Chủ Nhật | 29/06/2014 16:47

Từ 1/7 giảm 40 thủ tục hành chính về đất

Theo Luật đất đai 2013 có hiệu lực từ 1/7/2014 và văn bản hướng dẫn thi hành, thủ tục hành chính về đất giảm về số lượng và thời gian thực hiện.
Ông Nguyễn Mạnh Hiển, thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT), cho biết việc giảm thủ tục nhằm cải cách thủ tục hành chính và ông mong tinh thần này được triển khai đến tận các cơ quan thực hiện để người dân thật sự được hưởng lợi.

Không đăng ký đất sẽ bị phạt

Luật đất đai 2013 bắt buộc người sử dụng đất và người được giao quản lý đất phải đăng ký lần đầu và đăng ký biến động, không kể có đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (gọi là giấy chứng nhận) hay không.

Theo Bộ TN-MT, mục đích của việc đăng ký là để ghi nhận tình trạng pháp lý sử dụng đất trong thời điểm đăng ký. Như vậy, tất cả những người sử dụng đất đều phải đăng ký và Bộ TN-MT sẽ không tổ chức kê khai đất đai định kỳ như thời gian qua. Trường hợp người sử dụng đất chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất... thì phải đăng ký trong 30 ngày kể từ khi có biến động. Trường hợp thừa kế tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế, không đăng ký đúng thời hạn sẽ bị phạt.

Theo nghị định 43 (hướng dẫn thi hành Luật đất đai 2013), thủ tục đăng ký tương tự như thủ tục cấp giấy chứng nhận. Nếu người dân không có nhu cầu cấp giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận, cơ quan nhận đăng ký sẽ cập nhật thông tin thửa đất, tài sản gắn liền với đất, đăng ký vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.

Ngoài ra, nhiều thủ tục hành chính về nhà, đất cũng được rút ngắn thời gian thực hiện. Thủ tục giao đất, cho thuê đất trong thời hạn 20 ngày, chuyển mục đích sử dụng đất là 15 ngày, đăng ký đất đai, cấp giấy chủ quyền nhà, đất không quá 30 ngày (quy định hiện hành là 55 ngày)... Số lượng thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai cũng giảm còn khoảng 1/3 so với thực hiện thủ tục theo Luật đất đai 2003. Theo thống kê của Sở TN-MT TP.HCM, từ ngày 1/7 chỉ còn 23 thủ tục về đất đai thay thế cho 63 thủ tục hiện nay. Như vậy giảm 40 thủ tục hành chính so với quy định hiện hành.

Luật đất đai 2013 và các nghị định hướng dẫn công nhận thêm tám loại giấy tờ làm căn cứ để cấp giấy chứng nhận. Cụ thể như sổ mục kê, sổ kiến điền lập trước ngày Luật đất đai năm 1980 có hiệu lực (18/12/1980), những giấy tờ được lập trong quá trình đăng ký kê khai nhà, đất theo chỉ thị 299 năm 1980 của Thủ tướng, dự án hoặc danh sách, văn bản về di dân đi xây dựng khu kinh tế mới... Theo Bộ TN-MT, các loại giấy tờ này đã tồn tại trong thực tế nhưng các Luật đất đai trước quy định chưa đầy đủ nên người dân chưa được cấp giấy chủ quyền.

Hợp đồng thuê đất không phải công chứng

Theo quy định mới, chỉ những hợp đồng giao dịch về đất như chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là bắt buộc phải được công chứng hoặc chứng thực. Những hợp đồng giao dịch còn lại như cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp không bắt buộc phải công chứng, chứng thực. Các tổ chức kinh doanh bất động sản chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà và tài sản khác gắn liền với đất cũng không bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực hợp đồng. Các bên trong giao dịch có thể tự thỏa thuận về việc này.

Ở TP.HCM, hiện việc chứng thực hợp đồng giao dịch liên quan đến nhà, đất được giao cho các tổ chức hành nghề công chứng và UBND quận, huyện, xã, phường không chứng thực các hợp đồng này. Ông Hoàng Mạnh Thắng, phó phòng công chứng số 7 TP.HCM, cho rằng việc không bắt buộc công chứng hợp đồng thuê nhà trước mắt sẽ thuận lợi hơn cho người dân. Trên thực tế, nhiều thủ tục pháp lý của các ngành khác hiện nay vẫn đòi hỏi hợp đồng thuê nhà phải được công chứng, chứng thực như thủ tục cấp giấy phép kinh doanh... Nếu không sửa đổi những quy định khác cho phù hợp với Luật đất đai 2013 thì quy định này tuy có lợi cho dân nhưng sẽ khó áp dụng trong thực tế.

Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển đề nghị: “Các biểu mẫu để làm hồ sơ về nhà, đất phải rõ ràng, ngắn gọn, một mẫu có thể dùng được trong nhiều thủ tục và công khai trên mạng. Người dân có thể lấy biểu mẫu trên mạng hoặc photo để làm hồ sơ, thủ tục chứ không phải đến tận cơ quan cấp giấy để lấy mẫu hồ sơ. Ông Hiển cũng lưu ý các cơ quan chức năng: “Mẫu phải gọn, phổ biến và càng ít mẫu càng tốt. Loại giấy tờ nào cần UBND phường xác nhận mới buộc xác nhận, còn không thì thôi. Ngay cả những mẫu cần xác nhận mà phường không biết thì thôi, không buộc phải có để đỡ khó cho dân, hoặc bắt dân phải chờ đợi. Các thủ tục hành chính phải đơn giản để tránh trường hợp dân bị nhũng nhiễu”.

Theo Luật đất đai 2013, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chỉ còn một cấp ở tỉnh, trực thuộc sở TN-MT. Tại các quận, huyện sẽ có các chi nhánh của văn phòng đăng ký. Theo Bộ TN-MT, mô hình văn phòng đăng ký một cấp đã được thí điểm thành công tại Đà Nẵng, Hải Phòng và Đồng Nai. Trong tương lai, sở TN-MT sẽ là đầu mối theo dõi tất cả dữ liệu về biến động đất đai, trong đó có biến động do giao dịch.Theo Bộ TN-MT, cơ quan này sẽ đẩy mạnh công tác xây dựng dữ liệu nhà, đất cho các địa phương và tiến tới phương án người dân có thể đăng ký đất đai ở bất kỳ nơi nào trong phạm vi tỉnh, thành nơi có đất chứ không nhất thiết chỉ đến chi nhánh văn phòng đăng ký tại quận, huyện nơi mảnh đất tọa lạc để đăng ký.


Nguồn Tuổi trẻ


Sự kiện