yết định giá 1 tỉ USD) có thực sự quan trọng. Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Những kỳ lân thổi phồng
Gần một năm thành lập nhưng thông tin giới thiệu của FastShip cho biết Công ty đã có 200 chi nhánh với độ phủ ở 63 tỉnh, thành. Đi theo mô hình nhượng quyền nên FastShip có tốc độ phủ nhanh hơn gấp 3 lần so với các đơn vị tự vận hành hệ thống bưu cục như Giao Hàng Nhanh, Giao Hàng Tiết Kiệm.

Với tốc độ như vậy chỉ 5 năm trước, FastShip có thể đã được nhắc đến với vị thế kỳ lân bởi các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, khá thú vị là Phạm Văn Hoàng, sáng lập FastShip, không có khái niệm gì về thuật ngữ này. “Đó có phải là một khái niệm về doanh nghiệp phát triển bền vững không?”, ông Hoàng hỏi.

Thuật ngữ “kỳ lân” (unicorn) được đặt ra lần đầu tiên vào năm 2013 bởi nhà đầu tư mạo hiểm Aileen Lee và từ đó về sau được nhiều quỹ đầu tư sử dụng như một thước đo về độ hấp dẫn, trong một số trường hợp là sự thành công của các công ty công nghệ mà họ đầu tư. Một trong các đại diện tích cực cho xu hướng này chính là SoftBank (Nhật).

Theo đà phát triển của nền kinh tế toàn cầu, các startup kỳ lân lớn như thổi về số lượng lẫn quy mô gọi vốn. Nếu như năm 2013, cả thế giới chỉ ghi nhận 300 kỳ lân công nghệ, thì nay con số đã vượt qua 1.200 (theo PitchBook). Một ví von khá thú vị về các con kỳ lân và các con bò sữa - một trong những loại gia súc quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ. Cả 2 đều giống nhau về trọng lượng khi đã tăng rất nhiều bất chấp các điều kiện khách quan của nền kinh tế trong thời gian qua.

Nếu như vào năm 1975 một con bò Mỹ trung bình nặng hơn 470 kg, thì đến năm 2009, con số này là gần 600 kg. Các con kỳ lân công nghệ cũng vậy, quy mô định giá cũng đã tăng nhanh chỉ trong vòng 10 năm qua, từ unicorn đã có thêm decacorn (công ty công nghệ chưa niêm yết định giá 10 tỉ USD) hay hetocorn (công ty công nghệ chưa niêm yết định giá 10 tỉ USD).

Nhưng khác ở chỗ trọng lượng của các con bò sữa là một con số chính xác, còn quy mô của các con kỳ lân thì đôi khi không tương xứng với năng lực của những công ty được gắn nhãn. Khoác bên ngoài mức định giá hào nhoáng từ quỹ đầu tư nhưng bên trong nhiều công ty khởi nghiệp là rất nhiều vấn đề về quản trị, sản phẩm.

Và khi dòng vốn đầu tư bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu, việc mổ xẻ giá trị của các công ty kỳ lân đang được diễn ra trên diện rộng. Theo dữ liệu từ MarketWatch, trước năm 2015 các vụ phá sản do huy động vốn lớn nhất từng được ghi nhận là Solyndra (1,2 tỉ USD), Abound Solar (614 triệu USD) hay Better Place (675 triệu USD)...

Nhưng ít nhất các công ty này đã phá sản, còn tình trạng hiện nay là rất nhiều công ty đang sống vật vờ với danh hiệu kỳ lân mà người ta gán cho nó. 15 công ty thua lỗ lớn nhất của Mỹ đã huy động được 93,8 tỉ USD tiền đầu tư nhưng tạo ra khoản lỗ tới hơn 135 tỉ USD. 2 công ty thua lỗ lớn nhất cho đến nay là Uber (31,7 tỉ USD) và WeWork (20,7 tỉ USD). Quan trọng hơn là việc thua lỗ dường như vẫn chưa có hồi kết.

Trong khi Mỹ đang đối mặt với các con kỳ lân hao tốn tài lực của các nhà đầu tư, thì ở châu Á, những công ty khởi nghiệp nổi tiếng nhất đang giao dịch rẻ hơn 40% giá trị so với 6 tháng trước do ảnh hưởng từ quy định mới từ Trung Quốc và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Định giá của ByteDance đã giảm ít nhất 25% xuống dưới 300 tỉ USD.
Định giá của ByteDance đã giảm ít nhất 25% xuống dưới 300 tỉ USD.

Theo Setter Capital, điều này đang diễn ra ở nhiều công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực từ tài chính, thương mại điện tử cho đến di động và tiêu dùng. Quỹ này cũng cho biết châu Á đã thu hút hơn 1.000 tỉ USD vốn đầu tư mạo hiểm kể từ năm 2012, nổi bật trong số đó là ByteDance và Shein nhưng cả 2 công ty này vẫn đang giao dịch với mức chiết khấu đáng kể. Định giá của ByteDance đã giảm ít nhất 25% xuống dưới 300 tỉ USD. Những người mua Shein đang đánh giá công ty này rẻ hơn 30% so với mức định giá 100 tỉ USD vào tháng 4; quý III có thể sẽ tiếp tục giảm.

Ấn Độ, cái nôi ươm mầm kỳ lân lớn thứ 3 thế giới, cũng đang tư duy lại vị thế kỳ lân mà các công ty trong nước đã đạt được. Tính đến nay, quốc gia này đã có hơn 100 kỳ lân nhưng chỉ 1/4 trong số đó tạo ra lợi nhuận. Các doanh nhân khởi nghiệp ở quốc gia này đang đặt ra câu hỏi liệu có nên đeo đuổi vị thế kỳ lân hay không trong khi giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp là tạo ra lợi nhuận lại đang bị bỏ quên.

 

Trao đổi với ET, ông K.T.Rama Rao, Bộ trưởng Quản lý Thành phố, Công nghiệp, Thương mại và Công nghệ Thông tin của Telangana (Ấn Độ), cho rằng rất ít công ty trong số 100 kỳ lân của Ấn Độ có thể tạo ra các sản phẩm tiêu chuẩn quốc tế.

“Vì tất cả đều là hàng nhái. Tôi nghĩ họ đã làm tốt nhưng làn sóng tiếp theo nên là sự đổi mới. Có lẽ đã đến lúc các công ty khởi nghiệp bắt đầu theo đuổi giá trị hơn là định giá”, ông K.T.Rama Rao nói.

Hãy định giá đúng!

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hurun (có trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc), số lượng startup kỳ lân trên thế giới thực ra đã vượt 1.000 từ cuối năm 2021. Trong đó, Mỹ dẫn đầu với 487 kỳ lân, chiếm 46%. Đứng thứ 2 là Trung Quốc với 301 công ty, chiếm 28%. Ấn Độ, nước có thêm 33 công ty vào danh sách năm nay, đưa tổng số lên 54 kỳ lân, xếp thứ 3.

Cuộc chạy đua kỳ lân tạo ra chỉ số Global Unicorn Index như cách đo lường về sức mạnh khởi nghiệp của một nền kinh tế. Năm 2021, đầu tư vào các startup công nghệ bùng nổ, tăng gần gấp đôi so với một năm trước đó để chạm mốc 621 tỉ USD. Tương ứng, số lượng startup kỳ lân cũng bật tăng mạnh mẽ. 537 startup kỳ lân mới xuất hiện trong năm 2021, tương đương hơn 2 startup kỳ lân được sinh ra trong mỗi ngày làm việc trung bình.

 

Tuy nhiên, theo CB Insights, khi vốn đầu tư đổ vào các startup chững lại, mỗi quý, số lượng startup đạt đến cột mốc kỳ lân dần ít đi. Quý II/2022 ghi nhận chỉ 87 startup kỳ lân mới. Với tốc độ hiện tại, CB Insights dự đoán quý này sẽ chỉ đón nhận 27 kỳ lân trên toàn thế giới.

Việt Nam đã có 4 kỳ lân là MoMo (2021), Sky Mavis (2021), VNG (2014) và VNLIFE (2019). Với 4 kỳ lân công nghệ, trên bản đồ khu vực, Việt Nam đứng thứ 3, xếp sau Singapore và Indonesia về số lượng. Sự xuất hiện của kỳ lân mới cho thấy dư địa phát triển khởi nghiệp ở Việt Nam còn rất lớn.

 

HSBC và KPMG trong báo cáo mới đây đã đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có môi trường khởi nghiệp năng động bậc nhất châu Á, với số công ty khởi nghiệp tăng gấp đôi sau dịch COVID-19. Thời điểm đại dịch xuất hiện, Việt Nam chỉ có 1.600 doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng con số này giờ đây đã tăng lên hơn 3.000. Một dự báo lạc quan cho rằng trong 10 năm tới, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam sẽ phát triển rất mạnh và mục tiêu phấn đấu có 10 kỳ lân công nghệ.

Ông Cris D. Trần, Giám đốc Điều hành Quỹ Khởi nghiệp Quốc gia Việt Nam, dự báo xác suất các kỳ lân tiếp theo nằm trong ngành công nghệ blockchain ở Việt Nam sẽ rất cao. Bởi vì, startup Việt Nam rất nhạy bén, bắt nhịp rất nhanh các xu hướng công nghệ mới tiềm năng, hấp dẫn như blockchain với dòng tiền đổ vào rất lớn và nhanh hơn các lĩnh vực khác. 

Tuy nhiên, tình hình khó khăn của startup toàn cầu sẽ ảnh hưởng lớn tới dự báo này cũng như sự phát triển của startup Việt Nam. Các yếu tố vĩ mô như lạm phát, lãi suất tăng và các sự kiện địa chính trị (xung đột Nga - Ukraine...) đã khiến thị trường dè chừng hơn với hoạt động đầu tư. Trên thị trường đại chúng, giá cổ phiếu nhiều công ty công nghệ lớn liên tục lao dốc đến 50-70%. Trong khi đó, nhiều startup giai đoạn cuối cũng dừng hoặc thậm chí hủy bỏ các kế hoạch IPO. 

Trước ảnh hưởng này, một số chuyên gia cho rằng dòng tiền đầu tư vào startup sẽ không dễ dàng nữa và những thương vụ nhận đầu tư 100-200 triệu USD vào startup Việt Nam sẽ rất ít, không còn phổ biến như trước đây.

Đáng chú ý, khi 3 quốc gia dồi dào về dòng vốn đầu tư công nghệ đang phải suy ngẫm lại cách nuôi dưỡng kỳ lân đã lập tức tác động đến các khu vực còn lại của thế giới, vốn luôn nhìn theo dấu hiệu kỳ lân ở các quốc gia này để noi theo.

CB Insights dự đoán sự chững lại của làn sóng kỳ lân không đồng nghĩa với việc các startup sẽ không còn có thể đạt đến cột mốc này. Thay vào đó, vấn đề là startup này có thể đạt đến định giá tỉ USD trong bối cảnh môi trường vĩ mô đầy áp lực và các nhà đầu tư ngày càng thận trọng hơn. Nhà đầu tư sẽ tìm kiếm những startup có khả năng sinh lãi và sử dụng vốn hiệu quả hơn.

Tòa nhà trụ sở chính của VNG, 1 trong 4 kỳ lân của Việt Nam.
Tòa nhà trụ sở chính của VNG, 1 trong 4 kỳ lân của Việt Nam.

Trên thực tế, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cũng đã 2 lần bị ảnh hưởng bởi đuổi theo các kỳ lân tự phong ngoại quốc. Năm 2012 là Groupon (Mỹ), hàng loạt công ty mua chung ra đời ở Việt Nam sao chép Groupon và sau đó biến mất khi mô hình chính ở Mỹ gặp khó khăn.

Năm 2019, tình huống này lại diễn ra một lần nữa khi hàng loạt công ty theo mô hình kinh tế chia sẻ như OYO (chia sẻ khách sạn), WeWork (chia sẻ văn phòng cho thuê), Uber (chia sẻ xe)... gặp trục trặc đã ảnh hưởng đến rất nhiều công ty Việt Nam, một số đóng cửa, số còn lại phải chuyển đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh.

 

Với lần thứ 3 này, kỳ lân dường như không còn là yếu tố được các nhà sáng lập hưởng ứng tích cực. Như câu chuyện của ông Phạm Văn Hoàng, sáng lập FastShip, khi được giải thích về ý nghĩa của thuật ngữ kỳ lân, ông cho rằng vốn là điều cần thiết để phát triển nhưng không nên là mở rộng bằng mọi giá. Càng mở rộng quy mô sẽ có rất nhiều nỗi đau liên quan đến vận hành mà doanh nghiệp phải giải quyết.

“Tôi nghĩ vốn như liều thuốc giảm đau cho doanh nghiệp khởi nghiệp mà thôi. Hết thuốc thì cơn đau vẫn còn đó nếu không xử lý gốc rễ vấn đề là tạo ra doanh thu bền vững”, ông Phạm Văn Hoàng nói.

Ông Nguyễn Trần Thi, sáng lập doanh nghiệp hệ sinh thái nông nghiệp Koina, cho rằng kỳ lân chỉ là một thước đo để đánh giá khả năng mở rộng, mức độ ghi nhận của thị trường với công ty. Việt Nam còn nhiều giới hạn không chỉ từ cả các doanh nghiệp công nghệ mà còn là hạ tầng, quy định đầu tư... nên khó có thể đi theo xu hướng thế giới. Ngay từ khi thành lập Koina, ông Thi không kỳ vọng Công ty sẽ đi theo công thức tăng trưởng bằng mọi giá để đạt vị thế kỳ lân.

Tham vọng của Koina là xây dựng một doanh nghiệp bền vững, cải thiện thu nhập nông dân và phát triển nông nghiệp bền vững. Khi đạt các yếu tố đó thì định giá sẽ tương ứng. “Nếu năng lực cốt lõi không vững, mọi danh hiệu đều không tương xứng”, ông Thi nói.

 

Trao đổi với NCĐT, ông Taku Tanaka, sáng lập nền tảng phân phối thực phẩm sỉ Kamereo, cho biết không quan tâm đến định nghĩa kỳ lân vì đó là định giá do một vài nhà đầu tư đưa ra mà thôi. Công ty không chọn việc tăng trưởng bằng mọi giá bằng việc gọi đầu tư thật nhiều hay bán sản phẩm giảm giá vì điều đó đi ngược lại với mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng nông nghiệp bền vững mà ông đeo đuổi. “Nếu chúng tôi làm việc hết sức mình trong 5 năm tới và được định giá tỉ USD thì rất vui. Nhưng đó là kết quả đạt được chứ không phải con đường chúng tôi chọn”, ông Taku Tanaka nói.

Một thập kỷ qua, Việt Nam cũng như các nước trong khu vực sử dụng thuật ngữ kỳ lân công nghệ khá nhiều, nhưng đó là hành động có mục đích. Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc Điều hành Quỹ đầu tư Do Ventures, đó là cách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nhằm tăng vị thế quốc gia so với khu vực, thứ đến là để thu hút nhiều nhân tài các ngành tham gia khởi nghiệp, từ đó tạo ra việc làm nhiều hơn cho xã hội. “Phân định rõ như vậy để chúng ta không nên quá lạm dụng khái niệm này và không nên xem đó là đích đến cuối cùng của các công ty công nghệ”, bà Vy nói.

Quả thật sau 2 lần “đuổi bắt” kỳ lân, đã có những thiệt hại được ghi nhận nhưng tổng thể đã làm đòn bẩy cho hệ sinh thái các công ty công nghệ Việt Nam phát triển. Sự sụp đổ của Groupon là nền tảng cho thanh toán trực tuyến, các công ty giao nhận thương mại điện tử hình thành để lấp vào khoảng trống thời điểm đó. Đến thời điểm kinh tế chia sẻ, nhiều đơn vị đã tận dụng mô hình này để phát triển các dịch vụ kinh doanh mới mà họ không thể vận hành được nếu theo phương thức truyền thống. Như dịch vụ giao hàng tức thời AhaMove, một biến thể từ Grab để giao hàng hóa của Scommerce (đơn vị chủ quản Giao Hàng Nhanh).

Sức hấp dẫn của các công ty công nghệ cũng đã thu hút các doanh nghiệp truyền thống trong nhiều lĩnh vực chạy đua cùng. Sôi động nhất gần đây là bất động sản khi chỉ trong 5 năm kể từ khi Rever, Propzy đi tiên phong đã lôi kéo hàng loạt doanh nghiệp như Hưng Thịnh, Đất Xanh tham gia.

Startup trong lĩnh vực fintech có nhiều tiềm năng bùng nổ tại Việt Nam.
Startup trong lĩnh vực fintech có nhiều tiềm năng bùng nổ tại Việt Nam.

Trình độ nhân lực, bao gồm đội ngũ sáng lập, các nhà quản lý cấp trung, thành viên hội đồng quản trị tham gia vào những công ty khởi nghiệp công nghệ ngày càng tốt hơn. Về phía các quỹ đầu tư cũng đã có những dấu hiệu tích cực. Như nhận định của bà Trần Nguyên Thùy My, Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư Jungle Ventures là gần như các quỹ đầu tư quy mô trong khu vực đều có ít nhất một người điều hành phụ trách Việt Nam. Đây là điều không diễn ra chỉ mới 5 năm trước.

Thứ đến, các nhà đầu tư đang quan tâm đến những doanh nghiệp có khả năng sử dụng dòng tiền thông minh và theo bà My, đây lại là điểm mạnh của các công ty công nghệ Việt Nam. Tuy nhiên, sau một thập kỷ hưởng lợi từ chiến dịch truyền thông chạy theo kỳ lân để thu hút nhân tài, dòng vốn ngoại, đã đến lúc các công ty công nghệ Việt Nam cân nhắc yếu tố phát triển bền vững, đem lại tác động tích cực cho xã hội hay vẫn tiếp tục chạy theo cuộc đua danh hiệu kỳ lân mà thế giới vẫn đang xem xét lại giá trị thực của nó.

Như ông Phan Minh Tâm, Chủ tịch STI, đánh giá: “Kỳ lân mà vẫn sống nhờ dòng vốn của nhà đầu tư thì chưa thể gọi là thành công”. Theo quan điểm của ông Tâm, khi nào các công ty sau khi nhận được đầu tư phát triển khỏe như Thế Giới Di Động, FPT, VNG vừa tạo được việc làm, vừa đem lại thành quả khích lệ cho các nhà đầu tư, các nhà sáng lập thì mới gọi là thành công