Trong 2 năm trở lại đây, Việt Nam trở thành một điểm sáng thu hút đầu tư vào startup. Ảnh: Quý Hoà
Ẩn số vốn startup Việt
Cổ phiếu hàng loạt công ty công nghệ toàn cầu mất giá phản ánh các nhà đầu tư đang tìm kênh trú ẩn khác.
NHỮNG NGÔI SAO MẤT GIÁ
Tháng 9/2020, các nhà đầu tư Snowflake vui mừng vì cổ phiếu của Công ty giao dịch ở mức 254 USD, cao hơn gấp đôi tại thời điểm mở cửa và đạt đỉnh hơn 360 USD/cổ phiếu 1 năm sau đó. Tuy nhiên, sau 1 tháng kể từ khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra, cổ phiếu của Snowflake đang loanh quanh ở mức hơn 220 USD/cổ phiếu. Không chỉ riêng Snowflake, các cổ phiếu “ngôi sao” cùng thời điểm như DoorDash, Airbnb cũng giảm từ 40% đến hơn 50% so với đỉnh.
Viễn cảnh này cũng diễn ra ở Đông Nam Á, khi 2 đại diện của khu vực là Sea và Grab chưa kiềm hãm được đà trượt giá. Đặc biệt là Grab với mức giảm hơn 70% so với thời điểm IPO.
Thật ra không phải đến khi xung đột Nga - Ukraine mà trước đó dòng tiền đã có xu hướng rời các cổ phiếu công nghệ từ đầu năm nay dẫn đến phần lớn cổ phiếu của các công ty này đều ở trong tình trạng sụt giảm. Theo bà Trần Nguyễn Thúy My, Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư Jungle Ventures, sự sụt giảm giá trị của các cổ phiếu công nghệ gần đây là hệ quả của thị trường sau một thời gian dài tăng trưởng nóng.
Giai đoạn 2020-2021 được xem là thời gian thăng hoa của thị trường chứng khoán toàn cầu dù bị ảnh hưởng nhất định bởi dịch bệnh nhưng phục hồi một cách nhanh chóng nhờ vào một số yếu tố như sự gia tăng đáng kể số lượng nhà đầu tư F0 vào thị trường, dòng tiền từ các gói hỗ trợ của chính phủ không đi vào nền kinh tế mà lại đi vào thị trường chứng khoán.
Sau thời gian tăng trưởng nóng, cổ phiếu các công ty công nghệ đang trong tình trạng sụt giảm. |
Vì vậy, rất nhiều công ty công nghệ đã lựa chọn thời điểm này để IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) và thành công rực rỡ khi giá cổ phiếu đã tăng vọt gần gấp đôi trong ngày đầu tiên giao dịch. Khá nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm đã tận dụng thời điểm này để gọi vốn từ các nhà đầu tư của họ, đồng thời tăng cường giải ngân vào những startup trong khu vực.
2021 cũng là năm đỉnh điểm của dòng tiền đầu tư mạo hiểm với sự xuất hiện của 25 kỳ lân công nghệ mới, trong khi trước đó cả khu vực chỉ có 21 kỳ lân công nghệ tổng cộng tính đến năm 2020. Chỉ riêng trong năm 2021 đã có hơn 23 tỉ USD đổ vào thị trường đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á, gần gấp 3 lần so với năm 2018 hay năm 2019.
Nhưng gần đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát đi tín hiệu tăng lãi suất cộng với những bất ổn về tình hình địa chính trị, khiến nhà đầu tư lo ngại về kỳ vọng tăng trưởng thu nhập của doanh nghiệp, đồng thời nhà đầu tư cũng có xu hướng đa dạng hóa tài sản vào các kênh đầu tư khác như kênh trái phiếu.
Đây là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm giá trị của các công ty công nghệ trong thời gian gần đây. Khi các nhà đầu tư không còn mặn mà với cổ phiếu ngành công nghệ, dòng vốn vào startup sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Nhìn chung, thị trường phát triển như Mỹ sẽ mất 3 tháng để cảm thấy sự ảnh hưởng, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ mất khoảng 6 tháng.
Điểm thuận lợi là đa phần các quỹ đầu tư đã huy động vốn từ trước đó cộng với những yếu tố nền tảng tích cực như dư địa tăng trưởng mạnh và dân số trẻ của khu vực Đông Nam Á, nguồn tiền dành cho các startup có thể nói là vẫn dồi dào trong ít nhất 3 năm tới.
“Tuy nhiên, việc lựa chọn đầu tư sẽ có chọn lọc và khắt khe hơn, định giá cũng sẽ không được rộng rãi như thời gian vừa qua, tốc độ đầu tư cũng sẽ có sự kiềm hãm nhất định. Các startup có bài toán thị trường lớn, mô hình kinh doanh bền vững và biên lợi nhuận rộng rãi sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc gọi vốn đầu tư”, bà My của Jungle Ventures nói.
Về mốc thời gian cụ thể, theo dự báo của Do Ventures, nhìn chung, dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào các startup Việt Nam 2 quý đầu năm 2022 sẽ tiếp tục sôi động. “Nhiều khả năng tác động sẽ diễn ra vào quý III, khi đó các vòng gọi vốn lớn sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất”, bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc Điều hành của Do Ventures, nhận định.
ĐỊNH GIÁ TRONG CHU KỲ MỚI
Theo nghiên cứu của Prequin, cuối năm 2021, tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào Trung Quốc đạt 130,6 tỉ USD, cao hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được xem là kỷ lục dù trước đó Chính phủ Trung Quốc đã “phong sát” các công ty công nghệ và khiến các nhà đầu tư phải chùn chân. Chỉ trong thời gian ngắn, hạng mục đầu tư những công ty internet ưa thích chuyển dần sang công nghệ cốt lõi như chất bán dẫn, robot và phần mềm doanh nghiệp của Trung Quốc.
Động lực của việc chuyển đổi, đồng thời là yếu tố cơ bản để sản sinh ra kỳ lân, chính là thị trường lớn. Yếu tố này cũng được áp dụng ở thị trường Đông Nam Á và Indonesia đang được hưởng lợi rất lớn từ đó. Có dân số đông nhất khu vực nên các công ty khởi nghiệp Indonesia có cơ hội tỏa sáng trở thành kỳ lân tốt hơn những nước còn lại, trong đó có Việt Nam.
Theo thống kê của Jungle Ventures, trước năm 2019, trung bình một năm, Việt Nam thu hút được từ 3-4% tổng nguồn vốn đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp công nghệ ở Đông Nam Á. Trong 2 năm trở lại đây, Việt Nam trở thành một điểm sáng thu hút đầu tư dựa vào lợi thế tăng trưởng tốt, dân số trẻ và sự dồi dào về nhân tài. Vì thế, Việt Nam được kỳ vọng có thể đón nhận 10% tổng nguồn vốn này trong vòng 3 năm tới. Quý đầu tiên của năm 2022, nhiều startup Việt đã công bố gọi vốn thành công số tiền hàng triệu USD như Timo, OpenCommerce Group, Jio Health, Ancient8...
Sau 10 năm, Việt Nam cũng đã có 3 kỳ lân là VNG, MoMo và VNLIFE. Theo đánh giá của Do Ventures, so với trong khu vực, ngoài Singapore và Indonesia, Việt Nam cũng không thua các quốc gia khác. Việt Nam vẫn có những startup được định giá cao như VNG, VNPAY hay có các công ty có quy mô lớn như Tiki, MoMo. Đây là những công ty đại diện cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam.
Tiki là một trong những đại diện cho hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Ảnh: Quý Hoà |
Tuy nhiên, không một quỹ nào tiên lượng được các kỳ lân tiếp theo sẽ mất ít hay nhiều thời gian hơn. “Chúng tôi xem đó là ẩn số”, ông Trần Nhật Khanh, đồng sáng lập Quỹ Touchstone Partners, nói. Theo ông Khanh, các nhà đầu tư luôn luôn đặt câu hỏi rằng thị trường Việt Nam có đủ lớn để tạo ra các doanh nghiệp startup tỉ USD hay không, nếu không đủ thì các doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng sang nước ngoài hay không? Có một thực tế là Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp như vậy. Nền tảng để startup Việt có thể hướng tới giải pháp toàn cầu là một vấn đề lớn của lĩnh vực đổi mới sáng tạo tại Việt Nam hiện nay.
Ngoài ra, sự lớn mạnh của doanh nghiệp công nghệ phụ thuộc vào các ngành nghề truyền thống. Khi một lĩnh vực có nhiều công ty truyền thống đạt ngưỡng decacorn (doanh nghiệp được định giá hơn 10 tỉ USD) thì sẽ có cơ hội cho các công ty công nghệ trong ngành trở thành kỳ lân. Đây là yếu tố tạo nên niềm tin cho các quỹ khi đầu tư vào công ty công nghệ ở Việt Nam. Tạm thời các quỹ lớn vẫn khá dè chừng khi thực hiện những thương vụ lớn ở vòng Series C và xa hơn.
Một điều quan trọng là Việt Nam cần cải thiện thêm các chính sách hỗ trợ startup. Nhiều nước trong khu vực cạnh tranh thu hút đầu tư vào công ty công nghệ đã phát triển khá nhiều chính sách như thuế doanh nghiệp, thuế mại sản cho nhà đầu tư khi thoái vốn, các yêu cầu để lên sàn chứng khoản cũng được may đo riêng cho nhóm doanh nghiệp công nghệ.
“Ví dụ một doanh nghiệp doanh thu ngàn tỉ đồng có quy trình đầu tư, nhận vốn như thế nào thì nhóm doanh nghiệp công nghệ đôi khi còn chưa có doanh thu cũng sẽ trải qua như vậy nên khá bất lợi cho các doanh nghiệp non trẻ”, ông Trần Nhật Khanh nói.
Ông Đào Quang Bính, Trưởng Ban Phát triển thị trường TECHFEST 2021, từng nhận xét: “Khi công nghệ, mô hình kinh doanh và sản phẩm đều đã thay đổi, chính sách cũng cần phải thay đổi. Công nghệ đang thay đổi nhanh hơn rất nhiều so với sự thay đổi của chính sách”.
Startup Việt cũng cần phải phát triển được những giải pháp mang tính toàn cầu vì hiện nay, các nước trong khu vực đang thúc đẩy rất nhiều chính sách hỗ trợ, có nhiều phương tiện, công cụ để chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa rất sâu các startup trong lĩnh vực công nghệ.
Trong khi đó, theo bà My của Jungle Ventures, để cạnh tranh thu hút dòng vốn trong thời gian tới, các nhà sáng lập Việt Nam tự tin đặt được mục tiêu đi ra khu vực trong những ngày đầu. Dĩ nhiên là vẫn ưu tiên thị trường nội địa để tạo cơ sở vững chắc. Trên thực tế, các startup Singapore thậm chí là Indonesia đều đặt mục tiêu đi ra khu vực và thành công rực rỡ trong thời gian qua.
“Hiện chúng ta chỉ mới xuất hiện các kỳ lân trong nước nhưng nhìn chung không thể đốt cháy giai đoạn được. Chúng tôi tin rằng sẽ sớm xuất hiện các đại diện Việt Nam ở khu vực trong thời gian tới và đó là lý do chúng tôi có mặt ở đây”, bà My cho biết.