Phần lớn chủ căn hộ dịch vụ gặp khó khăn trong việc tìm nhân sự bảo vệ và quản lý vì lao động về quê và đó là cơ hội của AirCity.

 
Huy Vũ Thứ Năm | 04/08/2022 07:00

Trợ thủ chủ căn hộ hậu COVID-19

Lê Hoàng Nhật một lần nữa khởi nghiệp với startup quản lý dịch vụ bất động sản bằng công nghệ mới nhất AirCity.

Trụ sở chính của AirCity đặt trên tầng thượng của một tòa nhà căn hộ dịch vụ ở quận 1, TP.HCM. Đó là căn phòng rộng khoảng 70 m2 với 10 nhân sự, tính luôn Lê Hoàng Nhật, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành AirCity nhưng đang quản lý 600 phòng cho thuê, chủ yếu ở TP.HCM. Đây là khởi đầu không tệ với một công ty mới hoạt động hồi đầu năm nay, sau khi nhận được đầu tư vòng tiền hạt giống từ quỹ Antler (Singapore). 

Giảm chi phí quản lý

 

Anh Nhật cho biết anh khởi động công ty ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các chủ nhà trọ bắt đầu kinh doanh trở lại và họ đang tìm kiếm các giải pháp quản lý hiệu quả và tiết kiệm hơn. Phần lớn chủ căn hộ dịch vụ gặp khó khăn trong việc tìm nhân sự bảo vệ và quản lý vì lao động về quê và đó là cơ hội của AirCity. Công ty cung cấp dịch vụ quản lý bằng công nghệ, theo đó việc “trông coi” căn hộ dựa vào hệ thống camera nhận dạng khuôn mặt, các quy trình thanh toán tiền nhà trọ, sửa chữa được số hóa và phân bổ, quản lý được thực hiện bằng ứng dụng các giải pháp công nghệ.

Với cách làm này, AirCity tự động hóa được 70% quy trình quản lý, thay vì sử dụng 3 người như trước kia thì nay sử dụng 1 người cùng 1 máy. Công ty cung cấp 3 gói dịch vụ là 3%/tổng doanh thu, 5%/tổng đoanh thu và gói cao nhất là 8%/tổng doanh thu bao gồm dịch vụ chuyên sâu và hỗ trợ bảo hiểm nợ xấu, bảo hiểm xe máy… “Dự kiến cuối năm nay chúng tôi sẽ đạt điểm hòa vốn”, anh Nhật nói.

Không dừng lại ở đó, bản chất của AirCity là công ty quản lý bất động sản ứng dụng công nghệ để giảm chi phí. Mô hình này không cạnh tranh trực tiếp mà hỗ trợ các đơn vị quản lý bất động sản truyền thống. Vì thế, căn hộ hạng B ở TP.HCM đang là mục tiêu mà Công ty hướng đến.

Mô hình AirCity khá tương đồng với Different (Úc). Công ty đã gọi được 25 triệu USD vào năm ngoái và đơn vị dẫn dắt vòng huy động này là Antler, nhà đầu tư hiện tại của AirCity. Các công ty trong lĩnh vực này ngoài doanh thu từ phí quản lý còn có dòng tiền đến từ dịch vụ sửa chữa, cho thuê, kết nối tài chính. Dù không lớn nhưng tính trung thành của khách hàng khá cao.

Với phân khúc quản lý chung cư, AirCity đang hợp tác với một số đơn vị quản lý căn hộ hạng B trở xuống trong giai đoạn thử nghiệm, anh Nhật cho biết. Một bài toán mà Công ty phải giải là giảm chi phí thanh toán khi đóng phí quản lý, tiền điện nước hằng tháng bằng quy trình thu thủ công hoặc tích hợp các ví điện tử, thì ban quản lý phải chịu khoảng 1% chi phí. Thông qua hệ thống AirCity, việc thanh toán được tích hợp trong mã QR Code và liên kết trực tiếp đến ngân hàng của khách hàng, từ đó cắt giảm chi phi khi thanh toán qua các dịch vụ trung gian. “Nếu mọi việc suôn sẻ, chúng tôi có thể đạt được mốc 2.000 phòng và căn hộ vào cuối năm nay”, anh Nhật nói.

Phiên bản hoàn thiện hơn

AirCity thực chất là phiên bản “cải tiến” của Ami, startup về phần mềm quản lý bất động sản cũng do chính Lê Hoàng Nhật thành lập cách đây 6 năm sau những thất bại do đánh giá chưa chính xác về thị trường.

Năm 2016, anh Nhật thành lập Ami khi thấy việc quản lý phòng trọ quá phức tạp, nhất là đối với các chủ nhà có nhiều căn hộ cho thuê. Thời gian đầu Công ty kinh doanh phần mềm quản lý bất động sản và tham vọng cung cấp dịch vụ cho các căn hộ hạng A trở lên.

 

Đó là chiến lược sai lầm. Với các dự án cao cấp, đơn vị quản lý có xu hướng tự xây dựng để đảm bảo chất lượng nên các công ty khởi nghiệp như Ami, “không biết tồn tại được bao lâu” theo lời kể của anh Nhật từ khách hàng, chưa bao giờ là lựa chọn của họ. Với các dự án căn hộ hạng B, việc cung cấp phần mềm đòi hỏi doanh nghiệp phải tốn chi phí đào tạo, vận hành và quan trọng hơn, chuyển đổi số thời điểm bấy giờ không nhiều đơn vị quan tâm nên giá cả có tốt đến đâu cũng không đủ hấp dẫn. “Phí phần mềm  từ 10.000 đồng/phòng hạ xuống còn 5.000/phòng cũng không mấy ai quan tâm”, anh Nhật nói.

Thế là Ami định vị lại, tấn công vào căn hộ dịch vụ, đội ngũ sáng lập với lợi thế phần cứng, bắt đầu kinh doanh thêm các dịch vụ IoT (internet vạn vật) như đồng hồ điện thông minh giá 1,8 triệu đồng/chiếc hay khóa vân tay điều khiển từ xa. Mô hình này giúp Ami quản lý hơn 1.500 phòng trọ, nhưng các dịch vụ công nghệ quá xa nhu cầu của khách hàng khiến Ami không thể đi xa hơn.

Cuối năm  2019, anh Nhật tham gia vào Houze Group (tiền thân là Housemap) với vai trò Giám đốc Công nghệ để phát triển đội ngũ công nghệ và xây dựng các ứng dụng liên quan đến hệ sinh thái bất động sản. Cuối năm 2021, anh ngừng cộng tác tại đây và khởi nghiệp lần nữa vì tin rằng lần này có thể làm tốt hơn khi giải quyết vấn đề theo cách hoàn toàn khác.

Đam mê triển khai công nghệ đến khách hàng nhưng sau các bài học có được từ 5 năm khởi nghiệp, Lê Hoàng Nhật nhận ra công nghệ tốt nhất là công nghệ mà người dùng không cần phải quan tâm đến chúng là gì. Với AirCity, anh không cố gắng giải thích ích lợi của công nghệ với khách hàng doanh nghiệp mà ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả để cung cấp dịch vụ tốt nhất với giá cả cạnh tranh nhất.

Theo Savills Việt Nam, đến năm 2024, TP.HCM sẽ có 120.000 căn hộ được đưa ra thị trường. Trong đó, tập khách hàng mà AirCity hướng đến là căn hộ hạng B và C chiếm lần lượt 54% và 37%. Đó là chưa kể các dự án hạng B, C đang tồn tại trên thị trường - một mảnh đất màu mỡ cho AirCity. “Chúng tôi tin rằng thị trường nào cũng có sức hấp dẫn riêng của nó. Dịch vụ quản lý bất động sản bằng công nghệ cũng vậy. Quan trọng là chúng tôi có lớn kịp theo thị trường không mà thôi. Cho nên hiện tại chúng tôi tập trung phát triển đội ngũ, văn hóa công ty và năng lực công nghệ để phục vụ khách hàng tốt nhất”, anh Nhật nói.