Khánh Đoan Thứ Tư | 10/05/2017 17:37

Văn phòng tương lai

Ý tưởng lớn nhất mà ngành công nghệ đưa ra chính là ý tưởng làm việc ở nhiều chỗ khác nhau trong văn phòng, chứ không ngồi cố định một chỗ.

Từ tầng thứ 62 của tòa tháp Salesforce Tower, cách mặt đất hơn 280m, những công trình nguy nga của San Francisco (Mỹ) trông thật nhỏ bé. Bay Bridge, Coit Tower và Palace of Fine Arts đều như những chú lùn khi đứng cạnh trụ sở bằng kính và thép mà sẽ là nơi đóng đô của hãng phần mềm Salesforce khi được hoàn thành vào cuối năm nay.

Không chỉ hãng công nghệ này dựng tượng đài cho mình. Các nhân viên của Apple cũng đã bắt đầu chuyển vào làm việc trong trụ sở mới của họ ở Cupertino, cách tòa nhà Salesforce Tower khoảng 70km. Đây là tòa nhà do Steve Jobs, cố CEO Apple, đưa ra ý tưởng. Tòa nhà có hình tròn gồm 4 tầng trông giống như một chiếc đĩa bay với một cái lỗ ở chính giữa và có cùng kích cỡ với Lầu Năm Góc. Với tổng chi phí xây dựng khoảng 5 tỉ USD, tòa nhà mới của Apple sẽ là trụ sở doanh nghiệp đắt đỏ nhất được xây dựng từ trước đến nay.

Khắp San Francisco và Thung lũng Silicon, các hãng công nghệ rủng rỉnh tiền đã hoặc đang dựng lên những tòa trụ sở đầy táo bạo, mang dáng dấp tương lai nhằm chuyển tải hình ảnh, vị thế thương hiệu của họ đến với nhân viên và khách hàng. Một ví dụ khác là hãng gọi xe Uber cũng thiết kế một tòa trụ sở hoàn toàn xuyên thấu, trong suốt. Uber dự kiến có một số khu vực bên trong và một công viên sẽ mở cửa cho công chúng tham quan.

Vẻ bên ngoài của các tòa nhà mới thường thu hút nhiều sự chú ý nhất, nhưng chính phần bên trong tòa nhà mới được quan sát kỹ hơn. Các tòa nhà mới nhất như của Apple chủ yếu vẫn còn trong vòng bí mật, nhưng dự kiến thiết kế bên trong sẽ rất tân tiến. Một phần là bởi cạnh tranh khốc liệt trong ngành công nghệ trong việc giành giật những nhân tài xuất sắc nhất, nên các doanh nghiệp đặc biệt muốn cho ra đời một môi trường hấp dẫn, mang lại hiệu suất cao cho nhân viên của mình. Nhưng những không gian văn phòng mới này cũng sẽ cho thấy cách làm việc cải tiến ra sao.

Ý tưởng lớn nhất mà ngành công nghệ đưa ra chính là ý tưởng làm việc ở nhiều chỗ khác nhau trong văn phòng, chứ không ngồi cố định một chỗ. Nhân viên có thể vẫn được phân cho một chỗ ngồi cố định nhưng họ không nhất thiết phải ở yên chỗ đó, mà thường xuyên đi sang các chỗ khác để làm nhiều công việc khác nhau. Có những “thư viện” mà nơi đó họ có thể yên tĩnh làm việc, cũng như quán cà phê và các chỗ ngồi ngoài trời dành cho họp hành và gọi điện thoại. Hai tầng cao nhất của Salesforce Tower, chẳng hạn, không chỉ sẽ được dùng làm văn phòng cho các nhà điều hành mà còn có một phòng rộng rãi, thoáng khí dành cho các nhân viên; ở đó nhân viên có thể làm việc chung với nhau và nhìn ra quang cảnh bên ngoài trong khi nhâm nhi một tách cà phê.

Một môi trường làm việc linh động sẽ cho phép các nhân viên có nhiều cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với nhau hơn. Điều đó có thể kích thích nảy ra những ý tưởng mới và những câu chuyện hợp tác đầy bất ngờ. Tòa nhà trung tâm của Facebook là văn phòng mở, không vách ngăn lớn nhất thế giới với mục đích khuyến khích nhân viên gặp gỡ nhau ở những khu sinh hoạt, làm việc chung và trong một khu vườn có mái rộng tới 9 mẫu. Các khu vực chung được thiết kế rất tự nhiên và bắt mắt. Trong khi đó, John Schoettler, đứng đầu mảng bất động sản ở Amazon, cho biết ông muốn các khu vực chung giống như phòng khách. Để văn phòng cho cảm giác như ở nhà, Salesforce có một nhà thiết kế giàu chuyên môn về bất động sản dân dụng, Elizabeth Pinkham thuộc Salesforce cho biết. Tại những khu vực chung ở văn phòng của Salesforce có tivi, ghế dài và kệ sách. Hình ảnh được đóng khung của một vài nhân viên cũng góp phần tạo cảm giác như ở nhà.

Ít chỗ làm việc cố định sẽ giảm được phần diện tích đắt đỏ dành cho mỗi nhân viên mà không khiến cho họ cảm thấy quá chật chội. Theo Randy Howder thuộc công ty thiết kế Gensler, các hãng công nghệ dành khoảng 14m2 cho mỗi nhân viên, ít hơn 25% so với các ngành khác. Các nhân viên trẻ tuổi được cho là làm việc hiệu quả hơn trong những không gian khác nhau. Tuy nhiên, một bất lợi là “bắt cặp” với đồng nghiệp có thể gặp khó khăn, bởi một nhân viên sẽ phải “định vị” người kia qua tin nhắn điện thoại hoặc ứng dụng nhắn tin.

Van phong tuong lai
 

Hơn nữa, các không gian làm việc cộng tác có thể tạo căng thẳng cho một số người, theo Louise Mozingo, Giáo sư kiến trúc tại Đại học California, Berkeley. Những nhân viên lớn tuổi tại các hãng công nghệ (khoảng 40 tuổi trở lên) có thể thấy khó khăn trong việc thích ứng với cách làm việc di chuyển vòng quanh suốt ngày và có thể cảm thấy khó chịu vì thường xuyên bị gián đoạn do môi trường làm việc không vách ngăn. Nhiều nhân viên của Facebook cho biết không thích văn phòng của họ vì quá ồn ào. Một số nhân viên Apple do dự chuyển sang làm việc ở trụ sở mới cũng vì lý do này. Nhiều người cũng bực bội vì phải đi bộ khoảng cách quá xa.

Đó có thể không phải là điều duy nhất khiến nhân viên lo lắng. Các hãng công nghệ ngày càng có xu hướng ứng dụng sản phẩm của chính họ tại nơi làm việc. Jensen Huang, CEO Nvidia, một công ty sản xuất chip, cho biết kế hoạch của ông là áp dụng phần mềm nhận diện khuôn mặt để vào cổng tại trụ sở mới, dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm nay. Nvidia cũng sẽ lắp đặt camera nhận diện món đồ ăn, thức uống nào nhân viên đem về từ căn tin và tính phí dựa trên đó, như vậy sẽ loại bỏ chuyện xếp hàng và quầy thu ngân. Hệ thống trí tuệ nhân tạo của Nvidia sẽ giám sát khi nào nhân viên đến sở và ra về. Mục đích, theo họ, là để điều chỉnh các hệ thống điều hòa của tòa nhà nhằm tiết kiệm năng lượng.

Dữ liệu mà các công ty thu thập được về hoạt động và những nơi đến của nhân viên sẽ trở nên cực kỳ chi tiết. Một cách khác để giám sát nhân viên là qua thiết bị di động do công ty cung cấp. “Mỗi nhân viên đều có thiết bị theo dõi riêng. Các hãng công nghệ không sớm thì muộn cũng sẽ tận dụng điều này”, Howder thuộc Gensler cho biết. Thậm chí ghế bàn trong văn phòng đang được thử nghiệm gắn cảm biến để các doanh nghiệp có thể kiểm soát tốt hơn khi nào nhân viên có mặt ở đó.

Rõ ràng, dù rằng các cảm biến, các hoạt động giám sát có thể giúp tiết kiệm điện hoặc giúp nhân viên tìm được phòng trống nhanh chóng để tổ chức một buổi họp, nhưng không thể không nghĩ đến việc những dữ liệu như thế có thể tạo ra một văn hóa giám sát, khiến nhân viên cảm thấy họ luôn bị theo dõi. “Các hãng công nghệ có thể là một chỉ báo cho thấy những gì sẽ xảy ra liên quan đến tính riêng tư tại nơi làm việc”, David Benjamin thuộc Autodesk, một công ty bán phần mềm cho kiến trúc sư và các khách hàng khác, nhận xét.

Khánh Đoan

Nguồn The Economist