Nguyễn Sơn Thứ Ba | 23/10/2018 06:30

Ai hưởng lợi khi chứng khoán Việt Nam nâng hạng?

Nếu được nâng hạng lên nhóm các thị trường mới nổi loại II, chứng khoán việt nam có thêm cơ hội nhận dòng vốn tỉ đô.

Hãng xếp hạng thị trường chứng khoán FTSE Russell vừa đưa Việt Nam vào danh sách các thị trường được theo dõi để có thể nâng hạng lên nhóm các thị trường mới nổi loại II (Secondary Emerging). Đó được xem là cột mốc quan trọng, chứng minh sức hấp dẫn ngày càng tăng của VN-Index giữa lúc thế giới đang lo ngại về một cuộc chiến thương mại và tình trạng gia tăng phòng vệ của các nền kinh tế hàng đầu.

Dường như bị tác động tiêu cực bởi đà giảm mạnh của các chỉ số chứng khoán quốc tế, ngày 11.10, thị trường chứng khoán Việt đã lao dốc mạnh có lúc giảm hơn 40 điểm, về mức thấp nhất trong 3 tháng.

Việc nâng hạng của VN-Index sẽ diễn ra một sớm một chiều? Tác động của nó sẽ như thế nào đến dòng vốn đổ vào Việt Nam? Đằng sau đó, ai sẽ là những người hưởng lợi nhiều nhất?

CƠ HỘI SÁNH NGANG TRUNG QUỐC, ẤN ĐỘ
Việc được đưa vào “Watch List” của FTSE đã giải phần nào cơn khát kéo dài bấy lâu nay của giới đầu tư, giúp  cải thiện đáng kể hình ảnh của thị trường chứng khoán Việt Nam với cộng đồng thế giới. “Về dài hạn, nếu được lọt vào nhóm các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Trung Quốc thì đây sẽ một bước tiến lớn. Khi đó, thị trường có thể thu hút thêm dòng vốn ngoại đặc biệt là các quỹ đầu tư quốc tế theo FTSE”, Thạc sĩ Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng nhóm phân tích thị trường thuộc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, chia sẻ với NCĐT.

Thực tế, cơ hội nhận được hàng tỉ USD dòng vốn đầu tư mới là khả quan, nhất là khi xem xét lại bài học của các quốc gia khác như Trung Quốc. Trong đợt xem xét lần này, Trung Quốc đã được chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi loại II kể từ tháng 6.2019 (cho nhóm các cổ phiếu loại A niêm yết trên thị trường Thượng Hải và Thâm Quyến).

Ai huong loi khi chung khoan Viet Nam  nang hang?
 

Với quy mô lớn và vị thế quan trọng tại châu Á, tỉ trọng của thị trường Trung Quốc theo ước tính của giới chuyên gia có thể chiếm tới 5,5% trong rổ chỉ số FTSE Emerging Index, tương đương với khoảng 10 tỉ USD dòng vốn đầu tư thụ động từ các quỹ đầu tư mô phỏng theo chỉ số này. 

So với Trung Quốc, do số lượng cổ phiếu niêm yết và quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam còn khiêm tốn nên tỉ trọng trong rổ chỉ số FTSE Emerging market dự kiến sẽ nhỏ hơn. Tuy nhiên, chỉ cần đạt 1-2% trong rổ chỉ số này thì dòng tiền mà thị trường đón nhận được trong các năm tới cũng là con số khả quan.

Nếu với tỉ trọng bình quân 1% thì riêng các quỹ ETF sẽ phân bổ lại tỉ trọng mua vào ở thị trường Việt Nam khoảng 1,6 tỉ USD. Thực tế, trong 9 tháng đầu năm 2018, tuy gặp nhiều lực cản nhưng khối ngoại cũng mua ròng gần 1,5 tỉ USD, tập trung vào nhóm các cổ phiếu bất động sản và tiêu dùng như Vinhomes, Masan Group.

Theo ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Điều hành Công ty AFA Research & Education, Việt Nam hiện có đầy đủ các điều kiện chín muồi để các bảng xếp hạng quan tâm. FTSE, MSCI không thể bỏ qua một thị trường nhiều hàng hóa như ở Việt Nam khi quy mô thị trường đạt 70-80% GDP đi cùng với môi trường vĩ mô có thể là ổn định. 

Việc được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng không đồng nghĩa với việc được nâng hạng chính thức. Theo quy định của FTSE Russell, Việt Nam sẽ còn ở trong danh sách này ít nhất 12 tháng tới cho đến khi chính thức được nâng hạng. Điều đó có nghĩa là sẽ chưa có việc phân bổ dòng vốn một cách chính thức của các quỹ đầu tư hoạt động trên cơ sở chỉ số FTSE Emerging.

Ai huong loi khi chung khoan Viet Nam  nang hang?
 

Để được chính thức nâng cấp lên các vị thế cao hơn, Việt Nam sẽ còn nhiều việc phải làm. Theo chuyên gia Trần Trương Mạnh Hiếu, hệ thống phân loại của FTSE Russell dựa vào 21 tiêu chí để chia các thị trường thành 4 nhóm chính là Developed, Advanced Emerging, Secondary Emerging và Frontier. Trong đó, Advanced Emerging, Secondary Emerging thể hiện cho các thị trường mới nổi. Các tiêu chí để được xếp vào thị trường mới nổi loại I, tức Advanced Emerging khá chặt chẽ nhưng các tiêu chí của thị trường mới nổi loại II là Secondary Emerging thì dễ dàng hơn.

Về cơ bản Việt Nam đã thỏa mãn 9 tiêu chí quan trọng để trở thành thị trường mới nổi loại II (nhằm ở 3 nhóm lớn: thị trường và môi trường pháp lý, lưu ký - thanh toán và hoạt động giao dịch). Điều này giải thích vì sao FTSE thêm Việt Nam vào danh sách theo dõi.

“Trong quá trình theo dõi nếu Việt Nam tiếp tục cải thiện không chỉ 9 tiêu chí này mà còn ở những tiêu chí khác thì Việt Nam hoàn toàn có thể được nâng hạng chỉ trong vòng 1-2 năm tới. Tuy nhiên, nếu muốn được nâng hạng thì các tiêu chí đã đạt được còn cần được cải thiện mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là tiêu chí liên quan đến tính minh bạch”, ông Hiếu dự báo.

Ai huong loi khi chung khoan Viet Nam  nang hang?
 

Trong 13 tiêu chí “phụ” còn lại chưa thỏa mãn thì có 3 tiêu chí chưa đạt là thanh khoản - giao hàng trước, cho phép hoạt động bán khống, mức độ phát triển của thị trường phái sinh. Các tiêu chí khác chỉ mới đạt ở mức độ giới hạn. Tất nhiên, đây không phải là những tiêu chí tiên quyết để xem xét nâng hạng nhưng cũng đòi hỏi sự đáp ứng nhất định trong quá trình theo dõi của FTSE.

Bên cạnh các doanh nghiệp niêm yết hứng khởi thì các doanh nghiệp ngoài sàn cũng sẽ được hưởng lợi ít nhiều, nhờ mức độ quan tâm của giới đầu tư ngoại sẽ nhiều hơn, đi cùng với động thái nâng hạng của FTSE Russell. Nếu được nâng hạng thành công, Việt Nam còn sở hữu thêm một vũ khí hiệu quả để chống lại rủi ro từ xu thế ngày càng mạnh của đồng USD, khiến dòng vốn thế giới có nguy cơ rời bỏ các thị trường biến động nhiều để quay trở lại thị trường Mỹ.

AI SẼ HƯỞNG LỢI?
Khát khao được nâng hạng không chỉ thể hiện trong ánh mắt của các nhà đầu tư mà còn ở phía Chính phủ. Gần như tương đồng với động thái định vị thị trường Việt Nam của FTSE, Chính phủ cũng chuẩn bị ban hành kế hoạch hành động mới cho thị trường chứng khoán. Việt Nam đang trong quá trình xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi, làm hành lang pháp lý quan trọng cho thị trường chứng khoán trong nhiều năm sắp tới. 

Trong đó, những nội dung như tăng cường tính hiệu quả của thị trường cổ phiếu như áp dụng cơ chế giao dịch trong ngày, cho vay chứng khoán, đối tác bù trừ trung tâm... nhằm quản lý rủi ro, bảo vệ lợi ích nhà đầu tư. Đây là những nội dung mang tính trọng tâm và thiết yếu đối với việc nâng hạng. Đáng chú ý trong đó là Chính phủ dự kiến sẽ xóa bỏ toàn bộ các chính sách về giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp nhà nước và các công ty niêm yết vào cuối năm 2019. “Việt Nam muốn mở cửa hơn nữa nền kinh tế quá phụ thuộc vào vốn để duy trì nhịp độ tăng trưởng nhanh”, tờ Nikkei Asia Review nhận định.

Về cơ bản, thị trường chứng khoán Việt Nam được hỗ trợ  bởi nền kinh tế đang ở trạng thái lành mạnh, kéo theo tăng trưởng tốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Theo Trung tâm Nghiên cứu KBSC, tăng trưởng GDP cho năm 2018 sẽ đạt mức 6,9%, lạm phát dao động quanh mốc 3,9-4%, tỉ giá VND/USD sẽ không tăng quá 3% so với thời điểm cuối năm 2017, tăng trưởng M2 và tín dụng lần lượt là 13-14% và 15-16%.

Ai huong loi khi chung khoan Viet Nam  nang hang?
 

Mặc dù vậy, sau thương vụ chuyển nhượng kỷ lục gần 5 tỉ USD của Sabeco cho ThaiBev năm 2017, số lượng cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước năm 2018 bất ngờ im ắng hẳn. Theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm nay, mới chỉ có 8 doanh nghiệp nhà nước được phê duyệt phương án cổ phần hóa, tức chỉ đạt 10% kế hoạch năm và chắc chắn không hoàn thành được nhiệm vụ đề ra cho năm nay.

Danh sách cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước từ đây đến năm 2020 vẫn rất dài, trong đó có những tên tuổi nổi bật như Mobifone, ACV, Habeco, PV Power hay Vinamilk. Để các thương vụ cổ phần hóa đình đám này thành công, chắc chắn Việt Nam sẽ cần hàng tỉ USD từ các nhà đầu tư bên ngoài giữa lúc nguồn lực trong nước ít nhiều đã tới hạn. Vì vậy, việc dỡ bỏ room khối ngoại và nâng cấp thị trường chứng khoán lên nhóm mới nổi dự kiến mang đến những cú hích mới để thúc đẩy làn sóng cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Một lĩnh vực khác dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều nhất nếu Việt Nam nằm vào danh sách thị trường mới nổi là ngân hàng. Kể từ năm 2020, hệ thống ngân hàng Việt Nam dự kiến sẽ phải tuân thủ theo tiêu chuẩn Basel II, mang tới áp lực rất lớn về việc phải huy động thêm nguồn vốn tự có để bảo đảm được tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR).

Cuộc đua nâng vốn đang rất nóng bỏng. Đơn cử như Vietcombank vừa được phép tìm đối tác ngoại để bán thêm 10% cổ phần. BIDV lên kế hoạch chuyển nhượng 15% cho các đối tác tiềm năng đến từ Hàn Quốc hay ông lớn trong ngành là VietinBank đang gấp rút chuẩn bị đề án nâng vốn điều lệ để kịp thời điểm 2020.

Ai huong loi khi chung khoan Viet Nam  nang hang?
 

Các ông chủ bất động sản cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc. Kể từ đầu năm 2019, tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn mà các ngân hàng tài trợ cho các dự án vay trung và dài hạn dự kiến sẽ giảm xuống còn 40% từ mức 45% hiện nay. Sự khan hiếm nguồn vốn đầu tư đi cùng với thực trạng bất động sản giảm tốc trong 9 tháng đầu năm khiến các doanh nghiệp địa ốc đang khá đau đầu tìm đến các phương án huy động vốn khác. Thậm chí một số còn tính đến khả năng niêm yết trên thị trường chứng khoán lớn như Singapore hay Hồng Kông.

Theo ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành VinaCapital, nhà đầu tư nước ngoài vẫn muốn vào thị trường Việt Nam, nhất là khi chứng khoán Việt Nam đã được đưa vào danh sách theo dõi của FTSE và có thể sớm vào MSCI. Theo ông, các quỹ nước ngoài khi so sánh với chỉ số MSCI thì họ phải mua vào cổ phiếu Việt Nam để không bị đánh giá thấp hơn. Nếu Việt Nam vào MSCI, theo ước tính của ông, khối ngoại sẽ đầu tư 10 tỉ USD vào thị trường chứng khoán trong nước.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định nếu được nâng hạng vào năm 2020, ước tính tỉ trọng của cổ phiếu Việt Nam trong rổ chỉ số FTSE Emerging Markets Index sẽ trên 0,4%, dựa vào quy mô vốn hóa của rổ chỉ số FTSE Vietnam Index (19 tỉ USD) so với vốn hóa rổ FTSE Emerging Index (4.450 tỉ USD). Ước tính sẽ có khoảng 300 triệu USD dòng vốn thụ động chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ai huong loi khi chung khoan Viet Nam  nang hang?
 

Tất nhiên, không phải cứ lọt vào nhóm các thị trường mới nổi là tiền sẽ tự động chảy vào hầu bao các ông chủ Việt. Các nhà đầu tư ngoại tuy đam mê nhưng đầy lí trí và dày dạn kinh nghiệm. “Một quỹ đầu tư cỡ vừa, quản lý danh mục 2-4 tỉ USD, sang Việt Nam, băn khoăn lớn nhất của họ vẫn là tôi bỏ tiền vào thì anh có sử dụng đúng mục đích đã cam kết không, có minh bạch thông tin khi sử dụng tiền để đầu tư không, có những mâu thuẫn trong các quyết định sử dụng tiền không? Đấy là hàng loạt vấn đề cần thẩm tra trước khi quyết định xuống tiền”, ông Phan Lê Thành Long, AFA Research & Education, nhận định.

Ông Lê Hải Trà, phụ trách Hội đồng Quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, cũng lưu ý rằng, việc thị trường chứng khoán được nâng hạng không đồng nghĩa với việc dòng vốn ngoại sẽ đổ vào tất cả các doanh nghiệp niêm yết, mà sẽ chỉ vào một nhóm các công ty đủ điều kiện theo tiêu chí của tổ chức tính toán chỉ số.