Bà Trang Bùi, Tổng Giám Đốc Cushman & Wakefield
Vốn lớn tiếp tục đổ vào bất động sản
"5 năm gần đây, dòng vốn đầu tư bất động sản tiếp tục tăng tại Hà Nội, TP.HCM và các thành phố vệ tinh, cho thấy, mặc dù thị trường bất động sản Việt Nam trầm lắng nhưng vẫn nhiều tiềm năng", bà Trang Bùi, Tổng Giám Đốc Cushman & Wakefield, cho biết hôm 4/4 tại Hà Nội.
Năm 2023, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai trong thu hút FDI với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỉ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Điều đó cho thấy, bên cạnh sự trầm lắng là thị trường tiềm năng với các nhà đầu tư nước ngoài.
Một số khoản đầu tư công bố, như Frasers Property Vietnam thông báo về việc hợp tác với Gelex Group, Tập đoàn đầu tư đa ngành trong nước, phát triển danh mục đầu tư các khu công nghiệp. Tổng mức đầu tư dự kiến 250 triệu USD.
Ngoài nhà đầu tư châu Á, sự quan tâm của nhà đầu tư châu Âu và Mỹ đến thị trường bất động sản Việt Nam cũng ngày càng tăng. Tiêu biểu là thương vụ Foxconn thuê thêm đất Việt Nam, tổng giá trị khoảng 100 triệu USD tại Khu công nghiệp Quang Châu và Khu công nghiệp WHA 1.
Cushman & Wakefield ghi nhận sự tăng tốc của các nhà đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam, căn cứ vào nền kinh tế vĩ mô, các chính sách liên quan, nhu cầu trong nước và những tiến bộ công nghệ theo bà Trang.
Thời điểm này, Hà Nội và 5 tỉnh trọng điểm miền Bắc đã trở nên vô cùng hấp dẫn, theo bà Trang. Khu vực này tiếp tục giữ vị trí top 10 trung tâm thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất Việt Nam, với lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 16,7 tỉ USD trong năm 2023, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Hoạt động sản xuất hàng hóa cơ bản tiếp tục được hưởng lợi từ làn sóng mở rộng đầu tư từ các nhà sản xuất lớn |
Cushman & Wakefield ghi nhận hai xu hướng rõ rệt đang diễn ra.
Thứ nhất, hoạt động sản xuất hàng hóa cơ bản tiếp tục được hưởng lợi từ làn sóng mở rộng đầu tư từ các nhà sản xuất lớn, như một phần trong quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng các doanh nghiệp toàn cầu.
Thứ hai, ngành sản xuất miền Bắc đang tiến lên chuỗi giá trị cao hơn sau khi đón nhận lượng đầu tư quy mô lớn vào lĩnh vực bán dẫn, điện tử và công nghệ cao.
Thị trường bất động sản Hà Nội và các tỉnh trọng điểm phía Bắc đã sẵn sàng tăng tốc đón dòng vốn đầu tư trong giai đoạn tiếp theo của chu kỳ phát triển. Tổng nguồn cung đất công nghiệp phía Bắc tính đến quý I/2024 đạt 14.600 ha từ 71 dự án. Chúng tôi kỳ vọng trong 10 năm tiếp theo, thị trường sẽ có thêm 69 dự án mới, nâng nguồn cung lên ít nhất 30.000 ha.
“Dòng vốn mới vào bất động sản ở Việt Nam sẽ đến từ các quỹ đầu tư là chính do họ nhìn thấy cơ hội”, bà Trang Bùi trao đổi với NCĐT.
“Quỹ lương hưu cũng sẽ nhắm vào thị trường Việt Nam, tập trung vào tác công ty có nền tảng kinh doanh ổn định”, bà nói. Một quỹ lương hưu của Đức lựa chọn đầu tư vào công ty quy mô lớn, đã có thành tựu và đưa ra chiến lược rõ ràng cho giai đoạn tiếp theo. Họ chủ yếu đầu tư qua trái phiếu.
Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cũng chỉ ra những trở ngại nhất định tác động lên dòng vốn đầu tư vào bất động sản ở Việt Nam.
Đầu tiên là hệ lụy từ vụ việc của Vạn Thịnh Phát khiến nhiều nhà đầu tư dừng lại quan sát, bởi đây là vụ việc gây trấn động thị trường châu Á – Thái Bình Dương. Kế đến, việc rót vốn vào các dự án vẫn đang chờ pháp lý hoàn thiện, liên quan đến hạ tầng và đền bù, giải tỏa. Việt Nam chưa có một bộ quy chuẩn cụ thể, rõ ràng cho loại hình khu công nghiệp xanh.
Có thể bạn quan tâm: