Nhìn chung, các ngành/bộ phận liên quan đến công nghệ sẽ có sự chuyển đổi và thích nghi nhanh hơn.

 
Công Sang Thứ Năm | 13/06/2024 07:30

Cấy A.I cho não quản trị

Cách doanh nghiệp biến A.I (trí tuệ nhân tạo) thành công cụ thực chiến hơn là một món đồ công nghệ trang sức.

“Gần đây, ai cũng nói về A.I, thực ra việc này thế nào, có thực sự đang diễn ra không? Nói chuyện với các công ty công nghệ lớn, tôi thấy nó thực sự đang diễn ra rồi”, ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị MoMo, chia sẻ trước hơn 350 CEO trong sự kiện Hội nghị CEO 2024 do Tạp chí NCĐT tổ chức.

Big Tech vào cuộc 

Nhận định này của ông Tường dựa trên báo cáo gần đây của Bernstein cho thấy, 4 công nghệ lớn nhất của Mỹ là Aphabet (Google), Amazon, Microsoft và Meta (Facebook) sẽ chi 200 tỉ USD trong năm 2024, dự kiến sẽ lên đến 1.000 tỉ USD trong 5 năm tiếp theo. 

Phần lớn số tiền này sẽ được đầu tư vào hạ tầng A.I, trung tâm dữ liệu, cơ sở hạ tầng mạng và lưu trữ, các startup A.I tiềm năng… Có thể kể đến các công ty sản xuất chip như Nvidia, AMD, Micron và Broadcom; các nhà mạng như Arista Networks, Ciena và Cisco Systems; các công ty máy chủ như Dell Technologies, Hewlett Packard Enterprise, Supermicro, Lenovo Group hay các công cty cung cấp phần mềm đám mây như Snowflake, MongoDB, Datadog…

Các hoạt động này được cho là sẽ giúp thế hệ A.I học được nhiều hơn, hoạt động ổn định và thông minh hơn trong thời gian tới. Lực đẩy này từ các công ty công nghệ khổng lồ sẽ tạo ra một cuộc cách mạng lớn trong làm việc và tuyển dụng việc làm với động lực từ AI. 

Rất thú vị với những con số đến từ thị trường Việt Nam. Báo cáo Chỉ số xu hướng công việc năm 2024 của Microsoft Việt Nam công bố gần đây cho thấy các nhà lãnh đạo Việt Nam đang kỳ vọng và đặt ra nhiều áp lực hơn cho nhân viên của họ. Điển hình, trong khi 66% các nhà lãnh đạo toàn cầu cho biết sẽ không tuyển dụng những người không có kỹ năng A.I thì tỉ lệ này ở Việt Nam lên đến 76%. Tương tự, trong khi 71% các nhà lãnh đạo toàn cầu thừa nhận rằng họ ưu tiên tuyển dụng những ứng viên ít kinh nghiệm nhưng có kỹ năng sử dụng A.I hơn là những ứng viên giàu kinh nghiệm nhưng lại thiếu kỹ năng này thì ở Việt Nam, tỉ lệ này là 78%.

Về con số liên quan tới A.I và nhân lực, từng có phát biểu gây tranh luận của ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT: “Trong vòng 5 năm tới, không phải những công nhân Việt Nam trong các nhà máy may, da giày, lắp ráp điện tử bị mất việc nhanh chóng vì robot và A.I, mà cả triệu người - những người tự tin rằng mình có học, làm những việc A.I không thể thay thế được - sẽ bị thay thế nhanh nhất”.

Đây có thể được hiểu như lời cảnh báo hơn là dự báo chính xác về thời điểm A.I xuất hiện để tự động hóa hàng loạt tác vụ dịch vụ khách hàng như tạo bản kế hoạch, soạn thảo nội dung, đề xuất ý tưởng và vô số các nhiệm vụ khác. Từ thực tế trải nghiệm của mình, trả lời NCĐT qua email, ông Andree Mangels, Phó Tổng Giám đốc Công ty Talentnet, cho biết dữ liệu cho thấy các yêu cầu về A.I đã rõ nét hơn từ phía doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành như tiếp thị, truyền thông, phát triển kinh doanh và tài chính.

Nhìn chung, các ngành/bộ phận liên quan đến công nghệ sẽ có sự chuyển đổi và thích nghi nhanh hơn. Còn các ngành sản xuất truyền thống hiện nay dừng ở việc tự động hóa nhiều hơn chứ chưa thể nói là ứng dụng A.I hoàn toàn. “Tuy nhiên, lợi thế trong việc tổng hợp và tìm kiếm thông tin từ A.I là dành cho tất cả mọi người và ai cũng có thể tận dụng để cải thiện tốc độ xử lý công việc của mình hằng ngày”, ông Andree Mangels nói.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Giám đốc Toàn quốc, Dịch vụ Tư vấn tuyển dụng Adecco Việt Nam, cho biết trước khi trào lưu A.I tạo sinh dẫn đầu là ChatGPT ra đời, nhu cầu tuyển dụng về A.I hầu như rất ít và chỉ có những công ty tiên phong mới có yêu cầu kinh nghiệm về A.I. 

Tuy nhiên, kể từ khi trào lưu A.I do ChatGPT dẫn đầu bùng nổ, hơn một nửa công ty công nghệ đã xem A.I là một phần không thể thiếu khi tuyển dụng. Không chỉ nhóm ngành kỹ sư phần mềm (software engineering), mà các ngành khác như marketing, kinh doanh và dịch vụ khách hàng cũng xem kinh nghiệm A.I là thiết yếu. Mức lương của nhân sự có kinh nghiệm về A.I cũng cao hơn 10-20% so với những người không có kinh nghiệm này. 

Mức độ yêu cầu của các cấp độ nhân viên cũng được mô tả cụ thể. Ở cấp độ chuyên viên, A.I được sử dụng để thu thập dữ liệu và thực hiện các tương tác cụ thể theo công việc, chẳng hạn như các cuộc gọi A.I giúp tự động hóa khảo sát khách hàng, A.I photo giúp nhân viên thiết kế cụ thể hóa ý tưởng và rút ngắn thời gian thao tác, hay nhân viên bán hàng tự động hóa một phần email tiếp cận khách hàng tiềm năng.

Cấp quản lý trung cấp sẽ dùng A.I để phân tích và lập kế hoạch nhiều hơn, trong khi quản lý cấp cao sẽ sử dụng A.I như một công cụ phân tích chuyên sâu, giả lập tính huống, hỗ trợ ra quyết định và cải tiến hệ thống. Theo nghiên cứu gần đây của Tập đoàn Adecco trên 2.000 quản lý điều hành tại 9 quốc gia lớn trên toàn cầu, phần lớn (67%) thừa nhận sức ảnh hưởng ngày càng tăng của A.I, nhưng tiến bộ trong chuyển đổi kỹ thuật số của các doanh nghiệp còn chậm. 

“57% các nhà lãnh đạo cho rằng đội ngũ lãnh đạo của họ chưa được trang bị đầy đủ để quản lý quá trình chuyển đổi A.I và thiếu tự tin vào kỹ năng và kiến thức A.I”, ông Chương nói.

Lý do này có thể lý giải, theo ông Richard Qiu, Chủ tịch New Ventures tại Udemy (Mỹ), trong khi cá nhân tham gia những lớp học thiên về kỹ thuật như phát triển phần mềm, chứng chỉ công nghệ thông tin, tiếp thị, tài chính kế toán hay ngoại ngữ, thì tổ chức lại kỳ vọng họ sẽ trau dồi các kỹ năng mềm như quản lý, giao tiếp, khả năng lãnh đạo hay A.I tạo sinh. Ở góc độ tổ chức, doanh nghiệp cho rằng khi thuê nhân sự, họ có thể đã giả định rằng nhân sự đã sở hữu những kỹ năng cứng đó. “Có một khoảng cách giữa những gì cá nhân học với những gì tổ chức mong đợi nhân viên học ở Việt Nam”, ông Richard Qiu nhận xét với NCĐT.

Vùng xám ứng dụng

Theo báo cáo “Gen-AI: Trí tuệ nhân tạo và tương lai của công việc”, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây dự báo A.I sẽ tác động đến 40% việc làm trên toàn thế giới, bao gồm một số công việc sẽ bị thay thế trong khi số khác sẽ được cải tiến và ứng dụng A.I vào quá trình làm việc. 

Nghiên cứu tại châu Á - Thái Bình Dương, gồm Việt Nam của PwC cũng chỉ ra A.I là 1 trong 2 xu hướng nổi bật đang tạo sức ép khiến các CEO trong khu vực phải đổi mới. Trong đó, 49% cho rằng ứng dụng A.I tạo sinh sẽ giúp tăng doanh thu và sinh lời từ 5% trở lên.

Báo cáo của Microsoft cũng đưa ra con số đáng ngạc nhiên là mức độ ứng dụng A.I tạo sinh tại Việt Nam ở cả cấp độ cá nhân lẫn doanh nghiệp đều cao hơn so với trung bình thế giới. 88% lao động ở Việt Nam đang sử dụng A.I tạo sinh tại nơi làm việc so với 75% trên toàn cầu. 

Một ví dụ là trường hợp của Ngọc Duy, đang làm cố vấn sản xuất nội dung cho một công ty ở quận 3 (TP.HCM). Theo yêu cầu của công ty, công việc của anh là lên kịch bản các video quảng cáo, sản xuất video quảng cáo theo yêu cầu của nhãn hàng. Phức tạp nhất là khâu sản xuất nội dung video, có khá nhiều công đoạn và anh phải chọn các A.I có hiệu suất tốt nhất cho từng công đoạn, đồng thời phải “hợp tác” được với A.I ở những công đoạn khác.

A.I đã giúp anh tiết kiệm được 80% thời gian và giảm 50% chi phí so với cách làm truyền thống từ lên kịch bản đến sản xuất nội dung video. Tuy nhiên, kết quả đầu ra chỉ ở mức trên trung bình, không phù hợp với các dự án mà yêu cầu khách hàng cao. Để làm được việc này đòi hỏi phải có kinh nghiệm làm việc lâu năm trong ngành, nên cấp quản lý như anh sẽ có lợi thế. Còn những người mới ra trường sẽ chịu ảnh hưởng vì A.I đang thay thế công việc của họ hoặc làm cho nhu cầu tuyển dụng giảm đi rất nhiều. “Khi chưa có A.I, chúng tôi có cơ hội cọ xát và có kinh nghiệm thực tế. Thế hệ mới sẽ chịu áp lực hơn khi A.I đang lấy đi cơ hội phát triển của họ”, Ngọc Duy nói.

Hay trong ngành logistics, startup SuperShip đã phát triển SuperAI có thể gợi ý người bán lựa chọn nhà vận chuyển tối ưu về chi phí và thời gian cho đơn hàng từ Giao Hàng Nhanh, Viettel Post, Ninja Van, Best, Shopee Express. Ông Lê Thanh Hoài, CEO SuperShip, cho biết khoảng 4 triệu đơn hàng được giao vận hằng ngày ở Việt Nam và mỗi nhà giao hàng có thế mạnh ở các tuyến chuyển phát khác nhau. “Khi kết hợp họ lại có đến 150.000 bưu cục toàn quốc để A.I gợi ý giải pháp giao tối ưu cho nhà bán hàng”, ông Hoài nói.

Còn ở quy mô tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, ông Danny Lê, Tổng Giám đốc Masan Group, cho biết là đơn vị bán lẻ, Công ty cũng sử dụng A.I để tăng năng suất, quản lý hàng tồn kho nhưng chúng chỉ đóng một phần trong phục vụ khách hàng, xây dựng thương hiệu vì đây vẫn là các công đoạn cần yếu tố con người. “A.I sẽ là xu hướng của tương lai. Nhưng giai đoạn này còn sớm nên chúng tôi phải hiểu cách ứng dụng trong doanh nghiệp như thế nào để tránh chi phí đầu tư vào A.I cao mà hiệu quả không như mong đợi”, ông Danny Lê nói.

Các ví dụ trên phản ánh rất rõ thực trạng ứng dụng A.I từ góc nhìn của doanh nghiệp ở Việt Nam. Theo báo cáo của Microsoft, dù muốn tuyển dụng nhân viên biết sử dụng A.I và tin rằng cần áp dụng A.I để duy trì khả năng cạnh tranh nhưng gần 50% doanh nghiệp lo ngại về việc thiếu kế hoạch và tầm nhìn triển khai cụ thể. 

Điều này có thể lý giải được vì Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi với sự phụ thuộc đáng kể vào sản xuất và nông nghiệp nên nhận thấy mức độ tác động của A.I sẽ khác so với các nền kinh tế phát triển hơn. 

Theo Microsoft, lĩnh vực dịch vụ dễ bị ảnh hưởng bởi A.I hơn, chiếm 37,8% lực lượng lao động tại Việt Nam vào năm 2021, so với 79,2% ở Mỹ. Do đó, tác động ngắn hạn của A.I tới thị trường việc làm Việt Nam có thể tương đối thấp. Cũng phải nói thêm sở dĩ lý do lao động trí thức Việt Nam đang ứng dụng A.I cao hơn lao động trí thức thế giới (88% so với 75%) là vì đa phần công cụ A.I đang… miễn phí.

Ngã ba đường

Ngay cả tại Mỹ, mức độ ảnh hưởng của A.I đến quy trình hoạt động của doanh nghiệp cũng chưa quá nặng nề. Lấy ví dụ về việc ChatGPT hoạt động chập chờn trong 2,3 ngày không làm nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Còn đây là câu trả lời từ chính ứng dụng Gemini - một A.I của Google về sự cố của đối thủ và mức độ ảnh hưởng của nó: “Mặc dù OpenAI báo cáo tỉ lệ phần trăm cao (khoảng 80%) trong số các công ty Fortune 500 đã đăng ký tài khoản ChatGPT, nhưng điều này có thể không nhất thiết là doanh nghiêp nào cũng sử dụng. Các báo cáo cho thấy một tỉ lệ phần trăm nhỏ hơn (khoảng 5%) trong số các công ty Fortune 500 đã áp dụng phiên bản ChatGPT trả phí dành cho doanh nghiệp, được thiết kế đặc biệt để sử dụng cho doanh nghiệp đó. Điều này cho thấy trong các công ty Fortune 500 đang khám phá ChatGPT, việc sử dụng nó trong kinh doanh vẫn đang ở giai đoạn đầu. Do đó, tác động của việc ngừng hoạt động ChatGPT đối với các công ty Fortune 500 hiện có thể bị hạn chế”.

Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam rất hưởng ứng A.I về mặt tinh thần nhưng triển khai thì còn rất nhiều vấn đề. Đây là kết quả chung của phần lớn các báo cáo khi khảo sát ở Việt Nam về xu hướng ứng dụng công nghệ mới. Nhất là khi trong thời gian qua, rất nhiều xu hướng công nghệ trong kinh doanh mới được truyền thông xã hội đề cao quá mức so với ứng dụng thực tế càng làm doanh nghiệp chùn bước.

Điển hình như việc chuyển đổi số, Cục Phát triển Doanh nghiệp cho biết Việt Nam có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trên 90% là nhỏ và siêu nhỏ. Đa số doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng với chuyển đổi số và chưa biết tìm kênh hỗ trợ ở đâu. Nên nhớ rằng chuyển đổi số là bước đi nền tảng để doanh nghiệp ứng dụng A.I.

Hiện nay, doanh nghiệp như đứng giữa ngã ba đường: bình thường với làn sóng A.I, hay chuẩn bị để không bị bỏ lại, nhưng cũng không quá hưng phấn với nó. Ông Andree Mangels của Talentnet cho rằng: “Doanh nghiệp nên xem A.I là lực đẩy. Thế hệ Gen Z trở đi được xem là thế hệ thấm nhuần và hòa hợp nhất với các cải tiến công nghệ. Doanh nghiệp dù muốn hay không vẫn cần chuẩn bị sẵn sàng để có thể tiếp nhận các nhóm lao động thuần thục với công nghệ (trong đó có A.I)”. 

Trong khi đó, ông Bùi Hải Hưng, sáng lập kiêm Tổng Giám đốc VinAI (VinGroup), cho hay: “A.I sẽ thay đổi hoàn toàn cách chúng ta kinh doanh trong tương lai. Nhưng các nhà ra quyết định chưa hiểu hết tác động, công nghệ đằng sau nó và áp dụng ra sao”, ông Hưng nói.

PwC cũng khuyến nghị doanh nghiệp nên xem lại chiến lược, định vị A.I tạo sinh đóng vai trò thế nào trong quản trị, năng lực vận hành và tốc độ đưa sản phẩm, dịch vụ ra thị trường. Cùng với đó, có chiến lược về lao động. 

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp có thể tham khảo 3 bước sau để sẵn sàng cho công nghệ A.I. Một là khởi động. Các lãnh đạo doanh nghiệp nên làm rõ vai trò và những lợi ích A.I mang đến để người lao động đón nhận công nghệ này với thái độ tích cực. Chuẩn hóa quy trình trong nội bộ là vô cùng cấp thiết trước khi ứng dụng bất kỳ loại hình công nghệ nào. Nếu không, công nghệ sẽ làm mọi chuyện phức tạp hơn chúng ta tưởng. 


Thứ đến là xuất phát. Doanh nghiệp cần triển khai những chương trình đào tạo kỹ năng để nhân viên bắt đầu làm quen với công cụ mới. Ở giai đoạn này, xây dựng văn hóa dám thử nghiệm, dám làm lại cũng rất quan trọng. Điều này sẽ giúp nhân viên cởi mở hơn và không ngại ứng dụng cái mới.

“Bước tiếp theo là tăng tốc. Các chương trình nội bộ để thúc đẩy người lao động ứng dụng A.I là cần thiết để giúp doanh nghiệp tăng tốc trong cuộc đua tới tương lai”, ông Andree Mangels nói.

Còn theo ông Chương của Adecco Việt Nam, cũng như các quốc gia phát triển trên thế giới, doanh nghiệp Việt Nam cần ưu tiên tìm hiểu và đầu tư vào ứng dụng của A.I với các mục tiêu như ứng dụng A.I để thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng, giúp đưa ra quyết định chiến lược tốt hơn cho tương lai.

Thứ đến là dự báo xu hướng ứng dụng A.I sẽ nâng cao hoặc thay thế một số công việc có tính tự động hóa cao và không cần sự can thiệp nhiều của con người như khảo sát khách hàng, telesales, dịch thuật, thiết kế... Nhân sự có kỹ năng A.I sẽ sử dụng hiệu quả hơn các tính năng của A.I, giúp nâng cao hiệu suất và sáng tạo hơn trong công việc.
“Cuối cùng là mở rộng đầu tư cho việc đào tạo và cập nhật kiến thức về A.I cho nhân sự các nhóm ngành để bắt kịp xu hướng (upskilling)”, ông Chương nói.
Từ kinh nghiệm của chính mình, ông Tường của MoMo cho rằng, để ứng dụng A.I thành công cần sự quyết tâm của các nhà lãnh đạo và duy trì sử dụng nó trong công việc như một thói quen. “Đó là động lực lớn cho tổ chức. Chủ doanh nghiệp cần kiên trì, không thể có kết quả trong vài tháng”, ông Tường nói.