Nhật và Hàn Quốc là 2 trong Top 5 điểm đến của sinh viên từ Việt Nam. Ảnh: TL.
Khi nào Harvard vào Việt Nam?
GEFE 2024. Lọt thỏm giữa hàng chục gian hàng lớn nhỏ của các doanh nghiệp từ đa quốc gia đến nội địa là quầy trưng bày của một trường, Đại học Kuhne Logistics (KLU) đến từ Đức. “Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ bắt đầu tuyển sinh vào năm 2025 và xây dựng phân hiệu (campus) vào năm 2029”, Tiến sĩ Trịnh Việt Dũng, Giám đốc Campus tại Đông Nam Á của KLU, giải thích.
Sau khi một loạt trường đại học hàng đầu châu Á đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam, việc đầu tư cho cơ sở tại Việt Nam của một trường được xếp trong Top 100 về đào tạo logistics của QS Ranking như KLU một lần nữa thể hiện sức hấp dẫn của thị trường giáo dục đại học tại đây. Gần đây, văn bản luật bổ sung quy định thành lập phân viện tại Việt Nam của trường nước ngoài hứa hẹn thị trường sẽ sôi động. Với sự sôi động này, liệu có ngày những trường đại học đứng đầu thế giới như Harvard chọn Việt Nam để đặt campus hay không?
Từ Top 100 đến Top 500
Tổ chức tư vấn giáo dục quốc tế Acumen ước tính quy mô thị trường giáo dục xuyên quốc gia (TNE) giáo dục đại học hiện tại của Việt Nam là 550-650 triệu USD mỗi năm (chỉ tính học phí). Mặc dù nhiều chương trình liên kết đã được thành lập, TNE được triển khai ở quy mô lớn vẫn là một cơ hội mới. “Các chính phủ ở Đông Nam Á đang tích cực hỗ trợ những sáng kiến TNE bằng cách thực hiện chính sách khuyến khích quan hệ đối tác, hợp tác và thành lập các phân hiệu, chi nhánh”, Acumen nhận định trong một báo cáo về xu hướng giáo dục.
Chính phủ Việt Nam theo truyền thống khuyến khích các mô hình cung cấp TNE hợp tác, chủ yếu thông qua các chương trình đào tạo chung (JTP) và kêu gọi thành lập các phân hiệu chi nhánh nước ngoài mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, những quy định hiện hành theo Nghị định 86, đặc biệt là ngưỡng đầu tư và quy trình phê duyệt, vẫn còn nhiều thách thức đối với việc thành lập phân hiệu.
Vào tháng 10/2024, Nghị định 124 bổ sung quy định “Trường thuộc Top 500” vào yêu cầu thành lập phân hiệu và đơn giản hóa quy trình phê duyệt. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo thêm lực hấp dẫn cho thị trường Việt Nam, vốn rất tiềm năng trong ngành giáo dục quốc tế. “Tôi nghĩ sẽ có thêm nhiều trường đặt campus tại Việt Nam”, đại diện của KLU bình luận. Tuy vậy, cũng trong nghị định này, yêu cầu về vốn đầu tư đã tăng gấp đôi so với Nghị định 86, ở mức 500 tỉ đồng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo có hơn 400 JTP “hoạt động”, do các tổ chức từ Anh, Mỹ, Úc và Pháp đứng đầu, nhưng chỉ có 5 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm RMIT, British University Vietnam và một số cơ sở do chính phủ tài trợ như Đại học Việt Đức). 70% JTP là các chương trình đại học, phần lớn tập trung vào những môn kinh doanh hoặc STEM.
Tổ chức tư vấn giáo dục quốc tế Acumen ước tính quy mô thị trường giáo dục xuyên quốc gia (TNE) giáo dục đại học hiện tại của Việt Nam là 550-650 triệu USD mỗi năm. Ảnh: TL. |
KLU là một trường đại học tư nhân có tuổi đời rất trẻ. Xây dựng trên nền tảng tư duy vận hành của ngành logistics, trường hưởng lợi từ hệ sinh thái và các mối quan hệ của Quỹ Kuhne Foundation. Hằng năm, nghiên cứu của hơn 40 giáo sư tại cơ sở chính ở Đức được ứng dụng vào những tổ chức khác thuộc quỹ. Nhìn thấy nhu cầu thực tế về nhân lực của ngành logistics, họ tính đến kế hoạch mở rộng phạm vi tác động đến những khu vực khác. Việt Nam là điểm đến đầu tiên bên ngoài châu Âu.
“Mục tiêu chính của phân hiệu Đông Nam Á là đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực này chứ không phải tuyển thêm sinh viên hay chuyển lợi nhuận về Đức”, Tiến sĩ Dũng phân trần. Sau khi đi một vòng quanh Đông Nam Á, họ đã chọn Việt Nam để đặt campus, với suy nghĩ đây là điểm trũng về logistics. “Ở đây, chúng tôi có nhiều thứ để cải thiện và có thể tạo tác động lớn nhất”, vị Giám đốc của KLU nói với NCĐT trong một cuộc phỏng vấn bên lề GEFE.
Trước đó, vào tháng 7/2022, Đại học Hong Kong, xếp thứ 17 trên bảng xếp hạng QS Ranking, khai trương văn phòng đại diện đầu tiên bên ngoài lãnh thổ của Trung Quốc tại TP.HCM. Số lượng sinh viên quốc tế sụt giảm sau đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy trường đại học có tỉ lệ sinh viên ngoại quốc đến 1/3 gia tăng sự hiện diện ở bên ngoài để tuyển sinh về Hong Kong (Trung Quốc).
Đại học Quản lý Singapore (SMU) mở văn phòng tại TP.HCM vào giữa năm 2024 vì một lý do khác. Họ không nhằm mục đích tuyển sinh mà muốn phát triển các khóa học ngắn hạn cho giới quản lý. Điều này có thể được giải thích bằng “sự dịch chuyển nội khối châu Á”, 1 trong 5 xu hướng chính của ngành giáo dục quốc tế tại Đông Nam Á được Acumen đề cập trong một báo cáo gần đây.
Nhật và Hàn Quốc là 2 trong Top 5 điểm đến của sinh viên từ Việt Nam. Thế nhưng, Acumen cho biết sự cạnh tranh để thu hút sinh viên Đông Nam Á đang gia tăng và nhiều nền kinh tế trong khu vực ngày càng tích cực tham gia, trong đó có thêm Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc). “Chú trọng mạnh vào kết quả có việc làm sau khi tốt nghiệp”, báo cáo cho biết.
Để đáp ứng được nhu cầu về giáo dục đại học đang tăng nhanh, nhiều trường đại học từ châu Âu và Mỹ đã mở văn phòng tại Việt Nam. Bình luận với NCĐT, một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục lưu ý một số trường đại học nước ngoài tập trung nhiều hơn vào việc tạo ra doanh thu nhanh chóng hơn là cung cấp giáo dục chất lượng cao.
Động cơ của những trường có thứ hạng cao tại châu Á khi vào Việt Nam tương đối khác. “Chúng tôi đặt mục tiêu trở thành đối tác lâu dài của Việt Nam, tập trung vào việc tạo tác động thực sự”, Phó Giáo sư Phạm Quang Tuấn, Trưởng Văn phòng Đại diện HKU Việt Nam, nhấn mạnh. HKU đang hợp tác với nhiều trường đại học địa phương tại Việt Nam, chẳng hạn như Đại học Ngân hàng TP.HCM và Đại học Kinh tế TP.HCM, để thu hút và xây dựng cộng đồng nghiên cứu học thuật trong nước. Đó cũng là mô hình SMU đã xây dựng từ trước khi chính thức đặt văn phòng tại Việt Nam.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam hiện có 223 trường đại học, trong đó có 62 trường tư thục, dân lập và 5 trường quốc tế. Nếu xét theo học phí, trường đại học Việt Nam có thể phân làm 3 loại. Các trường công lập, được Nhà nước hỗ trợ, có mức học phí thấp nhất. Tầm trung là những trường tư thục. Cuối cùng, mức học phí cao thuộc về nhóm trường quốc tế. Theo đó, để sinh viên cầm trong tay tấm bằng cử nhân sẽ chi khoảng 100 triệu đồng tại trường công. Con số này tăng lên gấp đôi khi theo học trường tư, khoảng 200 triệu đồng. Khi đến những ngôi trường có yếu tố nước ngoài, chi phí tăng lên gấp 7-15 lần, ở mức 700 triệu đến 1,6 tỉ đồng.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam hiện có 223 trường đại học, trong đó có 62 trường tư thục, dân lập và 5 trường quốc tế. Ảnh: TL. |
Đáng chú ý là mức học phí cao nhất thuộc về một trường tư, Đại học VinUni, với mức học phí công bố cao nhất lên đến 3,2 tỉ đồng cho 4 năm học. Tuy VinUni công bố mọi sinh viên đều nhận học bổng hỗ trợ, mức học phí sau học bổng là 2 tỉ đồng vẫn cao hơn mức 1,6 tỉ đồng tại Đại học Fulbright (FUV) và gấp đôi so với Đại học RMIT Việt Nam, Đại học Mỹ tại Việt Nam (AUV), hay Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV).
Trong số 5 trường đại học quốc tế đã được Bộ phân loại, chỉ có RMIT là phân viện của trường đại học xuất phát từ Úc, 4 trường còn lại bao gồm FUV, BUV, AUV và Đại học Y Khoa Tokyo đều được thành lập tại Việt Nam.
Giáo dục xuyên biên giới
Sự phát triển kinh tế của khu vực đã dẫn đến sự gia tăng của tầng lớp trung lưu có khả năng tài chính để theo đuổi giáo dục đại học, bao gồm các chương trình giáo dục xuyên quốc gia (TNE) do các tổ chức nước ngoài cung cấp. Đông Nam Á là nơi có một số nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, dẫn đầu là Indonesia, Việt Nam và Philippines. Trong 30 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng trung bình 6,8% mỗi năm, là nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ 2 trên thế giới trong thời gian này, sau Trung Quốc.
Theo số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, vẫn còn khoảng trống cho tuyển sinh đại học, năm học 2021-2022 thiếu gần 250.000 suất khi nhu cầu là 795.000 nhưng các trường đại học Việt Nam chỉ đáp ứng được 550.000 suất. Nhiều gia đình trong khu vực hiện đã quen thuộc hơn với giáo dục quốc tế và các cơ hội do tính lưu động của sinh viên và bằng cấp nước ngoài mang lại. Điều này khiến cả du học và TNE trở thành những lựa chọn hấp dẫn. 85% phụ huynh được Acumen khảo sát bày tỏ sự cởi mở với giáo dục quốc tế được cung cấp tại Việt Nam, trong đó họ dành nhiều ưu tiên cho các chương trình quốc tế.
“Chúng tôi đang thấy sự quan tâm đáng kể và bền vững từ các tổ chức quốc tế tham gia vào quan hệ đối tác TNE tại Việt Nam, bao gồm cả sự quan tâm ngày càng tăng từ các trường đại học nước ngoài được xếp hạng cao hơn. Các trường đại học tư thục sẽ trở thành đối tác TNE ngày càng quan trọng trong tương lai, với sự linh hoạt và khả năng đầu tư vào tăng trưởng quan hệ đối tác quốc tế của họ”, ông Haike Manning (*), Giám đốc Điều hành khu vực Đông Nam Á của Acumen, nhận định.
Theo Acumen, 3 xu hướng TNE cần chú ý đối với Việt Nam là sự trỗi dậy của các trường đại học tư thục, mô hình campus trong campus và việc đảm bảo chất lượng. Các trường đại học tư thục của Việt Nam đang tìm cách cải thiện chất lượng chương trình/cơ sở và coi hợp tác quốc tế là một cơ chế chính để đạt được điều này. Số lượng các chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh đang tăng nhanh chóng.
Quan hệ đối tác chiến lược của “trung tâm học tập” ngày càng trở nên phổ biến do những thách thức về mặt quy định khi thành lập các cơ sở chi nhánh quốc tế. Ví dụ như quan hệ đối tác chiến lược Swinburne-FPT, trong đó một loạt bằng cấp của Swinburne được giảng dạy hoàn toàn trong nước. Việc cung cấp các bằng cấp quốc tế hoàn toàn tại Việt Nam (với mức giá thấp hơn) phục vụ cho một phân khúc thị trường mới và đang phát triển nhanh chóng. Những trường đại học chọn mô hình liên kết như Swinburne thường có chất lượng không quá cao, nằm ngoài Top 500.
Để đặt campus cần chi phí đầu tư lớn. BUV đã đầu tư 52 triệu USD để xây dựng khu học xá cho 3.000 sinh viên tại Hưng Yên, thành phố nằm ở phía Nam thủ đô Hà Nội. Họ đang chi thêm 33 triệu USD để mở rộng cơ sở vật chất trong khuôn viên 6,5 ha. AUV được Tập đoàn Phát triển Giáo dục Quốc tế APU đầu tư xây dựng khuôn viên rộng 30 ha tại Đà Nẵng với số vốn 150 triệu USD.
Với những điều kiện đầu tư được nới lỏng, các trường đại học quốc tế, đặc biệt là những trường nằm trong Top 500 thế giới, được kỳ vọng sẽ tìm thấy cơ hội đầu tư vào thị trường giáo dục Việt Nam. Ảnh: TL |
FUV thậm chí vẫn chưa xây được nền campus dù nhiều lần công bố khởi công xây dựng tại Khu Công nghệ cao quận 9 do chưa huy động đủ tài chính. Vì vậy, trong khi đặt campus chỉ mới được RMIT, sau này có thêm KLU lựa chọn, thì các chương trình hợp tác là hình thức phổ biến để những chương trình đào tạo có tên của các trường đại học nước ngoài xuất hiện tại Việt Nam.
Những chương trình “sandwiches”, theo cách gọi của Giáo sư Trương Nguyện Thành, là những chương trình được thiết kế để sinh viên học 2-3 năm đầu ở Việt Nam và 1-2 năm sau tại nước ngoài. “Nếu đi du học, sinh viên thường phải đối mặt với các rào cản như trình độ ngôn ngữ, thích nghi văn hóa, thiếu sự chuẩn bị và khoảng cách địa lý. Bằng cách du học tại chỗ, sinh viên có thể tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc”, Giáo sư Thành phân tích.
Ông nêu thêm một lý do khiến phụ huynh ưa chuộng việc cho con học ngay trong nước dù có thể trả chi phí tương đương với việc đi du học, đó là “họ sẽ không mất con”. Đã có nhiều trường hợp du học rồi không trở về sau khi đã thích nghi với văn hóa phương Tây.
Đến cuối năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê có 408 chương trình đào tạo liên kết do các trường đại học Việt Nam cung cấp hợp tác với các tổ chức nước ngoài. Những chương trình này trải dài trên nhiều cấp độ giáo dục, với 282 chương trình cử nhân, 106 chương trình thạc sĩ và 20 chương trình tiến sĩ.
Tương lai của giáo dục đại học
Hầu như các trường đại học thuộc phân khúc cao đều tuyên bố hoạt động không vì lợi nhuận. “Đại học dạy kinh doanh hay kinh doanh đại học?”, Tiến sĩ Dũng gợi lên câu hỏi khi ông bắt đầu với một dự án đào tạo nhân lực lúc còn thuộc biên chế đại học quốc gia. Dự án đó không thành, nhưng ông đã đem kinh nghiệm xây dựng chương trình đạt chuẩn giáo dục AACSB của Mỹ đến để áp dụng tại VinUni. Việc đảm bảo chất lượng đạt chuẩn quốc tế là một yếu tố quan trọng để những trường quốc tế thành lập tại Việt Nam định vị mình.
Tuy vậy, chất lượng là một bài toán khó mà các trường cần giải, bất kể đặt campus hay tham gia một chương trình liên kết tại Việt Nam. “Chúng tôi dự định học phí tại Việt Nam sẽ giống học phí tại Đức. Chất lượng tương đương, vậy tại sao phải giảm giá?”, Giám đốc Campus tại Đông Nam Á của KLU nói. Để đảm bảo chất lượng thì chỉ chương trình học đồng nhất thôi chưa đủ, mà cần địa phương hóa, đặc biệt phải chiêu mộ được đội ngũ chất lượng tại chỗ hoặc chuyển được đội ngũ từ trường đại học mẹ về các campus.
TNE giúp các trường nước ngoài hiện diện một cách gián tiếp, thông qua chương trình hợp tác với đối tác là các trường đại học trong nước. Thế nhưng, việc trực tiếp đóng bản doanh tại Việt Nam tạo áp lực cho các đối tác. “Trường không còn độc quyền liên kết với các trường nước ngoài nên phải cạnh tranh với các trường khác”, một nữ giảng viên tại Đại học Quốc tế trao đổi với NCĐT. Một áp lực lớn cho những trường đại học trong nước là bằng cấp từ các phân viện là do trường gốc cấp nên giá trị thương hiệu cho người học sẽ cao hơn.
Với những điều kiện đầu tư được nới lỏng, các trường đại học quốc tế, đặc biệt là những trường nằm trong Top 500 thế giới, được kỳ vọng sẽ tìm thấy cơ hội đầu tư vào thị trường giáo dục Việt Nam. “Điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh và đa dạng hóa trong lựa chọn cho sinh viên và phụ huynh”, Giáo sư Thành nhận xét.
Ông phân tích những trường đại học, nhất là Top 500, luôn tiên phong ứng dụng công nghệ trong đào tạo và phương pháp giảng dạy mới, vì vậy sẽ có những giải pháp, sản phẩm có giá thấp hơn để đánh vào phân khúc trung bình. “Bấy giờ, những trường đại học tư thục ở Việt Nam sẽ cảm nhận được áp lực lớn”, vị giáo sư có kinh nghiệm điều hành và giảng dạy tại cả Việt Nam và nước ngoài nhận xét.
Sự cạnh tranh trong thị trường giáo dục đại học sẽ mang lại lợi ích cho sinh viên và phụ huynh, khi họ có nhiều lựa chọn hơn về chương trình đào tạo và mức học phí phù hợp với khả năng tài chính. Trong khi đó, những trường đại học châu Âu lại đang đối diện với áp lực tuyển sinh vì dân số đang giảm dần. “Tôi nghĩ nếu tuyển sinh viên Việt Nam qua Đức để học khó hơn việc sinh viên qua đây và dạy bằng tiếng Anh”, Giáo sư Thành nhận định về quyết định thành lập phân viện của KLU.
So với những trường đại học thuộc Top 500 ở Mỹ, học phí của chương trình tiếng Anh tại các trường châu Âu không quá cao. Vì vậy, Giáo sư Thành dự đoán có khả năng họ sẽ tìm cách thâm nhập vào thị trường Việt Nam.
Luật không nói rõ Top 500 là dựa vào bảng xếp hạng nào. Các chuyên gia trong ngành giáo dục ước tính sẽ có xấp xỉ 600 trường đại học đủ điều kiện, vì thực tế, danh sách trường trong Top 500 của các bảng xếp hạng gần như tương đồng nhau. Sôi động là vậy, liệu có ngày Đại học Harvard tham gia cuộc vui tại Việt Nam không? “Tôi nghĩ là không”, Giáo sư Thành nhận định, “những trường Top 10 sẽ chưa chọn thị trường Việt Nam”.
Có thể bạn quan tâm
(*): Vào thời điểm bài xuất bản, ông Haike Manning đã thôi giữ chức vụ Giám đốc Điều hành ĐNA tại Acumen.