Nhà máy GE Hải Phòng.

 
Lam Hồng Thứ Năm | 28/05/2020 08:00

Bao giờ Mỹ là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam?

Cuộc dịch chuyển quy mô lớn khỏi Trung Quốc đang mở ra cơ hội vàng đối với Việt Nam trong nỗ lực thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng từ Mỹ.

Tổng thống Donald Trump vừa ký một sắc lệnh hành pháp cho phép một cơ quan đầu tư nước ngoài của Mỹ quyền hạn mới để giúp các nhà sản xuất tại Mỹ “sản xuất mọi thứ Mỹ cần cho chính mình và sau đó xuất khẩu ra thế giới, bao gồm cả thuốc men”. Cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều đang lập các dự luật để giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, chiếm khoảng 18% tổng lượng nhập khẩu trong năm 2019.

25 tỉ USD để rút lui khỏi Trung Quốc
Theo đó, các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc hoặc không hợp tác với các nhà cung cấp chính đặt tại Trung Quốc có thể sẽ được giảm thuế hoặc tận hưởng các chính sách ưu đãi, thậm chí nhận trợ cấp nhà nước nếu quay về nước. Để thúc đẩy cho kế hoạch này, các nhà lập pháp và quan chức Mỹ thảo luận về ý tưởng “một quỹ đầu tư chuyển dịch từ nước ngoài về lại trong nước,” với ngân quỹ ban đầu đến 25 tỉ USD nhằm khuyến khích các công ty Mỹ cải tổ mạnh mẽ mối quan hệ của họ với Trung Quốc, trong đó có cả việc rút lui khỏi “công xưởng thế giới” này.

Thực tế, từ thời cựu Tổng thống Barack Obama đã có chính sách đưa các doanh nghiệp Mỹ trở về trong nỗ lực khôi phục thị trường việc làm và nền kinh tế. Đến thời mình, Tổng thống Donald Trump cũng cam kết sẽ đưa ngành sản xuất từ nước ngoài trở về nội địa, nhưng sự lây lan gần đây của COVID-19 và những lo ngại liên quan đến sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng y tế và thực phẩm của Mỹ vào Trung Quốc khiến Nhà Trắng đưa ra quyết tâm giải quyết vấn đề này rốt ráo hơn.

Nhà máy Intel Việt Nam.
Nhà máy Intel Việt Nam.


Nhằm giảm lệ thuộc của các chuỗi cung ứng toàn cầu vào Trung Quốc, chính quyền của ông Donald Trump còn dự kiến thiết lập một “Mạng lưới thịnh vượng kinh tế” gồm một nhóm các đối tác đáng tin cậy như Nhật, Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam và New Zealand. Đây là một cơ hội vàng để Việt Nam thu hút các doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam trong làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

Trước đây, Việt Nam đã thu hút hàng loạt tên tuổi lớn của Mỹ như Intel, Microsoft, Jabil, Microchip, IBM, P&G, Coca-Cola, PepsiCo. Tiếp sau đó, các tập đoàn Boeing, Chevron, AIG, Exxon Mobil, General Electric (GE)... cũng tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Gần đây, nhiều thông tin cho thấy Việt Nam tiếp tục thu hút các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Google và cả Apple.

Việt Nam có thể tận dụng các khoản đầu tư của Mỹ vào những ngành, lĩnh vực đặc biệt đang cần để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Đó là những ngành công nghệ cao có thể đem lại giá trị sản xuất cao hơn, chuyển giao các công nghệ quan trọng trong chiến lược phát triển khoa học, kỹ thuật của Việt Nam.

Dòng vốn đầu tư từ Mỹ có thể cải thiện chất lượng và hiệu quả của vốn FDI vào Việt Nam. Năm 2019, dù thu hút được 38 tỉ USD vốn FDI nhưng dòng vốn này chưa đáp ứng được đòi hỏi của đất nước trong quá trình chuyển sang định hướng đổi mới, sáng tạo, khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng nền kinh tế số, tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bởi vì theo thống kê, quy mô trung bình mỗi dự án FDI quá nhỏ, 3.833 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư có tổng vốn đăng ký 16,75 tỉ USD, trung bình mỗi dự án chỉ khoảng 4,3 triệu USD. Một số địa phương còn thu hút cả những dự án 1-2 triệu USD, thậm chí dưới 1 triệu USD. “Tăng trưởng thu được từ FDI là ngắn hạn và nhất thời. Chúng ta đã có bài học về việc lãng phí đất đai, lao động, không thu được thuế... khi thu hút FDI trước đây”, Tiến sĩ Bùi Trinh đúc kết về bài học về dòng vốn FDI không chất lượng.

 

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tổng vốn FDI trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt 12,33 tỉ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ các năm 2016-2018.

Như vậy, bất chấp tác động của dịch, dòng vốn FDI vẫn đổ vào Việt Nam và dự báo sẽ còn chảy mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Trong chuyến gặp gỡ 45 doanh nghiệp Mỹ xúc tiến đầu tư vào Việt Nam mới đây, ông Alex Feldman, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (US-ABC), cho biết Việt Nam là một điểm sáng về đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài vài năm trở lại đây, trong đó có các doanh nghiệp đến từ Mỹ.

Đang có nhiều tín hiệu tích cực từ dòng vốn đầu tư từ Mỹ. Tập đoàn Ford đã quyết định gia tăng năng lực sản xuất bằng việc đầu tư nhà máy lắp ráp tại Hải Dương. Bên cạnh đó, General Electric cũng đã tăng vốn đầu tư vào nhà máy tua bin gió ở Hải Phòng và đang có nhu cầu mở rộng thêm.

Vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã cấp phép cho tập đoàn năng lượng lớn của Mỹ là AES được triển khai dự án khí LNG ở Sơn Mỹ. Đây là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, phân phối điện trên thế giới. Đại diện US-ABC cũng cho biết thêm, hiện nhiều công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon đã có kế hoạch chuyển hướng đầu tư sản xuất thiết bị điện tử về Việt Nam, có thể bằng hình thức đầu tư trực tiếp hoặc thông qua bên thứ 3. Đây là lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội trở thành nhà cung cấp.

Màu thảm nào cho dòng vốn chất lượng cao?
Tuy nhiên, dù đang là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam nhưng vốn FDI từ Mỹ lại khá khiêm tốn. Trải qua 25 năm bình thường hóa quan hệ, thương mại Việt - Mỹ đã chạm 60 tỉ USD (năm 2018), vốn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam cũng vượt mốc 9 tỉ USD. Mặc dù vậy, nếu so sánh với con số 300 tỉ USD mà Mỹ đầu tư ra nước ngoài mỗi năm, thì vốn FDI của Mỹ vào Việt Nam còn quá ít. Kể từ năm 2014 đến nay, có lúc (năm 2012), Mỹ chỉ đầu tư vào Việt Nam hơn 224 triệu USD, xếp thứ 16 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

 

Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, trong 4 tháng đầu năm 2020, Mỹ có đến 101 lượt góp vốn, mua cổ phần các doanh nghiệp nội với tổng vốn góp 68,58 triệu USD. Tuy nhiên, cùng thời gian này, Mỹ chỉ có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 25,5 triệu USD, chỉ bằng khoảng 1/3 số lượt đầu tư góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam.

Về vấn đề này, theo nhận định của Tiến sĩ Trần Du Lịch, nếu không có thể chế tốt thì khó nhận được dòng vốn tốt từ Mỹ. Sự không tương thích về mặt thể chế, chính sách giữa hai bên chính là lý do khiến vốn FDI từ Mỹ vào Việt Nam vẫn rất thấp trong nhiều năm qua. Vì thế, muốn có dòng vốn tốt từ Mỹ, Việt Nam phải cải cách mạnh mẽ.

Rõ ràng, để thu hút các khoản đầu tư chất lượng từ Mỹ, Việt Nam còn nhiều việc phải làm nếu không muốn để vuột mất một cơ hội lớn. Thực tế, trong “Mạng lưới thịnh vượng kinh tế”, chỉ có Ấn Độ là thuộc nhóm các nước đang phát triển như Việt Nam, ngoài ra là các nước phát triển. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam phải cạnh tranh với hàng loạt quốc gia như Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan trong thu hút đầu tư từ Mỹ và châu Âu. 

Chẳng hạn, trong khi chúng ta còn đang bàn vấn đề này thì theo Policy Times, 27 công ty Mỹ sẽ tiến hành di dời nhà máy từ Trung Quốc tới Indonesia trong thời gian tới. Đây được xem là một phần trong nỗ lực rút chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc đang được chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy trong thời gian qua.

 


Hay trước dòng dịch chuyển từ Trung Quốc, Ấn Độ đã nhanh chóng liên lạc để lôi kéo trên 1.000 công ty ngoại quốc, đa số là Mỹ, ở trong các lĩnh vực y tế, công nghệ hiện có chuỗi cung ứng ở Trung Quốc. Để tăng sức hấp dẫn, Ấn độ đã hạ mức thuế doanh nghiệp từ 25% xuống đến 17%, một trong những mức thuế thấp nhất ở châu Á nhằm khuyến khích đem FDI vào nội địa. Chính phủ Ấn Độ đang tìm cách giảm giá sản xuất để làm cho việc đầu tư trở nên hấp dẫn hơn trong thị trường 1,2 tỉ dân.

Các tập đoàn lớn hàng đầu của Mỹ có sức ảnh hưởng rất lớn trên toàn cầu. Nếu không nhanh nhạy, rõ ràng Việt Nam có thể để vuột mất cơ hội đón dòng vốn chất lượng từ Mỹ. Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), các quốc gia như Nhật, Hàn Quốc, Mỹ và khối EU có nguồn vốn chất lượng cao, song hoạt động đầu tư vào Việt Nam còn khá hạn chế. Bởi vì, các nhà đầu tư này còn một số quan ngại như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tính minh bạch, sự thay đổi thường xuyên của hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư.

Đặc biệt là luật hóa các nội dung bảo đảm đầu tư để nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn xuyên quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn có thể yên tâm đầu tư, làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Các công ty Mỹ rất chú trọng cân nhắc về khuôn khổ pháp lý, chi phí để tuân thủ các điều kiện, đặc biệt là mức độ nhất quán giữa các luật lệ, quy định, kèm các ưu đãi về thuế và đất đai... 

 


Trong chính sách thu hút đầu tư, Giáo sư Võ Đại Lược góp ý Việt Nam cần có chính sách và cơ chế rõ ràng trong việc tiếp nhận những dòng vốn từ nước ngoài nhưng không ưu đãi theo kiểu “dàn hàng ngang” với tất cả các dự án FDI; chỉ ưu đãi với doanh nghiệp nào đem công nghệ tốt vào Việt Nam, cam kết chuyển giao công nghệ. Đây là cách Singapore đã thực hiện và Việt Nam nên học tập để doanh nghiệp sản xuất trong nước không bị chèn ép mà vẫn thu hút được dòng vốn chất lượng cao từ châu Âu, Mỹ, loại bỏ dòng vốn xấu, kém chất lượng.

Tiến sĩ Đinh Trường Hinh, cựu chuyên gia kinh tế trưởng World Bank ở Washington, cho rằng, để thu hút vốn đầu tư FDI chất lượng cao nói chung, Việt Nam phải xem xét lại chính sách để khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các hoạt động thượng nguồn và hạ nguồn của những lĩnh vực có giá trị tăng trưởng cao để hoàn thiện chuỗi giá trị cung ứng; khuyến khích FDI liên kết với các công ty trong nước qua hình thái liên doanh và đẩy mạnh liên kết hàng dọc; nâng tỉ lệ nội địa hóa và ngăn chặn những hoạt động đầu tư không thân thiện với môi trường.

Trong những năm qua, không chỉ tăng mạnh về số lượng, quan hệ thương mại Việt - Mỹ cũng đang ngày càng hướng tới sự hài hòa và bền vững hơn với lợi ích dành cho cả hai phía. Việt Nam từng có 4 làn sóng đầu tư từ Mỹ kể từ năm 1991 đến nay và đang chờ đợi đón làn sóng tiếp theo lớn hơn và chất lượng hơn, đúng với vị thế “số 1” của các nhà đầu tư đến từ Mỹ.