Trụ sở Foxccon tại Đài Loan. Ảnh: TL

 
Nguyễn Sơn Chủ Nhật | 05/02/2023 10:00

Đua theo “hổ châu Á”

Việt Nam có thể học tập mô hình của Đài Loan, trong đó thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ có năng lực dưới sự hỗ trợ của chính phủ.

Quy mô GDP tính theo sức mua tương đương của Việt Nam vượt qua mốc ngàn tỉ USD là điều đáng mừng song với một nền kinh tế phụ thuộc FDI, thâm dụng lao động giá rẻ thì phía trước còn nhiều thách thức. Biến chuyển nhanh chóng của thời cuộc buộc Việt Nam phải giải quyết các thách thức này bằng việc tìm kiếm và áp dụng một mô hình kinh tế mới theo hướng bền vững hơn trong những thập kỷ tiếp theo. Thành công của nền kinh tế Đài Loan đáng để học hỏi.

Mãnh hổ châu Á

Đài Loan là một trong những “nền kinh tế mới công nghiệp hóa” (NIEs) đầu tiên ở Đông Á trong thế kỷ XX. Hòn đảo này liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng 6-8% và trở thành nền kinh tế có thu nhập cao dù xuất phát điểm từ nền kinh tế nông nghiệp. Đài Loan sống sót trong cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1999 nhờ dự trữ ngoại hối dồi dào và nợ nước ngoài thấp. Trong khủng hoảng toàn cầu năm 2008, hòn đảo ngay lập tức hồi phục với GDP lần lượt tăng 11% năm 2010 và 5% trong năm 2011. Điều gì đã tạo nên sức mạnh và sự ổn định của kinh tế Đài Loan?

Để trả lời câu hỏi này, phải quay về thời điểm nửa thế kỷ XX. Theo Giáo sư Lawrence J. Lau, thuộc Đại học Stanford, một trong những lý do giúp Đài Loan phát triển ổn định chính là nhờ một chính phủ khôn ngoan, nhạy bén. Hàng loạt chính sách đúng đắn sớm được triển khai từ thập kỷ 1950 trở thành bệ phóng để hòn đảo phát triển rực rỡ sau này. Điển hình là chính sách cải cách đất đai, giúp nâng cao năng suất nông nghiệp, thúc đẩy phân phối thu nhập hiệu quả hơn và giải phóng nguồn lực tiết kiệm để đầu tư vào công nghiệp có giá trị cao hơn.

 

Chính quyền Đài Loan còn kiên định chính sách ổn định kinh tế vĩ mô để đạt được sự cân bằng trong thanh toán và thúc đẩy tiết kiệm trong nước. Nhờ đó, Đài Loan không rơi vào vết xe đổ giống như “Thập kỷ mất mát” của Nhật hay bong bóng bất động sản ở Hồng Kông.

Là nền kinh tế nghèo về tài nguyên, Đài Loan tiến hành bước đi khôn ngoan khi ưu tiên thúc đẩy lĩnh vực công nghệ cao. Kết quả là ngày nay, hòn đảo này đang nằm trong Top các nền kinh tế dẫn đầu thế giới về lĩnh vực bán dẫn - một công nghệ then chốt để điều khiển smartphone, vi tính, ô tô, máy bay, tên lửa và nhiều loại máy móc phức tạp khác.

Lấy xuất khẩu ra thế giới là trụ cột trong chiến lược phát triển. Khởi đầu từ một cơ sở xuất khẩu hạn hẹp chủ yếu chỉ là chuối và đường, Đài Loan dần thâm nhập sâu rộng vào thị trường thế giới với nhiều sản phẩm danh tiếng, như hàng dệt may, giày dép, thiết bị gia dụng, tivi, bảng mạch in và xe đạp.

Sự đồng hành hỗ trợ của chính phủ và nỗ lực vận động của bản thân các doanh nghiệp đã mang lại trái ngọt. Ngày nay, Đài Loan sở hữu nhiều tên tuổi lớn dẫn đầu thế giới. Ví dụ, TSMC được xem là ông hoàng ngành bán dẫn. Foxconn là ông trùm chế tạo smartphone. China Steel nằm trong Top đầu ngành thép. Đài Loan còn có nhiều công ty nổi tiếng về công nghệ 3D, robot, cơ khí chính xác, trí tuệ nhân tạo đi cùng hệ sinh thái phụ trợ sống động.

  Foxconn của Đài Loan trở thành nhà sản xuất điện tử theo đơn đặt hàng lớn nhất thế giới.
Foxconn của Đài Loan trở thành nhà sản xuất điện tử theo đơn đặt hàng lớn nhất thế giới.

Hiện 80% thị phần toàn cầu của máy tính xách tay và bo mạch chủ, 60% thiết bị mạng của thế giới được sản xuất bởi Đài Loan. Các thương hiệu xe đạp như Giant và Merida nổi tiếng khắp thế giới và Đài Loan là nhà xuất khẩu máy công cụ lớn thứ 5 với tỉ lệ hiệu suất chi phí cao. Các doanh nghiệp Đài Loan là nhà sản xuất cho các thương hiệu như Adidas, Nike, Lululemon và Under Armour. Hay trà sữa trân châu của Đài Loan cũng nổi tiếng khắp thế giới.

Chìa khóa mở ra cơ hội tăng trưởng cho Đài Loan chính là khu vực kinh tế tư nhân được coi trọng, được xem là trụ cột của kinh tế thay vì khu vực công. Bài học này được Hàn Quốc học tập ứng dụng vào đề án cải cách sâu rộng kinh tế những năm 1960 khi khu vực tư nhân được phép trở thành đầu tàu dẫn dắt tiến trình công nghiệp hóa. “Đầu tư vào vốn vô hình, gồm vốn con người và R&D, có thể giúp duy trì tăng trưởng kinh tế sau khi tích lũy đủ tài sản hữu hình”, Giáo sư Lawrence J. Lau đúc rút kinh nghiệm từ trường hợp của Đài Loan.

Chưa dừng lại, các năm gần đây, Đài Loan còn nỗ lực chuyển đổi kinh tế từ công nghiệp sang nền kinh tế dịch vụ, ưu tiên thúc đẩy những hoạt động có giá trị gia tăng cao, sức sáng tạo và kinh tế tri thức để bù đắp thách thức do lực lượng lao động dần thu hẹp.

Trong quá trình tiến lên chuỗi cung ứng, các công ty Đài Loan dần gia tăng thuê ngoài đối với những hoạt động có giá trị gia tăng thấp, đồng thời duy trì khoản đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu. Nhờ đó, họ vẫn duy trì vị thế vững chắc trong cuộc cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt. Ví dụ ở ngành điện tử, vai trò của Đài Loan đã dần dịch chuyển từ mô hình OEM/ODM sang EMS (dịch vụ thiết kế, sản xuất điện tử).

Năm 2011, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá Đài Loan chính thức bước vào giai đoạn tăng trưởng dựa trên sáng tạo (innovation-driven state). Năm 2020, khu vực dịch vụ chiếm hơn 60% GDP của Đài Loan, công nghiệp chiếm khoảng 36%, trong khi nông nghiệp chiếm chưa đến 2%.

Tinh thần học hỏi, chuyển giao công nghệ cũng như phát triển R&D bản địa đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của Đài Loan. Theo các chuyên gia, lợi thế cạnh tranh của Đài Loan cơ bản nằm ở tỉ lệ tiết kiệm cao, chính sách giáo dục hợp lý và có tầm nhìn xa, định hướng xuất khẩu. Đó còn là một cơ cấu công nghiệp chủ yếu bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và một chính phủ tích cực thúc đẩy giáo dục và thực hiện các khoản đầu tư dài hạn, rủi ro cao.

Duy trì lợi thế cạnh tranh ở mảng công nghệ, Đài Loan đang ấp ủ giấc mơ xây dựng một “Thung lũng Silicon châu Á”, với kế hoạch phát triển nhiều công viên khoa học, khu vực và những thành phố thông minh. Đài Loan đã bắt đầu một chính sách phát triển cơ sở hạ tầng hướng tới tương lai với giá trị khoảng 15 tỉ USD, trong đó đầu tư vào một loạt ngành công nghiệp như phát triển đường sắt, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, môi trường nước, an toàn thực phẩm, năng lượng xanh, phát triển đô thị - nông thôn, nuôi dưỡng tài năng và việc làm.

Hình mẫu Nhật & mô hình Đông Á

Câu chuyện trỗi dậy của Đài Loan không thể không nhắc tới tầm ảnh hưởng của “yếu tố Nhật”. Điều này không gây ngạc nhiên vì Đài Loan từng bị người Nhật cai trị (1895-1945), đồng thời để lại một số di sản về phát triển kinh tế, con người có giá trị.
Người Nhật bắt đầu phát triển công nghiệp ở Đài Loan vào cuối thế kỷ XIX, ngay sau khi chiếm đóng hòn đảo này. Tốc độ công nghiệp hóa thậm chí còn tăng cao hơn trong Thế chiến thứ nhất. Chiến tranh thế giới thứ 2 đã tạo thêm động lực thúc đẩy sản xuất trên đảo, bao gồm cả việc thành lập một số ngành công nghiệp nặng. Tất cả đều góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của đảo. Ý định của Nhật khi đó là biến Đài Loan thành một “thuộc địa kiểu mẫu” với nỗ lực cải thiện nền kinh tế, xây dựng cảng biển, đường sắt, thiết lập một số ngành công nghiệp hiện đại, đầu tư vào hệ thống y tế, giáo dục và du nhập văn hóa Nhật vào hòn đảo.

Triển lãm công nghệ Đài Loan tại VIệt Nam.
Triển lãm công nghệ Đài Loan tại VIệt Nam.

Đến năm 1945, Nhật chấm dứt cai trị Đài Loan trong một hiệp ước ký với khối Đồng minh. Nhưng hòn đảo đã tận dụng triệt để cơ sở hạ tầng mà người Nhật để lại để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế sau này. Thực tế, lĩnh vực sản xuất của Đài Loan thực sự bùng nổ từ cuối những năm 1950, với tốc độ tăng trưởng khoảng 12%/năm. Sản xuất thậm chí còn phát triển nhanh hơn trong những năm 1960 và 1970 với tốc độ gần như chưa từng có trong lịch sử thế giới.

Đài Loan (cùng với Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc) đã nỗ lực học theo con đường phát triển của Nhật. Điển hình là giai đoạn đầu, Đài Loan khởi xướng chiến lược xuất khẩu giá rẻ từng mang lại thành công rực rỡ cho Nhật vào những năm 1950. Giống như Nhật, Đài Loan cũng bắt đầu bằng ngành dệt may. Lý do là ngành này đòi hỏi ít vốn đầu tư nhưng cần một số lượng lớn công nhân có tay nghề thấp sẵn sàng làm việc nhiều giờ để lắp ráp quần áo may sẵn.

Đài Loan và những “con hổ châu Á” khác dần chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu và thay thế Nhật nhờ giá rẻ hơn đối thủ. Hệ quả là Chính phủ Nhật phải từ bỏ ngành dệt may vào năm 1960 và hướng đến các ngành công nghiệp khác cao cấp hơn.

Thập niên 1970 tái hiện câu chuyện cũ khi Đài Loan lại bắt chước con đường dẫn đầu của người Nhật trong lĩnh vực điện tử. Radio, tivi, máy may và xe máy của Đài Loan dần thắng thế các đối thủ Nhật trên thị trường toàn cầu nhờ giá rẻ hơn. Đến những năm 1980, Đài Loan cùng với Hàn Quốc tiếp tục lấn sân và cạnh tranh trong các ngành công nghệ cao với Nhật với việc sản xuất máy tính và công nghệ sinh học. 

Trà sữa Đài Loan du nhập vào Việt Nam.
Trà sữa Đài Loan du nhập vào Việt Nam.

Bài học nào từ Đài Loan?

Số liệu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố hồi tháng 10/2022 cho thấy thu nhập bình quân đầu người của Đài Loan năm nay lên cao hơn 2 nước hàng đầu Đông Á là Hàn Quốc (33.590 USD, giảm 4% so với năm 2021) và Nhật (34.360 USD, giảm 12% so với năm 2021). Không chỉ là một xã hội giàu có, thu nhập cao, Đài Loan còn có mặt trong danh sách tài sản cá nhân lớn thuộc hàng nhất thế giới (net financial assets per capita) theo một đánh giá của Allianz. Con số tài sản ròng của một người Đài Loan, tính trung bình, là 138.220 euro, cao hơn một chút so với người Singapore (134.150 euro).

Có thể thấy hình mẫu tăng trưởng của Đài Loan là đáng học hỏi cho nhiều nền kinh tế trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, động lực chính thúc đẩy sự thành công của “mô hình Đông Á” đã không còn. Tốc độ tăng trưởng dân số, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng thương mại. Các quốc gia vốn lấy xuất khẩu là động lực tăng trưởng kinh tế sẽ không còn gặt hái được nhiều thành công. Trong khi rất nhiều quốc gia tiếp tục chọn xuất khẩu làm động lực tăng trưởng kinh tế, hậu quả là các quốc gia sẽ cạnh tranh gay gắt hơn.

Hơn 2 thập niên qua, Việt Nam nổi lên là hiện tượng thú vị của châu Á khi duy trì đà tăng trưởng cao liên tục. Dù vậy, theo Giáo sư David Dapice thuộc Đại học Harvard, cỗ máy tăng trưởng cũ đứng trước nguy cơ lạc nhịp. Điển hình là giá trị gia tăng từ xuất khẩu tạo ra bởi khối doanh nghiệp trong nước còn thấp. Năng suất ngành sản xuất trên một đơn vị lao động tăng chậm hơn so với mức trung bình của nền kinh tế trong giai đoạn 2016-2021.

Tỉ trọng đóng góp của khối tư nhân trong GDP chỉ chiếm 10-11%, tức chỉ bằng 1/3 của Thái Lan và thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (60%). Hơn thế nữa, nguồn lao động dồi dào ở nông thôn vốn là nguồn cung ứng lao động chính cho sản xuất và dịch vụ dự kiến sẽ không còn. Nguy cơ này đe dọa kết thúc chu kỳ thu hút FDI dựa trên thế mạnh về lao động dồi dào.

Mới đây, Ngân hàng HSBC nhận định kinh tế Việt Nam có thể gặp nhiều thách thức trong năm 2023, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới các rủi ro của thị trường xuất khẩu. Bằng chứng là xuất khẩu tháng 11 giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước, giảm nhiều hơn so với dự báo của HSBC và thị trường. “Đây là lần đầu tiên trong vòng 2 năm Việt Nam ghi nhận mức sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước trong tăng trưởng xuất khẩu, chủ yếu do tình hình suy giảm ở tất cả các lĩnh vực”, báo cáo của HSBC nhận định.

 

“Giai đoạn nhạy cảm sắp tới có thể là thời khắc quyết định triển vọng dài hạn. Việt Nam có thể phải tìm một mô hình mới để duy trì sự hứng khởi”, Giáo sư David Dapice nhận định. “Việt Nam đang có khoảng thời gian 5-7 năm để điều chỉnh mô hình tăng trưởng”, ông nói thêm.

Cụ thể, nên tiếp tục mở cửa nền kinh tế và mở rộng tiếp cận các không gian tự do thương mại mới. Nền kinh tế cũng cần cải thiện năng suất lao động. “Chiến lược phát triển của Việt Nam có thể học tập mô hình của Đài Loan, trong đó thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ có năng lực dưới sự hỗ trợ của Chính phủ. Việt Nam đồng thời có thể bắt tay với các doanh nghiệp FDI lớn để trở thành nhà cung ứng có tính cạnh tranh”, Giáo sư Dapice chia sẻ.

Hướng đi có thể là hợp lý khi Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với nền tảng công nghệ và sức sáng tạo ở mức khiêm tốn. Mục tiêu trở thành một quốc gia công nghiệp và thịnh vượng không thể diễn ra một sớm một chiều mà cần một giai đoạn chuyển đổi sâu rộng, vừa làm vừa bắt chước hình mẫu đi trước tương tự như câu chuyện của Đài Loan.

Một tín hiệu tích cực là Việt Nam hiện nổi lên là đích đến của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia như Samsung, Apple với mong muốn giảm bớt sự lệ thuộc vào công xưởng Trung Quốc. Theo VinaCapital, FDI hướng tới công nghệ cao sẽ hỗ trợ lĩnh vực sản xuất, đồng thời thúc đẩy sự gia tăng mức độ phức tạp của các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam. Điều này có ý nghĩa rất lớn vì sự gia tăng mức độ phức tạp của các sản phẩm mà một quốc gia có thể sản xuất là yếu tố quan trọng nhất tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế của một quốc gia đang phát triển, theo nghiên cứu mới được công bố của các nhà kinh tế tại Đại học Harvard.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp nội có dấu hiệu bắt đầu chuyển hướng vào các lĩnh vực mới có tiềm năng tạo giá trị gia tăng lớn hơn như công nghệ cao, thay vì tập trung vào khía cạnh gia công cho các tập đoàn đa quốc gia hay khai thác nguồn tài nguyên sẵn có (khoáng sản, đất đai). Điển hình là gần đây VinFast theo đuổi chiến lược xây dựng thương hiệu ô tô của riêng mình. Viettel, FPT thành lập các bộ phận phát triển vi mạch điện tử.

Xuất khẩu xe điện VinFast sang thị trường Mỹ.

Có điểm chung đáng chú ý là trong khi Tập đoàn TSMC công bố đầu tư hàng tỉ USD vào tổ hợp sản xuất chip tại Mỹ, thì VinFast - một thương hiệu ô tô non trẻ đến từ Việt Nam cũng theo đuổi dự án 4 tỉ USD nhà máy chế tạo ô tô điện tại ở Bắc Carolina để phục vụ khách hàng Mỹ. VinFast còn có kế hoạch IPO và niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq nhằm xây dựng thương hiệu và huy động thêm vốn cho kế hoạch vươn ra toàn cầu.

Tham gia vào một sân chơi chất lượng và có tính cạnh tranh như Mỹ, châu Âu bên cạnh áp lực còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp như VinFast gia tăng chuỗi giá trị toàn cầu, học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt công nghệ, phát triển thương hiệu và dần tiến lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị ngành sau này. VinFast là doanh nghiệp tiêu biểu cho định hướng “Make in Vietnam” trong xu thế Việt Nam đang nổi lên trở thành một trung tâm sản xuất mới tại khu vực. Lợi thế này giúp Việt Nam thu hút được dòng vốn FDI trong lĩnh vực công nghệ cao với nhiều thương hiệu toàn cầu như Intel, Samsung, Nidec, Qualcomm...

Hướng đi của các doanh nghiệp như VinFast cho thấy “đường tắt” của doanh nghiệp Việt Nam trong dịch chuyển xu hướng kinh tế toàn cầu. Ở đó, Việt Nam đang lệ thuộc rất lớn vào thương mại, tổng kim ngạch thương mại chiếm trên 200% GDP. Thách thức của thời đại buộc Việt Nam phải chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế theo hướng khôn ngoan và bền vững trong tương lai.