Xây dựng tuyến phố ẩm thực trong khu phố cổ Hà Nội
Công ty cổ phần Đồng Xuân là đơn vị được giao thực hiện đề án.
Qua khảo sát các nhà mặt phố mở cửa hàng kinh doanh trên các tuyến phố Hàng Buồm- Hàng Giầy- Lương Ngọc Quyến- Mã Mây- Tạ Hiện, trong tổng số 159 cửa hàng có 47 cửa hàng kinh doanh ăn uống, chiếm 30%. Trên vỉa hè các tuyến phố này có 50 người bán hàng buổi tối.
Việc hình thành các nhà hàng ăn uống tự phát trên các tuyến phố nói trên với nhiều chủng loại phong phú đã đáp ứng được phần nào yêu cầu của du khách, nhất là du khách nước ngoài. Tuy nhiên, do chưa được qui hoạch nên các hàng ăn, giải khát sắp xếp tùy tiện, chèo kéo khách, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường không đảm bảo...
Do vậy, việc qui hoạch khu ẩm thực theo hướng văn minh, lịch sự trên cơ sở gìn giữ bảo tồn nét văn hóa ẩm thực lâu đời truyền thống của khu phố cổ là cần thiết.
Công ty cũng đã có nhiều cuộc họp bàn, khảo sát lấy ý kiến người dân trong khu vực tuyến phố đi bộ mở rộng và có gần 100% các hộ dân ủng hộ việc khôi phục và phát huy các giá trị ẩm thực truyền thống để phục vụ khách du lịch.
Trước đó, nhiều người cũng lo ngại về việc xây dựng phố ẩm thực tại khu bảo tồn cấp I do thất bại của khu ẩm thực Tống Duy Tân. Tuy nhiên, khu vực Tống Duy Tân không hút khách là do tách biệt với khu vực phố cổ và thiếu những không gian văn hóa truyền thống của Hà Nội. Trong khi, đa phần du khách quốc tế khi đến Hà Nội đều thích thú khám phá nhịp sống sôi động, tấp nập tại khu vực phố cổ.
Theo ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội: “Khu vực không gian đi bộ mở rộng tại khu phố cổ rất cần kết nối với phố ẩm thực Tống Duy Tân hoặc khai thác ẩm thực tại một số tuyến phố có nhiều món ăn nổi tiếng như Hàng Buồm, Tạ Hiện, Đào Duy Từ… để phục vụ du khách có nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi sau khi tham quan, mua sắm tại đây. Việc kết hợp hài hòa giữa không gian đi bộ, mua sắm với ẩm thực là cần, vấn đề tổ chức như thế nào cho đồng bộ, hấp dẫn”.
Nguồn TTXVN