FDNM nhìn từ đại dịch
Có lẽ, mỗi chúng ta sẽ tự định nghĩa riêng về ý nghĩa đại dịch: một sự sàng lọc của tự nhiên, một cách “trả đũa” của tạo hóa, một sự tái thiết trật tự cân bằng khẩn cấp của môi trường sống, một cuộc chiến vương quyền bão táp của loài người, hay chỉ đơn giản là đã đến mùa gặt của luân hồi. Nhưng tất cả đều không thể phủ nhận, một lần nữa, virus siêu hình đang nhắc nhân loại nhớ về giá trị của sự vô thường, đang hiện diện trong từng sát na. Với giá trị chỉ bằng 0,013 giây, mỗi sát na được biết đến như là đơn vị thời gian ngắn nhất theo quan điểm Phật giáo. Luật sát na không tồn tại sự bất biến mà thức tỉnh con người về vô thường và nhân quả công bình.
Thành phố những ngày vắng lặng vì dịch bệnh hoành hành. Ảnh: Hải An |
Những đô thị nhộn nhịp bỗng chốc lãnh đạm. Hàng vạn con người quần tụ trong những lễ hội bỗng chốc ngã gục xuống huyệt đạo. Hàng tỉ kế hoạch sống thăng hoa của loài người bỗng chốc tiêu tan. Niềm tin và nụ cười bỗng chốc hóa sợ hãi và trầm uất. Không một thứ gì được hứa hẹn hay bảo chứng trước quy ước của luật sát na. Nhưng trong từng sát na của đại dịch, ở nhiều khía cạnh cuộc sống, con người bỗng chốc trở nên hòa ái hơn, môi trường tự nhiên có thời gian được an dưỡng chữa lành, kế hoạch sống từ ngột ngạt danh vọng bỗng chốc trở nên từ tốn và tỉnh thức. Ai đó đang tỉnh thức. Thế giới đâu đó đang tỉnh thức. Chúng ta đang tỉnh thức.
Song đây không phải là chủ đề chính tôi muốn nói đến trong bài viết này. Nếu bạn tinh ý sẽ nhận ra, với mỗi phút giây biến động bất lợi trong đời sống, ở bất kỳ tình huống nào, con người cũng đều bị thúc đẩy, phân cực mạnh mẽ về 4 chiều hướng sống. Trong đại địch, 4 chiều hướng này lại càng được thể hiện mạnh mẽ. Tôi tạm gọi chúng là “FDNM”. Bạn hãy nhớ lấy: FDNM. Và bạn nghĩ xem, mình đang ở đâu trong 4 ký tự này?
F là “fear of missing out” (sợ bị bỏ quên), hay viết tắt là FOMO, một thuật ngữ được biết đến từ nhà đầu tư mạo hiểm Patrick J McGinnis. Công nghệ internet tham vọng chạy đua trong từng sát na để hòng thay đổi văn minh nhân loại. Thế giới nhanh chóng phẳng hơn và chiến lược “nhân loại kết nối” tỏ ra hiệu quả, đặc biệt trong những giai đoạn chiến tranh, dịch giã. Mạng xã hội, sản phẩm đáng tự hào của thế giới phẳng, lúc này “thần tốc” trong việc truy vết thông tin từ mọi ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu, phản ánh rõ nét mọi khía cạnh của đời sống.
FOMO được biết đến sớm trong lĩnh vực tài chính, chỉ khuynh hướng bất an của các nhà đầu tư Bitcoin khi chứng kiến các xu thế đầu tư đám đông và sợ hãi mình có thể bị lỡ mất một quyết định mua bán hay ho nào đó. FOMO cũng được so sánh với “hiệu ứng bầy cừu” trên mạng xã hội, trong cách suy nghĩ, hành động, lối sống của người tham gia. Từ FOMO, hàng triệu triệu xu thế được tạo ra trong từng sát na, xâm lấn trực tiếp vào tâm khảm bình an của chúng ta.
Bạn có thể phải thường xuyên “trực tuyến”, có thể chỉ trừ giờ ngủ, để xem mình có bỏ lỡ một thứ gì được cộng đồng quan tâm hay không, hoặc đã có được thứ gì mà người khác đã sở hữu nhưng mình thì chưa? Tôi tin là thế giới có hơn 7,8 tỉ người, với hơn 5,2 tỉ người dùng điện thoại di động, hơn 4,6 tỉ người sử dụng internet và 4,2 tỉ người dùng mạng xã hội thì nỗi ám ảnh FOMO thường trực trong tâm trí mỗi chúng ta sẽ không còn là chuyện bất bình thường.
Trong đại dịch, FOMO trở nên mạnh mẽ khi dẫn dắt “thế giới số” sáng đèn trong cùng một chủ đề COVID-19, nhưng phân lập trong nhiều dòng tư tưởng khác nhau, thậm chí đối lập nhau trong cách nhìn về đại dịch, xu hướng phòng chống dịch và cả các quan niệm sống trong đỉnh điểm khó khăn. FOMO lập tức lôi kéo những “người ở ẩn” suốt nhiều năm trên mạng xã hội bỗng chốc lên tiếng. FOMO khiến người nói ít trở nên nói nhiều. FOMO xác lập mạnh mẽ các hệ tư tưởng sống, đồng thời phanh phui trần trụi cá tính ẩn khuất của bất kỳ một ai. FOMO có thể làm chúng ta phải “wow” trong một lực hút “thần thánh” nào đó, về con người, hoặc hành động được thể hiện trên mạng xã hội.
Phun khử khuẩn tại TP.HCM trong cuộc chiến chống virus chưa từng có. Ảnh: Quý Hoà |
Đặc biệt hơn, xu hướng FOMO nhanh chóng bóc tách và phơi bày cái gọi là “cá tính mạng” với các nhóm định hình như sau: nhóm rao giảng đạo đức hoặc ngụy đạo đức, nhóm phản biện xã hội đa cấp độ, nhóm ái kỷ hoặc đa cảm, nhóm trục lợi kinh thương, nhóm lãnh đạo tinh thần và tâm thức, nhóm “quan sát” (quan sát các nội dung, trào lưu trên mạng xã hội nhưng không thể hiện động thái rõ ràng). Tôi không thể nhẩm tính nổi chúng ta mất bao nhiêu sát na cho mạng xã hội, nhưng với báo cáo của Hootsuite cho rằng người Việt “cào phím” đến tận 2 giờ 21 phút trên các mạng ảo, cao hơn hẳn thời gian cho đọc báo, nghe nhạc, podcast hay chơi game thì tôi tin chắc xu hướng FOMO ngày càng cắm rễ sâu trong đời sống tinh thần của chúng ta.
Bạn có thể tự suy nghĩ theo quan điểm của bạn, nhưng vài giây sau đó, bạn có thể được thuyết phục bởi một dòng tư tưởng vãng lai nào đó, và như vậy, bạn đã vô tình hay chủ ý bị cuốn vào dòng chảy FOMO. Nhìn từ đại dịch, các nhà cầm quyền nhiều nước trên thế giới đôi khi gặp khó khăn hoặc bất lực trong việc truyền thông giá trị lợi ích cho cộng đồng do phải đối mặt với các “thủ lĩnh” dẫn dắt FOMO mang tư duy đối lập tồn tại trên xã hội, chẳng hạn như câu chuyện “cuộc chiến vaccine”. Các nhóm thủ lĩnh dẫn dắt FOMO tạo nên thứ quyền lực “phép vua thua lệ làng”, kích thích các quyết định tự do không theo trật tự hoặc khuôn tắc xã hội của từng đám đông.
Mạng xã hội thế giới đang thực sự loạn đảo vì hàng tỉ dòng trạng thái đa chiều, lợi hại đan xen về đại dịch. Trong khi một phần lớn nội dung trên mạng xã hội thúc đẩy nhiều hành động FOMO tích cực, hướng đến lợi ích chung thì chúng ta có thể vẫn đã từng, đang và sẽ là nạn nhân của các “cạm bẫy” FOMO nghịch chiều. Điều này càng trở nên chắc chắn khi tỉ lệ gia tăng các tài khoản internet toàn cầu càng lúc càng cao. Trong đại dịch, hãy nghĩ lại xem, bạn đã lên mạng bao nhiêu thời gian một ngày? Bạn có viết nhiều dòng trạng thái hơn không? Và bạn có đang mắc kẹt với một dòng tư tưởng dẫn dắt nào đó hay chưa? Bạn sẽ ở đâu trong hơn 2,7 tỉ người đang sử dụng Facebook; 2,2 tỉ người đang sử dụng YouTube; 1,3 tỉ người đang sử dụng Facebook Messenger; 1,2 tỉ người đang sử dụng Instagram và hàng trăm triệu người đang kết nối với các nền tảng TikTok, Snapchat, Twitter...
D là “depression” (trầm cảm). Trong khi FOMO trỗi dậy như một cơn bão mạng hướng ngoại, thì trong từng sát na, đại dịch đang gieo rắc nỗi sợ hãi, gặm nhấm chất lượng sống và thần kinh lực của con người. Xu hướng FOMO cũng góp phần phơi bày và làm trầm trọng hóa xu hướng trầm cảm hướng nội. Những hình ảnh cờ trắng đầu hàng số phận trong các khu ổ chuột trên cao ở Indonesia, hình ảnh nghĩa trang tang thương mọc lên như nấm chỉ trong một thời gian ngắn ở Malaysia, những ụ hỏa táng nối tiếp nhau đầy xứ Ấn Độ, những thông tin chết chóc, đói rách hằng ngày trên khắp các đại lục vì dịch bệnh, được các nhóm FOMO “mớm” lên mạng xã hội, đã góp phần cộng hưởng cảm xúc của con người đến tiệm cận ngõ cụt.
Dĩ nhiên, điều này không hoàn toàn tiêu cực nếu mục đích của nó là vận động nhân đạo cho các mục tiêu giải cứu thế giới tốt đẹp (trừ hiện tượng “giả trân tình thương” (poverty porn), hoặc để cảnh báo hậu họa những thảm cảnh tương tự. Nhưng vấn đề là liều lượng của chúng nên ở mức độ nào? Và cách thể hiện chúng ra sao?
Trước đại dịch, một thống kê cho thấy cứ 40 giây lại có một người tự vẫn vì công việc, tình yêu, hôn nhân, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, bằng các cách treo cổ, dùng súng hoặc sử dụng thuốc trừ sâu, đến nỗi nhiều quốc gia đã phải cấm sử dụng một số loại thuốc trừ sâu, hoặc kiểm soát việc mua bán. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng từng thống kê có khoảng 800.000 người tử vong mỗi năm, hơn cả số lượng chết vì chiến tranh, bạo lực, ung thư vú và bệnh sốt rét. Trong tâm chấn COVID-19, năm 2020, Nhật, quốc gia được biết đến với thảm họa tự vẫn, tiếp tục gia tăng nhanh chóng số lượng người trầm cảm và tự vẫn. Tỉ lệ tự tử ở nữ giới tăng gần 15%, trở thành thách thức dai dẳng ở đất nước mặt trời mọc suốt một thập kỷ trở lại đây.
Điều này chắc chắn không chỉ xảy ra với Nhật, khi thế giới đang phải tự ép mình vào cuộc sống ly khai COVID-19. Các rào chắn cách ly, giãn cách xã hội, phong tỏa đô thị, tình trạng thất nghiệp, căng thẳng gia đình, lạm dụng tình dục, nghiện ngập, nỗi lo bệnh tật, kế hoạch tương lai, an ninh xã hội đang làm gia tăng mạnh mẽ xu hướng trầm cảm, trong ngắn hạn sẽ dẫn đến những kết cục bi thương, trong dài hạn có thể hình thành những rạn nứt khó hàn gắn về tinh thần, hình thành thói quen lưu trú, khép mình trong cuộc sống nhiều bi lụy. Thách thức chữa lành tâm thần kinh hậu đại dịch sẽ là gánh nặng cho nhân loại, đặc biệt với những quốc gia sử dụng những biện pháp phong tỏa cơ học và lâu dài, mà thiếu những biện pháp hỗ trợ nhân đạo.
N là “Nostalgia” (hoài niệm, hoài cổ). Khác với xu hướng sống trầm mặc, bi lụy, xu hướng “hoài niệm” đang hiện diện trong những thời khắc khó khăn nhất của dịch bệnh. Xu hướng hoài niệm vốn dĩ đã có từ lâu trong nghệ thuật, kiến trúc, kinh doanh và đâu đó từng được xem là liều thuốc an thần cho những người ưu thời mẫn thế, muốn thoát ly hiện trạng đau buồn, dù rằng khởi thủy của “nostalgia” đề cập đến bệnh lý của các binh sĩ chiến đấu xa nhà, vì nhớ nhà mà trầm uất và đột quỵ.
Xu hướng hoài niệm trong cuộc sống hiện đại hướng đến việc kêu gọi rũ bỏ danh vọng, vật chất, thực tế đau thương để tìm về, hoặc sống với những giá trị tốt đẹp của quá khứ. Bạn có thể tìm thấy nhiều chủ nhân những ngôi nhà cổ ở Nhật ưa chuộng sưu tập đồ cổ và hoan hỉ sống với chúng, nghĩa là sống với cuộc sống tươi đẹp của tuổi thanh xuân. Bạn cũng có thể bắt gặp nhiều người thành đạt bỏ phố lên rừng, lên núi, như một cách quay về với cuộc sống của “người tối cổ” (từ lóng trên mạng xã hội chỉ những người không theo kịp xu hướng, hoặc không quan tâm đến những câu chuyện thời cuộc).
Trên mạng xã hội, những người theo xu hướng sống hoài niệm thường tự hào kể về những chiến công trong quá khứ, hoặc cách họ đã vượt qua những khó khăn như thế nào, hoặc chia sẻ những thứ sưu tập được, hoặc đắm chìm trong những lề thói đạo đức cũ. Họ ít chấp nhận những giá trị mới, thậm chí là chỉ trích và có khuynh hướng thể hiện sự lạc lõng trong các trào lưu FOMO hiện đại. Một số còn tin rằng, quá khứ vô cùng tốt đẹp và hiện tại không đáng sống.
Trong đại dịch, một lần nữa, khuynh hướng hoài niệm trở nên mạnh mẽ trong cả 2 mặt tích cực lẫn tiêu cực. Ở mặt tích cực, hành động hoài niệm, hoài cổ giúp pha loãng thực tế đau buồn. Bạn sẽ không khó để thấy các dòng trạng thái mang nặng dấu ấn quá khứ hiện diện đầy rẫy trên mạng xã hội. Chúng đề cập đến những ký ức vàng son, về tình cảm gia đình, về những ngày xưa thân ái, về cả những giá trị vật chất của quá khứ mà trước đây chưa từng được kể đến. Nhưng bạn cũng có thể thấy sự hoài niệm cực đoan ở khắp các ngóc ngách đời sống hoặc trên mạng xã hội đang thao túng sức chiến đấu của con người ở hiện tại.
Đó là hiện tượng “lội ngược dòng”, chống trả với những nguyên tắc đạo đức mới, lối tư duy mới, thậm chí là với cả những chuẩn tắc pháp luật mới, cũng như kế hoạch hành động mới trong các nền văn minh. Thực tế là cả nhân loại đang phải gồng mình chống lại thứ virus siêu tinh vi và trào lưu tư duy hoài niệm cố hữu có thể khiến mối dây ràng buộc với thời cuộc của những ai theo trào lưu này trở nên mong manh hơn, thậm chí có thể dẫn con người sang xu hướng trầm cảm.
M là “mindfulness” (chánh niệm). Tôi không muốn bạn nghĩ xu hướng sống này mang nặng tư tưởng tôn giáo như tên gọi của nó. Trong đại dịch, xu hướng sống tỉnh thức tạo nên một dòng chảy năng lượng tích cực để trung hòa sự ồn ào của “FOMO”, sự bi thương của “depression” và sự thoát tục của “nostalgia”. Chánh niệm, bạn chỉ cần hiểu đơn giản là “tỉnh thức và nhận thấy sự hiện diện của mình ở hiện tại” và “ý thức sự sống trong từng hơi thở”. Đơn giản là vậy! Tôi không theo một tôn giáo nào, hay thực hành một tông phái nào.
Chánh niệm trở nên cần thiết hơn để con người tìm lại hạnh phúc trong cuộc sống gấp gáp. |
Tôi chủ trương thực tập chánh niệm và mong cầu sự hiểu biết về vẻ đẹp nhân văn của các tôn giáo và tông phái. Nếu bạn quan sát sẽ thấy rằng trong gần một thập kỷ qua, tại Việt Nam, nhận biết về chánh niệm và sống chánh niệm được quan tâm hẳn, nếu không muốn nói là bắt đầu hình thành một trào lưu. Nó được ủng hộ mạnh mẽ bởi các trí thức trở về từ phương Tây và một phần trong số đó bắt đầu thiết lập những nền tảng giáo dục và thực hành chánh niệm tại Việt Nam.
Chánh niệm để đạt đến hạnh phúc tự thân, để “quan sát và đón nhận hiện tại” theo cách nó phải là, ngay cả trong những thời khắc khó khăn nhất. Chánh niệm cá nhân trở nên cần thiết hơn hết để duy trì tình trạng hạnh phúc cho con người hậu đại dịch. Ngài Tshering Tobgay, cựu Thủ tướng Bhutan, quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, trong lần đến Việt Nam và tham gia vào một hội thảo của Tạp chí NCĐT đã so sánh chỉ số GDP và GNH. Theo đó, Bhutan đã quyết định loại bỏ chỉ số Tổng Sản phẩm Nội địa (Gross Domestic Product - GDP) để thay bằng Tổng Hạnh phúc Quốc dân (Gross National Happiness - GNH), xem trọng việc mang đến chất lượng sống tinh thần, văn hóa, thể chất, môi trường là mục tiêu chính yếu. Con người Bhutan chánh niệm sâu sắc được đời sống, hơi thở và cái chết.
Có thể thấy, không ít người nổi tiếng, doanh nhân, chính khách bắt đầu hiểu biết chánh niệm hay hành thiền để cân bằng cuộc sống. Quan điểm cá nhân tôi thì chánh niệm hay thiền không hẳn chỉ mang lại cuộc sống cân bằng mà là nhận biết và sống thuận theo cái nó vốn là. Trong đại dịch, xu hướng chánh niệm có “đất dụng võ”, khi ở đời sống thực, hay trên mạng toàn cầu, thường xuyên đề cập đến những hệ quả hữu ích của sống chánh niệm và thực hành thiền định.
Khi bạn không thể tìm được giải pháp từ ngoại cảnh, hãy hướng nó vào bên trong. Thực tế, nhiều cá nhân hay tổ chức hỗ trợ sống chánh niệm đang hiện diện trên các mạng xã hội để sẵn sàng gợi mở một nơi an trú tinh thần, dĩ nhiên không bao gồm những phạm trù tâm linh huyễn hoặc, kỳ bí và phi lợi ích thực tiễn. Đại dịch - trận chiến lớn không tiếng súng - dường như không chỉ cần vũ khí là vaccine, kim tiêm, ống bơm và các “vũ khí” y khoa, mà hơn hết, nó cần một tinh thần nội sinh vững chãi..