Các nhà đầu tư tại Sàn chứng khoán TP.HCM. Ảnh: Quý Hòa

 
Ngọc Thủy-Liên Quang Thứ Tư | 05/12/2018 14:00

Bluechip không xanh

Các cổ phiếu blue chip đã trải qua một năm sóng gió khi hứng chịu nhiều sức ép cả trong và ngoài nước.

Hầu hết các cổ phiếu bluechip (có quy mô vốn hóa lớn), từng nổi đình nổi đám trước đây, đều đã đi qua gần một năm 2018 không mấy thành công. Khi sóng gió đi qua, các nhà đầu tư phải tìm tìm kiếm cơ hội từ những cổ phiếu thuộc các nhóm ngành có khả năng trụ vững trước các biến động trong và ngoài nước, được nhận những ưu đãi hoặc các ngành có thể hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung...

ĐỒNG LOẠT SUY GIẢM
Năm ngoái, nhiều cổ phiếu bluechip như VNM của Vinamilk VJC của Vietjet Air, MWG của Thế giới Di Động, MSN của Masan, VCB của Vietcombank, SAB của Sabeco, VPB của VPBank... đều tăng giá vượt bậc trên thị trường chứng khoán. Nhưng sang năm 2018, diễn biến đã bất ngờ thay đổi. VNM là một điển hình. Giá cổ phiếu này đã giảm hơn 30% so với thời điểm đầu năm. Hay cổ phiếu BMP của Nhựa Bình Minh đã giảm gần 34%. Đáng chú ý, cổ phiếu VCS của Vicostone từng một thời là hiện tượng hiện giảm gần một nửa so với mức đỉnh xác lập cuối tháng 3.2018. Một số cổ phiếu bluechip khác như MWG, VJC, MSN, GAS của PVGas, VPB, VCB, DHG của Dược Hậu Giang… cũng đi xuống. Ngoài ra, các cổ phiếu của những doanh nghiệp lớn như HSG của Hoa Sen Group, SHB của Ngân hàng SHB... đã giảm mạnh về mức 6.000-8.000 đồng/cổ phiếu. 

Có thể thấy, gần trọn một năm 2018, nhóm cổ phiếu bluechip đã không còn tỏa sáng. Điều này thể hiện qua con số  21/30 cổ phiếu thuộc nhóm VN30 (cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất) giảm giá, tính trong 10 tháng đầu năm nay. Mức giảm giá bình quân là 10,1%. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nguyên nhân kéo thị trường Việt Nam theo xu hướng đi xuống, gồm: sự “rạn nứt” của thị trường chứng khoán quốc tế và xu thế dòng vốn rút khỏi thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, áp lực của việc đồng USD mạnh dần lên do lãi suất tăng, cũng phần nào khiến tâm lý của nhà đầu tư luôn trong trạng thái muốn tháo chạy. 

Bluechip khong xanh
 

Sự “rạn nứt” chính thức xảy ra vào ngày 10 -11.10 vừa qua, thị trường Dow Jones (Hoa Kỳ) mất hơn 1.300 điểm, lập đáy lịch sử tại 25.052 điểm. Chứng khoán lao dốc khiến hầu bao của 500 người giàu nhất thế giới mất hơn 99 tỉ USD, theo thống kê của Bloomberg Billionaires Index. Sự đổ nhào này lan rộng thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị trường được nhận định chìm trong “cơn hoảng loạn mất phương hướng” như nhiều chuyên gia cảm nhận.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 11.10, VN-Index giảm hơn 48,07 điểm (-4,84%) xuống 845,89 điểm, HNX-Index giảm 6,59 điểm xuống 107,17 điểm. Toàn thị trường ghi nhận 580 mã giảm, 107 mã tăng và 101 mã tham chiếu. Thị trường Việt Nam “bốc hơi” khoảng 7,2 tỉ USD chỉ trong một phiên giao dịch. Đến nay, VN-Index đã giảm hơn 20% so với mức đỉnh 1.200 điểm xác lập đầu tháng 4.

Ngoài ra, theo đánh giá của Maybank KimEng, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng đã “bồi” thêm những ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bởi ngoài việc tác động đến thị trường hai nước, cuộc chiến Mỹ-Trung đã khiến nhu cầu hàng hóa nhập khẩu giảm. Trong khi cả Mỹ-Trung đều là những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng vừa qua, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 43,7 tỉ USD. Trung Quốc đứng thứ 3, sau Mỹ và EU. 

Nổi bật trong phần nhận định về Trade War (Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung), báo cáo tháng 10 của VNDIRECT có đoạn viết: “Khi chính quyền Trump đánh thuế đối với 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, một vài nhà phân tích đã coi nhẹ ảnh hưởng với sự kiện Mỹ “nhập khẩu” lạm phát… các khoản thuế nhập khẩu sẽ được gia tăng bắt đầu từ quý I năm sau.

Cuối cùng, chi phí cao hơn với hoạt động tiêu dùng, cùng với tỉ lệ thất nghiệp thấp sẽ kéo theo chi phí lương gia tăng”. Qua đó có thể thấy, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được nhận định là có tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán nói chung, chứ không phải là vô hại như một số nhận định lạc quan. 

Còn theo báo cáo Triển vọng Chiến lược Toàn cầu năm 2019 (Global Strategy Outlook) của Morgan Stanley, năm 2018, nhiều nhà đầu tư đã rút khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Thực tế, dòng tiền trong và ngoài nước đổ vào thị trường chứng khoán ngày càng hạn hẹp. Biểu hiện qua giá trị giao dịch bình quân trên thị trường tính đến tháng 10.2018 đã giảm hơn 12% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 6.000 tỉ đồng/phiên theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Bluechip khong xanh
 

Ngoài ra, các quỹ ETFs lớn như VNM ETF, FTSE Vietnam ETF, VFMVN30 ETF đều bị rút vốn. Các quỹ đầu tư cổ phiếu của Mỹ cũng đã liên tục rút vốn khỏi thị trường mới nổi, theo EPFR Global. Lý do bởi các nhà quản lý quỹ trên toàn cầu đang ở mức bi quan nhất, kể từ sau khủng hoảng 2008, theo khảo sát hằng tháng của Bank of America Merrill Lynch (BAML).
Những diễn biến này làm cho cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên thu hẹp hơn trong khi rủi ro lại gia tăng. 


THIẾU LỰC ĐẨY, DƯ LỰC CẢN
Nhưng sự chững lại của nhóm cổ phiếu bluechip còn được xác định có nguyên nhân lớn từ tăng trưởng kinh doanh không như kỳ vọng. Điển hình, dù Vicostone không sụt giảm về doanh thu nhưng việc duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 2 con số, trong bối cảnh thị trường quốc tế có nhiều biến động, thực sự là thách thức cho Vicostone.

Trong 9 tháng đầu năm nay, doanh thu Vicostone đã đi ngang ở mức 3.200 tỉ đồng còn lợi nhuận sau thuế giảm 7%, về 790 tỉ đồng. Tương tự, lũy kế 9 tháng đầu năm, VPBank tuy tăng nhuận sau thuế hợp nhất gần 9% so với cùng kỳ nhưng chỉ hoàn thành 60% kế hoạch năm. Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, vấn đề từ FE Credit đã ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của VPBank và khả năng ngân hàng không hoàn thành kế hoạch đề ra. VPBank có thể sẽ điều chỉnh giảm kế hoạch của mình khoảng 15-20%. 

Bluechip khong xanh
 

Về phần Vinamilk đã kinh doanh không được nổi bật như các năm trước. Doanh thu 9 tháng 2018 chỉ tăng nhẹ 2% lên 39.600 tỉ đồng còn lợi nhuận trước thuế giảm 8% xuống 9.400 tỉ đồng. Lý giải điều này, Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar World Panel cho rằng, mức độ tiêu thụ sữa của Việt Nam đang tăng chậm lại, đặc biệt là ở khu vực thành thị đã giảm 4% về giá trị tiêu thụ. Chính vì thế, không chỉ Vinamilk mà nhiều doanh nghiệp khác như Nutifood, TH Milk, Đường Quảng Ngãi cũng đang tìm những hướng đi mới để thúc đẩy tăng trưởng, trong bối cảnh ngành sữa rơi vào giai đoạn tương đối bão hòa. 

Bluechip khong xanh
 

Hay dù được đánh giá cao về vị thế dẫn đầu ngành ống nhựa xây dựng, nhưng Nhựa Bình Minh cũng đang có những rủi ro riêng về vùng nguyên vật liệu và về tỉ giá. Các rủi ro này đã và sẽ làm tăng chi phí hạt nhựa, đẩy lợi nhuận của Công ty giảm. Nhựa Bình Minh không phải là doanh nghiệp duy nhất kinh doanh chững lại khi về tay người Thái. Sabeco kể từ sau khi thuộc về người Thái cũng đã có một mùa báo cáo tài chính không khả quan. Cụ thể, lãi sau thuế của Sabeco trong 9 tháng năm 2018 là  3.482 tỉ đồng, giảm hơn 6% so với cùng kỳ.

Còn theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tăng trưởng của Vietjet Air trong thời gian tới sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các đường bay quốc tế, trong bối cảnh khách nội địa tăng trưởng chậm lại. Bên cạnh đó là các rủi ro về tỉ giá, lãi suất hay căng thẳng chính trị.

Nhìn tổng quát hơn, theo FPTS, trong nhóm các doanh nghiệp niêm yết đạt tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cao nhất 9 tháng năm 2018, vắng bóng các gương mặt bluechip. Mức tăng trưởng doanh thu thuần của các doanh nghiệp cũng chủ yếu trong khoảng 10-20%. Thị trường không có nhiều công ty đạt lợi nhuận đột biến như năm ngoái. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nhóm bluechip lại ngày càng phải đương đầu với những sự cố bất ngờ trong kinh doanh. Chẳng hạn, cùng thời điểm xảy ra vụ lộ thông tin khách hàng là 2 phiên giảm điểm của cổ phiếu MWG, khiến vốn hóa của Thế Giới Di Động bốc hơi gần 1.300 tỉ đồng. 

Các doanh nghiệp cũng phải thường xuyên đối mặt với những biến động chính sách gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh doanh. Chẳng hạn, trong năm 2018, doanh nghiệp nhựa một phen điêu đứng vì không được nhập hàng nhựa phế thải. ”Trong bối cảnh ngành nhựa Việt Nam sử dụng tới 80% lượng nguyên liệu nhập khẩu thì việc Nhà nước đột ngột siết chặt quy định nhập khẩu phế liệu đã gây nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp”, ông Trần Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, than phiền.


CỦNG CỐ THÀNH LŨY
Sang năm 2019, các doanh nghiệp trong nhóm bluechip sẽ còn tiếp tục chiến đấu với các áp lực cũ và mới. Trước mắt, chứng khoán năm 2019 được dự đoán sẽ khó lòng cải thiện so với năm 2018. Lý do vì kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục chịu những tác động bởi rủi ro trung và dài hạn từ bên ngoài. Trong đó, những lo ngại về lạm phát chi phí đẩy sẽ là điểm then chốt, khi giá các mặt hàng cơ bản đã sẵn sàng tăng. Ở phạm vi thế giới, Mỹ tiếp tục quá trình bình thường hóa lãi suất đến hết năm 2019, Liên minh Châu Âu (EU) chấm dứt gói nới lỏng định lượng vào cuối năm 2018, bắt đầu nâng lãi suất vào giữa năm 2019. Áp lực tăng lãi suất sẽ khiến thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực. 

Bluechip khong xanh
 

Thị trường chứng khoán Việt mới được tổ chức FTSE đưa vào danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi, kỳ vọng sắp tới  tiếp tục được vào danh sách xem xét nâng hạng của một tổ chức khác là MSCI. Kéo theo đó là dòng vốn lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, dòng tiền ngoại đổ vào các thị trường chứng khoán mới nổi, gồm cả Việt Nam dự kiến sẽ chưa có điểm sáng, do nhà đầu tư còn mang tâm trạng bi quan, theo đánh giá của hầu hết chuyên gia. SSI nhận định thêm, dòng vốn ngoại vẫn có thể vào nhưng quy mô sẽ khó đạt được như thời “hoàng kim” cuối năm 2017, đầu năm 2018. Trong bối cảnh đó, mức tăng trưởng của thị trường chứng khoán sẽ phụ thuộc vào tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp. 

Hiện tại, ngân hàng, bất động sản và dầu khí là 3 ngành có ảnh hưởng lớn đến quy mô vốn hóa của chứng khoán Việt Nam. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), năm 2019, tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng có thể chậm lại, chỉ khoảng  13,5%. Nguyên nhân được xác định là do đà tăng chậm lại của tín dụng. Dự báo tín dụng trong khoảng 3-5 năm tới sẽ tăng khoảng 14%/năm, thấp hơn giai đoạn 2015-2017 (18,1%). Lợi nhuận khối ngân hàng năm 2019 dự báo giảm so với năm 2018 khi dư địa từ việc hoàn nhập dự phòng nợ xấu không còn nhiều. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất có dấu hiệu tăng sẽ tạo thêm khó khăn cho việc tăng trưởng thu nhập từ lãi.

Bluechip khong xanh
 

Về nhóm ngành bất động sản, lãi suất tăng và thắt chặt tín dụng sẽ tạo ra những khó khăn cho ngành này.  Vì thế, theo dự đoán BVSC, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành năm 2019 sẽ thấp hơn so với năm 2018. Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam nhận định, trong 5 năm qua (từ năm 2014 đến năm 2018), cổ phiếu hai ngành ngân hàng và bất động sản đã đạt mức tăng trưởng 3 con số, trong khi VN-Index chỉ dừng ở mức hai con số.

Thị trường bất động sản vẫn là một trong những điểm đến thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư thế giới nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế vĩ mô tích cực và ổn định. Tuy nhiên, bất động sản luôn tiềm ẩn những rủi ro lớn, nhất là khi điều kiện nguồn cung hạn chế vì thủ tục kéo dài hoặc quỹ đất sạch ngày càng thu nhỏ, hay việc kiểm soát chất lượng sản phẩm sau bàn giao… 

Ở lĩnh vực dầu khí, theo VietinbankSC, khả năng giá dầu sẽ giữ ở mức như hiện nay, thậm chí cao hơn, vì bị tác động bởi các diễn biến của chiến tranh thương mại. Riêng lĩnh vực hàng không, bán lẻ... cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ, khi các ngành này đã có thêm những gương mặt mới. Ví dụ trong lĩnh vực hàng không, Bamboo Airways đã được cấp phép hoạt động. Hãng hàng không Vietstar cũng đang được xem xét giấy phép bay.

Bluechip khong xanh
 

Với lĩnh vực bán lẻ, mức độ đua tranh càng khốc liệt do ngày càng nhiều những Tập đoàn bán lẻ nước ngoài như Aeon, Central... tăng tốc đầu tư ở  Việt Nam. 

Do đó, các công ty hoạt động trong những lĩnh vực này như Vietjet Air (hàng không), Thế Giới Di Động (bán lẻ)... sau giai đoạn tăng trưởng nóng, dự báo sẽ gặp khó khăn hơn trên bước đường chinh phục các mốc tăng trưởng mới.

Nhưng giới đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội từ những cổ phiếu thuộc các nhóm ngành có khả năng trụ vững trước các biến động. Theo khuyến nghị của ông Nguyễn Nhật Cường, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu của VietinBankSC, đó có thể là các ngành như sản xuất điện, bán lẻ, xuất khẩu thủy sản, dệt may… Trình bày nhận định khuyến nghị có phần chi tiết hơn, báo cáo “Góc nhìn: Củng cố thành lũy khi mưa gió tạm đi qua” của VNDIRECT cho rằng, nhà đầu tư có thể cân nhắc một số cổ phiếu được sàng lọc theo phương pháp “Bottoms-up” và đánh giá dựa trên các tiêu chí như tỉ suất cổ tức, tăng trưởng kép và lợi nhuận, so sánh P/E và P/B với trung bình ngành. Theo VNDIRECT, một số mã thuộc diện “top 25 cổ phiếu phòng thủ” gồm: TDH, LHG, SKG, SHI, NTC, PPC...