FDI hưởng lợi gì từ cuộc chiến thương mại?
Sau thời gian đắn đo, mới đây, Tập đoàn GoerTek, chuyên lắp ráp các sản phẩm tai nghe AirPods cho Apple, đã gửi thông báo yêu cầu tất cả các nhà cung ứng vận chuyển nguyên vật liệu sản xuất tới cơ sở của Hãng tại Việt Nam. Bên cạnh tận dụng cơ hội từ chi phí sản xuất hấp dẫn, động thái của GoerTek còn nhằm để tránh được nguy cơ lớn mà cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mang đến.
Nhưng không chỉ có GoerTek, hai hãng công nghệ khác là Pegatron và Cheng Uei Precision Industry cũng nghiên cứu các cứ điểm mới có nhiều tiềm năng như Việt Nam để thay thế cho các dây chuyển sản xuất hiện có tại Trung Quốc.
Hãng điện tử Sharp (mới bị thâu tóm bởi Foxconn) cũng vừa công bố kế hoạch đầu tư 2 tỉ USD vào Bình Dương như bước đi đầu tiên trong chiến lược bành trướng ở Đông Nam Á. Nguy cơ xung đột Mỹ - Trung xem ra đang mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam để mở rộng tiềm năng lâu nay được nhắc đến là trở thành một “công xưởng” mới của thế giới.
35,88 tỉ USD là tổng vốn mà các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký rót vào Việt Nam trong năm 2017. Mười tháng đầu năm nay, con số này tiếp tục ấn tượng với giá trị 27,9 tỉ USD. Với nhiều tiềm năng sẵn có, cộng với chất xúc tác từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam dường như đang trên đà trở thành một mô hình kinh tế Trung Quốc thu nhỏ của khu vực Đông Nam Á.
Nhiều nhận định cho rằng Việt Nam còn có thể đón nhận một làn sóng đầu tư nước ngoài mới, tương tự như hồi năm 2015 với kỳ vọng vào TPP hay CPTPP. Đặc biệt, xu hướng này được cộng hưởng khi Việt Nam có thể giành thêm thị phần từ Trung Quốc tại thị trường Mỹ cũng như thu hút thêm vốn FDI vào các ngành hàng xuất khẩu.
Nhưng khác với quá khứ khi sóng đầu tư thường tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, làn sóng đầu tư hiện nay diễn ra trên bình diện rộng hơn, từ nông nghiệp, sản xuất đến ngay cả những lĩnh vực thời thượng như dịch vụ, bất động sản, bán lẻ, tài chính - ngân hàng, du lịch hay công nghệ cao.
Quyết đoán và nhanh nhạy nhất là các nhà đầu tư Hàn Quốc. Sau thành công của Samsung, hàng loạt các thương vụ đầu tư lớn đã được các nhà đầu tư nước này thực hiện, đặc biệt thông qua con đường M&A.
Điển nhìn như mới đây, Tập đoàn SK Group đã thâu tóm 9,5% cổ phần của Masan Group có giá trị lên tới 470 triệu USD.
Tập đoàn CJ thâu tóm Cầu Tre, các công ty con của Gemadept. Đặc biệt ở mảng tài chính, Ngân hàng KEB Hana Bank đang hoàn tất các bước cuối cùng để trở thành cổ đông chiến lược tại Ngân hàng BIDV. Nếu căn cứ vào thị giá của BIDV hiện nay, số tiền mà nhà đầu tư này dự kiến phải bỏ ra để sở hữu 15% cổ phần của BIDV sẽ không ít hơn 700 triệu USD, tức sẽ trở thành một trong những thương vụ M&A lớn nhất trong năm nay.
Đối thủ hàng đầu của người Hàn là Nhật cũng không chịu kém cạnh. Tính đến tháng 10.2018, Nhật là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký mới 5,8 tỉ USD. Các thương vụ đầu tư gây chú ý nhất là cú bắt tay của Tập đoàn Sumitomo với BRG Group trong dự án xây dựng thành phố thông minh 4,2 tỉ USD ở Hà Nội, Nomura Real Estate thâu tóm 24% cổ phần trong tòa cao ốc văn phòng Sun Wah Tower có vị trí đắc địa tại trung tâm TP.HCM.
Đó còn là việc Tokyu hợp tác đầu tư với Tập đoàn Hưng Thịnh, các tập đoàn Hankyu, Nishi Nippon Railroad hợp lực cùng với Nam Long và Phúc Khang để phát triển các dự án bất động sản nhà ở. “Việt Nam chuẩn bị bước vào giai đoạn hiện đại nhanh, giống như Nhật cách đây 50 năm”, ông Keiji Kimura, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật phát triển đô thị sinh thái ở nước ngoài (J-CODE), nhận định.
Nhật cũng để mắt tới các khoản nợ xấu tiềm năng tại Việt Nam. Tháng 8 mới đây, Tập đoàn Samurai Power đã rót 31 triệu USD để đầu tư vốn cổ phần trong IDS Equity Holdings - đơn vị chuyên tái cấu trúc các tài sản xấu để kiếm lãi. Đích nhắm sắp tới của Samurai Power là khoản nợ xấu trị giá 10 tỉ USD đang nắm giữ bởi VAMC và các ngân hàng.
Một khảo sát gần đây của Tổ chức Ngoại thương Nhật với hơn 4.600 doanh nhân Nhật đầu tư vào 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 652 người hoạt động tại Việt Nam, cho thấy 70% người được hỏi cho biết họ sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam và tiếp tục xem xét một quốc gia quan trọng để làm điểm đến đầu tư. Cùng tỉ lệ này chỉ có 48% cho Trung Quốc. Khoảng 65,1% người được hỏi cho biết họ đang có lợi nhuận ở Việt Nam.
Với nhiều điểm tương đồng với nền kinh tế Trung Quốc, các nhà đầu tư đang tin rằng Việt Nam sẽ lặp lại câu chuyện phát triển thần kỳ của Trung Quốc. “Sở hữu lực lượng lao động có kỹ năng, vị trí địa lý tiệm cận Trung Quốc, cùng một loạt các hiệp định thương mại như với EU và Hàn Quốc, Việt Nam là địa điểm lý tưởng để các nhà đầu tư tận dụng cơ hội từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung”, ông Chan Yoke Ping, Giám đốc Phụ trách thị trường Việt Nam của Tập đoàn logistics YCH (Singapore), nhận định.
Đúng như dự đoán của ông Chan, nhiều doanh nghiệp lớn nhất Singapore đang để mắt tới Việt Nam. Các nhà phát triển bất động sản lớn nhất quốc đảo là Keppel Land, CapitaLand hiện diện ngày càng sâu rộng tại các đô thị lớn của Việt Nam với hàng chục dự án có tổng quy mô hàng tỉ USD. Jardine Cycle & Carriage thâu tóm 10,62% cổ phần trong Vinamilk hay gần đây, quỹ đầu tư GIC khiến nhiều người choáng váng khi đầu tư 1,3 tỉ USD dưới dạng cổ phần và công cụ nợ vào thương hiệu phát triển nhà ở lớn nhất Việt Nam hiện nay: Vinhomes.
Làn sóng đầu tư hiện nay diễn ra trên bình diện rộng hơn, từ nông nghiệp, sản xuất cho đến dịch vụ, bất động sản... Ảnh: Quý Hòa
Nắm bắt cơ hội, quỹ đầu tư tư nhân Warburg Pincus đã kết hợp cùng Tổng Công ty Becamex thành lập một liên doanh với số vốn đầu tư hơn 200 triệu USD, hướng tới phát triển chuỗi cung ứng logistics và khu công nghiệp, phục vụ cho làn sóng đầu tư đang bùng nổ ở thị trường 92 triệu dân. “Ngày càng nhiều các doanh nghiệp thành lập bộ máy hoạt động tại Việt Nam, mang đến nhu cầu cao hơn về không gian sống và làm việc đẳng cấp, có chất lượng cao.
Việt Nam đang trong giai đoạn đô thị hóa nên có nhiều cơ hội mở ra trong việc cung cấp các giải pháp về phát triển đô thị và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng”, ông Chen Lian Pang, CEO CapitaLand Việt Nam, nhận định.
Theo Công ty Nghiên cứu Wealth-X, Việt Nam đang nằm trong top 3 quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới về số lượng người siêu giàu với tốc độ tăng 12,7%/năm. Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng cao có thể sẽ khuyến khích thêm nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới đổ xô đến Việt Nam. Nếu không có gì bất ngờ, tăng trưởng kinh tế năm 2018 sẽ vượt qua kế hoạch năm 6,7%, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất khu vực Đông Nam Á.
Cuộc chiến tranh thương mại phát ra sẽ thúc đẩy chính sách đầu tư “Trung Quốc + 1” mà nhiều nhà đầu tư đang ở Trung Quốc thực hiện thời gian qua, đặc biệt với ngành công nghiệp thâm dụng lao động. Chắc chắn, các nước hưởng lợi từ chuyển dịch dòng vốn FDI này sẽ có Việt Nam. Việt Nam có thể trở thành sự lựa chọn của nhiều nhà đầu tư hơn khi các nhà sản xuất tiếp tục cơ cấu lại chuỗi cung ứng của họ để giảm tác động từ thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc.
Điều kiện hiện nay có lẽ sẽ khiến nhiều người hồi tưởng về câu chuyện “hưng phấn” của năm 2007, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hàng tỉ USD được giới đầu tư rót vào nền kinh tế khi đó, nhưng do năng lực hấp thụ còn hạn chế, dòng vốn này đã tạo nên bong bóng tài sản không có lối thoát ngay sau đó.
Nhưng cũng có quan điểm cho rằng thực lực hiện tại của Việt Nam đã hoàn toàn khác biệt. Đáng kể nhất là trụ cột ngân hàng ngày càng vững chãi khi tỉ lệ nợ xấu toàn hệ thống rơi xuống 6,7% so với mức 10,08% cách đây 2 năm. 12 ngân hàng lớn nhất hệ thống mới đây đã được hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s đã nâng xếp hạng tín nhiệm cơ sở (BCA), đi kèm với đó là lợi nhuận tăng vọt.
Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng có thể đạt ấn tượng tới 41,5% trong năm 2018. “Một số ngân hàng vẫn có thể duy trì được mức tăng trưởng cao đặc biệt khi bài toán tăng vốn được giải quyết”, báo cáo SSI nhận định.
Việt Nam cũng là quốc gia đi đầu trong việc giải quyết nút thắt hạ tầng giao thông. Hàng loạt các dự án đường cao tốc, đường vành đai, các tuyến metro tại các vùng kinh tế trọng điểm mang tới một cú hích cho tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và khơi dậy động lực đầu tư cho giới doanh nghiệp.
Nếu như năm 2010, cả nước chỉ mới có 5 sân bay quốc tế thì đến năm 2017, con số này lên đến 9. Nếu như năm 2012, số đường bay trực tiếp quốc tế chỉ dừng lại ở con số 54 thì giờ đã tăng hơn gấp đôi. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng đầu năm tiếp tục tăng ấn tượng 22,4%, đạt 12,8 triệu lượt, đưa ngành du lịch trở thành một trong những trọng điểm đầu tư mới và thu hút ngày càng nhiều thương hiệu quản lý khách sạn nổi tiếng thế giới đổ bộ.
Tất nhiên, vẫn còn đó một số rào cản cho giấc mơ “công xưởng sản xuất” trở thành hiện thực. Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên, thuộc Viện Kinh tế Việt Nam, vẫn còn đó nhiều thủ tục và trói buộc cộng đồng doanh nghiệp. Chất lượng quản trị Nhà nước chưa theo kịp với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hay lực lượng doanh nghiệp nội địa đa phần vẫn còn manh mún và yếu ớt. “Đó còn là nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường và có thể trở thành sân sau, tiếp tay cho hàng Trung Quốc tránh thuế nhập khẩu vào Mỹ”, Tiến sĩ Trần Đình Thiên cảnh báo.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SSI, cho rằng, Việt Nam đang có chút cơ hội trước mắt khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xảy ra. Tuy nhiên, quy mô sản xuất của Việt Nam hiện nay là quá nhỏ, do đó sẽ không tận dụng được nhiều. Vì vậy, nếu Việt Nam vẫn tiếp tục kêu gọi FDI bằng các chính sách ưu đãi và theo đuổi tăng trưởng kinh tế bằng gia công hàng xuất khẩu thì lợi ích sẽ là ngắn hạn. Bởi lẽ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện nay đã là 200% GDP.
Theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên, để tận dụng được cơ hội từ làn sóng đầu tư mới, Việt Nam phải mạnh dạn cải cách thể chế, chọn cơ chế thị trường là lựa chọn duy nhất. Trong đó có thể tập trung phát triển 3 tam giác chính là công nghệ thông tin - kinh tế số, du lịch và ngành nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.
Nhìn chung, bên cạnh những thách thức lớn còn tồn đọng nhưng với bài học xương máu đã trải qua, cộng với năng lực hiện có, Việt Nam được đánh giá sẽ tận dụng được cơ hội lịch sử hiện nay để chuyển mình khi ngày càng nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới có mặt, tạo dựng một vị thế mới trên vũ đài kinh tế thế giới.