Nguyễn Sơn Thứ Năm | 25/01/2018 14:00

Hợp tác hay chối từ dòng vốn tỉ đô từ Trung Quốc?

Làm thế nào tận dụng làn sóng đầu tư mới từ Trung Quốc mà không phải trở thành bãi rác công nghệ của nước này...

Đã và đang có dòng tiền trị giá hàng tỉ usd từ trung quốc dự kiến đổ vào việt nam, trải rộng trên khắp các lĩnh vực từ sản xuất, tài chính, hạ tầng, bất động sản đến thương mại điện tử. Một phần trong số đó đến từ các chiến lược kinh doanh mở rộng thị trường của các doanh nghiệp nhưng một phần đến từ một số chính sách mới của chính phủ quốc gia này. Tất nhiên, đó sẽ là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp nội địa gia tăng hợp tác với các đối tác hùng mạnh nhất châu Á hiện nay, nhưng liệu có những thách thức gì đang chờ đón? Làm thế nào để tận dụng hiệu quả dòng vốn này và nhất là tránh nguy cơ trở thành một bãi phế thải công nghệ cho các đối tác Trung Quốc như nhiều quốc gia trên thế giới đã cảnh báo? 

BẤT ĐỘNG SẢN: TĂNG CƯỜNG M&A
Một chính sách khác được kỳ vọng sẽ mang một lượng vốn lớn vào Việt Nam là đề án “Một vành đai, một con đường” (One Belt, One Road). Theo đó, Trung Quốc sẽ bơm tiền tài trợ cho các dự án hạ tầng trị giá hàng tỉ USD tại các quốc gia châu Á, đồng thời khuyến khích và cung cấp vốn vay cho các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án logistics, cảng biển, đường cao tốc, năng lượng, dầu khí và khoáng sản cũng như một số dự án bất động sản có vị trí chiến lược quan trọng, nằm dọc theo tuyến “Một vành đai, một con đường” để mang lại hiệu quả kinh tế.

Hop tac hay choi tu dong von ti do tu Trung Quoc?
 

Hơn nữa, chính sách mở cửa cho người nước ngoài được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam cùng tỉ suất sinh lợi hấp dẫn của một thị trường có dân số trẻ và thu nhập đang cải thiện mạnh cũng là những nhân tố hấp dẫn các nhà đầu tư Trung Quốc mạnh dạn đổ vốn vào Việt Nam, bên cạnh Campuchia. Bởi thế, trong thời gian gần đây, bất động sản trong nước đã chứng kiến khá nhiều thương vụ đầu tư từ Trung Quốc hay từ Hồng Kông (Trung Quốc) - nơi mà nhiều nhà đầu tư đại lục xem là kênh trung gian để rót tiền vào các quốc gia khác một cách hợp pháp. Có thể kể đến một loạt các thương vụ M&A ấn tượng được thực hiện bởi những tên tuổi nổi tiếng thời gian qua như Hongkong Land, Alpha King, Chow Tai Fook, Sun Wah... trải rộng khắp các phân khúc, từ nhà ở, văn phòng, du lịch nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp.

Mới đây, Tập đoàn Silver Shores đã xin đầu tư một sân golf tại Đà Nẵng có quy mô lên tới 650ha để đầu tư chuỗi khép kín: tắm biển, chơi golf và sòng bài. Hiện tại nhà đầu tư này đã sở hữu một số khách sạn và resort cao cấp tại Đà Nẵng. Thị trường Trung Quốc đang trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất của ngành du lịch trong nước. Năm 2017, khách Trung Quốc chiếm gần 1/3 tổng lượng du khách vào Việt Nam (12,9 triệu lượt) và tăng ấn tượng 48% so với năm trước.

Việc phát triển các dự án du lịch nghỉ dưỡng phục vụ cho đối tượng khách hàng này trở thành cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt khi casino được cấp phép dễ dàng hơn cũng như nhiều tuyến hàng không kết nối giữa Trung Quốc và các thành phố lớn tại Việt Nam mở ra nhiều hơn. Trong tương lai gần, một khi 3 đặc khu kinh tế đặc biệt (gồm Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong) chính thức ra đời cũng có thể thu hút được một lượng không nhỏ dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc.

NHỰA: CHUẨN BỊ ĐÓN SÓNG

Một trong những chính sách “gây sốc” của Trung Quốc ngay đầu năm nay là thực thi lệnh cấm nhập khẩu nhựa phế thải - nguyên liệu đầu vào cho ngành nhựa tái chế với đầu ra là hạt nhựa mà các tập đoàn Trung Quốc là những tay chơi hàng đầu. Có thể hiểu động thái đó xuất phát từ ý định muốn cải thiện tình trạng ô nhiễm đã quá trầm trọng, nhưng mặt khác, khiến cho ngành nhựa nước này đứng trước lựa chọn khó khăn: đóng cửa hay chuyển dịch nhà máy sang các quốc gia khác để tồn tại.

Nhưng lệnh cấm của Trung Quốc trái lại đang mang đến sự hứng khởi cho các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam trong việc nhận được dòng vốn đầu tư mới vào ngành nhựa cũng như có cơ hội nhập khẩu nguyên liệu với giá rẻ khi một đối thủ cạnh tranh lớn không còn. Phát biểu trên hãng tin Reuters, một quan chức cấp cao Liên minh châu Âu cho biết sẽ tìm các thị trường khác để thay thế Trung Quốc, nổi lên là hai quốc gia Việt Nam và Malaysia nhằm tái chế lại các sản phẩm nhựa phế thải và tránh
thải chúng ra môi trường bên ngoài hay đại dương.

Năm 2016, Trung Quốc nhập khẩu tới 7,3 triệu tấn rác nhựa với giá trị 3,7 tỉ USD và chiếm đến 56% tổng lượng nhập khẩu của thế giới. Đồng thời quốc gia này cũng sản xuất đến một nửa sản lượng hạt nhựa tái chế toàn cầu. 

Hop tac hay choi tu dong von ti do tu Trung Quoc?
 

“Đó là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước chiếm thị phần nhựa tái chế mà Trung Quốc để lại. Thực tế, mỗi năm Việt Nam cần nhập đến 7,3 triệu tấn hạt nhựa. Đồng thời, chúng ta cũng có thể xuất khẩu hạt nhựa ngược trở lại vào thị trường Trung Quốc”, ông Đặng Ngọc Quốc, Giám đốc Kinh doanh của Công ty Sản xuất Nhựa Lê Trần, chia sẻ với NCĐT.

Đó là chưa kể Việt Nam cũng sẽ có cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư chuyển dịch từ các doanh nghiệp nhựa Trung Quốc sang đây để tiếp tục hoạt động. Mới đây, ngành nhựa cũng chứng kiến nhiều thương vụ thâu tóm đình đám được thực hiện bởi các nhà
đầu tư Nhật cũng là bước đi chuẩn bị cho làn sóng doanh nghiệp ngoại ồ ạt đầu tư vào Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội từ thị trường tiêu thụ và chi phí sản xuất hấp dẫn.

Hop tac hay choi tu dong von ti do tu Trung Quoc?


Theo đánh giá của Công ty Nghiên cứu thị trường VIRAC, ngành nhựa trong nước đạt tốc độ tăng trưởng kép hằng năm giai đoạn 2009-2016 vào khoảng 11%. Dự báo triển vọng ngành nhựa Việt Nam trong những năm tới vẫn rất khả quan khi tiêu thụ nhựa bình quân đầu người được dự báo sẽ tăng lên 45kg vào năm 2020. Dù vậy đây vẫn là mức khá thấp so với các quốc gia trong khu vực, điển hình như Thái Lan hiện đã đạt mức 80 kg/người hay Nhật đã là hơn 100 kg/người.

THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ: THAM VỌNG THỐNG LĨNH

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang dần trở thành một xu thế mới có nhiều hứa hẹn và thị trường rộng lớn hơn 600 triệu dân ở ASEAN không nằm ngoài tầm mắt của giới đầu tư Trung Quốc. Sau khi tập đoàn thương mại điện tử Alibaba thâu tóm Lazada thì đối thủ JD.com mới đây đã rót vốn vào Tiki.
Giá trị thương vụ M&A không được tiết lộ chính thức nhưng JD.com cho biết đã trở thành một trong những cổ đông lớn nhất trong Tiki, bên cạnh VNG. “Chúng tôi rất hào hứng tiếp tục mở rộng thị trường Đông Nam Á với việc đầu tư vào Tiki, một công ty am hiểu thị trường Việt Nam và có tiếng với các dịch vụ khách hàng nổi bật”, ông Winston Cheng, Chủ tịch phụ trách thị trường quốc tế của JD.com, chia sẻ.
Với sức mạnh về tài chính và kinh nghiệm dày dạn hơn hẳn các đối thủ trong nước, Alibaba hay JD.com không nghi ngờ gì sẽ trở thành những đối thủ đáng gờm, tác động đáng kể đến cục diện thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Tất nhiên, đi cùng với đó là viễn cảnh hàng Trung Quốc thâm nhập vào thị trường nội địa ngày càng nhiều, tạo nên áp lực cạnh tranh khắc nghiệt hơn ngay trên sân nhà cho các nhà sản xuất trong nước.

NĂNG LƯỢNG, THÉP: XUẤT KHẨU CÔNG NGHỆ VÀ VỐN

Một trong những chính sách lớn nhất về năng lượng của Chính phủ Trung quốc là hạn chế cấp phép cho các nhà máy nhiệt điện than để hạn chế ô nhiễm. Chỉ trong năm ngoái, đã có hơn 100 nhà máy nhiệt điện than bị đóng cửa hay không được cấp phép. Điều này buộc một số nhà đầu tư Trung Quốc phải nhìn sang các thị trường khác để tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Hop tac hay choi tu dong von ti do tu Trung Quoc?


Ở Việt Nam, sự hiện diện của các nhà đầu tư này khá phổ biến. Có thể kể đến các dự án như nhiệt điện than trải dài từ Bắc đến Nam có sử dụng công nghệ hay nhận tài trợ vốn từ Trung Quốc như Nhiệt điện Vĩnh Tân, Nhiệt điện Duyên Hải, Nhiệt điện Thái Bình... trị giá hàng tỉ USD.

Trên thị trường thép, áp lực dư thừa nguồn cung khổng lồ tại Trung Quốc tạo động cơ cho các tập đoàn thép nước này tìm kiếm cơ hội đầu tư mới ở Việt Nam. Bên cạnh dùng chiêu để lách các quy định về nhập khẩu, một số nhà đầu tư nước này đang tìm mua các nhà máy thép thua lỗ trong nước với mục đích làm kênh trung gian đẩy hàng vào Việt Nam, làm bàn đạp để xuất khẩu sang các thị trường khác như Mỹ. Điều này có thể tạo nên rủi ro về một cuộc chiến thương mại mà các doanh nghiệp nội địa lại là người chịu hệ quả tiêu cực.

CHỌN HAY CHỐI?

Hãy trở lại với ngành nhựa tái chế, trong vài tháng gần đây, công việc mà Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, ông Hồ Đức Lam và những nhà lãnh đạo khác trong ngành là suy nghĩ làm thế nào để tận dụng cơ hội mà chính sách mới của Trung Quốc mang lại. Đó có thể là sự hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc để xuất khẩu hạt nhựa trở lại vào thị trường tỉ dân này, nhưng mặt khác cũng có thể là rủi ro cạnh tranh rất lớn nếu các doanh nghiệp nhựa Trung Quốc sang Việt Nam tìm chốn kinh doanh sau lệnh siết chặt của Chính phủ.

“Điểm yếu của các doanh nghiệp trong nước vẫn là quy mô còn nhỏ lẻ, tính chuyên nghiệp chưa cao. Việt Nam cũng chưa có chiến lược phát triển ngành nhựa mang tầm quốc gia. Xu thế gia tăng lượng nhập rác thải từ bên ngoài cũng dễ dẫn đến ô nhiễm môi trường nếu chúng ta không tìm ra giải pháp phù hợp”, ông Đặng Ngọc Quốc, Giám đốc Kinh doanh của Công ty Nhựa Lê Trần, chia sẻ.

Hop tac hay choi tu dong von ti do tu Trung Quoc?

Vừa tận dụng cơ hội để tăng tốc phát triển, vừa phải kiểm soát dòng vốn đầu tư Trung Quốc trở thành một yêu cầu bức thiết cho các doanh nghiệp nhựa. Một giải pháp mà ông Đặng Ngọc Quốc đề xuất là Việt Nam nên thành lập cụm công nghiệp riêng biệt cho ngành nhựa tái chế, trong đó có sử dụng công nghệ cao, đảm bảo xử lý chất thải hiệu quả để bảo vệ môi trường. Đó cũng là nơi thu hút dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc một khi họ chuyển hướng đầu tư sang Việt nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhựa trong nước nên ngồi lại, cùng nhau tìm kiếm những thỏa thuận hợp tác minh bạch với các doanh nghiệp Trung Quốc để đảm bảo số lượng đơn hàng cũng như thực thi thanh toán.

Thực tế, với một nền kinh tế ngày càng hội nhập và cạnh tranh trên bình diện quốc tế, Việt Nam cần một lượng vốn đầu tư rất lớn từ các nhà đầu tư ngoại, trong đó có Trung Quốc. Dòng vốn này không chỉ mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn trong chuỗi liên kết, học hỏi kinh nghiệm hay xuất khẩu ngược trở lại Trung Quốc, giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trị giá hàng tỉ USD giải quyết điểm nghẽn cho tăng trưởng tương lai, mà còn giúp một số dự án gặp nhiều khó khăn có cơ hội “rã băng”, quay trở lại như trên thị trường bất động sản.

Nhưng sẽ khôn ngoan hơn nếu Việt Nam xác lập cho mình những cá tính riêng trong việc tiếp nhận dòng vốn. Ở đó, Việt Nam cần có chiến lược đảm bảo năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, đồng thời xây dựng hàng rào kỹ thuật, các quy chuẩn bảo vệ môi trường ở mức độ cao nhằm tránh để Việt Nam trở thành bãi phế thải, thụ hưởng những sản phẩm, công nghệ kém chất lượng.

Còn nhớ trong năm 2017, các quốc gia châu Á như Pakistan, Nepal và Myanmar đã hủy các dự án thủy điện hợp tác với Trung Quốc với giá trị gần 20 tỉ USD, mặc dù đây được xem là các đối tác truyền thống lâu đời của những quốc gia này. Mặt khác, theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, các nước thiếu vốn đầu tư đều tận dụng các cơ hội đầu tư từ Trung Quốc. Các nước khác như Lào, Myanmar, Malaysia, Thái Lan… đều có chiến lược chạy đua hút vốn đầu tư từ Trung Quốc nằm trong chiến lược gọi vốn FDI nói chung.

Như Tiến sĩ Võ Trí Thành nhận định: “Không chỉ Trung Quốc, “chơi” với ai cũng vậy, điều quan trọng nhất vẫn là tuân theo quy luật thị trường. Nhìn về vấn đề dài hạn, làm sao công nghệ, quản lý đảm bảo chất lượng các dự án đầu tư. Còn liên quan đến nhiều vấn đề khác thì mình phải có nguyên tắc, cách ứng xử phù hợp và khéo léo”. Thị trường đó đã có luật chơi ít nhiều được xác định thông qua các hiệp định thương mại như WTO, ASEAN + Trung Quốc… Vì vậy, việc tận dụng thị trường Trung Quốc là một thách thức và cơ hội, gắn liền với các hiệp định thương mại.