Xây dựng Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc Khu phố Cổ Hà Nội
Hiện Sở Quy hoạch Kiến trúc đã cơ bản hoàn thiện quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc Khu phố Cổ Hà Nội theo đóng góp ý kiến của các đơn vị, cá nhân.
So với quy định tại Điều lệ tạm thời trước đây thì Quy chế lần này có các điểm mới chính như: Ngoài phạm vi, ranh giới Khu phố Cổ 82ha như quy hoạch được duyệt xác định trước đây, trong Quy chế này đề xuất không gian vùng đệm có quy mô 55,7ha nhằm bổ trợ chức năng, bổ sung hạ tầng khu vực cho Khu phố Cổ.
Quy chế đề xuất các không gian đặc trưng, giá trị của Khu phố Cổ cần được bảo tồn, gìn giữ như các tuyến phố chính, không gian mở, ô phố đặc trưng với loại hình kiến trúc giá trị chiếm đa số…
Căn cứ vào giá trị về không gian, cấu trúc quy hoạch đặc thù; trên cơ sở rà soát các loại hình công trình có giá trị và để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của khu Phố Cổ, Quy chế đề xuất 2 vùng với mục tiêu cụ thể: Vùng 1 (quy mô 28ha)- Bảo tồn tôn tạo, quản lý hạn chế xây dựng và Vùng 2 (quy mô 54 ha)- Phát triển, kiểm soát chức năng. Việc phân vùng này sẽ xác định rõ các khu vực cần tập trung bảo tồn và các khu vực được xem xét xây dựng nhằm ổn định hình thái chung khu vực và để khắc phục tình trạng công trình xây dựng lộn xộn như hiện nay.
Căn cứ quy hoạch chung, quy hoạch các khu vực liền kề, Quy chế đề xuất vùng phụ cận có quy mô 55,7ha, gồm 2 không gian:
Không gian Vùng phụ cận (quy mô 10,7ha bao gồm không gian từ Ranh giới Khu phố Cổ đến hết thửa đất lớp ngoài của các tuyến phố đường bao xung quanh Khu phố Cổ) nhằm kiểm soát không gian hài hòa giữa Khu phố Cổ với khu vực liền kề;
Không gian khu vực hỗ trợ chức năng hạ tầng, bên ngoài của Khu phố Cổ (quy mô 45ha bao gồm 02 phường ngoài đê: Phúc Xá, Chương Dương – phía Đông, không gian ngầm công viên Vạn Xuân – phía Bắc và phố Lý Nam Đế- phía Tây Khu phố Cổ) nhằm xác định các khu đất dự trữ cho việc hỗ trợ các chức năng còn thiếu, yếu trong Khu phố Cổ như trường học, bến bãi đỗ xe.
Quy chế cũng cập nhật và đưa ra cách ứng xử phù hợp đối với các nội dung hạ tầng kỹ thuật mới như đường sắt đô thị và hướng tới việc tổ chức đi bộ trong Khu phố Cổ.
Trên cơ sở phân loại, đánh giá các loại hình công trình kiến trúc trong Khu phố Cổ, Quy chế đề xuất không chỉ bảo tồn loại hình kiến trúc nhà truyền thống mà còn bổ sung hai loại hình kiến trúc giá trị: kiến trúc thuộc địa và kiến trúc trang trí với các quy định nhằm bảo tồn và phục hồi có kiểm soát các loại hình kiến trúc này thành đặc trưng kiến trúc công trình nhà ở Khu phố Cổ Hà Nội;
Quy chế lần này được xây dựng trên cơ sở rà soát Điều lệ tạm thời về Quản lý xây dựng, bảo tồn và tôn tạo Khu phố Cổ Hà Nội nhằm đảm bảo tính khả thi, sát với yêu cầu thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội Khu phố Cổ; khắc phục những tồn tại, hạn chế của Điều lệ qua 13 năm thực hiện.
Nguồn Kinh tế & Đô thị