Tuy nhiên, cũng trong cơn sốt vàng, hơn 10 năm trước, tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế đã xảy ra khi thị trường vàng tạo sức hút rất lớn đối với nhà đầu tư, người dân. Ảnh: Quý Hòa
Giá vàng bất kham
Dù có nhiều cảnh báo nhưng thị trường vẫn diễn ra hiện tượng giá vàng lên xuống bất thường, còn người dân tiếp tục đổ xô mua vàng. Vàng miếng SJC liên tiếp lập kỷ lục về giá, có thời điểm chạm mốc 85,5 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn sau thời gian im ắng so với thị trường vàng thế giới cũng đột ngột bị đẩy lên đến 76 triệu đồng.
Hầm hập cơn sốt vàng
Đối với thị trường thế giới, các nhà nghiên cứu tại FED Chicago đã phân tích các yếu tố chính thúc đẩy giá vàng từ năm 1971, kể từ khi Mỹ loại bỏ chế độ bản vị vàng (gold standard). Họ xác định 3 mục đích sử dụng vàng: hàng rào chống lạm phát, phòng vệ trước thảm họa kinh tế và phản ánh lãi suất.
Nhu cầu mua mạnh mẽ của Ngân hàng Trung ương các quốc gia là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này. Theo thống kê của Hội đồng Vàng Thế giới, ngân hàng trung ương các nước đã mua ròng vàng 14 năm liên tiếp từ năm 2009.
Vàng không chỉ là một hàng rào chống lạm phát, mà còn là một khoản đầu tư trú ẩn an toàn, bảo vệ giá trị tài sản trong thời kỳ kinh tế khó khăn, thị trường biến động, địa chính trị bất ổn. Báo cáo của JP Morgan cho rằng các quốc gia không phải là đồng minh của Mỹ dường như đang tích trữ vàng để đa dạng hóa tài sản, giảm USD và tổn thương từ các lệnh trừng phạt quốc tế. Kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất năm nay càng khiến nhu cầu này tăng mạnh.
Bên cạnh đó, giá vàng vẫn được hậu thuẫn bởi các bất ổn địa chính trị, từ cuộc chiến tại Ukraine - Nga, đến xung đột leo thang giữa Iran và Israel. Các chuyên gia phân tích tại Ngân hàng Citi cho rằng vàng có thể lên 3.000 USD/ounce trong 1-1,5 năm tới. Song với diễn biến gần đây, giới chuyên môn nhìn nhận kim loại quý có thể cán mốc này sớm hơn dự báo.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA), cố vấn Hội đồng Vàng Thế giới tại Việt Nam, dự báo, từ nay đến cuối năm, giá vàng thế giới có thể lên 2.600 USD/ounce (hiện là 2.349 USD/ounce).
Giá vàng thị trường thế giới tăng cao cũng ảnh hưởng một phần tới giá vàng ở thị trường trong nước. Tuy nhiên, giá vàng trong nước tăng cao là do cầu vượt cung một cách bất thường. Từ năm 2014 đến nay, thị trường vàng được quản lý bằng Nghị định 24 để chống hiện tượng “vàng hóa” trong nền kinh tế.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm vàng ra thị trường. Trong khi đó, số lượng vàng SJC trên thị trường còn rất ít, do các thương hiệu trong nước dùng vàng miếng của SJC để sản xuất nhẫn và nữ trang hoặc để dành cho xuất khẩu. Do nguồn cung bị giảm nên mỗi khi có biến động, giá vàng miếng SJC dễ bị đẩy lên cao.
Trong nước, hiện các kênh đầu tư đều trở nên kém hấp dẫn, từ chứng khoán, USD, bất động sản... khiến người dân càng tìm đến vàng như một kênh trú ẩn và đầu tư hiệu quả. Vì thế, bất chấp cơn sốt giá vàng, người mua vẫn chiếm ưu thế hơn người bán. Và mỗi lần có biến động mạnh thì dòng người đổ xô xếp hàng mua vàng lại tiếp diễn.
Thực tế, 3 tháng đầu năm, vàng tăng 15-22%, trở thành kênh đầu tư có tỉ suất sinh lời vượt xa gửi tiết kiệm ngân hàng, chứng khoán. Cũng cần phải chú ý rằng, giá vàng thế giới từ năm 2021-2023 gần như không tăng. Mặc dù giá vàng tưởng chừng tăng mạnh khi đầu năm 2021, lạm phát sẽ tăng cao khi ngân hàng trung ương nhiều nước in tiền ồ ạt và kích thích tài khóa quá mạnh tay. Ngoài ra, tình hình giá cả cũng bị tác động bởi xung đột kéo dài Nga - Ukraine. Thực tế, ngay cả trong bối cảnh này, mức lợi nhuận ít ỏi khi đầu tư vàng trong 2 năm qua trên thế giới chỉ là 3%.
Tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) đang thể hiện rõ trên thị trường vàng trong và ngoài nước. Ảnh: Quý Hòa. |
Trong khi đó, tại thị trường trong nước, kỳ vọng về giá vàng tăng giúp các công ty kinh doanh vàng có tình hình kinh doanh rất thuận lợi. Chẳng hạn, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI báo lãi sau thuế hơn 491 tỉ đồng năm 2023, tức bình quân mỗi ngày hơn 1,3 tỉ đồng. So với Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), khoản lợi nhuận của DOJI chỉ bằng một phần tư. PNJ đã có 5 năm liền lãi trên ngàn tỉ đồng, riêng năm ngoái gần chạm mốc 2.000 tỉ đồng.
Hiện chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế đã được kéo giảm từ mức 17-20 triệu đồng/lượng hồi đầu năm, xuống còn 12-13 triệu đồng/lượng, song mức này vẫn cao gấp vài lần so với giai đoạn trước đây. Giá vàng đã đi từ mạnh tới rất mạnh và tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) đang thể hiện rõ trên thị trường vàng trong và ngoài nước, gây ra những bất ổn cho thị trường vĩ mô.
Bề nổi & hệ lụy
Dòng người xếp hàng rồng rắn để mua vàng hay những cửa hàng vàng đột ngột đóng cửa trước các thông tin thanh kiểm tra chỉ phản ánh bề nổi của cơn sốt vàng đang diễn ra.
Thị trường vàng ổn định là một yếu tố quan trọng để duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính và kinh tế nói chung. Trước cơn sốt vàng dai dẳng, Thủ tướng đã đưa ra yêu cầu xử lý ngay tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao. Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động thị trường vàng để phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững, không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp thông qua việc tăng cung vàng miếng để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá vàng trong nước với giá vàng thế giới; tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để yêu cầu doanh nghiệp triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý.
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, các biện pháp Ngân hàng Nhà nước đưa ra sẽ tiếp tục tác động mạnh tới giá vàng trong nước thời gian tới. Tuy nhiên, giá vàng sẽ giảm từ từ chứ không giảm sâu đột ngột. Nhiều năm qua, dù Ngân hàng Nhà nước không cho phép nhập khẩu vàng, song tiêu thụ vàng mỗi năm vẫn khoảng 55 tấn, cho thấy một lượng lớn vàng được nhập lậu vào trong nước. Với quy mô này, khi giá vàng tăng mạnh càng kích thích dòng tiền nhập lậu và đầu cơ vàng.
Nó cũng cho thấy những nhà buôn vàng sỉ hay tầng lớp tư thương trung gian “có vai trò lớn” trong cơn sốt vàng đang diễn ra. Theo đó, giá vàng ảnh hưởng đến tỉ giá là điều không thể tránh khỏi, cũng như gây mất cân đối trạng thái ngoại tệ trong ngắn hạn. Mặt khác, người dân sẽ lo tích lũy vàng thay vì gửi tiền vào ngân hàng hoặc mua hàng hóa, dịch vụ để kích thích tăng trưởng kinh tế. Chưa kể, lượng tiền lớn không được đưa vào sản xuất kinh doanh sẽ khiến cho việc thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế trở nên khó khăn hơn.
“Giá vàng ở Việt Nam hiện nay đang ở mức tương đối cao nên mức độ rủi ro cũng tăng lên đáng kể. Biến động không nhỏ của giá vàng tại Việt Nam trong 2 quý vừa qua cho thấy mức độ rủi ro cao trên thị trường vàng”, Tiến sĩ Đào Lê Trang Anh, giảng viên tài chính Đại học RMIT, nhận định. “Nếu Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được sửa đổi để bỏ độc quyền vàng miếng, giá vàng miếng trong nước có thể bị ảnh hưởng đáng kể và tiệm cận giá vàng thế giới nhờ nguồn cung tăng”.
Bật chế độ can thiệp
Ngân hàng Nhà nước hiện đang gấp rút sửa Nghị định 24 để quản lý thị trường vàng phù hợp với tình hình mới sau 12 năm thực thi. Để bình ổn thị trường vàng trong nước, giảm chênh lệch quá lớn giữa giá vàng trong nước và giá thế giới, từ nhiều năm nay đã có nhiều kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng theo hạn ngạch nhất định, đồng thời khuyến khích xuất khẩu vàng trang sức để cân đối cung - cầu ngoại tệ, bỏ tình trạng độc quyền vàng miếng SJC.
VGTA cũng đề xuất giải pháp đấu thầu vàng. Ảnh: T.L |
Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) từng gửi văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép 3 doanh nghiệp gồm DOJI, SJC và PNJ nhập khẩu khoảng 1,5 tấn vàng/năm, tương đương 500 kg/năm, chia làm nhiều lần nhập để phục vụ việc chế tác vàng nữ trang. Số vàng nhập khẩu này sẽ giúp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới được rút ngắn lại, người dân được hưởng lợi và thị trường vàng sẽ bình ổn.
VGTA cũng đề xuất giải pháp đấu thầu vàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước có một lượng vàng khá lớn trong kho dự trữ có thể can thiệp ngay thị trường. Khi bán lượng vàng này cho doanh nghiệp và ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước có thể mua đối ứng vàng trên thị trường quốc tế để cân đối.
Để tăng cung cho thị trường, Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị cho đấu thầu vàng miếng SJC sau 11 năm tạm ngưng. Như vào năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu vàng, cung ứng gần 70 tấn vàng ra thị trường. Hiện có 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu và loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, cho rằng đấu thầu vàng miếng có thể tạo ra ổn định ngắn hạn, còn giải pháp căn cơ nhất vẫn là cho phép xuất nhập khẩu vàng tự do và áp dụng chính sách thuế phù hợp.
Mặt khác, Việt Nam cũng có thể học hỏi nhiều quốc gia khác đang quản lý tốt thị trường vàng bằng cách biến vàng là sản phẩm tài chính chứ không phải chỉ trao đổi vàng vật chất. Ngay tại thị trường vàng sôi động nhất thế giới là Trung Quốc cũng được quản lý theo mô hình thông qua cơ chế khớp lệnh tập trung của sàn vàng, giá cả sẽ do cung cầu thị trường quyết định.
Theo ước tính của VGTA, đến nay người dân Việt Nam đang nắm giữ khoảng 400 tấn vàng. Nếu được quy đổi thuận tiện như một sản phẩm tài chính thì lượng vàng này sẽ trở thành động lực cho sản xuất kinh doanh, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, về việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, có ý kiến cho rằng nên thành lập Sở Giao dịch Vàng, từ đó người nắm giữ vàng có thể mang lưu ký vàng ở những đơn vị được phép, mở tài khoản giao dịch và mua bán trên đó.
Hay theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài khóa, Tiền tệ Quốc gia, khi nguồn cung quá thấp mà lực cầu lớn sẽ dẫn đến tình trạng như hiện nay. Vàng nên phân ra thành vàng có yếu tố tiền tệ và vàng là hàng hóa thông thường. Ngân hàng Nhà nước chỉ quản lý vàng có yếu tố tiền tệ là hợp lý và hiệu quả.
Tuy nhiên, cũng trong cơn sốt vàng, hơn 10 năm trước, tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế đã xảy ra khi thị trường vàng tạo sức hút rất lớn đối với nhà đầu tư, người dân. Vì vậy, cũng có ý kiến lo ngại vàng hóa nền kinh tế sẽ quay lại, đặc biệt nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng.
Thị trường đã có bài học cách đây hơn 10 năm khi cho phép các sàn vàng hoạt động mạnh mẽ, trong đó nhiều sàn trực thuộc các ngân hàng. Thời điểm đó, việc các sàn vàng thao túng giá cả gây ảnh hưởng lên giá vàng vật chất không chỉ bằng các lệnh mua bán lớn, mà còn bằng các thủ thuật can thiệp vào nền tảng giao dịch, với các vụ sập sàn kỹ thuật liên tiếp xảy ra.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng, không cần lo ngại vàng hóa nền kinh tế bởi tình trạng vàng hóa chỉ xảy ra khi cho phép ngân hàng huy động vàng dưới hình thức tiền gửi. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cấm các ngân hàng thương mại huy động vàng, nên cũng không cần phải lo lắng về vàng hóa nền kinh tế. Mặt khác, lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu vàng ước không lớn, chỉ khoảng 3 tỉ USD, không có tác động nhiều tới tỉ giá. “Chúng ta đã cấm sử dụng vàng như phương tiện huy động và cho vay, nên vàng hóa đã kết thúc. Kể cả dùng vàng để mua bất động sản, đó cũng không gọi là vàng hóa”, ông Nghĩa nói.
Về vấn đề này, theo ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới, vàng hóa không còn là mối lo ngại của Việt Nam do vị thế kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay đã khác rất nhiều so với 15 năm trước. Điều quan trọng là Việt Nam cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì lòng tin vào đồng nội tệ. “Chừng nào nền kinh tế vẫn tăng trưởng, đồng nội tệ vẫn ổn định thì sẽ không có nguy cơ vàng hóa”, ông Shaokai Fan nhận định.
Có thể bạn quan tâm: