Việt kiều vẫn khó mua nhà!
Có hiệu lực từ ngày 1.7.2015, Luật Nhà ở năm 2014 có nhiều quy định thuận lợi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam. Tuy nhiên qua 2 tháng, chỉ mới có 9 trường hợp mua được nhà. Vì thế, vừa qua, nhiều đại diện kiều bào và cả một số công ty bất động sản đã xin Bộ Xây dựng nới thêm Luật tại hội thảo chủ đề “Mở nút thắt cho Việt kiều, người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam”.
3 nút thắt trong luật
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đã chỉ ra 3 nút thắt chính gây khó khăn cho cả kiều bào và người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.
Thứ nhất, quyền sở hữu nhà ở tối đa 50 năm đang gây khó cho cá nhân nước ngoài muốn bán, mua lại hay thừa kế nhà ở từ người nước ngoài khác. Luật mới quy định người sở hữu tiếp theo chỉ được sở hữu nhà trong khoảng thời gian còn lại. Chẳng hạn, nhà đã dùng hết 30 năm khi chuyển nhượng lại cho chủ mới chỉ còn 20 năm sử dụng. Hết 20 năm, họ phải tốn thêm tiền để kéo dài thêm thời gian sử dụng. Ông Châu đề nghị giữ nguyên thời hạn 50 năm khi mua bán lại nhà ở, đồng thời nếu muốn gia hạn thêm thời hạn sở hữu, cá nhân nước ngoài sẽ không phải chịu thêm chi phí nào khác.
Thứ hai, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu và nhiều đại diện ngành bất động sản cho rằng tỉ lệ sở hữu nhà của người nước ngoài không nên bị hạn chế ở mức 30% trong một tòa nhà chung cư, hay tối đa 250 biệt thự/nhà liền kề, theo khoản 1 Điều 159 trong Luật. Vì như thế sẽ hạn chế các nhà đầu tư lớn và các cao ốc phát triển chuyên biệt cho người nước ngoài, đặc biệt là ở những khu đông người nước ngoài như quận 2 và quận 7.
Thứ ba, Việt kiều vẫn bị làm khó khi chứng minh gốc gác người Việt. Theo Luật Nhà ở 2014, trước tiên đối tượng phải có giấy chứng nhận nguồn gốc người Việt như thẻ căn cước, tờ khai... Tuy nhiên, nhiều người đã làm thất lạc các giấy tờ trên. Ông Châu đề nghị cho phép chứng minh nguồn gốc bằng tờ khai của những người liên quan, có 2 nhân chứng tuyên thệ và chịu trách nhiệm về nguồn gốc của Việt kiều. Thêm vào đó, ông cũng xin Nhà nước cho phép Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM và Hà Nội được phép xác nhận nhân thân của Việt kiều, thay vì chỉ có mỗi Sở Tư pháp các tỉnh và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đảm nhận như hiện nay.
Ngoài ra, lý giải cho sự im ắng của kiều bào trên thị trường bất động sản gần đây, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng là do chậm ra Nghị định và Thông tư, dù Luật đã ra đời từ 2 tháng nay. Tâm lý chung của các công ty bất động sản và kiều bào vẫn là ngồi im chờ hướng dẫn ban hành. Thêm vào đó, nhiều người vẫn chưa rõ cách thức giao dịch và vay mượn tiền, vì theo Tiến sĩ Hiếu, 90% Việt kiều mua nhà bằng tiền vay chứ không phải tiền tiết kiệm như người Việt.
Công ty nên chủ động
Từ quan điểm của nhà đầu tư, ông Robert Trần, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tư vấn và Đầu tư Robenny, cho rằng các công ty bất động sản Việt Nam vẫn còn tư duy bán không được cho người Việt thì bán cho người nước ngoài. Theo quan sát cá nhân ông sau 40 năm sống ở Canada, Việt kiều chú trọng khâu hậu mãi và cả môi trường xung quanh nơi sống. “Ở nước ngoài, sau khi căn hộ đã bán, chủ đầu tư vẫn tiếp tục quảng cáo để nâng cấp khu nhà. Như vậy, chúng vẫn lên giá nhiều năm sau”, ông nói thêm. Kiểu mua đứt bán đoạn ở Việt Nam khiến người nước ngoài ngại đầu tư.
Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu gợi ý các công ty bất động sản cần phân khúc rõ khách hàng Việt kiều. Sản phẩm cần thêm vào những tiêu chí như tăng thêm tiện ích trong và ngoài căn hộ, thiết kế cảnh quan đẹp và nâng chuẩn xây dựng... Việt kiều cũng cần phân loại theo diện mua để đầu tư hay mua để ở. Vì nếu mua để đầu tư như cho thuê, thì sản phẩm còn cần mang lại lợi nhuận như tỉ lệ giá thuê/vốn đầu tư nên đạt từ 4-5%.
Hiện nay, theo nguồn tin từ Bộ Xây dựng, từ lúc thí điểm luật trên (năm 2009) đến nay, đã có khoảng 400 giao dịch bất động sản cho người nước ngoài được thực hiện thành công. Nhưng theo các chuyên gia, con số này vẫn là quá thấp so với kỳ vọng. Phía Bộ đã ghi nhận những ý kiến trên để bổ sung vào văn bản hướng dẫn, dự kiến ra trong tháng 9.
Thế Sơn