Đà Nẵng nhận được lực đẩy lớn
Sau thời gian trầm lắng để khắc phục những thiếu sót trước đây, bất động sản Đà Nẵng bắt đầu có dấu hiệu tăng tốc trở lại. Với cú hích mới từ chính sách đặc thù vừa được thụ hưởng, giới đầu tư nhận định Đà Nẵng đang sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để một lần nữa có cơ hội bùng nổ. Dù vậy, câu chuyện về triển vọng phục hồi này còn ẩn chứa không ít thách thức cho các nhà đầu tư.
Lực đẩy từ APEC 2017
Trong bối cảnh thị trường chủ chốt TP.HCM tạm thời đình trệ, các nhà đầu tư dường như đã tìm ra một địa điểm đầu tư đầy hấp dẫn mới là Đà Nẵng. Thực tế là từ cuối năm ngoái đến nay, dòng vốn đầu tư vào thành phố biển này đã tăng nhiệt trở lại với nhiều dự án rất khủng, trên khắp các lĩnh vực từ du lịch nghỉ dưỡng, phát triển đô thị đến hạ tầng khu công nghiệp.
Cụ thể, Tập đoàn FPT dự kiến sẽ đầu tư thành phố thông minh và khu đô thị trị giá 1 tỉ USD vào Đà Nẵng. Đến từ TP.HCM, Công ty Long Hậu mới đây khởi công dự án nhà xưởng công nghệ cao và dịch vụ logistics trị giá hơn 1.000 tỉ đồng.
Các nhà đầu tư ngoại cũng dành sự quan tâm lớn đến tiềm năng du lịch giải trí của thành phố biển lớn nhất miền Trung. Liên doanh Sakae Holdings Ltd, Fission Holdings Pte. Ltd và Newtechco nghiên cứu đầu tư khu phức hợp Danang Gateway có giá trị lên đến 2 tỉ USD, Tập đoàn Matrix Holdings lên kế hoạch đầu tư dự án trường đua ngựa có tổng vốn 200 triệu USD. Trung Nam Land tái khởi động dự án tỉ USD Golden Hills với các đối tác mới là Cenland và Kita Land. Trong tương lai gần, dự kiến Đà Nẵng sẽ có một tổ hợp trung tâm tài chính kết hợp casino trị giá hàng tỉ USD để cạnh tranh với Hội An.
Hỗ trợ cho thị trường bất động sản nơi đây còn đến từ các dự án khủng về lắp ráp chế biến của khối các doanh nghiệp FDI. Điển hình là mới đây, Tập đoàn UAC của Mỹ công bố dự án sản xuất linh kiện máy bay trị giá 170 triệu USD.
Với năng lực cung cấp 4.000 trên tổng số 5 triệu chi tiết máy bay, dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra giá trị xuất khẩu mỗi năm lên đến 180 triệu USD và phục vụ cho các hãng lắp ráp máy bay nổi tiếng thế giới như Boeing hay Airbus, đồng thời, kích thêm dòng vốn đầu tư trực tiếp của nhà đầu tư ngoại vào thành phố biển.
“Tác động kinh tế của UAC sẽ được nhìn thấy trên khắp Đà Nẵng vì UAC sẽ mua nhu cầu hậu cần, bao bì, thiết bị, vật tư tiêu hao và các công cụ nhỏ trong cộng đồng địa phương. Hiệu ứng gợn này sẽ tiếp tục tăng cường sự rung động kinh tế của Đà Nẵng”, ông Kevin Loebbaka, Tổng Giám đốc Điều hành UAC, nhận định.
Xu thế phục hồi mạnh mẽ của bất động sản Đà Nẵng có thể nói đến từ niềm cảm hứng APEC 2017 - sự kiện chính trị hàng đầu thế giới mà Đà Nẵng đã rất thành công trong khâu tổ chức, tạo được tiếng vang lớn để từ đó thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, khách du lịch thế giới. “Tổ chức Du lịch Thế giới vừa xếp Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất trên thế giới và du lịch Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ về lượng và chất. Chúng tôi nhìn thấy tín hiệu tích cực về thương hiệu du lịch Việt Nam”, ông Lê Minh Dũng, Phó Giám đốc Điều hành BIM Group, nhận định.
Theo ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Khu vực phía Bắc và miền Trung của Savills Việt Nam, 2018 là năm mà hãng tư vấn này ghi nhận rất nhiều sự quan tâm và yêu cầu của khách hàng tìm kiếm các bất động sản hướng biển.
Giới đầu tư cũng cho thấy sự điều chỉnh trong nhận thức cũng như có góc nhìn cởi mở hơn với bất động sản nghỉ dưỡng nói chung và thị trường Đà Nẵng nói riêng. Những sản phẩm nghỉ dưỡng có cam kết lợi nhuận không hẳn sẽ là tối ưu. Ngược lại, những dự án có khả năng gia tăng giá trị trong tương lai, quyền sở hữu rõ ràng với số lượng có hạn lại có tín hiệu quay trở lại.
Không nhiều địa phương tận hưởng được nhiều điều kiện ưu đãi như Đà Nẵng. Nằm ở trung tâm của dải ven biển miền Trung, nhiều bãi biển của Đà Nẵng như Mỹ Khê, Non Nước... lọt vào danh sách các bãi biển quyến rũ nhất thế giới. Tổng lượt khách du lịch quốc tế đến thăm Đà Nẵng năm 2018 lên tới 2,8 triệu lượt, tương ứng với tốc độ tăng trưởng 23,3%. Trong đó lượng khách đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm đến 80% nhờ thời gian di chuyển bằng đường hàng không chỉ mất khoảng 4-5 tiếng.
Điểm mạnh của Đà Nẵng đến từ chất lượng hạ tầng giao thông thuộc diện hoàn hảo nhất khu vực miền Trung, trong đó có thể kể đến sân bay quốc tế Đà Nẵng, hệ thống đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cảng Tiên Sa...
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, thành phố này sẽ tiếp tục đầu tư các dự án lớn như tuyến vành đai phía Tây, dự án cảng nước sâu Liên Chiểu trị giá gần 4.000 tỉ đồng hay lên kế hoạch triển khai tuyến tàu điện trị giá 14.000 tỉ đồng kết nối trực tiếp với Hội An.
Triển vọng tăng trưởng của ngành du lịch nghỉ dưỡng Đà Nẵng trong các năm tới là khả quan. Thực tế, con số khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng mỗi năm vẫn còn khá khiêm tốn so với các thị trường khác trong khu vực. Đơn cử như thủ phủ du lịch Phuket của Thái Lan mỗi năm đón nhận khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, hòn đảo Bali (Indonesia) đón nhận gần 6 triệu lượt khách, tức gấp 2-3 lần quy mô khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng.
Nếu được đầu tư đúng hướng, đi cùng với việc giữ được tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế hơn 20%/năm, thành phố biển này sẽ có cơ hội sớm bắt kịp với các đối thủ trong khu vực. “Năm 2019, rất nhiều khách hàng mong chờ Đà Nẵng tiếp tục có những sản phẩm chất lượng, minh bạch. Trong đó, họ kỳ vọng sẽ được cung cấp những sản phẩm mang tính đô thị chứ không riêng gì những sản phẩm mang yếu tố nghỉ dưỡng”, ông Dương Đức Hiển nhận định.
Tiếp bước Phú Quốc hay Vân Đồn, đầu năm nay, Đà Nẵng đã có lực đẩy lớn khi nhận được cái gật đầu của Trung ương về việc cơ chế phát triển đặc thù, với mục tiêu trở thành khu đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế.
Theo đề án này, đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ.
Đến năm 2045, Thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.
Nghị quyết 43 vì vậy có thể là chiếc đũa thần để biến nhiều tham vọng của Đà Nẵng trở thành sự thật. “Đà Nẵng đã có nhiều xáo trộn nhất định sau những sự kiện vừa qua, nhưng Đà Nẵng cần nhìn về phía trước, cần tạo ra những cơ chế tự chủ, tự quyết để tăng tốc và về đích theo đúng tinh thần Nghị quyết 43 vừa được Bộ Chính trị ban hành cho Đà Nẵng”, Tiến sĩ Trần Du Lịch nói.
Rào cản từ qũy đất
Lợi thế của Đà Nẵng là mặt bằng giá còn khá thấp so với khu vực. Trung bình giá nhà ở và căn hộ thuộc phân khúc hạng sang tại đây nằm trong khoảng 3.500-5.500 USD/m2. Con số này tại Đài Loan hay Hồng Kông cao hơn gấp nhiều lần trong khi giá của những căn hộ penthouse tại khu vực trung tâm của Singapore lên đến hàng chục triệu USD. Vì vậy, thị trường Đà Nẵng đang nhận được sự quan tâm đáng kể từ khối ngoại.
Không chỉ có ưu thế về tiềm năng tăng giá, tỉ suất sinh lời cao và giá cả cạnh tranh, việc đưa ra mức thuế phí thấp hơn so với các nước cùng khu vực cũng là yếu tố tạo nên sức hấp dẫn cho bất động sản hạng sang Đà Nẵng. Theo đánh giá của CBRE Việt Nam, trong các năm tới, phân khúc bất động sản hạng sang, hướng tới đối tượng là khách du lịch ngày càng được giới đầu tư quan tâm nhiều hơn.
“Cơ hội đầu tư bất động sản hạng sang tại thành phố biển này đang có xu hướng tăng lên mạnh khi có tới 17 dự án được Sở Xây dựng Đà Nẵng cho phép các cá nhân, tổ chức nước ngoài sở hữu. Điều này cũng khiến Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm du lịch như Thượng Hải hay Singapore”, CBRE nhận định.
Bên cạnh tiềm năng, Đà Nẵng vẫn còn đó nhiều thách thức phải giải quyết. Sau nhiều năm tăng trưởng có phần nóng, không kiểm soát, không gian phát triển của thành phố lớn thứ 3 Việt Nam ngày càng chật chội. Số lượng quỹ đất trống, có vị trí sát biển ngày càng hạn hẹp trong khi việc phát triển diện mạo đô thị lên hướng Tây Bắc gặp nhiều khó khăn vì thiếu các dự án giao thông lớn.
Việc siết chặt lại chính sách cấp phép cho các dự án cũng là trở ngại lớn cho các nhà đầu tư mới. “Khó khăn lớn nhất với nhà đầu tư là quỹ đất phù hợp với quy mô dự án. Thành phố không giao đất trực tiếp cho nhà đầu tư như trước nữa, mà họ sẽ phải tham gia đấu giá hoặc đấu thầu công khai”, bà Huỳnh Liên Phương, Phó Giám đốc phụ trách Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư Đà Nẵng, cho biết.
Thiếu các loại hình giải trí cho du khách cũng là hạn chế lớn, đặc biệt đối với các chủ đầu tư không nhiều tiềm lực tài chính.
Theo ông Bùi Xuân Phong, Tổng Giám đốc Công ty Sam Tuyền Lâm, khẩu vị thỏa mãn của khách du lịch ngày nay không còn nằm ở những yếu tố cơ bản như giường ngủ ấm êm hay ăn ngon mà phải là những trải nghiệm độc lạ.
Đó có thể là cảnh quan độc đáo từ ban công, các tiện ích giải trí thư giãn mà không nơi nào có được và những dự án muốn thành công phải có những trải nghiệm lý thú, khiến cho du khách phải ám ảnh, háo hức muốn khám phá.
Năm 2018, Đà Nẵng từng gây cơn sốt lớn trên báo chí quốc tế sau sự kiện khai trương cây cầu vàng. Những dự án độc lạ như thế có thể xem là hình mẫu để các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư nhằm đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng ngày càng cao của du khách. Đó có thể là các casino, bến du thuyền, vườn thú safari hay các tuyến cáp treo giúp du khách thưởng ngoạn từ trên không.