Sơn Phạm

 
Công Sang-Bảo Ngọc Thứ Tư | 07/03/2018 14:30

Đối thoại với Guru săn kỳ lân

Bậc thầy (Guru) săn kỳ lân David Strohm mang đến cơ hội, thông tin và nhiều bài học lý thú cho giới startup Việt Nam những ngày đầu năm.

Startup Việt đang đi chậm

Ông David Strohm đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với các startup Việt Nam cuối tuần qua tại một trong những không gian khởi nghiệp tại TP.HCM là Dreamplex 2. Sự kiện này trở nên đáng chú ý trong giới startup những ngày đầu năm vì David Strohm được mệnh danh là “người săn kỳ lân” của thế giới. Ông là đối tác tại Greylock Partners và Cố vấn cao cấp tại 83 North, cũng là những nhà đầu tư đầu tiên hoặc sáng lập hơn 30 công ty, trong đó có nhiều công ty đã niêm yết. 

Cần phải biết Greylock Partners là một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm lâu đời nhất được thành lập vào năm 1965. Công ty này tập trung vào các công ty công nghệ khởi nghiệp trong lĩnh vực tiêu dùng, phần mềm doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng, với tổng mức đầu tư 3,5 tỉ USD. Một số khoản đầu tư nổi bật là Airbnb, AppDynamics, Cloudera, Docker, Dropbox, Facebook, LinkedIn, Medium, Nextdoor, Palo Alto Networks và Workday.

Doi thoai voi Guru san ky lan
 

Lần đầu tiên, đối tác cao cấp của một quỹ đầu tư chuyên tìm kiếm các kỳ lân trong ngành công nghệ (thuật ngữ chỉ các startup chưa lên sàn được định giá từ 1 tỉ USD trở lên) hàng đầu thế giới đến thăm và làm việc ở Việt Nam. “Việt Nam đã thay đổi rất nhiều so với chính mình cách đây một thập niên”, ông David Strohm mở đầu câu chuyện trong buổi chia sẻ thân mật với các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam. Sự khác biệt ở đây được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ phổ cập internet và sự tăng trưởng ấn tượng của các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam.

Sự xuất hiện của ông David Strohm là rất cần thiết trong bối cảnh đang có một cuộc tranh cãi khá sôi nổi về tốc độ phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam. Cụ thể, theo thông tin từ website TechInAsia, trong năm 2017, vốn đầu tư vào Việt Nam chỉ chiếm 0,77% tổng nguồn vốn đổ vào Đông Nam Á, tương đương 60,5 triệu USD. Trong khi đó, năm vừa qua là năm kỷ lục về vốn đầu tư đổ vào khu vực này.

Theo đó, nếu như năm 2016, chỉ có hơn 2,5 tỉ USD từ các nhà đầu tư, thì kết thúc năm 2017, con số này đã tăng lên gấp 3 lần, tương đương hơn 7,8 tỉ USD. Đây cũng được ghi nhận là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2013. Singapore và Indonesia tiếp tục là hai nam châm thu hút vốn nhiều nhất trong năm 2017 khi chiếm lần lượt 71,2% và 22% tổng nguồn vốn. 

Doi thoai voi Guru san ky lan
 

Trước đó, cũng theo số liệu của TechInAsia, Việt Nam thu hút được 60,9 triệu USD trong năm 2016. Nếu như số liệu này là chính xác có thể thấy khi tổng vốn đầu tư vào Đông Nam Á đã tăng lên gấp 3 lần chỉ sau 1 năm thì Việt Nam vẫn đang dậm chân tại chỗ, nếu không muốn nói là thụt lùi.

Trong khi đó, báo cáo của Topica Founder Institute (TFI) cho thấy tổng giá trị các khoản đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam trong năm 2017 đạt 291 triệu USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Nổi bật trong số đó là thương vụ mua lại nền tảng chia sẻ địa điểm ăn uống Foody của Sea với mức giá 64 triệu USD.

Đứng thứ nhì là việc gọi vốn thành công từ STIC Investments (Hàn Quốc), JD.com (Trung Quốc) của Tiki.vn, thương vụ đầu tư được cho là trị giá hơn 50 triệu USD. Phần lớn giá trị đầu tư đến từ việc mua bán sáp nhập, trong khi 70% các thương vụ có giá trị trên dưới 1 triệu USD. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy thị trường Việt Nam đang dần trưởng thành với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, làm đa dạng nguồn vốn đầu tư trong thời gian tới.

“Việt Nam có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, đồng nghĩa với có nhiều lựa chọn. Tôi nghĩ thị trường Việt Nam đang trong giai đoạn đi lên. Trí tuệ nhân tạo và công nghệ Blockchain sẽ là hai lĩnh vực Việt Nam có lợi thế trong thời gian tới”, ông David Strohm nói.

Thống kê năm 2016 cho thấy Việt Nam có khoảng 1.500 doanh nghiệp khởi nghiệp, phần lớn là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thấp hơn so với các quốc gia như Indonesia (2.100), Trung Quốc (2.300) và Ấn Độ (7.500). Tuy nhiên, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam đã vượt qua các công ty khởi nghiệp ở các quốc gia nói trên nếu tính theo mật độ các công ty khởi nghiệp trên đầu người. 

“3C” của Guru săn kỳ lân
Theo Crunchbase, công ty chuyên dữ liệu về startup, hiện có khoảng 279 startup kỳ lân với khoảng1/2 kỳ lân nằm ở Mỹ và 1/4 ở Trung Quốc. Kỳ lân là thuật ngữ được đặt ra bởi nhà đầu tư mạo hiểm hạt giống Aileen Lee vào năm 2013. Để gia nhập vào “câu lạc bộ kỳ lân”, các startup phải được định giá 1 tỉ USD hoặc hơn. Các kỳ lân lớn nhất gồm có Uber, Xiaomi, Airbnb, Didi Chuxing, SpaceX, Dropbox, Pinterest and Snap. Chính vì sự hiếm có và thành công như phép màu của các startup nên họ được ví với kỳ lân chỉ có trong huyền thoại.

Doi thoai voi Guru san ky lan
 

Các kỳ lân đã từng và đang thuộc về Greylock Partners có thể kể đến Facebook, Airbnb, LinkedIn, Dropbox, Medium, Palo Alto Networks... Vào năm 2009, Airbnb từng được xem là ý tưởng không thực tế khi cho người lạ vào ở nhà. Greylock Partners đã rót vốn vào startup này. Chỉ trong chưa đầy 10 năm, Airbnb đã trở thành 1 trong 5 kỳ lân lớn nhất thế giới và được định giá 10 tỉ USD. Facebook cũng là một trong những khoản đầu tư nổi bật nhất của Greylock Partners khi Quỹ đã đầu tư vào kỳ lân này năm 2006 thông qua vòng series B. Facebook được định giá tăng gấp 480 lần cho đến năm 2015 khi Quỹ quyết định thoái vốn.

Doi thoai voi Guru san ky lan
 

Greylock Partners là một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm tham gia vào đầy đủ các giai đoạn gọi vốn từ vòng hạt giống (seed), giai đoạn sơ khai (early stage venture) đến trưởng thành (late stage venture) của các startup. Có hai loại quỹ kỳ lân là quỹ phòng hộ kỳ lân đầu tư vào giai đoạn trưởng thành như Tiger Global Management, quỹ kỳ lân lớn thứ ba trên thế giới đã đầu tư vào Foody. Và các quỹ kỳ lân có danh mục đầu tư chủ yếu là các khoản đầu tư hạt giống và sơ khởi là nhóm các quỹ đầu tư mạo hiểm. 

Phương thức đầu tư của Greylock Partnerts thiên về trường phái ưa thích mạo hiểm và giống với hai quỹ kỳ lân lớn nhất thế giới là SV Angel và Sequoia Capital. Phương thức đầu tư của Greylock Partners cũng sẽ bao gồm tất cả các công đoạn để kiến thiết một startup. Quỹ sẽ trực tiếp tham gia vào ban điều hành và trực tiếp xây dựng đội ngũ quản lý và tạo dựng các mối quan hệ cần thiết.

Đồng thời, Quỹ cũng sẽ hỗ trợ trực tiếp về chiến lược hoạt động cũng như chiến lược để thu hút thêm vốn từ tư nhân và việc niêm yết. Trường phái đầu tư ưa thích rủi ro này sẽ giúp các quỹ đầu tư có thêm nhiều quyền hạn và sự can thiệp trực tiếp đối với các startup đã nhận vốn. Tuy nhiên, việc lựa chọn và xây dựng các startup sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn vì các lý do thị trường. Nhưng lợi nhuận mong đợi cũng sẽ tăng cùng mức độ rủi ro.

Doi thoai voi Guru san ky lan
 

Với 38 năm kinh nghiệm từ các B2B thành công như EMC, Ascend,  AtHoc, Bounty Job, VMware và OpenDNS, ông  David Strohm chia sẻ 5 yếu tố cần thiết để một startup có thể thành công. Yếu tố đầu tiên là khả năng tạo ra giá trị kinh tế của dự án vào thị trường. Cách đo lường giá trị kinh tế là điểm khác biệt lớn nhất giữa các khoản đầu tư B2B và B2C.

Giá trị kinh tế của dự án B2B có thể đo lường trực tiếp thông qua các con số cụ thể như khoản chi phí có thể tiết kiệm được khi ứng dụng dự án. Trong khi các dự án B2C có thể được đo lường thông qua các giá trị kinh tế gián tiếp như số lượng người sử dụng. Nền móng của sự thành công của một startup sẽ tùy thuộc rất nhiều vào cách tư duy của nhà sáng lập có cùng hướng với nhà đầu tư hay không. 

Điều tiếp theo là sự khác biệt độc đáo của dự án từ các nhà sáng lập. Nhà sáng lập của các startup cần có góc nhìn mới lạ và độc đáo về thị trường, khách hàng và sản phẩm. Cách nhìn độc đáo của nhà sáng lập sẽ tạo ra các giá trị không thể thay thế cho startup. Bên cạnh đó, nhà sáng lập cũng cần đóng cả hai vai trò là người dẫn dắt trong quá trình quản lý phát triển sản phẩm và người dẫn đầu trong quy trình chăm sóc khách hàng. Cam kết và nhiệt huyết của người sáng lập sẽ là chìa khóa để xây dựng niềm tin của khách hàng. Ông David Strohm cũng nhấn mạnh tới đội ngũ nhân sự sơ khai của một startup.

Đây chính là những người tạo ra văn hóa nền tảng của các startup và liên quan trực tiếp đến sự sống còn của các startup trong những năm đầu tiên. Ông cho rằng 20 người đầu tiên tham gia công ty sẽ tạo ra văn hóa chuẩn để 50 người tiếp theo gia nhập vào công ty. Theo ông, không có một mô hình doanh nghiệp chuẩn nào cho các startup trong những năm đầu tiên. Mô hình startup cần sự linh động để có thể chuyển biến phù hợp trong từng hoàn cảnh. Và các nhà sáng lập cần là những người truyền nhiệt huyết và dẫn dắt tinh thần của toàn bộ dự án.

Điều cuối cùng, mỗi startup cần phải xây dựng dựa trên một nền tảng có thể thu hút vốn đầu tư. Sau giai đoạn sử dụng vốn từ bản thân các người sáng lập và nguồn vốn tư nhân từ các nhà đầu tư angel, các startup đều phải kêu gọi vốn từ các tổ chức và quỹ đầu từ. Nhà sáng lập cần quyết định trong các giai đoạn sơ khởi, là startup được tạo ra để bán hoặc để dành cho các thương vụ mua bán sáp nhập.

Vì vậy, lời khuyên và kinh nghiệm từ các nhà đầu tư là vô cùng quan trọng trong quyết định này, để những người sáng lập có thể hiểu về các rủi ro, rào cản và các ý tưởng phi thực tế phát sinh khi được rót vốn. Bên cạnh đó, những lời khuyên này cũng là cách để cân bằng giữa mong đợi của các nhà đầu tư và người sáng lập.

Tầm nhìn và dự định từ ban đầu của người sáng lập chính là yếu tố có thể giúp startup đó tiến ra khỏi phạm vi quốc gia hay không trong giai đoạn sau này. Startup cần xây dựng trên một ý tưởng mang tính quốc tế với một tầm nhìn quốc tế để có thể phát triển thành một startup quốc tế. Sẽ rất khác với quyết định đầu tư của các quỹ đầu tư phòng vệ khi các quyết định này dựa trên rất nhiều yếu tố như ban lãnh đạo, khả năng sinh lời, triển vọng thị trường...

Hầu hết các yếu tố dẫn đến quyết định đầu tư của một nhà đầu tư angel hay một quỹ đầu tư mạo hiểm đều nằm ở chính nhà sáng lập. Là linh hồn của một startup, nhà sáng lập chính là yếu tố quyết định trong các quyết định đầu tư của các quỹ mạo hiểm. Chính vì vậy, ông David Strohm tạo nên công thức 3C để xác định các kỳ lân thông qua chính người sáng lập ra nó. Công thức này yêu cầu người sáng lập phải có 3 đặc tính nhất định:  tính cách (character), sự cam kết (commitment) và khả năng (capacity).

Ươm giống kỳ lân ở Việt Nam
 Kỳ vọng TP.HCM sẽ trở thành trung tâm công nghệ của cả nước, Chính phủ đã đầu tư vào một dự án mang tên Thành phố Silicon, lấy theo tên của Thung lũng Silicion ở bang California, Mỹ, với tổng mức vốn lên tới 1,5 tỉ USD. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, các doanh nghiệp startup ở TP.HCM hoạt động rải rác trong nhiều lĩnh vực, trong đó công nghệ thông tin và nông nghiệp thu hút nhiều startup nhất.

Doi thoai voi Guru san ky lan
 

Tỉ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp thành công cũng rất thấp, chỉ khoảng 5%. Hầu hết doanh nghiệp startup có tuổi đời chỉ 1 năm, quy mô nhỏ lẻ và khả năng tăng trưởng không cao, vốn đầu tư đa phần dưới 10 triệu USD; hoạt động gọi vốn còn rất thấp so với startup trong khu vực.

Nếu nhìn vào quy mô sản phẩm, thị trường thì không có nhiều cơ hội để biến startup hiện hữu tại Việt Nam sớm thành kỳ lân. Tuy nhiên, các quỹ đầu tư mạo hiểm ngoại vẫn kỳ vọng, với sự bùng bổ kỳ lân ở Đông Nam Á, sau VNG, Việt Nam sẽ có thêm vài kỳ lân mới. “Các lãnh đạo cấp cao của Quỹ cảm thấy cuốn hút bởi môi trường khởi nghiệp sôi động của Việt Nam. Chúng tôi dự kiến có thương vụ đầu tư đầu tiên vào Việt Nam trong năm nay”, bà Retno Dewati, Giám đốc Chi nhánh Đông Nam Á của Quỹ đầu tư Fenox Venture Capital, phát biểu khi đến Hà Nội tham gia Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest).

Doi thoai voi Guru san ky lan
 

Theo kinh nghiệm ở Thung lũng Silicon, các doanh nghiệp trở thành công ty quan trọng và có giá trị cần một khoảng thời gian gần 10 năm. Để tạo được kỳ lân, khẩu vị của các nhà đầu tư chỉ là yếu tố cần, chứ chưa phải là đủ. Có thể thấy các công ty kỳ lân trên thế giới được phát triển trong một thị trường có dân số lớn, nguồn vốn phong phú, hệ sinh thái đầy đủ và có các chính sách riêng dành cho các công ty khởi nghiệp. Cho đến hiện nay, trừ yếu tố về dân số, 3 yếu tố còn lại vẫn chưa rõ ràng hoặc chưa phát triển đồng bộ ở Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn đang phát triển dựa trên nội lực của chính mình.

Cách tốt nhất để gia tăng giá trị công ty là tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở nước ngoài, có khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chọn cách này. Theo David Strohm, trước tiên, các sản phẩm đó phải được thiết kế dựa trên ý tưởng mang tư duy quốc tế”.

Có thể hiểu câu nói này thông qua cách gia nhập thị trường của Holistics. Theo ông Nguyễn Văn Quang Huy, đồng sáng lập Công ty, do xác định sản phẩm sẽ làm theo mô hình Saas (phần mềm như một dịch vụ), sản phẩm được phân phối và sử dụng bằng internet nên khách hàng ở bất cứ quốc gia nào cũng có thể tự đăng ký và sử dụng thử.  “Chỉ các khách hàng có yêu cầu cao hơn mới cần nhân sự quản lý là người địa phương để thương thuyết. Đây là cách Công ty giải bài toán nhân sự khi mở rộng”, ông Huy nói. 

Tuy nhiên, để mở rộng sang các thị trường khác cũng không đơn giản. Ông Huỳnh Lâm Hồ, sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Haravan, cho biết, theo kinh nghiệm Google, các doanh nghiệp cần phải đứng đầu trong lĩnh vực mà họ tham gia ở thị trường trong nước trước.Song song đó, để hạn chế rủi ro, doanh nghiệp cần nắm rõ hệ sinh thái ở các quốc gia mà họ dự định mở rộng thị trường và tốt nhất là hợp tác với một đối tác ở địa phương trong thời gian đầu. “Đây cũng là cách Haravan sẽ triển khai ở Philippines và Indonesia trong thời gian tới”, ông Hồ tiết lộ.

Câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam hội đủ điều kiện đi ra khu vực bằng cách dựa vào tiềm lực của chính mình? Cũng phải nói thêm đường tiến ra khu vực vẫn còn rất xa để đi đến con đường trở thành kỳ lân. Chẳng hạn, ông Marcus Ellison, đồng sáng lập VentureMark, đặt câu hỏi: “Chúng tôi chuyên kết nối các startup ở Việt Nam với các nhà đầu tư Đông Nam Á.

Làm sao nhà sáng lập có thể biết được ý tưởng của mình có xứng tầm quốc tế hay không?”. “Hầu hết các thị trường, chúng ta đều có thể tính toán được startup có đang bị đánh giá cao quá hay không, các nhà đầu tư đưa ra các ý tưởng đó có phù hợp hay không? Trong một số trường hợp, startup đó có thể làm tốt trong phạm vi quốc gia nhưng có thể dựa theo các đánh giá để xem ý tưởng có thể đưa ra quốc tế hay không”, ông David Strohm giải thích.

Ông Eddie Thái, đối tác 500 Startups Việt Nam, đặt câu hỏi: “Làm cách nào để các startup tăng cao khả năng gọi được vốn từ các nhà đầu tư và giữ phong độ đầu tư thành công trong một thời gian dài?”. “Tôi sẽ dựa vào hai điểm chính để đưa ra quyết định là khả năng có đủ để giúp startup đó chuyển mình hay không và kinh nghiệm cũng như kiến thức của tôi trong lĩnh vực đó.

Tôi có một câu chuyện liên quan. Đó là vào năm 2001, tôi đã gặp Baidu và rất hứng thú với người sáng lập sau khi anh này trở về Trung Quốc từ Mỹ và thành lập công cụ tìm kiếm cho thị trường nội địa. Nhưng vào thời điểm đó, tôi nghĩ không cách nào công cụ tìm kiếm này có thể vượt qua được Google nên đã lỡ mất cơ hội đầu tư 5% vào Baidu”, ông David Strohm kể lại câu chuyện thay cho câu trả lời.

Câu chuyện này cho thấy nhiều góc nhìn về startup trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng: với startup, mọi thứ có thể thay đổi rất nhanh, cả rủi ro lẫn cơ hội. Đó cũng chính là yếu tố tạo nên sự thú vị đầy phấn khích trong thế giới của những người trẻ tài năng sống hết mình với đam mê và thử thách.