Vì sao người trẻ không mua nhà?
An cư lạc nghiệp, luôn mong muốn có một mái nhà để ổn định cuộc sống, là quan niệm sống của nhiều người dân Việt Nam. Vậy bạn nghĩ gì khi thấy một người thuê phòng trọ bình dân để tiết kiệm tiền nhưng sẵn sàng chi tiền mua một chiếc điện thoại gần 30 triệu đồng hay đi du lịch “như đi chợ”? Khoan kết luận họ phung phí bởi biết đâu người bạn đang gặp thuộc thế hệ mới của giới trẻ toàn cầu và đối với họ, nhà là một thứ rất “xa xỉ” và không phải là một mục tiêu sống còn trong cuộc sống.
Cho đến thời điểm hiện tại, có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động sở hữu nhà tại các thành phố công nghiệp như TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội... Doanh nghiệp bất động sản cũng tung ra các căn hộ giá rẻ, dành cho người thu nhập thấp. “Hằng năm, TP.HCM đón lượng người nhập cư rất lớn nên nhu cầu mua bất động sản của nhóm này rất nhiều, chiếm 30-40% tổng lượng giao dịch trên toàn hệ thống của chúng tôi”, ông Nguyễn Khánh Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Đất Xanh, cho biết.
Ngân hàng HSBC mới công bố cuộc khảo sát về nhu cầu nhà ở của giới trẻ toàn cầu trong báo cáo “Hơn cả một ngôi nhà”, với sự tham gia của hơn 10.000 người ở 10 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đối với những người hiện chưa sở hữu nhà, có đến 81% trong số họ dự định mua nhà trong vòng 5 năm tới, mặc dù tỉ lệ này có dao động lớn tùy theo quốc gia và vùng lãnh thổ. Chẳng hạn, ở Úc là 83%, Canada 82%, Trung Quốc 91%, Pháp 69%, Hồng Kông 68%, Malaysia và Mexico cùng là 94% và Mỹ 80%. Con số gần 40% người trẻ tham gia khảo sát hiện có nhà riêng chứng tỏ rằng giấc mơ sở hữu nhà của người trẻ trên toàn cầu vẫn có triển vọng thành hiện thực.
Tại Việt Nam hiện nay, nhu cầu sở hữu nhà ở tăng cao do đang trong giai đoạn dân số “vàng” và tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Hiện gần 1/3 dân số (32,8%) đang ở độ tuổi 25-45 và phân nửa trong số đó là thế hệ trẻ. Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đạt tỉ lệ 35% trong năm 2016 và ước đạt 40% tính đến năm 2020, đồng nghĩa với việc các trung tâm kinh tế như TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội và Hải Phòng sẽ trở thành nhà của khoảng 36 triệu dân trong vòng 4 năm tới. Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), tại Thành phố, mỗi năm có hơn 50.000 cặp vợ chồng trẻ mới kết hôn, kéo theo nhu cầu cao về nhà ở.
Tất nhiên, nếu có một ngôi nhà thì ai cũng thích nhưng không phải ai cũng có điều kiện để có một căn nhà riêng giá trị vài tỉ đồng. Khả năng mua nhà của người trẻ bị giới hạn bởi giá nhà tăng và họ chưa có kế hoạch tài chính hợp lý. Mặt khác, giấc mơ “an cư lạc nghiệp” sẽ bị trì hoãn đối với người trẻ tại những quốc gia đang phải vất vả đương đầu cùng lúc với tình trạng tăng trưởng lương chậm và giá nhà tăng.
Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ cũng theo xu hướng của thanh niên trên thế giới là không chú trọng vào sở hữu vật chất, mà chú trọng vào những trải nghiệm tinh thần, cuộc sống thoải mái, đặc biệt là được du lịch khắp thế giới. Các nhà xã hội học nhận định rằng, ở thế hệ millennial, đối với họ quan điểm thành công là phải có nhà, có xe hơi đã không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại. Khủng hoảng kinh tế, vật giá leo thang, trong khi lương lại tăng chậm và nếu mua nhà, mua xe trước mắt sẽ có thêm những khoản nợ trả dai dẳng trong thời gian dài. Những món nợ này khiến họ phải cắt giảm nhiều khoản chi tiêu như du lịch, quần áo, điện thoại sang trọng, kể cả vốn để khởi nghiệp. Một số nhà xã hội học cũng cho rằng, so với thế hệ của cha mẹ, giới trẻ hiện nay còn có thêm nhiều giá trị để theo đuổi hơn trong đó có giá trị phi vật chất.
Chẳng hạn, chị Thiên Hương, 23 tuổi, nhân viên văn phòng quận 3, TP.HCM có thu nhập 12 triệu đồng mỗi tháng. Chị có chồng là nhân viên công nghệ của một công ty tại quận 1, cũng có thu nhập khoảng 15 triệu đồng. Tuy nhiên, vợ chồng chị vẫn chọn ở nhà thuê tại quận 1 với giá thuê hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. “Chúng tôi thuê nhà ở trung tâm để hưởng các tiện ích tại đây, tiện việc đi lại. Chúng tôi cũng chưa có kế hoạch tích lũy mua nhà vì vẫn muốn tranh thủ đi đây đi đó khi còn trẻ”, chị Thiên Hương cho biết.
Thực tế, với tích lũy khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng, mỗi cặp vợ chồng phải mất khoảng 10 năm mới đủ tiền mua một căn nhà nhỏ, còn nếu lớn hơn thì thời gian tích lũy phải lên đến 15-20 năm. Còn nếu mua trả góp và vay ngân hàng, họ sẽ bị trói buộc trong khoản tiền lãi suất khá nặng nề, buộc phải giảm các khoản chi tiêu mà vốn dĩ cuộc sống bình thường họ được hưởng như xem phim, du lịch, phụ giúp gia đình. Đây chính là rào cản khiến nhiều gia đình trẻ “ngán ngẩm” khi nghĩ đến việc mua nhà.
Mặc dù vẫn có ý định mua nhà để ổn định cuộc sống sau khi lấy vợ, anh Hoàng Dũng, nhân viên văn phòng ở quận 5, vẫn chưa có lời giải cho bài toán tài chính và thấy phương án thuê nhà vẫn có lợi hơn nếu anh có trong tay 500 triệu đồng. Số tiền này, anh vẫn gửi ngân hàng để lấy lãi suất đang tăng lên, bù vào chi phí thuê nhà và tiếp tục tích lũy. Ngoài ra, anh cũng dự định dùng số tiền này để đầu tư, hơn là chạy theo tích sản không làm tăng lợi nhuận như xe, nhà...
“Bạn sẽ gắn bó với công việc của bạn trong bao lâu?”. Trước câu hỏi này, hầu hết sẽ trả lời rằng, nếu trong 1 hoặc vài năm sẽ nhảy việc, thì việc thuê nhà là thuận tiện nhất. Không bị trói buộc về vấn đề nhà cửa mà theo họ “thích là đi”. Tại một số tỉnh thành thu hút được người lao động nhập cư hiện nay như TP.HCM, Hà Nội..., xu hướng thay đổi công việc, kéo theo nhu cầu thay đổi chỗ ở cũng khiến giới trẻ vẫn thích ở nhà thuê hơn.
Đường tới những ngôi nhà đang chia làm nhiều ngả, giữa nhóm người vừa có điều kiện, vừa có nhu cầu mua nhà và nhóm người có hoặc không có điều kiện nhưng lại không muốn mua nhà.
Hoàng Quân