Thứ Tư | 14/05/2014 15:08

TS. Alan Phan: Trung Quốc không cần lũng đoạn bất động sản Việt Nam

TS. Alan Phan đưa ra lý giải cho hiện tượng những người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán đều là những đại gia bất động sản.
Ngoài ra, nêu quan điểm về việc dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng mạnh trong lĩnh vực bất động sản, gấp 7 lần so với 2012, theo TS Alan Phan, việc thâu tóm hay lũng đoạn thị trường bất động sản Việt Nam hoàn toàn không cần thiết, họ đã đạt những mục tiêu họ muốn.
Lobby để tiếp tục nhận đãi ngộ

Tại diễn đàn kinh tế mùa xuân vừa được tổ chức, một vị chuyên gia kinh tế đã đưa ra nhận xét, những người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán đều là đại gia bất động sản. Điều này liệu có đồng nghĩa nền kinh tế Việt Nam đang lựa chọn bất động sản làm động lực phát triển, thưa ông? Nếu không như vậy thì phải hiểu thế nào về thực tế này?

Tại những quốc gia kém phát triển về công nghiệp và dịch vụ, thì lĩnh vực được giới đầu tư hâm mộ vì dễ làm và ít rủi ro do nhu cầu cao thường là bất động sản và thương mại nhỏ lẻ. Tuy nhiên, chính sách đất đai của giới nắm quyền lực và nền kinh tế dựa trên quan hệ với quan chức là 2 nhân tố chính đã tạo nên chu kỳ bong bóng bất động sản tại Việt Nam và Trung Quốc trong giai đoạn vừa qua.

Khi mổ xẻ sự giàu lên của các doanh nghiệp bất động sản, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã thẳng thắn chỉ rõ, đó là nhờ thu hồi đất của nông dân với giá rẻ, rồi bán lại cho người mua với giá cao tới hàng ngàn lần. Như vậy, sự giàu có của các đại gia bất động sản thực chất phải hiểu thế nào, có thể coi là sự thất thoát nguồn lực của đất nước hay không? Và nhiều chính sách của nhà nước đang tạo lợi thế cho các doanh nghiệp bất động sản hiện nay phải được hiểu thẳng thắn ra sao và vì lý do gì?

Đương nhiên là khi nguồn tiền ào ạt đổ vào một lĩnh vực của nền kinh tế thì các khu vực khác sẽ thiếu vốn đầu tư. Khi Chính phủ khuyến khích việc bán đất của nông dân làm nguồn thu thuế cho nhà nước, cộng với những lợi ích cá nhân khác từ sự liên kết của đại gia và quan chức thì bong bóng bất động sản phải phình ra trái ngược với những quy luật tự nhiên của kinh tế thị trường. Những người tham dự cuộc chơi này đã kiếm những khoản tiền lời khủng và khi bong bóng xẹp, họ không muốn mất lợi ích đang hưởng nên hết sức “lobby” (vận động hành lang) để Chính phủ tiếp tục đãi ngộ.

Thời gian gần đây, do kinh doanh thua lỗ, thị trường khó phục hồi, nhiều đại gia bất động sản đã chuyển hướng đầu sang nông nghiệp, vận tải… Đây có được coi là dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế hay tiềm ẩn nguy cơ chuyển lãi vào kinh doanh ngành mới, dồn thua lỗ bất động sản cho người mua nhà của các đại gia bất động sản? Liệu có cách nào để kiểm soát được việc này hay không, nếu không được thì hậu quả của việc nguồn lực chạy tứ tung như vậy sẽ do ai gánh chịu, thưa ông?

Nếu đã chấp nhận trò chơi của nền kinh tế thị trường thì phải để cho dòng tiền đầu tư chạy vào những nơi mà các doanh nghiệp tư nhân nghĩ là chỗ kiếm tiền hiệu quả nhất. Nếu họ tin vào những cơ hội khá lớn và khả năng quản trị của họ trong lĩnh vực nông nghiệp và vận tải…thì cứ để họ “đánh bạc” với tiền riêng từ túi họ.

Còn nếu Chính phủ phân tích là sự phát triển vĩ mô của kinh tế quốc gia cần công nghệ cao (hi-tech) hay du lịch chẳng hạn, thì chính sách phải hỗ trợ theo chiều hướng này. Tuy nhiên, hỗ trợ qua thuế khóa, huấn luyện, hoặc lãi suất… tuyệt đối không sử dụng tiền của dân để đầu tư và quản trị bất cứ doanh nghiệp nào.

“Cá lớn nuốt cá bé”

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng mạnh trong lĩnh vực bất động sản, gấp 7 lần so với 2012. Giữa lúc bất động sản đang thua lỗ nặng, các đại gia phải chuyển vốn sang cả nông sản để cố sống sót, hiện tượng dòng vốn FDI Trung Quốc lại tăng vốn vào đúng lĩnh vực này có được coi là họ thâu tóm dần và lũng đoạn thị trường bất động sản không, thưa ông? Đây có là mối họa lâu dài cho kinh tế Việt Nam không?
Kinh tế cạnh tranh toàn cầu đòi hỏi sự liên thông và tự do cho dòng tiền đầu tư. Chuyện “ngăn sông cấm chợ” như thời bao cấp chỉ đem lại những hệ quả ngược với kế hoạch. Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng lớn của “capital flight” (tiền chạy trốn) nên dòng vốn FDI chảy ra từ Trung Quốc rất lớn.

Tuy nhiên, các đại gia Trung Quốc vẫn mặn mà với các chỗ đến “tự do” như Âu Mỹ Úc hay Hong Kong, Singapore. Theo tôi quan sát, lượng tiền FDI của Trung Quốc đổ vào Việt Nam rất ít so với các nước khác, kể cả Indonesia hay Campuchia…

Thêm nữa, Trung Quốc đang kiểm soát chặt chẽ nền công nghiệp Việt Nam qua nguyên liệu, thành phẩm và thu về hơn 20 tỷ USD mỗi năm - số nhập siêu từ Trung Quốc của Việt Nam, nên việc thâu tóm hay lũng đoạn thị trường bất động sản hoàn toàn không cần thiết. Họ đã đạt những mục tiêu họ muốn.

Xét trên một khía cạnh khác, khi những đại gia bất động sản dồn lực vào kinh doanh những ngành nghề đó cũng tạo nên một sức ép không nhỏ cho các doanh nghiệp thuộc ngành này. Đây có được coi là sự cạnh tranh công bằng không, khi mà chúng ta đã phân tích rõ việc lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản đó đến từ đâu?

Một lần nữa, đây là cái giá phải trả cho nền kinh tế thị trường. Cá lớn luôn có lợi thế hơn cá bé. Tuy nhiên, nếu biết sáng tạo và cần cù kiên nhẫn, doanh nghiệp nhỏ vẫn có thể cạnh tranh hữu hiệu với các đồng nghiệp lớn, thậm chí thâu tóm cá lớn. Thị trường tự do của Mỹ là những minh chứng hùng hồn cho các "cá bé" như Facebook, Amazon, Google…đã lấn át các đàn anh khổng lồ như IBM, Sears, Microsoft, Nokia…Nền nông nghiệp của Israel, New Zealand…rất nhỏ so với những khủng long, nhưng họ đã tạo những thành quả tuyệt vời.

Theo ông, để xảy ra tình trạng nói trên, nguyên nhân là do đâu, ai phải chịu trách nhiệm về việc quản lý khiến mọi nguồn lợi về tay doanh nghiệp bất động sản, người dân gánh chịu như trên?

Chuyện làm ăn phi pháp và đầu cơ trục lợi của các đại gia Việt Nam qua sự chống lưng của quan chức là những chuyện đã và đang xảy ra và đã trở thành một vấn đề của pháp lý. Nếu Chính phủ muốn thi hành luật lệ thật nghiêm minh thì vấn nạn này sẽ giảm thiểu. Nếu không, thì tình trạng sẽ kéo dài.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Nguồn Đất Viêt


Sự kiện