Dồn nén áp lực nợ công
Đã bước qua nửa năm 2020, “thiên nga đen” COVID-19 quét qua gần như toàn bộ các nước trên toàn thế giới. Việt Nam tuy là một trong những nước thành công trong việc khống chế đại dịch nhưng cũng gánh không ít hậu quả. Một vấn đề quan trọng trong năm 2020 này là nợ công và ngân sách nhà nước, khi 2 năm tới là điểm “nóng” với những khoản nợ tới hạn.
Áp lực nợ công
Nhìn lại năm vừa qua, Bộ Tài chính cho biết tính đến cuối năm 2019, nợ công ước tính dưới mức 55% GDP (so với mức đỉnh của năm 2016 là 63,7%), trong đó, riêng nợ Chính phủ là khoảng 48% GDP, cũng thấp hơn năm 2016. Trong 4 năm qua, Chính phủ đã hạn chế các khoản nợ chính phủ bảo lãnh cũng như nợ chính quyền địa phương, góp phần giảm bớt áp lực.
Có một điều đặc biệt là trong cơ cấu nợ đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực, tỉ trọng nợ trong nước tăng lên 62,3% tổng dư nợ Chính phủ (năm 2016 là 60,1%), trong khi nợ nước ngoài giảm xuống 37,7% (so với 39,9% của năm 2016). Đây là một điểm rất tích cực để hạn chế nhu cầu cần đồng ngoại tệ để trả nợ, nhất là khi Việt Nam khá phụ thuộc vào xuất nhập khẩu cũng như các doanh nghiệp FDI. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhìn chung, mức độ nợ công của Việt Nam vẫn ở mức không quá cao so với các nước trong khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, có một điều đáng quan tâm là các khoản nợ đến hạn của Việt Nam trong năm 2020-2021. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, dự kiến nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong năm 2020 khoảng 349.000 tỉ đồng, trong đó trả nợ trong nước 287.900 tỉ đồng và nước ngoài là 61.100 tỉ đồng. Riêng năm 2021, chưa có thông tin chính thức nhưng theo Báo cáo tài chính nhà nước của Chính phủ, riêng khoản phải trả nợ gốc trong nước là 211.000 tỉ đồng, cao hơn 41% so với năm 2020. Đối với trái phiếu chính phủ trong nước, phải trả khoảng 166.000 tỉ đồng nợ gốc với đỉnh nợ xuất hiện vào tháng 10 tới. Con số này trong năm tiếp theo còn cao hơn, lên đến 204.800 tỉ đồng.
Khoản trái phiếu chính phủ phát hành trong nước bằng ngoại tệ trị giá 1,7 tỉ USD sẽ đáo hạn trong 2 năm 2020 và 2021. Các khoản nợ nước ngoài chủ yếu vẫn là các khoản vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ song phương và đa phương với kỳ hạn vay dài, lãi suất ưu đãi. Theo báo cáo nợ công hồi cuối năm 2019 của Bộ Tài chính, các chủ nợ lớn là World Bank (31,8% tổng nợ vay nước ngoài của Chính phủ), Nhật (29,8%), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Châu Á (17,5%).
Dù từ hơn 1 năm nay, Chính phủ không bảo lãnh cho bất kỳ doanh nghiệp nào vay nợ nhưng rất nhiều khoản nợ trước đây được Chính phủ bảo lãnh nay đã đến hạn trả nợ. Rơi vào khó khăn do dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp không trả được nợ, trong đó có những doanh nghiệp đầu ngành. Kể cả doanh nghiệp tự vay, tự trả nhưng theo Luật quản lý nợ công, trường hợp doanh nghiệp không trả được thì nợ đó sẽ biến thành nợ quốc gia và Chính phủ phải đứng ra trả thay. Chẳng hạn, đến trung tuần tháng 5 năm nay, Vietnam Airlines phải trả nợ các ngân hàng trong và ngoài nước gần 800 triệu USD. Đây là số tiền vay mua tàu bay trong thời kỳ 2009-2015, được Chính phủ bảo lãnh.
Ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, cho biết theo cam kết với World Bank, từ tháng 7.2020, Việt Nam phải trả số nợ gốc gấp đôi so với trước đây cho các khoản vay hỗ trợ phát triển nước nghèo. Danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ chủ yếu tập trung vào 4 loại tiền là SDR, JPY, USD, EUR. Các đồng tiền này hầu như đều biến động lớn cũng như tăng giá trong những thời gian bất ổn như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay COVID-19 hoành hành. Do đó, những bất ổn sẽ gây áp lực gấp đôi cho việc trả nợ bằng ngoại tệ.
Tỉ lệ nợ công (% GDP) không quá cao nhưng áp lực trả nợ bằng cả VND lẫn ngoại tệ đều lớn trong năm 2020-2021. Cuối năm 2019, Chính phủ đã dự kiến tỉ lệ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách nhà nước ở mức khoảng 19,5-20,5%. Nhưng đến hiện tại, có lẽ hậu quả của dịch bệnh sẽ làm thiếu hụt khoản thu ngân sách năm 2020 khá nhiều khi Chính phủ đã rất tích cực hỗ trợ người dân bằng các biện pháp giảm nhiều loại thuế, phí. Bên cạnh đó, doanh nghiệp làm ăn khó khăn hơn, ít lãi nên đóng thuế ít hơn.
Vì vậy, có nhiều con số buộc phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Chẳng hạn, điều chỉnh chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2020 khoảng 4% (trước đây là dưới 4%); tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (trước đây là khoảng 7%); đáng chú ý, tổng số thu ngân sách nhà nước giảm 163.000 tỉ đồng so với dự toán được giao. Chính phủ cũng dự kiến bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra); tỉ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mục tiêu cũ).
Do đó, kịch bản rất có thể sẽ xảy ra trong năm 2020 là tỉ lệ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách nhà nước có thể chạm tới hoặc vượt mức trần cho phép của Quốc hội là 25%.
Phương án trả nợ đầy thách thức
Trong một bài viết “Những thị trường mới nổi nào đang gặp nguy hiểm nhất về tài chính?”, The Economist đã xếp hạng tình hình tài chính tại 66 nền kinh tế dựa trên 4 chỉ số sức mạnh tài chính, bao gồm nợ công, nợ nước ngoài, chi phí đi vay và dự trữ ngoại hối. Theo đó, Việt Nam được xếp vào nhóm an toàn sau đại dịch. Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng đánh giá dù áp lực trả nợ “dồn nén” trong năm 2020-2021 có thể là rủi ro gây xáo trộn tới thanh khoản cho ngân sách nhà nước nhưng chưa quá lo ngại. Việc kiểm soát nợ công và năng lực trả nợ của Việt Nam vẫn được đảm bảo trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, tình hình thực tế cho thấy, Việt Nam đang chịu nhiều sức ép trên cả 4 chỉ số trên, nhất là trước thiệt hại khó lường của dịch bệnh. Trước tiên phải nói đến ngân sách nhà nước chịu ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh gây ra. Quốc hội đã phê duyệt dự kiến tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2020 là 1.512,3 ngàn tỉ đồng, tăng 3,8% so với ước thực hiện năm 2019.
Trong khi đó, tổng dự chi ngân sách nhà nước năm 2020 là 1.747,1 ngàn tỉ đồng, tăng 7% so với dự toán năm 2019. Ước tính thâm hụt khoảng 235.000 tỉ đồng trong năm 2020 chưa tính tác động của dịch bệnh COVID-19. Nhiều khoản thuế, phí phải thu từ doanh nghiệp cũng như cá nhân đã được giảm cũng như đề xuất giảm. Các khoản này đóng góp hơn 90% thu ngân sách nhà nước nếu giảm sẽ gây áp lực nặng lên ngân sách quốc gia.
Ngoài ra, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 158,94 tỉ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, dịch bệnh chết người đã cho thấy tác động tệ hại của nó khi tính riêng trong tháng 4, trị giá xuất khẩu, nhập khẩu đều giảm mạnh so với tháng trước, trong đó xuất khẩu đạt 17,58 tỉ USD (giảm 27,1%), nhập khẩu đạt 18,52 tỉ USD (giảm 16,4%), cán cân thương mại thâm hụt 0,94 tỉ USD. Điều này gây bất lợi lớn cho các khoản thu từ thuế cũng như 13,8% thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu như dự kiến.
Tại thời điểm công bố dự toán, giá dầu thế giới Brent ở mức 60 USD/thùng nhưng hiện tại giá dầu đã giảm xuống mức quanh 33 USD/thùng. Cộng thêm biện pháp đề xuất giảm giá điện hỗ trợ người dân, ngân sách khó tránh khỏi giảm thu đối với 2 tập đoàn lớn là Tập đoàn Điện lực (EVN) và Pertrolimex. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng gần đây cũng cho biết các mức đề xuất giảm giá điện lần này sẽ giảm trực tiếp vào doanh thu của EVN, như vậy sẽ làm giảm các khoản thu ngân sách từ thuế, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn này so với kế hoạch.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã có phương án vay thêm và cơ cấu lại các khoản nợ này. Ông Võ Hữu Hiển cho biết, nhu cầu vay của Chính phủ năm 2020 sẽ là 459,4 ngàn tỉ đồng, cao hơn dự toán vay của Chính phủ năm 2019 khoảng 50.000 tỉ đồng, dùng để bù đắp bội chi ngân sách trung ương, trả nợ gốc và nhận nợ bảo hiểm xã hội. Về cơ cấu nợ, chúng ta vay nợ mới để trả nợ cũ nhưng nguyên tắc là đảo nợ mà không làm tăng nợ. Dư nợ vẫn như thế nhưng chỉ giãn nợ để không dồn việc trả nợ vào một thời điểm, không gây áp lực cho ngân sách nhà nước mà vẫn đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, ông nói thêm.
Nợ trong nước chủ yếu là các khoản trái phiếu chính phủ, Chính phủ cũng theo xu hướng tăng vay trong nước, giảm vay nước ngoài. Nếu Chính phủ vay thêm trong nước có lẽ cũng sẽ tiếp tục như thế. Nhưng điều phải nói ở đây là nền kinh tế đang cần tiền như một công cụ để phục hồi kinh tế. Nếu Chính phủ phát hành trái phiếu lại để trả nợ thì quanh đi quẩn lại cũng chỉ là một công cụ tài chính, nợ cũng sẽ tăng và trả gốc đến hạn lại sẽ tới.
Nợ nước ngoài chủ yếu vẫn là các khoản vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ song phương và đa phương với kỳ hạn vay dài, lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, ông Hiển cũng cho biết, lãi suất vay ODA đang tăng lên, bình quân 3-4%/năm, thậm chí có khoản vay có lãi suất hơn 4%/năm. Bởi vì Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp từ tháng 7.2017 nên không còn được vay bằng USD với lãi suất thấp nữa. Chưa kể trong mấy năm nay do biến động tỉ giá nên giá trị dư nợ vay ODA hiện tại cũng tăng theo.
Ngân hàng, doanh nghiệp và người dân đã được Chính phủ chỉ đạo cơ cấu nợ vay để cùng nhau đối phó dịch bệnh. Phải chăng Chính phủ cũng cần có những hành động quyết liệt hơn để xử lý nợ công, nếu không, năm 2020-2021 làm sao để giải quyết vấn đề ngân sách dưới áp lực nợ công tới hạn và giảm thu vì kinh tế khó khăn.