Trong 2 năm 2020 và 2021, sự càn quét của đại dịch COVID-19 đã đẩy nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau đến bờ vực khó khăn và suy thoái.

 
00:00
    Nhóm phóng viên Thứ Bảy | 24/09/2022 13:00

    9 xu hướng bất động sản nổi bật 2023

    Sau biến động lớn, thị trường bất động sản đang điều chỉnh và hình thành các xu hướng nổi bật, hứa hẹn dẫn dắt dòng tiền đầu tư trong thời gian tới.

    Trong 2 năm 2020 và 2021, sự càn quét của đại dịch COVID-19 đã đẩy nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau đến bờ vực khó khăn và suy thoái. Bất động sản đã không thể nào đứng ngoài vòng xoáy của cuộc khủng hoảng mang tính lịch sử. 

    Năm 2022 ngành này đang phát đi những tín hiệu khả quan cùng với diễn biến tích cực về tốc độ phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch. World Bank dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 7,5% trong năm 2022 và 6,7% vào năm 2023. Ngành bất động sản cũng đã bắt đầu trở lại với đường đua tăng trưởng. Cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam, giới đầu tư vẫn đặt niềm tin vào sự đi lên của thị trường bất động sản. Sau đây là dự báo về những xu hướng chính của thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2023:

      Dự án Grand Marina, Saigon có giá lên đến 1,7 triệu USD/căn hộ. Ảnh: Quý Hòa
    Dự án Grand Marina, Saigon có giá lên đến 1,7 triệu USD/căn hộ. Ảnh: Quý Hòa

    1. Dòng vốn ngoại nổi sóng 

    Việt Nam là điểm sáng hiếm hoi trong thu hút dòng vốn bất động sản của thế giới khi các chính sách thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng cởi mở hơn. Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã khởi công khu phức hợp gần 1 tỉ USD ở Khu Đô thị Thủ Thiêm, đánh dấu cột mốc quan trọng trong kế hoạch rút lui hoàn toàn khỏi thị trường Trung Quốc để dồn sức vào các thị trường giàu tiềm năng khác. Việt Nam được xem là điểm đến quan trọng của xu hướng dịch chuyển này.

    CapitaLand (Singapore) mua lại quỹ đất tiềm năng để xây dựng khu phức hợp tại thành phố Thủ Đức, TP.HCM với quy mô khoảng 8 ha, dự kiến cung cấp ra thị trường 1.100 căn hộ và shophouse cao cấp. Trước đó, nhà phát triển bất động sản đến từ Malaysia Gamuda Land khẳng định tham vọng lâu dài tại thị trường Việt Nam thông qua thương vụ nhận chuyển nhượng một dự án ở thành phố mới Bình Dương.

     

    Trong nửa đầu năm 2022, bất động sản là lĩnh vực thu hút vốn FDI lớn thứ 2, với tổng vốn đầu tư lên đến 3,15 tỉ USD, chiếm 22,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Theo Savills Việt Nam, không chỉ bất động sản công nghiệp, mà cả các phân khúc nhà ở, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe... cũng đang là thỏi nam châm thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư ngoại. Trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn do đại dịch, dòng vốn ngoại thật sự trở thành một lực đẩy quan trọng hỗ trợ thị trường.

    Với dân số gần 100 triệu người, trong đó 50% ở độ tuổi dưới 35, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiết hụt nhà ở, tạo ra cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho thị trường này. Nhu cầu phát triển hạ tầng và đô thị hóa mạnh mẽ nhằm đáp ứng tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc hàng cao nhất thế giới đã tác động tích cực lên tâm lý của nhà đầu tư ngoại. Trong giai đoạn 2021-2030, dự báo dân số đô thị tiếp tục tăng. Tỉ lệ đô thị hóa tăng dần, đạt 40,91% vào năm 2025 và 44,45% năm 2030.

    Kết quả của một cuộc khảo sát do CBRE thực hiện gần đây cho thấy, TP.HCM là thành phố lớn nhất Việt Nam giữ vị trí thứ 5 trong 10 thành phố được các nhà tư bất động sản châu Á - Thái Bình Dương quan tâm nhất.

    2. Bất động sản công nghiệp hưởng lợi

    Chiến tranh thương mại, đại dịch đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh các tập đoàn phải đa dạng hóa vị trí đặt cơ sở sản xuất và hạn chế phụ thuộc vào một quốc gia. Việt Nam, với tình hình chính trị, xã hội ổn định và vị trí địa lý thuận lợi, nổi lên như ngôi sao sáng và được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển này.

    “Trong bối cảnh lao động Trung Quốc ngày càng đắt đỏ và chính sách của Mỹ với nước này vẫn chưa thể đoán trước, các công ty sẵn sàng chuyển sản xuất một số mặt hàng ra khỏi Trung Quốc. Xu hướng đó sẽ tiếp tục được đẩy nhanh khi Việt Nam và Ấn Độ đang dần cải thiện khả năng cạnh tranh”, ông Dan Wang, nhà phân tích công nghệ tại Gavekal Dragonomics, nhận định.

    Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cũng cho biết: “Đa phần các nhà đầu tư đều thích mở rộng và có thị phần cao hơn ở thị trường Việt Nam. Các nhà đầu tư mới cũng vậy, muốn triển khai nhanh, mở rộng thị trường, mở rộng danh mục trong giai đoạn này”. Việc tham gia nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), đẩy mạnh xuất khẩu giúp tăng cường vị thế cho Việt Nam như điểm đến hấp dẫn đối với các nhà sản xuất - là một phần trong chuỗi cung ứng, từ đó nhu cầu đối với bất động sản công nghiệp sẽ gia tăng.

      Bất động sản công nghiệp trở thành điểm sáng của thị trường. Ảnh: Quý Hòa
    Bất động sản công nghiệp trở thành điểm sáng của thị trường. Ảnh: Quý Hòa

    Tính đến nay, tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước đang có gần 11.000 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư lên đến 230 tỉ USD... “Dọn tổ đón đại bàng” vẫn tiếp tục là điểm nóng của thị trường bất động sản trong những năm qua và xu thế này vẫn tiếp diễn trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Điển hình là câu chuyện của tập đoàn công nghệ Foxconn. Nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới này mới đây công bố đầu tư khoảng 300 triệu USD vào Việt Nam. Nhà máy mới của Foxconn dự kiến xây dựng trên khu đất rộng 50,5 ha tại Khu Công nghiệp Quang Châu ở tỉnh Bắc Giang, tạo ra 30.000 việc làm. Tại Bình Dương, tập đoàn sản xuất trò chơi nổi tiếng Đan Mạch Lego công bố dự án 1 tỉ USD, đưa Việt Nam trở thành trọng điểm sản xuất trên toàn cầu.

    Làn sóng đổ bộ của dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhu cầu thương mại điện tử và các hiệp định thương mại tự do đang tạo động lực để loại hình bất động sản công nghiệp phát triển bùng nổ trong thời gian tới. Kết quả là nhiều thương hiệu bất động sản trong và ngoài nước đã và đang lập kế hoạch tham gia vào thị trường này thông qua các dự án quy mô. “Đây là kết quả của việc Chính phủ vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, chặn đà suy giảm kinh tế. Hơn nữa, với những cơ hội từ các hiệp định thương mại đem lại, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn được đánh giá cao”, báo cáo của World Bank nhận định.

    Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, đánh giá Việt Nam đang là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và hậu cần. Nhiều khu công nghiệp chứng kiến tỉ lệ lấp đầy gần 100%. “Thời gian qua, dòng vốn nước ngoài chảy vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp của Việt Nam vẫn rất dồi dào. Nhiều nhà đầu tư đang nắm bắt cơ hội để đưa ra các sản phẩm phù hợp với thị trường. Nhờ đó, việc thiếu hụt nguồn cung sẽ sớm được giải quyết trong những tháng tới”.

     Trong nửa đầu năm 2022, bất động sản là lĩnh vực thu hút vốn FDI lớn thứ 2 cả nước. Ảnh: Quý Hòa
    Trong nửa đầu năm 2022, bất động sản là lĩnh vực thu hút vốn FDI lớn thứ 2 cả nước. Ảnh: Quý Hòa

    3. Bùng nổ nhu cầu phát triển nhà ở xã hội

    Thu hẹp mức độ lệch pha về cung cầu, giúp giấc mơ sở hữu nhà của đại đa số người dân khả thi hơn, Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp đang ấp đủ đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

    Một số nhà phát triển đã tiên phong tham gia vào sân chơi này. Vinhomes công bố đề án 500.000 căn nhà ở xã hội Happy Home trong 5 năm tới, có giá bán dưới 1 tỉ đồng ở các địa phương hạng 2. Tháng 7 vừa qua, 2 dự án nhà ở xã hội đầu tiên được Vinhomes khởi công xây dựng tại Thanh Hóa, Quảng Trị với quy mô 3.500 căn.

     

    Tập đoàn Hưng Thịnh cũng tham gia cuộc đua phát triển nhà ở xã hội với kế hoạch xây 150.000 căn, góp phần giải cơn khát nhà ở dành cho người lao động, người có thu nhập thấp. Còn Tập đoàn Novaland cam kết xây khoảng 200.000 căn nhà, Him Lam cam kết xây 75.000 căn.

    Tính đến nay, theo Bộ Xây dựng, trên cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2; 401 dự án đang tiếp tục được triển khai, với quy mô xây dựng khoảng 455.000 căn, tổng diện tích xấp xỉ 22,718 triệu m2. Động lực chính khiến nhiều doanh nghiệp quay trở lại phân khúc nhà ở xã hội đến từ Nghị định 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó bổ sung một số chính sách ưu đãi chưa từng có cho doanh nghiệp tham gia.

    Trong khu vực, một số quốc gia từ lâu đã hoạch định chiến lược phát triển nhà ở xã hội khá hiệu quả. Singapore, chẳng hạn, là thị trường phát triển sôi động bậc nhất khu vực nhưng chính phủ nước này vẫn dành sự quan tâm lớn đến tầng lớp trung lưu trở xuống thông qua đề án nhà ở xã hội. Kết quả, Singapore nằm trong số các quốc gia có tỉ lệ người dân sở hữu nhà cao hàng đầu thế giới.

    Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận Nhà ở CBRE Việt Nam, việc tăng mạnh nguồn cung nhà ở xã hội những năm tới sẽ giải quyết nhu cầu nhà ở cho số đông người dân có thu nhập thấp ở đô thị, công nhân khu công nghiệp. Đây là một tín hiệu tốt về nguồn cung thị trường, nhắm đúng đối tượng có nhu cầu ở thật. Việc tăng thêm hàng triệu căn nhà ở xã hội sẽ giải quyết bài toán thị trường nhà ở hiện nay, vốn đang “thừa khúc trên, thiếu khúc dưới”.

     

    4. Giá nhà tăng chậm lại, thị trường bền vững hơn

    Báo cáo mới đây của World Bank ghi nhận giá bất động sản nhà ở tại các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội đã tăng thêm từ 30-60% trong 2 năm qua, trong khi tỉ lệ hấp thụ tương đối thấp, ngoại trừ ở một số ít phân khúc.

    Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng nhận định giá nhà bình dân (tầm 2 tỉ đồng trở lại) tại TP.HCM cao gấp khoảng 20 lần mức thu nhập trung bình của xã hội, trong khi giá nhà tại các nước công nghiệp phát triển chỉ cao gấp 6-7 lần mức thu nhập. Điều này rõ ràng gây ra rủi ro lớn nếu không có biện pháp hạ nhiệt.

    Thời gian tới, thị trường có thể gặp nhiều khó khăn khi Chính phủ đang có chủ trương thắt chặt dòng vốn chảy vào thị trường bất động sản thông qua siết lại kênh tín dụng ngân hàng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Các phân khúc có tính đầu cơ cao, người sở hữu nhiều nhà đất dự kiến sẽ chịu nhiều hơn các biện phát kiểm soát như bị áp thuế tài sản. Các chủ đầu tư nhỏ lẻ, vốn mỏng cũng sẽ bị thanh lọc bớt, nhường sân chơi cho các thương hiệu uy tín, tiềm lực tốt hơn.

     

    Nhìn chung, việc hạ nhiệt độ sẽ giúp thị trường bất động sản và tài chính bớt rủi ro hơn. Trong thời gian tới, nếu các biện pháp kiểm soát được thực thi, giá nhà có thể sẽ khó tăng hàng chục phần trăm mỗi năm như trong quá khứ nhưng triển vọng nhận được tỉ suất lợi nhuận 15-20%/năm vẫn có thể đạt được. Đây cũng là mức khá hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm ngân hàng, đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, ngoại tệ.

    5. Làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào các khu đô thị vệ tinh 

    Xu hướng hình thành các khu đô thị vệ tinh xung quanh TP.HCM, thành phố có quy mô dân số trên 10 triệu người, sẽ tiếp diễn trong năm 2023 và những năm tiếp theo, khi quỹ đất ở các khu trung tâm này ngày càng khan hiếm và đắt đỏ trước sức ép gia tăng dân số.

    Dân số TP.HCM có khoảng 13 triệu người. Bình quân cứ 5 năm, dân số thành phố lại tăng thêm khoảng 1 triệu người. Tính ra trung bình mỗi năm, thành phố lớn nhất của Việt Nam tăng thêm dân số tương đương một đô thị loại II hay một quận. Trong khi đó, hạ tầng giao thông của thành phố chỉ mới đáp ứng 30% so với quy hoạch.

    Trước tình thế đó, nhiều dự án có xu hướng dịch chuyển ra các khu vực vùng ven. Sự dịch chuyển này cũng phù hợp với quy luật đa trung tâm hóa các đô thị hiện đại. Đồ án Quy hoạch lớn cho năm 2030, tầm nhìn năm 2050 của Hà Nội cũng nhấn mạnh đến sự phát triển về mặt không gian xoay quanh những cụm đô thị. Mô hình này bao gồm phần lõi đô thị bên cạnh các vệ tinh vừa và nhỏ, được gắn kết nhờ hệ thống đường vành đai, liên tỉnh, quốc lộ và đường sắt dày đặc.

      Dự án bất động sản của Viva Land ở Thảo Điền, thành phố Thủ Đức. Ảnh:  Ảnh: Quý Hòa
    Dự án bất động sản của Viva Land ở Thảo Điền, thành phố Thủ Đức. Ảnh: Ảnh: Quý Hòa

    Bên cạnh các dự án đang được phát triển như Nam Long Waterpoint ở Long An, Aqua City ở Đồng Nai, TP.HCM đang khẩn trương triển khai xây dựng quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Ở lần quy hoạch này, ngoài thành phố Thủ Đức, TP.HCM dự kiến xây dựng 4 khu đô thị mới bao gồm Khu Đô thị cảng Hiệp Phước, Khu Đô thị Tây Bắc, Khu Đô thị Bình Quới - Thanh Đa, Khu Đô thị du lịch biển Cần Giờ. Phát triển các khu đô thị vệ tinh là xu hướng tất yếu, khi các thành phố khác trong khu vực cũng đã hình thành những đô thị vệ tinh nhằm giảm áp lực cho khu trung tâm.

    Bộ Xây dựng đang đẩy mạnh phát triển đô thị thông minh tại các địa phương, xem đô thị thông minh như một phương thức phát triển và vận hành đô thị hiện đại, hiệu quả, không phải một tập hợp rời rạc các ứng dụng công nghệ thông tin. Những vấn đề trong đô thị có quan hệ chặt chẽ với nhau nên không thể giải quyết riêng rẽ các vấn đề giao thông, giáo dục, y tế, môi trường...

     

    6. Sôi động phân khúc bất động sản hàng hiệu

    Theo Savills, Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới về quy mô thị trường bất động sản hàng hiệu (Branded Residences). Nguồn cung bất động sản hàng hiệu tăng bình quân 11% từ năm 2017. Đến quý I/2021, Việt Nam có 24 dự án bất động sản hàng hiệu với hơn 2.200 căn hộ. Giống như các dự án trên thế giới, dòng sản phẩm này ở Việt Nam cũng có giá đắt đỏ. 2 dự án hàng hiệu có mức giá bán cao nhất tại Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại là Grand Marina, Saigon tọa lạc tại trung tâm TP.HCM với mức giá chào bán từ 16.000 USD/m2 (khoảng 400 triệu đồng/m2); Khu căn hộ hàng hiệu Ritz-Carlton Residences, Hanoi có giá bán từ khoảng 35.000 USD/m2 (hơn 800 triệu đồng/m2).

    Động lực cho thị trường này là kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển, kéo theo số người giàu, siêu giàu gia tăng. Dự kiến đến năm 2025, khi số người siêu giàu ở Việt Nam đạt đến 25.800 người, từ khoảng 19.500 người trong năm 2021, Việt Nam có thể chỉ đứng sau Thái Lan, Indonesia, Singapore về số người siêu giàu. Theo báo cáo của Knight Frank, lượng người có tài sản trên 30 triệu USD (hơn 700 tỉ đồng) sẽ vượt mốc 1.500 người vào năm 2026.

     Việt Nam chú trọng phát triển các dự án đô thị thông minh. Ảnh: Quý Hòa
    Việt Nam chú trọng phát triển các dự án đô thị thông minh. Ảnh: Quý Hòa

    Ông Gibran Bukhari, Giám đốc khối Kinh doanh của Masterise Homes, cho rằng khách hàng Việt Nam, nhất là những người đã có cơ hội tiếp xúc với trải nghiệm sống và du lịch ở nước ngoài, đang đặt ra yêu cầu cao và tinh tế hơn đối với bất động sản trong nước. “Nhóm khách hàng này còn muốn căn nhà sẽ là biểu tượng cho địa vị và thành công, có giá trị bền vững trước mọi biến cố, vượt xa những xa xỉ phẩm thông thường như túi xách hay siêu xe. Những ưu điểm của sản phẩm bất động sản hàng hiệu sẽ đáp ứng điều này”, ông nói.

    Ngày càng nhiều dự án bất động sản hàng hiệu xuất hiện như dự án bất động sản hàng hiệu Thảo Điền Green của chủ đầu tư SIC, dự án Dolce Penisola Quảng Bình của chủ đầu tư Onsen Fuji và hàng loạt dự án bất động sản mang thương hiệu các khách sạn danh tiếng được phát triển tại những khu nghỉ dưỡng dọc bờ biển Việt Nam. Các thành phố ven biển đang là điểm đến lý tưởng của nhiều thương hiệu quốc tế uy tín. Điển hình như Đà Nẵng với dự án hàng hiệu Le Méridien hay Fusion Resort & Villas. Không chỉ tập trung vào các thành phố lớn và địa điểm nghỉ dưỡng, nhiều thương hiệu cũng phát triển dự án ở các khu vực vệ tinh. Ví dụ như khu nghỉ dưỡng 5 sao tại Ba Vì do tập đoàn khách sạn Meliá quản lý.

    Lợi suất hấp dẫn là một trong những yếu tố thu hút dòng vốn đầu tư vào bất động sản hàng hiệu. Ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, dẫn chứng có đến 65% người mua căn hộ hàng hiệu với mục đích đầu tư dài hạn. So với các nước trong khu vực, giá bán của loại hình bất động sản hàng hiệu tại Việt Nam còn khá rẻ. 

     Proptech có cơ hội bùng nổ trong thị trường có 73% dân số sử dụng internet.  Ảnh: TL
    Proptech có cơ hội bùng nổ trong thị trường có 73% dân số sử dụng internet. Ảnh: TL

    7. Ứng dụng công nghệ tạo đột phá trong bán hàng

    Hơn 2 năm trước, cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra đã trở thành chất xúc tác thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Mọi thứ từ việc chăm sóc sức khỏe, học tập cho đến luyện tập thể thao, mua sắm đều được tiến hành qua mạng. Riêng trong lĩnh vực bất động sản, các doanh nghiệp cũng đã tìm nhiều cách khác nhau để tiếp cận, giới thiệu sản phẩm và tiến hành giao dịch với khách hàng.

    Proptech, tức công nghệ bất động sản, được xem như chìa khóa mở bế tắc giao dịch bất động sản. Theo khảo sát của Yardi, 70% các công ty bất động sản đã mở rộng quy mô đầu tư vào công nghệ bất động sản. Các chuyên gia tham gia khảo sát nhận định dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (A.I)và tự động hóa quy trình sẽ là những xu hướng chính trong ngành bất động sản châu Á trong 5 năm tới.

    Tại Việt Nam, proptech dần trở thành xu thế khi gần 73% dân số sử dụng internet. Bằng việc thu thập dữ liệu chuyên sâu và hiệu quả hơn, nhà đầu tư có thể tiệm cận xu hướng mua, nắm rõ lịch sử và dự đoán thị trường trong tương lai, giúp thúc đẩy quyết định đầu tư. Các công ty kỳ vọng, proptech có thể giúp giải quyết vấn đề thanh khoản, đặc biệt là ở thị trường thứ cấp.

     

    Nhiều công ty như Tập đoàn Hưng Thịnh, DKRA Vietnam, Vingroup, Masterise Homes... đã xây dựng được các nền tảng công nghệ. Ông Trần Quang Trình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần TopenLand, cho rằng một giá trị quan trọng mà proptech mang lại là minh bạch hóa thị trường bất động sản thông qua việc ứng dụng công nghệ từ Big Data và A.I. Trong đó, nhờ minh bạch hóa thị trường, nền tảng tạo ra sự công bằng cho tất cả người dùng, cả về cơ hội gia nhập thị trường và tối ưu lợi nhuận.
    Theo thống kê của ESCP Business School, lĩnh vực công nghệ bất động sản phát triển trên toàn cầu bắt đầu từ năm 2010 với chưa đầy 1 tỉ USD vốn đầu tư. Thị trường này chỉ thực sự bứt tốc từ giai đoạn 2014-2018 và đạt khoảng 14 tỉ USD vốn đầu tư vào đầu năm 2022. Ông Neil MacGregor, Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, nhận thấy thị trường proptech của Việt Nam đã tăng được thị phần trong khu vực Đông Nam Á và kỳ vọng xu hướng này sẽ duy trì trong thời gian tới.

    Bên cạnh ứng dụng công nghệ, thị trường bất động sản còn chứng kiến sự xuất hiện các giải pháp mua nhà và dịch vụ hỗ trợ tài chính sáng tạo mới, hỗ trợ cho khách hàng. Đơn cử tại dự án NovaWorld Phan Thiết, người mua sản phẩm của dự án sau 3 năm có thể bán lại cho chủ đầu tư dự án với mức lãi suất từ 14%/năm. 

    8. Nhà thông minh, thành phố thông minh phát triển

    Đại dịch COVID-19 thúc đẩy nhu cầu sở hữu nhà thông minh trên toàn cầu, khi công nghệ đang được tận dụng một cách tối ưu nhất nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho gia chủ. Xu hướng sử dụng nhà thông minh đang phát triển mạnh ở Việt Nam. Các nhà phát triển bất động sản đang đẩy mạnh loại hình nhà ở này nhằm “lấy lòng” những khách hàng yêu công nghệ và khó tính nhất. 

    Có thể thấy quá trình đô thị hóa tại châu Á đang diễn ra mạnh mẽ với mật độ ước tăng từ 60% hiện tại lên 75% vào năm 2030, theo Morgan Stanley. Đi cùng đó, châu Á dự kiến sẽ tiếp nhận thêm khoảng 220 triệu cư dân đến sinh sống ở các thành phố mới. Để tổ chức quản lý hiệu quả, giải quyết việc làm và đáp ứng được nhu cầu của lượng người đông đảo, các thành phố mới ấy phát triển thành những cụm trung tâm khổng lồ, được bao quanh bởi những thành phố vệ tinh lớn và được tích hợp công nghệ nhằm đạt hiệu quả vận hành tối ưu và an toàn nhất. Masterise Homes đang phát triển dự án The Global City ở thành phố Thủ Đức theo xu hướng đô thị thông minh (Smart City). 

    Ở  châu Á, Hồng Kông, Singapore, Seoul, Tokyo, Auckland, Sydney, Kuala Lumpur, Đài Bắc, Thượng Hải, Osaka đã là những thành phố thông minh hàng đầu. Trong tương lai, Morgan Stanley dự đoán, những cụm thành phố này sẽ có quy mô gần bằng dân số Nhật. 

    Việt Nam từ lâu cũng nuôi dưỡng giấc mơ về Smart City. Năm 2017, VNPT từng trình diễn và đề xuất mô hình VNPT Smart City tại Phú Quốc (Kiên Giang) nhằm biến Phú Quốc thành Smart City đầu tiên ở Việt Nam. Đến nay, khoảng 30 tỉnh, thành phố ở Việt Nam (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, Đà Lạt, Nha Trang...) đã hợp tác với VNPT để triển khai đô thị thông minh như thực thi chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ tiên tiến (IoT, A.I, Big Data...) vào các lĩnh vực. 

     Nguồn cung bất động sản hàng hiệu tại Việt Nam tăng bình quân 11% từ năm 2017. Ảnh: Quý Hòa
    Nguồn cung bất động sản hàng hiệu tại Việt Nam tăng bình quân 11% từ năm 2017. Ảnh: Quý Hòa

    9. Đô thị sinh thái lên ngôi

    Cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu khiến cho nhu cầu sống khỏe và gần gũi thiên nhiên trở thành vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết. Cũng như các nhà phát triển bất động sản trên thế giới, nhiều nhà phát triển bất động sản trong nước bắt đầu chú trọng hơn đến yếu tố sinh thái trong các dự án đang được triển khai. Từ khi khái niệm bền vững ra đời, bất động sản chuyển hướng, chú ý tới yếu tố môi trường trong lành như cây xanh, ánh sáng tự nhiên, cách sử dụng nước hay nguồn cấp năng lượng...

    Mô hình đô thị sinh thái xuất hiện đầu tiên ở châu Âu, như BedZED ở Anh, Hammarby Sjöstad ở Thụy Điển, Kronsberg, Vauban ở Đức, Confluence tại Pháp. Ở châu Á, Nhật là một trong những quốc gia tiên phong trong các sáng kiến xây dựng mô hình đô thị sinh thái. Điển hình là Khu Đô thị Fujisawa. Trung Quốc cũng đã có thành phố sinh thái Dongtan (Thượng Hải); Singapore có đô thị sinh thái Thiên Tân Sino...

    Nếu tiêu chí cây xanh ở châu Âu hiện là 25-50 m2/người thì ở châu Á thấp hơn, chỉ 8-10 m2. Riêng Singapore là 30 m2, Seoul là 41 m2. Trong khi đó, tại TP.HCM, Hà Nội, tỉ lệ đất cây xanh chưa tới 2 m2/người, bằng 2/7 tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành năm 2008 và bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới.

    Xu hướng đô thị sinh thái sẽ trở thành trào lưu quan trọng trong tương lai. Đặc biệt, tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ COP26 vào tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết của Việt Nam đối với nỗ lực chung của toàn cầu nhằm hướng đến mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ Trái đất ở ngưỡng 1,50C. 

    Để bảo vệ môi trường và cải thiện không gian sống, hướng đến phát triển bền vững, hiện nay, nhiều nhà đầu tư bất động sản khi triển khai các dự án chung cư, khu du lịch nghỉ dưỡng đã ý thức được vai trò lá phổi của cây xanh. Novaland đã áp dụng hệ thống công trình xanh EDGE của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) trong thiết kế và thi công dự án Aqua City (Đồng Nai) với chỉ tiêu cây xanh ước tính hơn 15 m2⁄người.  Hay bình quân cứ một cư dân ở Ecopark sẽ sở hữu riêng 120 cây xanh.

    Đặc biệt, ở dự án Masterise Homes còn tạo không gian xanh 3 lớp: công viên bên ngoài dự án, nội khu xanh mát và khu vườn xanh tại các căn hộ. Hay The Global City được kỳ vọng là “khu trung tâm mới” của TP.HCM, được phát triển theo tiêu chuẩn bền vững quốc tế, sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời, quản lý nước sạch để tiết kiệm năng lượng và tài nguyên.

    Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), những sản phẩm bất động sản trong các khu đô thị sinh thái thông minh có tính thanh khoản cao gấp 2 lần so với các dự án thông thường. Không những vậy, các dự án có quy hoạch bài bản, tạo thành khu đô thị đầy sức sống luôn có sức cạnh tranh cao và có giá bán cao vượt trội.

    Báo cáo của JLL từng cho biết, ở các tòa nhà đạt xếp hạng ESG (môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp), giá thuê bất động sản tăng đến 33% so với các tòa nhà không có chứng nhận xanh. Cũng theo JLL, các nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân ngày càng ý thức hơn về tác động xã hội và môi trường từ  quyết định đầu tư của mình. Rõ ràng, ESG là một tiêu chí vô cùng quan trọng.