Thứ Năm | 18/09/2014 15:00

Xây cầu vượt ở nút giao Phú Thượng đầu cầu Nhật Tân

Việc này nhằm đảm bảo cho các luồng phương tiện đi các hướng từ cầu Nhật Tân được thuận tiện.
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản gửi Bộ GTVT nhất trí chủ trương đầu tư cầu vượt dầm thép và tổ chức giao thông hoàn chỉnh khu vực nút giao Phú Thượng nhằm đảm bảo cho các luồng phương tiện đi các hướng được thuận tiện, nhất là các hướng đi lên và xuống cầu Nhật Tân. Cầu Nhật Tân dự kiến hoàn thành vào tháng 9 này.

Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội cũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT nghiên cứu thêm phương án: Đưa vị trí đầu cầu vượt vào giữa mặt cắt tuyến An Dương Vương và Âu Cơ; mở rộng mặt cắt cầu lên khoảng 9m.

"Trước mắt cho lưu thông một chiều từ cầu Nhật Tân về đường Thanh Niên nhưng về lâu dài có thể xem xét cho lưu thông 2 chiều nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng trong tương lai", văn bản nêu.

Nút giao Phú Thượng là giao cắt giữa đường Vành đai 2 với đường đê Hữu Hồng, được nghiên cứu trong dự án xây dựng cầu Nhật Tân từ năm 2006 tuân thủ theo Quy hoạch chung 108 của Thủ đô Hà Nội.

Theo kế hoạch, nút giao giai đoạn 1 được hình thành cùng với đường Vành đai 2 đoạn Nhật Tân – Bưởi – Cầu Giấy. Khi đường Đông Ngạc – Yên Phụ hình thành (dự kiến đến năm 2020), đường đê Hữu Hồng hiện nay sẽ không phải là đường chính trong mạng lưới giao thông nên nút được điều chỉnh để kết nối với đường Đông Ngạc – Yên Phụ.

Một cầu vượt trực thông trên đường Đông Ngạc – Yên Phụ đi vượt qua 2 điểm quay đầu và dưới cầu Nhật Tân. Bên cạnh đó, theo tiến trình quy hoạch 90 và 108 đường Hoàng Hoa Thám cũng sẽ được mở rộng lên 53,5m thu hút lưu lượng giao thông rất lớn từ cầu Nhật Tân về trung tâm Chính trị Ba Đình và trung tâm Thành phố.

Tuy nhiên, theo quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội và quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội tới năm 2030 tầm nhìn 2050, khu vực nút giao Phú Thượng có sự thay đổi. Tuyến đường trục chính sẽ đi phía ngoài đê đoạn từ An Dương Vương tới Phú Thượng và đi trùng đê đoạn Phú Thượng – cầu Thăng Long. Không hình thành trục nối Đông Ngạc – Yên Phụ là trục chính như trước đây. Khi đó, nút giao dự kiến sẽ được điều chỉnh theo hướng xây dựng một nhánh cầu rẽ phải trực tiếp từ đường đê Hữu Hồng theo quy hoạch lên cầu Nhật Tân, lưu lượng xe có nhu cầu từ trên cầu đi dọc đê về trung tâm sẽ theo nhánh rẽ bán hoa thị để vào đường đê quy hoạch.

Như vậy, đường đê hiện tại cũng không phải là đường chính. Trong khi nút giao Phú Thượng được tính toán trong điều kiện hình thành cùng với tuyến Vành đai 2 đoạn Nhật Tân – Bưởi – Cầu Giấy và tuyến đường Hoàng Hoa Thám được mở rộng trước năm 2015 để phân bổ lưu lượng giao thông từ cầu Nhật Tân về trung tâm chính trị Ba Đình.

Song, đến nay dự án đường Vành đai 2 đoạn Nhật Tân – Bưởi – Cầu Giấy chưa hoàn thiện; một số tuyến đường trong khu vực chưa được hoàn thành theo quy hoạch: Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Hoàng Tôn…tuyến đường trục chính bên ngoài đê Hữu Hồng chưa hình thành dẫn đến đường đê Hữu Hồng hiện tại tiếp tục là tuyến đường chính nối về Ba Đình. Do đó, các phương tiện từ cầu Nhật Tân xuống sẽ không thể đi theo hướng về Cầu Giấy và ngược lại.

Tuyến đường Hoàng Hoa Thám chưa được mở rộng theo quy hoạch và thực tế cũng khó có thể mở rộng trước năm 2020 dẫn tới một lượng lớn sẽ tập trung vào khu vực nút, tại các ngã ba kết nối với đường đê Hữu Hồng. Do vậy, nguy cơ ùn tắc tại nút là có thể xảy ra.

Nguồn Theo DVO/Hanoi.gov


Sự kiện