Nguyễn Sơn-Thùy Dương Thứ Ba | 06/02/2018 09:00

Bóng đá: Muốn thắng to, phải đầu tư lớn

Tiềm năng của ngành công nghiệp bóng đá là rất hứa hẹn nếu biết cách đầu tư đúng đắn và bài bản.

Chiến tích của tuyển U23 Việt Nam tại giải vô địch Châu Á là một sự kiện đáng nhớ trong lịch sử bóng đá nước nhà. Bên cạnh chiến tích của U23, năm ngoái Việt Nam cũng lần đầu tiên có suất tham dự vòng chung kết thế giới U20 thế giới. Kết quả này cho thấy tiềm năng của ngành công nghiệp bóng đá là rất hứa hẹn nếu biết cách đầu tư đúng đắn và bài bản. 

Cú sốc Toyota và bất ngờ U23

Một sự kiện gây sốc gần đây là việc hãng ô tô Nhật Toyota đã ngừng tài trợ cho giải bóng đá chuyên nghiệp V-Leauge sau 3 năm gắn bó (2015-2017). Nhưng ngay sau đó, Toyota đã ký hợp đồng mới tài trợ cho giải đấu Thai League với giá trị lên đến 5 triệu USD mỗi mùa, cao gấp 2,5 lần so với số tiền bỏ ra tại Việt Nam trước đó. Có nhiều lý do để giải thích cho hành động của hãng xe Nhật. Sau hơn 10 năm phát triển theo đề án chuyên nghiệp hóa, V-League vẫn chưa chứng tỏ được đây là một trong những giải thi đấu hàng đầu và chất lượng nhất Đông Nam Á, tạo dựng một thương hiệu tốt để giúp cho các nhà kinh doanh như Toyota thu được kết quả kinh doanh khả quan. 

Bong da: Muon thang to, phai dau tu lon
 

Cùng với dự đoán môi trường kinh doanh gặp nhiều thách thức hơn tại thị trường Việt Nam từ năm 2018, việc nhà tài trợ lâu năm này tạm biệt Việt Nam để tập trung hơn vào thị trường Thái Lan được xem là hành động khá hợp lý! Do đó, giống như cơn mưa rào trên sa mạc, thành tích bất ngờ của U23 Việt Nam mới đây đã mang lại kỳ vọng mới cho V-League với viễn cảnh nhận được các hợp đồng tài trợ mới từ các đối tác hàng đầu như các doanh nghiệp Hàn Quốc đang ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam cũng như các đối tác mới trong nước.

Điều này phần nào trở thành sự thật. Trước thềm xuân năm mới 2018, Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood đã ký bản ghi nhớ, đánh dấu Nutifood trở thành đơn vị tài trợ chính cho V-League trong 3 mùa tới. Số tiền tài trợ chưa được công bố chính thức nhưng nhiều khả năng sẽ lên tới hàng triệu USD. Nhìn sang Trung Quốc, từ việc xem bóng đá là một môn thể thao thuần túy, những đại gia nước này ngày càng xem số tiền dành cho môn thể thao vua là một khoản đầu tư nghiêm túc như một phương thức khẳng định giá trị và tầm vóc của mình.

Điều này được thể hiện thông qua các thương vụ M&A thâu tóm một loạt các câu lạc bộ nổi tiếng ở châu Âu như AC Milan, Atlético Madrid. Dành ra hàng đống tiền để mang các cầu thủ nổi tiếng thế giới như Tevez, Oscar, Javier Mascherano, Lavezzi... cùng các huấn luyện viên hàng đầu như Scolari, Sven-Göran Eriksson... về nâng tầm giải vô địch bóng đá Trung Quốc. 

Trước Trung Quốc, Nhật cũng là quốc gia tiên phong trong việc chi tiền, thu hút các tài năng của thế giới như Dunga, Zico... Kết quả, các cầu thủ nội địa dần tiếp thu được phong cách, thái độ thi đấu chuyên nghiệp đi cùng cải tiến về các mặt kỹ chiến thuật. Trong những năm qua, Nhật luôn nằm trong top các quốc gia hàng đầu châu Á và liên tiếp giành được vé dự cúp bóng đá thế giới. Có vẻ như cách làm này cũng được một số doanh nghiệp Việt học hỏi. Dù vậy, mọi chuyện cũng không phải dễ dàng gì cho các chủ doanh nghiệp một khi tham gia đồng hành với bóng đá mà bài học quá khứ là minh chứng điển hình.

Phiên bản 1.0: Lỗi

Trào lưu đầu tư vào lĩnh vực thể thao của giới doanh nhân khởi xướng với việc bầu Đức tiếp quản đội bóng tỉnh Gia Lai rồi đổi tên thành Hoàng Anh Gia Lai. Năm 2002, ông bầu này chơi trội khi mời được tiền đạo số 1 Thái Lan Kiatisak về đầu quân, đồng thời chi mạnh tay để thu hút các cầu thủ nội như Hữu Đang, Ngô Quang Trường, Văn Sỹ Hùng. Thành quả của cuộc cách mạng đó là 2 chức vô địch V-League liên tiếp 2003-2004, mở ra một kỷ nguyên mới cho môn thể thao vua, với điểm nhấn là quyền lực và tiếng nói của khu vực tư nhân ngày càng được khẳng định.

Sau bầu Đức, các ông bầu khác bắt đầu tham gia tranh tài. Bầu Thắng (Gạch Đồng Tâm) đầu tư vào Đồng Tâm Long An, bầu Đệ (Hợp Lực) kết duyên với tuyển Thanh Hóa, bầu Kiên (ACB) đầu tư vào câu lạc bộ Hà Nội, bầu Thụy (Xuân Thành) đầu tư vào một loạt đội tuyển từ Hà Tĩnh, Quảng Nam đến Câu lạc bộ bóng đá Sài Gòn. Ở Bình Dương, Tổng Công ty Becamex Bình Dương tham gia tài trợ cho đội tuyển quê nhà. Hay ở Đồng Nai, doanh nghiệp đến từ Malaysia là Berjaya quyết định gắn logo với Câu lạc bộ bóng đá Đồng Nai. Ngay cả một doanh nhân nổi tiếng suốt ngày chăm chỉ với sắt thép là Trần Đình Long (Hòa Phát) cũng không đứng ngoài cuộc chơi khi đầu tư vào Hòa Phát Hà Nội vào năm 2006.

Làn sóng tham gia hàng loạt của các tên tuổi lớn đã mang đến một sức sống mới cho môn thể thao vua, giúp cho môn này thật sự sôi động trong những năm 2003-2008. Với doanh thu hàng ngàn tỉ đồng, chuyện mỗi năm các ông bầu chi ra vài chục tỉ đồng để nuôi quân được xem là quá dễ dàng. Ngược lại, các doanh nghiệp cũng nhận được danh tiếng từ sự ủng hộ của người dân và chính quyền các tỉnh, điều có thể mang lại cho họ sự thuận lợi hơn trong ký kết các hợp đồng kinh doanh và phát triển thương hiệu ra cả nước.

Bong da: Muon thang to, phai dau tu lon
 

Dù vậy, những bất hợp lý trong giai đoạn tiền chuyên nghiệp cũng được lộ rõ. Nhiều ông bầu sẵn sàng chịu chi khiến giá chuyển nhượng và mức lương cầu thủ tăng đến mức chóng mặt. Nhiều câu lạc bộ sẵn sàng lôi kéo dụ dỗ các siêu sao từ tay các đối thủ với mức hậu đãi hào phóng, khiến cho cục diện cạnh tranh trên thị trường trở nên gay gắt và nhiều ông bầu sẵn sàng dành cho nhau những lời chỉ trích thậm tệ.

Bong da: Muon thang to, phai dau tu lon
Chiến thắng của U23 mang lại hy vọng cho các khoản đầu tư bóng đá trẻ của Việt Nam.

Thêm vào đó, nhiều tiền chưa chắc có được mùa xuân. Tư duy “ăn xổi ở thì” vẫn hiện diện trong nhiều doanh nghiệp khiến cho áp lực dành cho các câu lạc bộ dưới quyền ông chủ mới rất khủng khiếp. Cùng với đó là hạn chế về công tác điều hành khiến cho V-League mãi không thoát xác để vươn tầm trở thành một trong những giải thi đấu hàng đầu châu lục.

Bên cạnh một số doanh nghiệp gặt hái được một số thành công khi kết duyên với môn bóng đá như Hoàng Anh Gia Lai, Becamex, Đồng Tâm Long An, T&T Group... thì cũng có những người phải nếm trái đắng. Cú sốc năm 2008 với sự sụp đổ của thị trường chứng khoán và địa ốc cũng khiến nhiều ông bầu lựa chọn cách thoái lui để tập trung nguồn lực hơn vào công việc chính như bầu Thụy, bầu Đệ, bầu Long. Còn bầu Kiên vì vướng vòng lao lý nên cũng từ biệt luôn giấc mơ bóng đá. Nền bóng đá nội địa đã trầm lắng trong giai đoạn 2008-2013 và có dịp nóng lên trở lại khi nền kinh tế khởi sắc hơn kể từ năm 2015, cùng sự tham gia của những tay chơi mới giàu tiềm lực như Vingroup, Nutifood với những hướng đi mới bài bản và vững vàng hơn.

 Phiên bản 2.0: Chuyên nghiệp hơn 

Khi ông bầu Đỗ Quang Hiển chi hơn 30 tỉ đồng để mời câu lạc bộ Manchester City sang Việt Nam du đấu Hè 2015, cũng có người đã dè bỉu rằng đấy là thương vụ của những “trọc phú”. Thời điểm ấy, đội bóng áo Xanh thành Manchester vẫn bị coi là gã giàu xổi nhờ tiền của các tỉ phú Ả Rập, còn Hà Nội T&T của bầu Hiển cũng chưa thể lôi kéo được khán giả Thủ đô tới sân Hàng Đẫy như của Công an Hà Nội hay Thể Công trước đây.

Bong da: Muon thang to, phai dau tu lon
 

Nhưng 3 năm sau, thời thế đã thay đổi. Manchester City hiện thống trị bóng đá Anh, không chỉ nhờ lối chơi hấp dẫn của huấn luyện viên Pep Guardiola, mà còn bởi kế hoạch phát triển có tầm nhìn của các ông chủ đội bóng. Tại Việt Nam, bầu Hiền là người nở nụ cười mãn nguyện nhất khi U23 Việt Nam lập nên kỳ tích lịch sử tại giải châu Á, nhờ sự tỏa sáng của Nguyễn Quang Hải, cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của Hà Nội T&T, giờ mang tên Hà Nội FC.

Đội bóng này đóng góp tới 6/23 cầu thủ dự giải U23 châu Á. Nếu tính thêm cả những cầu thủ được Câu lạc bộ Hà Nội cho Sài Gòn FC, SHB Đà Nẵng mượn thì “quân bầu Hiển” có tới 10 người cùng lập nên chiến tích chưa từng có đối với bóng đá Việt Nam. Thực ra từ năm ngoái, bầu Hiển đã chứng tỏ rằng đội bóng đá đối với ông không phải là đồ trang sức. Mà thật lòng ông Hiển muốn xắn tay đóng góp cho bóng đá Thủ đô nói riêng, cũng như bóng đá Việt Nam nói chung khi nuôi đội bóng thi đấu từ giải hạng Ba, rồi khi đã lên hạng Chuyên nghiệp, rồi vô địch quốc gia rồi thì mạnh dạn cắt tên Tập đoàn T&T khỏi tên Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội.

Hiện giờ, khẩu hiệu của Hà Nội FC là “Niềm tự hào của bóng đá Thủ đô” và thành công của đội U23 vừa qua cho thấy ông Hiển có đủ tư cách để nói câu đó. Điều mà bầu Hiển đang làm cũng đi ngược lại điều mà bóng đá “chuyên nghiệp” Việt Nam từng trải qua thời các tỉ phú thi nhau đổ tiền vào bóng đá. Thời kỳ mà các ông bầu nuôi đội bóng vừa để khuếch trương thương hiệu, vừa chơi ngông, hay cao hơn nữa là để đánh đổi lấy đất dự án béo bở tại các địa phương.

Bong da: Muon thang to, phai dau tu lon
Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ PVF

Vì thế, mới có chuyện nhiều đội bóng mỗi năm lại đổi tên một nhà tài trợ, khiến các cổ động viên phát ngán khi mà những khái niệm như truyền thống, màu cờ sắc áo bị coi rẻ chưa từng thấy. Người hâm mộ quay lưng lại với bóng đá cấp câu lạc bộ cũng là vì lý do đó, trong khi các đội tuyển vẫn luôn tạo nên cơn sốt ở các kỳ như SEA Games hay AFF Cup. Đó cũng là lý do khiến huấn luyện viên từng gắn bó nhiều năm với đất nước này là Alfred Riedl có câu nói để đời là “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”. Suốt một thời gian dài, những người làm bóng đá, từ Liên đoàn cho đến các ông bầu chỉ chăm chăm tập trung vào đội tuyển quốc gia, những đội tuyển lớn mà ít chú trọng đến công tác đào tạo trẻ.

Chính các ông bầu này với cách làm bóng đá chuyên nghiệp thật sự. Nhờ khoản hầu bao rộng rãi của ông chủ, các trung tâm thuê được nhiều thầy giỏi, mở các đợt tuyển quân rầm rộ trên cả nước. Các cầu thủ lò tư nhân cũng có nhiều cơ hội cọ xát hơn, không chỉ qua các giải trẻ trong nước mà cả các giải quốc tế. Thêm nữa, các ông bầu tư nhân cũng chú trọng nhiều hơn đến việc rèn giũa văn hóa cho các cầu thủ. Hình ảnh thủ quân Xuân Trường tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh với trọng tài, trả lời phỏng vấn truyền hình nước ngoài cho thấy sự khác biệt rất lớn ấy so với thế hệ đàn anh đi trước. Cũng không chỉ Trường, các đồng đội ở U23 Việt Nam đều tạo được ấn tượng tốt cả trong lẫn ngoài sân cỏ. 

Bong da: Muon thang to, phai dau tu lon
Cảm hứng và niềm tin của người hâm mộ bóng đá đã trở lại. Ảnh: Minh Sơn

Thành tích tuyệt vời của tuyển U23 vừa qua cũng mang đến một nụ cười mãn nguyện cho bầu Đức khi gần một nửa đội hình xuất thân từ học viện đào tạo trẻ HAGL JMG - trung tâm mà ông đặt viên gạch xây dựng cách đây 11 năm. Đây cũng là mô hình hợp tác đầu tiên giữa một câu lạc bộ trong nước với các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu được triển khai ở Việt Nam, mà sau này được nhân rộng ra nhiều câu lạc bộ khác. Xây dựng nền tảng phát triển cho ngành với bắt đầu là các tài năng trẻ là một hướng đi đúng đắn, giống như mô hình của các nền bóng đá phát triển vượt bậc như Anh, Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan...

Nó không những giúp cung cấp cho các câu lạc bộ những ngôi sao tiềm ẩn để có thể nâng tầm đội bóng, mà còn là cơ hội kinh doanh hiệu quả khi các trung tâm thực hiện việc mua bán chuyển nhượng cầu thủ cho các câu lạc bộ với mức giá hấp dẫn. Tiếp nối theo mô hình của HAGL, Nutifood cũng thành lập Học viện Bóng đá Nutifood. Đặc biệt, gần đây nổi lên một tên tuổi là Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ (PVF) - lò cung cấp một nửa thành viên của tuyển U20 lọt vào vòng chung kết thế giới vừa qua. 

Cuối năm ngoái, PVF đã trình làng cơ sở vật chất mới tại Hưng Yên. Trung tâm này có quy mô hàng đầu châu lục khi có tổng diện tích gần 22ha, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế... Chơi trội hơn, PVF còn mời các chuyên gia và danh thủ nổi tiếng của câu lạc bộ số 1 nước Anh Manchester United sang huấn luyện cho các cầu trẻ, đi cùng với áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học để cải thiện thể chất. Đây được xem là một trong những dự án phát triển thể thao đáng xem nhất trong các năm tới. 

Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Đầu tư và Phát triển Tài năng Bóng đá Việt Nam, khẳng định: “Với chiến lược đầu tư toàn diện và tổng lực cho PVF, Vingroup một lần nữa khẳng định tôn chỉ mục đích của Quỹ là không xây dựng đội bóng thi đấu các giải chuyên nghiệp mà sẽ tiếp tục theo đuổi con đường phát triển bóng đá trẻ, nhằm góp phần đào tạo ra các thế hệ cầu thủ tài năng và tâm huyết cho bóng đá Việt Nam, tiến tới mục tiêu nâng tầm bóng đá nước nhà tiệm cận đẳng cấp thế giới trong tương lai gần”.

Phiên bản 4.0: Hệ sinh thái bóng đá

Anh hay ở các nền bóng đá phát triển khác, hầu hết các số liệu về việc đầu tư bóng đá, doanh thu… đều có thể được công khai thông qua các công ty kiểm toán như Deloite Touche. Ở Việt Nam, những con số này còn rất… tù mù, phần lớn số liệu mà báo chí có được là qua những nguồn “thạo tin”. Qua những nguồn thạo tin như thế, người ta có thể thấy sự khác biệt lớn giữa lò đào tạo tư nhân và Nhà nước. Kinh phí hằng năm của các trung tâm đào tạo thuộc Sở Thể dục Thể thao địa phương chỉ rơi vào khoảng vài ba tỉ đồng mỗi năm, các cầu thủ ăn ở, tập luyện với điều kiện cơ sở vật chất khá nghèo nàn. Còn với các lò tư nhân, con số này có thể lên tới hàng chục tỉ đồng.

Bong da: Muon thang to, phai dau tu lon
 

Theo một chuyên gia làm truyền thông cho các đội bóng tại V-League, mỗi năm, bầu Đức chi khoảng 48 tỉ đồng để nuôi 4 đội bóng, gồm đội 1 (trong đó có nhiều cầu thủ nước ngoài với mức lương vài chục ngàn USD mỗi tháng), 1 đội U19 và 2 lứa trẻ tại học viện JMG. Trước đây, tiền ăn cho các cháu ở học viện là 120.000 đồng/ngày/người, giờ có tài trợ của một hãng sữa nên được nâng lên khoảng 300.000-400.000 đồng/người/ngày. Với gói tài trợ lên đến 50 tỉ đồng cho 2 năm 2017-2018, HAGL có đủ lực thuê thêm một vị Giám đốc Kỹ thuật người Hàn Quốc, được đánh giá còn cao hơn cả huấn luyện viên Park Hang Seo của đội U23 Việt Nam! Sau thành công ở giải U23 châu Á, chắc chắn thương hiệu HAGL sẽ càng tăng cao, đồng nghĩa với việc thu hút thêm các nhà tài trợ trong và ngoài nước.

Với Hà Nội FC, chi phí chắc chắn còn cao hơn con số 48 tỉ đồng của HAGL. Viettel thì chỉ nuôi đội bóng ở giải hạng Nhất, bên cạnh lò đào tạo, nên chi phí không lớn như vậy. VPF chỉ có học viện bóng đá trẻ, nhưng với “đẳng cấp quốc tế” của mình thì chi phí chắc chắn là rất cao. Nhân dịp khai trương, VPF còn mời hẳn vài đội bóng trẻ ở Anh sang thi đấu giao hữu. Tiền lót tay mời hai ngôi sao Câu lạc bộ Manchester United Giggs và Scholes sang Việt Nam cũng phần nào chứng tỏ thực lực của PVF. Cũng phải kể thêm cả Thanh Hóa, sau khi có bầu Quyết FLC đứng sau thì cũng nổi lên với ngôi á quân V-League mùa vừa qua, rồi góp cho đội U23 thủ môn Bùi Tiến Dũng.

Bong da: Muon thang to, phai dau tu lon
Huấn luyện viên Park Hang Seo gặp ông Đoàn Nguyên Đức.

Nhưng trong ngắn hạn, bài toán lãi lỗ với mô hình kinh doanh bóng đá là vẫn khá thách thức vì nguồn thu vẫn chưa đủ bù chi phí. Bầu Đức cho rằng lãi lỗ khi kinh doanh bóng đá là bí mật riêng của từng doanh nghiệp. Nhưng ông khẳng định làm vì mục tiêu đam mê là chính, giúp cho người dân có cơ hội giải trí khi chứng kiến những trận đấu hay. “Đầu tư của tôi còn hướng đến giúp cho nền bóng đá nước nhà đạt nhiều thành tích hơn ở tầm châu lục, ví dụ như chức vô địch SEA Games.”

Nhìn chung, để ngành công nghiệp trải trí này thật sự phất lên, sẽ cần một chiến lược phát triển đồng bộ, hướng tới một hệ sinh thái hoàn chỉnh. Ở đó, rất cần có sự tham gia sâu rộng hơn của các nhân tố hỗ trợ khác, như cần thu hút thêm sự tham gia của các quỹ đầu tư, niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán để huy động vốn... đến phát triển các loại hình kinh doanh có tiềm năng tạo nguồn thu hàng trăm triệu USD như cá cược bóng đá, kinh doanh bản quyền truyền hình... Nhưng điều này chắc chắn sẽ tốn nhiều thời gian mới đạt được. Mặc dù vậy, với thành công của đội tuyển U23 vừa rồi, niềm tin cho một nền công nghiệp bóng đá tại Việt Nam đã lớn hơn nhiều.