Phụ nữ Việt có tuổi thọ trung bình 77,1 song đến 11 năm sống với bệnh tật.
Giành lại triệu năm tuổi thọ
Người dân ngày càng đặt kỳ vọng cao hơn vào hiệu quả của hoạt động chăm sóc sức khỏe, đồng thời lại có xu hướng tìm đến sự tiện lợi và đơn giản hơn trong việc sử dụng dịch vụ. 2 yếu tố này được cộng hưởng bởi làn sóng công nghệ đã góp phần giúp thị trường y tế Việt Nam chuyển mình nhanh chóng.
Người Việt không khỏe mạnh
Tổng cục Dân số gần đây có một khảo sát với kết quả đáng chú ý: phụ nữ Việt có tuổi thọ trung bình 77,1 song đến 11 năm sống với bệnh tật. Nam giới Việt tuổi thọ trung bình 74,4 thì có 8 năm mắc bệnh. Kết quả khảo sát này rút ra kết luận: người Việt sống lâu nhưng nhiều bệnh; tuổi thọ trung bình của người Việt cao hơn nhiều nước có cùng thu nhập bình quân đầu người, nhưng sức khỏe yếu hơn.
Tăng cường vận động là trụ cột quan trọng của lối sống lành mạnh hơn. Ảnh: Quý Hòa |
Chia sẻ tại sự kiện Healthcare Summit 2023: “Năng lượng mới, cuộc sống mới”, Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh, Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế của Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, thuộc Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, cũng nhấn mạnh tới vấn đề này qua góc nhìn khác: người dân Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ về bệnh tật và cả dinh dưỡng.
“Chúng ta đang có gánh nặng kép bệnh tật: bệnh lây nhiễm như COVID-19 còn phức tạp, còn bệnh không lây nhiễm gia tăng. Đáng chú ý, bệnh không lây nhiễm tức các nhóm như ung thư, đái tháo đường... đang ở mức cảnh báo vì chiếm đến trên 70% nguyên nhân tử vong do bệnh. Ngoài ra, chi phí điều trị bệnh không lây nhiễm cũng cao hơn 30-50 lần so với nhóm lây nhiễm”.
Nguyên nhân chính là lối sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa dẫn đến người dân có xu hướng vận động ít hơn trong khi ăn uống không điều độ, phản khoa học. Cụ thể, theo chuẩn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng muối nạp vào cơ thể hằng ngày khuyến cáo là dưới 5 gr/ngày, người Việt Nam đang tiêu thụ gấp đôi số này. Tương tự như vậy với lượng rau hấp thụ, có đến 60% người trưởng thành không ăn đủ lượng rau khuyến nghị là 300 gr/ngày.
Về mặt vận động, khuyến nghị thế giới là người Việt Nam nên hoạt động thể dục thể thao 150 phút/tuần nhưng phần lớn không vận động đủ. “Lối sống không lành mạnh từ chính người lớn cũng ảnh hưởng đến trẻ em. Có một thực tế là Việt Nam đang phải khống chế tỉ lệ béo phì ở trẻ em”, bà Hạnh cảnh báo.
WHO đã đưa ra chỉ số DALY (số năm sống được điều chỉnh theo mức độ bệnh tật). Theo tính toán của KPMG, đến năm 2025, chỉ số DALY gây ra bởi các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam dự kiến tăng với tỉ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) lên tới 2,1%, tương ứng với 19 triệu năm tổng tuổi thọ dân số hằng năm sẽ bị mất. Các bệnh lý không lây nhiễm là tác nhân gây ra gần 75% gánh nặng bệnh tật.
Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Các nước phát triển có nhiều thập kỷ đến hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già như Pháp 115 năm, Úc 73 năm, Trung Quốc 26 năm. Trong khi đó, tiến trình này ở Việt Nam chỉ diễn ra trong 15 năm. Vì vậy, tuổi thọ dân số và tình trạng sức khỏe của người dân hiện tại sẽ là thách thức khiến cho Việt Nam khó có thể vươn lên nhóm quốc gia có thu nhập cao. Dù điều kiện kinh tế tốt hơn, nhưng người dân Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn về sức khỏe. Lối sống không khoa học, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý và ít hoạt động thể lực là 3 nguyên nhân chính làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm, qua đó ảnh hưởng tới sức khỏe và tuổi thọ của người dân Việt Nam.
Chăm sóc y tế theo mô hình bán lẻ
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy giai đoạn 2011-2020, mô hình bệnh tật tại Việt Nam diễn biến theo xu hướng gia tăng ngày càng trầm trọng các bệnh không lây nhiễm. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng, tại Việt Nam, trung bình cứ mỗi năm sẽ có khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp, 3,5 triệu người bị đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, gần 182.000 ca mắc ung thư mới... Sự thay đổi mô hình bệnh tật với tình trạng gia tăng bệnh không lây nhiễm đòi hỏi tuyến y tế cơ sở không chỉ tập trung vào điều trị ban đầu, mà còn cần thực hiện tốt việc quản lý sức khỏe để kiểm soát bệnh tật cho người dân và quản lý cả các yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường VIRAC, người Việt đang có xu hướng tìm đến sự tiện lợi và đơn giản hơn trong việc sử dụng dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, đã hình thành nhu cầu chuyển từ chăm sóc nội trú sang ngoại trú; sự đổi mới công nghệ; sự gia tăng biến chứng trong các loại bệnh; tỉ lệ mắc một số bệnh cao hơn do lối sống ít vận động...
Tất cả những yếu tố này đang tác động đến ngành chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam và dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ, vừa giảm gánh nặng cho hệ thống y tế, vừa tăng cường hiệu quả chăm sóc sức khỏe của người dân. Trong đó, đang nổi lên các mô hình mới về sự hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân; hay quan hệ đối tác với những bên tham gia thị trường mới từ các lĩnh vực bán lẻ, công nghệ (trí tuệ nhân tạo, robot, tư vấn từ xa, phân tích); chăm sóc sức khỏe và thể chất (tức là các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe phi y tế/phi truyền thống) đang được mở rộng và định hình lại hệ thống y tế tại Việt Nam. Các công ty dược sẽ bám sát mô hình tiêu dùng nhanh, trở thành trung gian đứng giữa nghiên cứu khoa học và người tiêu dùng, nhằm đưa các giải pháp đến gần hơn và khích lệ mọi người chăm sóc sức khỏe của bản thân tốt hơn.
Hệ thống nhà thuốc Long Châu tại TP.HCM. Ảnh: Quý Hòa. |
Cuộc cách mạng self-care
Bà Vũ Lê Mộng Hà, Phó Tổng Giám đốc Marketing và Hoạch định Giá trị Cam kết Công ty AIA Việt Nam, cho biết ý tưởng “Giấc mơ 10 +” - chiến dịch hướng đến sức khỏe và tuổi thọ của AIA nhận được sự ủng hộ rất lớn từ khách hàng cũng như từ chính nhân sự của công ty này. Theo đó, khách hàng có động lực duy trì lối sống khỏe mạnh khi nhận lại được quyền lợi tương ứng từ AIA. “Trong hành trình sống khỏe, việc đầu tiên chúng ta cần làm là làm sao đánh thức được động lực sống khỏe trong mỗi chúng ta. Từ đó duy trì được tình trạng thể chất và tinh thần tốt để có được một cuộc sống hạnh phúc hơn. Chăm sóc sức khỏe bắt đầu khi ta còn rất khỏe”, bà Mộng Hà nói.
Điều lạc quan cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt Nam ghi nhận xu hướng người dân ngày càng hiểu rõ và tham gia nhiều hơn vào quá trình chăm sóc sức khỏe của mình. Điều này dẫn đến sự chuyển hướng từ chăm sóc phân tán sang những mô hình tích hợp: các tổ chức, cộng đồng và nhà cung cấp dịch vụ xã hội phối hợp các dịch vụ của họ và người tiêu dùng trở thành đối tác tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe của chính mình.
Những hệ thống chăm sóc sức khỏe có xu hướng thiết lập hệ sinh thái giữa bệnh nhân, bác sĩ, cơ sở y tế, nhà thuốc, nhân viên chăm sóc sức khỏe và các công cụ hỗ trợ theo dõi, chẩn đoán, gợi ý trên nền tảng số. Trong sự dịch chuyển trên, ứng dụng công nghệ để truyền thông chăm sóc sức khỏe là cách hiệu quả và ngày càng phổ biến, giúp lĩnh vực y tế chuyển mình nhanh hơn.
Trong sự dịch chuyển mạnh này, healthtech (công nghệ y tế) nổi lên khi nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tuyến ngày càng tăng, nhất là từ sau dịch COVID-19 bùng phát khiến việc tiếp xúc trực tiếp phải giảm thiểu.
Việt Nam chứng kiến làn sóng khởi nghiệp trong lĩnh vực healthtech phục vụ nhiều phân khúc khác nhau của thị trường như telehealth (JioHealth, Med247, eDoctor), dịch vụ hỗ trợ bồi thường bảo hiểm y tế (Insmart, South Asia Services) và nhà thuốc điện tử (Medici, POC Pharma)... Theo đó, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, các bệnh viện ảo chăm sóc sức khỏe từ xa, điều trị cá nhân hóa được dự đoán sẽ trở nên phổ biến hơn.
Trong các sáng kiến về tự chăm sóc sức khỏe, có thể nói thiết bị y tế đeo bên người phục vụ cho sức khỏe tinh thần là những phát minh gây chú ý. Tại Việt Nam, tiêu biểu phải kể đến thiết bị FRENZ Brainband do Earable Neuroscience, một startup công nghệ Việt Nam, phát triển. Đây là chiếc vòng đeo đầu nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn trên thế giới với chức năng theo dõi chính xác và kích hoạt chức năng não bộ, giúp người đeo ngủ ngon hơn, thư giãn tốt hơn, từ đó giúp não bộ khỏe mạnh, hoạt động tích cực và tinh nhanh hơn.
“Mỗi năm, 900 triệu thiết bị đeo tiêu dùng được bán ra trên toàn thế giới. Với 60% dân số thế giới mắc các vấn đề liên quan tới giấc ngủ, thế giới đang trải qua một vấn đề nhức nhối về giấc ngủ của con người. Do đó, các sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ nổi lên như một ngành phát triển mạnh và nhanh chóng. Vào năm 2021, thị trường hỗ trợ giấc ngủ toàn cầu được định giá 64,08 tỉ USD, với mức tăng trưởng đáng kinh ngạc là 7,1% dự kiến vào năm 2030”, Giáo sư Vũ Ngọc Tâm, Đại học Colorado Boulder (Mỹ), cho biết.
Khoa học kỹ thuật giúp người dân tiếp cận các giải pháp tự chăm sóc sức khỏe. Ảnh: Quý Hòa. |
Ông Kevin Doak, Giám đốc Ngành hàng Chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng (CHC) Sanofi Vietnam và Campuchia, cho rằng sự tiến bộ của công nghệ và khoa học kỹ thuật đã giúp người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng hơn với các giải pháp tự chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, truyền thông kỹ thuật số có thể nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về chăm sóc sức khỏe một cách nhanh chóng hơn và hiện đại hơn.
Theo quan sát của ông Kevin Doak, truyền thông kỹ thuật số đã thúc đẩy người Việt trẻ chuyển sang lối sống lành mạnh hơn và có những lựa chọn khôn ngoan trong vấn đề sức khỏe. Song song đó, người tiêu dùng Việt tăng cường sử dụng các sản phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ, nhóm vitamin và mỹ phẩm cải thiện sức khỏe từ bên trong.
Ngoài ra, truyền thông số cũng góp phần lan tỏa thói quen tự chăm sóc sức khỏe (self-care) đến mọi lứa tuổi. Cùng với sự bùng nổ của công nghệ, chuyển đổi số y tế hướng vào ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới các công nghệ số hiện đại dẫn đến sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động của hệ thống y tế trong chăm sóc sức khỏe.
Một nghiên cứu bởi Liên đoàn Chăm sóc Sức khỏe gần đây cho thấy, nhờ việc thúc đẩy thói quen tự chăm sóc sức khỏe, toàn thế giới có thể có thêm 22 triệu năm sống chất lượng. Self-care có thể giúp tiết kiệm đến 119 tỉ USD chi phí điều trị y tế mỗi năm và khoảng 1,8 tỉ giờ điều trị của đội ngũ y tế, giúp họ có thêm thời gian để tập trung vào những ca bệnh phức tạp hơn.
Việt Nam cũng có tiềm năng hưởng nhiều lợi ích kinh tế khi triển khai self-care. Bởi vì, theo báo cáo của KPMG và Sanofi, hiện tại, các bệnh viện Việt Nam đang phải đón nhận đến 50% số lượt thăm khám, đồng thời phải chịu đến 95% chi phí bảo hiểm y tế toàn quốc. Bệnh viện ở Việt Nam cũng là nơi tập trung thực hiện hầu hết các hoạt động y tế như xét nghiệm và kê đơn.
Chiếc vòng đeo đầu FRENZ Brainband giúp hỗ trợ giấc ngủ, do Earable Neuroscience phát triển. Ảnh: Quý Hòa |
Nếu Việt Nam không tìm ra các mô hình chăm sóc sức khỏe mới, tình trạng lệ thuộc và đổ dồn trách nhiệm quá mức cho hệ thống bệnh viện sẽ nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn ngân sách hiện có của đất nước. Đây là xu hướng đáng lưu ý khi tỉ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) về các lượt điều trị nội trú từ năm 2013 tại Việt Nam đã cao gấp đôi so với lượt điều trị ngoại trú. Thời gian nằm viện trung bình của người dân Việt Nam là 6,7 ngày (cao thứ 2 khu vực ASEAN).
“Nhờ việc tiếp cận các giải pháp chăm sóc sức khỏe, người dân có thể chủ động phòng ngừa và điều trị các bệnh lý từ nhẹ đến mạn tính, từ đó nâng cao hiệu suất lao động, giảm bớt áp lực về tài chính và nhân lực lên hệ thống y tế quốc gia”, ông Kevin Doak nói.